KHỞI NGHIỆP TỪ 40 TRIỆU ĐỒNG
Chúng tôi gặp Sanh vào một buổi sáng đầu năm khi anh vác lưới mùng, cây cọc ra 2 hồ tôm diện tích 20.000m2 ở đầm Ô Loan (xã An Cư) để đóng cọc, quây lưới bốn bờ hồ chuẩn bị cho vụ thả tôm sú nuôi xen cua xanh sắp tới. Sanh cho biết để tránh tình trạng hao hụt tôm, cua nuôi theo nguồn nước thủy triều ra đầm, trước khi thả con giống, ai cũng phải quây lưới như vậy. Nhìn xuống các hồ nuôi thấy rất nhiều tôm, cá, rong, ốc… Như đọc được ý nghĩ của tôi, Sanh nói: “Đây là nguồn thức ăn dồi dào cho cua xanh và tôm sú mà tôi sắp thả nuôi trong vụ mới này. Nhờ lượng thức ăn tự nhiên đó nên không phải tốn tiền mua thức ăn cho tôm, cua hàng ngày”.
Trước đây, ba mẹ Sanh nuôi tôm thất bại nên bỏ hoang hồ nuôi. Khi lớn lên, để vực dậy kinh tế gia đình, anh quyết định vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tuy An đầu tư nuôi tôm sú xen cua xanh. “Từ số tiền vay được, vụ đầu tiên tôi thả 200 cua xanh và 50.000 con tôm sú. Sau hơn hai tháng dày công chăm sóc, xuất bán lãi gần 30 triệu đồng”, Sanh phấn khởi.
Khởi đầu thuận lợi đã tạo động lực rất lớn cho Sanh đầu tư tiếp vụ sau. Cứ thế đến nay, anh thả 120.000 con (12 vạn) tôm sú và xen canh 1.200 con cua xanh, thu nhập khoảng 70 triệu đồng/năm. Sanh chia sẻ: “Nuôi tôm sú xen cua xanh mỗi năm chỉ có hai vụ. Vụ đầu tiên nuôi từ cuối tháng 11 âm lịch đến cuối tháng 1 xuất bán. Vụ thứ hai, từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch xuất bán. Sở dĩ vụ nuôi thứ hai kéo giãn thời gian là do thời tiết ổn định, thức ăn không tốn kém do tôm, cua nuôi ăn các loại thức ăn tự nhiên trong hồ nên thả con giống ở mật độ dày hơn, sau đó thu hoạch tỉa. Nuôi theo kiểu tự nhiên như thế nên lượng tôm sú, cua xanh không bị hao hụt nhiều, chi phí thấp, lãi rất cao”.
TRỞ THÀNH ÔNG CHỦ TRẺ
Khi vực dậy được kinh tế gia đình và có tiền tích lũy, năm 2015, sau khi tìm hiểu kỹ càng, Sanh quyết định thành lập doanh nghiệp sản xuất nước tinh khiết do anh làm giám đốc. Anh đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt linh kiện, hệ thống lọc nước tinh khiết với số tiền 500 triệu đồng. Ban đầu sản phẩm mới ra còn “lạ nước lạ cái”, Sanh kiêm luôn nhân viên tiếp thị để bán sản phẩm cho những hộ dân ở các xã lân cận, sau đó mở rộng ra toàn huyện và phát triển đến huyện Đồng Xuân. Hiện mỗi ngày doanh nghiệp của Sanh cung ứng ra thị trường hàng trăm bình nước tinh khiết đạt chuẩn. Sanh cho biết: “Bây giờ sản phẩm của doanh nghiệp tôi được nhiều người chọn mua và có chỗ đứng trên thị trường, không chỉ bỏ cho các đại lý mà nhiều trường học trong và ngoài huyện cũng đã đặt hàng với số lượng lớn. Vì thế, công tác tiếp thị bây giờ không còn vất vả như trước nữa và thu nhập của doanh nghiệp ngày một tăng lên”.
Từ ngày thành lập doanh nghiệp, Sanh đã tạo việc làm ổn định cho 5 lao động là người địa phương, với mức lương từ 2,5-4,5 triệu đồng/tháng/người. Ngoài ra, với vai trò là Phó Bí thư Xã Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN xã An Cư, Nguyễn Tấn Sanh không chỉ “truyền lửa” cho thanh niên cách làm ăn phát triển kinh tế gia đình mà còn làm cầu nối để các bạn tiếp cận được các nguồn vốn vay phát triển kinh tế. Chị Phạm Thị Kim Đính ở thôn Tân Long, xã An Cư cho hay: “Trước đây gia đình khó khăn nên tôi không được học hành đến nơi đến chốn. Sau khi sinh con, do không có việc gì làm nên tôi ở nhà, cuộc sống càng vất vả. Từ ngày anh Sanh nhận vào làm công việc súc bình và xử lý bình nước cũ, tôi có được thu nhập ổn định, giúp cải thiện đời sống gia đình”.
“Nguyễn Tấn Sanh là cán bộ Đoàn, Hội năng nổ, biết vượt khó nỗ lực làm ăn, vươn lên thoát nghèo và trở thành ông chủ trẻ. Sanh không chỉ biết cách truyền lửa và tạo điều kiện cho một số thanh niên làm ăn phát triển kinh tế mà còn tài trợ tiền, nước uống cho một số cơ sở Đoàn để tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, nhất là công tác an sinh xã hội. Anh là thanh niên duy nhất ở Phú Yên và cũng là một trong 86 “Nhà nông trẻ xuất sắc” trong toàn quốc được Trung ương Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của vào cuối năm 2017”, Phó Bí thư Huyện Đoàn Tuy An Lê Hoàng Trung cho biết. |
Trung Hiếu
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn