Sáng tạo từ đồ bỏ đi

Thứ hai - 10/04/2017 02:35
Từ những đồ vật hỏng, bị vứt bỏ, qua bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của những người trẻ đã biến thành vật dụng hữu ích.
Bộ bàn ghế làm từ xe đạp cũ của Quốc Tuấn.
Bộ bàn ghế làm từ xe đạp cũ của Quốc Tuấn.
Phạm Trung Thắng.
Thổi hồn vào vỏ trứng

Chàng trai Phạm Trung Thắng, sinh viên Trường ĐH dân lập Hải Phòng, cho hay chẳng hiểu vì sao lại “kết duyên” và bị những vỏ trứng hút hồn, để rồi có thể biến những điều không thể thành có thể.

Trong suốt 5 năm qua, với những vỏ trứng và bộ dụng cụ đơn giản là bút chì, tẩy, máy khoan, máy sấy tóc, chàng trai này đã cho ra đời vô số sản phẩm tinh xảo, đẹp đến từng milimet ở nhiều chủ đề. Có thể kể như: cây cỏ, hoa lá, công trình kiến trúc mang bản sắc vùng miền, các quốc gia, động vật, con người…
 
Những vỏ trứng được khắc vô cùng tinh xảo của Trung Thắng.
“Vỏ trứng là nguyên liệu dễ tìm kiếm. Cứ mỗi lần hoàn thành xong một tác phẩm, cảm giác rất khó tả. Vì vỏ trứng mỏng, rất dễ vỡ, chỉ cần một sai lầm nhỏ trong quá trình khắc vỏ trứng sẽ dẫn đến hỏng sản phẩm. Vì thế phải cẩn thận từng li từng tí. Đến khi thành quả ra đời thì rất tuyệt, giống như chinh phục được một điều gì đó cực khó”, Thắng kể.

Theo Thắng, mỗi sản phẩm tùy độ khó mà thời gian hoàn thành khác nhau. Có mẫu chỉ cần một, hai tiếng đồng hồ. Nhưng có mẫu đôi khi phải mất ba ngày mới xong, chẳng hạn như khắc bàn cờ vua với đủ các quân cờ trên vỏ trứng.

Cũng nhờ tài năng khắc trứng nghệ thuật mà chàng trai này đã có thu nhập đáng kể. “Người đặt hàng rất nhiều, có thời điểm nhiều doanh nghiệp đặt số lượng lớn nên thu nhập khoảng 10 - 20 triệu đồng”, Thắng cho hay và khẳng định: “Với những đồ phế thải, nếu biết tận dụng để chế tác, sáng tạo thì chúng có thể trở thành những tác phẩm nghệ thuật”.

Chàng trai sáng tạo

Nguyễn Quang Huy, sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, cũng có thể sáng tạo đồ bỏ đi thành những sản phẩm giá trị.
 
Nguyễn Quang Huy.
Từ những que kem, gỗ vụn… khi được lượm lại, rửa sạch, Huy có thể “biến” chúng thành mô hình máy bay B52, thuyền ngọc trai đen, tàu Titanic hay người gỗ. Hoặc với những bóng đèn, chai lọ thủy tinh, chàng trai này có thể biến thành đại dương mênh mông và lọt thỏm vào bên trong bóng đèn là mô hình những con thuyền. Hay chỉ cần vài miếng nhôm gỉ, cái bánh xe bị hỏng từ đồ chơi con nít, Huy có thể tạo ra mô hình xe Vespa đẹp tuyệt vời…
 
Những sáng tạo từ phế liệu của Quang Huy - Ảnh: X.P
Huy cho rằng, để tạo ra một sản phẩm từ phế thải không khó, cái chính là tìm được thứ gợi cho mình cảm hứng. Sau khi làm ra được sản phẩm, Huy khoe trên trang cá nhân Facebook. “Không ngờ được mọi người thích thú, đặt mua nên làm bán luôn”, Huy nói. Đặc biệt, sản phẩm của Huy làm ra luôn hút khách và “cháy hàng” mỗi khi giới thiệu ở các hội chợ nghệ thuật dành cho giới trẻ…

Bàn ghế từ xe đạp cũ

Đây là sáng tạo của Huỳnh Quốc Tuấn (21 tuổi), sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Tuấn kể từ nhỏ đã luôn theo đuổi sự sáng tạo. Vì thế Tuấn hay tìm kiếm, lục lọi những đồ bỏ đi trong nhà, những đống rác để nghiên cứu, thiết kế, tạo nên những sản phẩm có giá trị.
 
Huỳnh Quốc Tuấn - Ảnh: nhân vật cung cấp

Đến khi trường phát động cuộc thi kiến tạo không gian xanh nhằm bảo vệ môi trường, chàng trai này liền nghĩ đến việc “phải làm điều gì đó để tham gia”. Trong thời gian suy nghĩ, Tuấn chợt thấy hình ảnh chiếc xe đạp lạc lõng giữa dòng xe máy, ô tô hiện đại giữa Sài Gòn. “Thế là ý tưởng thực hiện bộ bàn ghế bằng xe đạp cũ xuất hiện”, Tuấn nói.

Tuấn cố gắng rong ruổi khắp nơi, tìm ở nhiều tiệm sửa xe để mua xe đạp cũ không thể sử dụng, sau đó đem về và mày mò ghép nối bằng sự tưởng tượng.

Đối với chiếc ghế, Tuấn sử dụng khung xe đạp để lắp ráp. Chân ghế được làm từ bốn ống sắt tròn nhỏ với hình dáng cong hài hòa. Ngoài ra, hai bên thành ghế được nối lại thành chỗ dựa vững chắc.

Sản phẩm trên được Tuấn đặt tên là Thời gian. “Sản phẩm sử dụng vật liệu cũ phối hợp phong cách mới, được sử dụng tông màu đen, vàng nhằm tôn thêm sự sang trọng nhưng đơn giản, gần gũi. Qua sản phẩm này, mình muốn khuyến khích mọi người nên tái sử dụng nhưng gì bỏ đi và hạn chế rác thải, giúp môi trường xanh đẹp hơn”, Tuấn chia sẻ.

Tuấn khoe sản phẩm Thời gian đã được bạn bè dành nhiều lời khen, đồng thời được các giảng viên đánh giá tốt về ý tưởng độc đáo, mới lạ, cũng như có ý nghĩa thực tiễn, mang tính ứng dụng cao. Nhiều người đã hỏi mua nhưng Tuấn không bán.


 
(Theo Thanh niên Online)

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây