Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm lo cho mọi người khi Xuân về Tết đến
Mỗi độ Xuân về, chúng ta lại bồi hồi nhớ lời Bác Hồ “Chào Xuân”:
Ngày Xuân 28/1/1941 (Xuân Tân Tỵ), Đất nước đón một Người con của dân tộc, Đảng đón người sáng lập ra mình, trước đó 30 năm Người đi tìm chân lý để về giúp đồng bào. Bác trở về, Đảng có người trực tiếp giao dục, rèn luyện, dẫn lối đưa đường, nên 15 tuổi làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam và đặt cơ sở cho những thắng lợi vẻ vang về sau của Cách mạng Việt Nam; 45 tuổi thống nhất được giang sơn, đưa giang sơn về một mối chung sức, đồng lòng xây dựng Việt Nam đàng hoàng, to đẹp; 56 tuổi làm cuộc đổi mới để tạo đà cho Việt Nam ta phát triển mạnh trong thế kỷ 21.
Hơn 4 năm sau kể từ ngày Xuân Tân Tỵ - ngày Bác Hồ đặt chân về giữa lòng Tổ quốc thân yêu, ngày 2/9/1945, sơn hà của Tổ quốc đã được thu về một mối, từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau. Bác Hồ trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Xuân độc lập đầu tiên, Xuân Bính Tuất năm 1946, đúng giờ giao thừa, khi Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi khắp đất nước lời chúc mừng năm mới của Bác Hồ, thì chính Người lại đang vui Xuân cùng nhân dân yêu quý của mình tại Đền Ngọc Sơn, trong vai một cụ già theo cháu đi hái lộc. Lần đầu tiên nhân dân Hà Nội, nhân dân cả nước, được hưởng một mùa Xuân mới mẻ, giao thừa được nghe Bác Hồ đọc Thơ chúc Tết. Và, cũng bắt đầu từ đây vào ngày cuối cùng của năm cũ, ai nấy đều mong phút giao thừa đến để được nghe Thơ chúc Tết của Bác Hồ - những vần thơ rung động mọi trái tim, mang đậm tình cảm sắc thái của dân tộc và nhân loại. Và trong giờ phút giao thừa đó, Bác Hồ biết rất rõ rằng mọi người lắng nghe Bác đọc Thơ với tất cả tâm hồn mình, hình như Bác đang nói với mình.
Kể từ mùa Xuân độc lập đầu tiên đó, suốt 24 năm làm Chủ tịch nước, nỗi lần Tết đến, Xuân về Bác mong cho đất nước càng ngày càng Xuân bằng việc làm thiết thực kêu gọi mọi người thực hiện “Tết trồng cây”. “Tết trồng cây” là công việc mà Bác Hồ đã kêu gọi toàn dân từ tháng 11/1959, tưởng như rất bình thường nhưng cùng với thời gian chúng ta càng thấy ở đó những ý nghĩa sâu xa bắt nguồn từ truyền thống lâu đời của dân tộc cũng như những ý tưởng đi trước thời đại trong việc giữ gìn môi trường thiên nhiên.
“Tết trồng cây” đưa đến cho mỗi người, mỗi gia đình việc làm, niềm vui trong tình cảm truyền thống Việt Nam đón Tết cổ truyền dân tộc “vui Tết trồng cây, nơi nơi phấn khởi, người người thi đua”. “Mùa Xuân là Tết trồng cây”, chính là loài người lợi dụng cái luật tự nhiên của tạo hóa để làm sôi động cuộc sống của tạo hóa, của con người, cho nên “Tết trồng cây mùa Xuân thì trời vui, đất vui, người càng vui”...
Điều Bác dạy ta Tết trồng cây là vậy, việc Bác làm để nêu gương sáng là Tết năm 1960 - Tết mừng Đảng ta 30 tuổi trẻ, mừng Nhà nước ta 15 Xuân xanh, Bác Hồ đi trồng cây tại Công viên Hồ Bảy mẫu (nay là Công viên Thống Nhất). Bắt đầu từ bấy đến nay và mãi mãi về sau, Bác Hồ cho chúng ta những mùa Xuân có ý nghĩa nhân văn: Cứ ngày Tết đến, đất nước, nhân dân lại nô nức Tết trồng cây mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước; và để đền ơn trả nghĩa công lao Bác Hồ đã cho ta “mùa Xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”.
Suốt 24 năm làm Chủ tịch nước, mỗi lần Tết đến, Xuân về Bác Hồ lại nghĩ đến dân, lo sao cho dân có một mùa Xuân ấm no, hạnh phúc. Thường thì trước Tết 3 tháng Bác đã nhắc các cơ quan, các ngành chuẩn bị Tết cho dân. Riêng Bác cũng tự mình chuẩn bị sớm: Tìm ý thơ cho bài Thơ mừng năm mới; Soạn thảo bài viết “Tết trồng cây”; và cuối cùng là một chương trình đi thăm dân không thể thiếu đối với Bác - Một chương trình riêng mà chỉ có Bác và các đồng chí cảnh vệ biết.
Nhớ Bác Hồ, trong cuộc “vi hành” đêm 30 Tết Bính Tuất (1946) của mùa Xuân độc lập đầu tiên, Bác đã chứng kiến cảnh gia đình một người đạp xích lô Tết mà không có Tết ngoài một nén hương đang cháy dở trên bàn, còn chủ nhà thì đang nằm đắp chiếu mê mệt vì ốm. Bác đã xúc động lấy khăn lau nước mắt, lặng lẽ bước ra khỏi nhà bảo đồng chí thư ký ghi lại địa chỉ để hôm sau báo lại cho đồng chí chủ tịch Hà Nội biết; Nhớ Bác Hồ, tối 30 Tết Canh Tý (1960), Bác đến thăm gia đình mẹ con chị Tin, một lao động nghèo ở phố Hàng Chĩnh Hà Nội; Chiều mồng 2 Tết Tân Sửu (1961), Bác đến Văn Miếu dự buổi bình thơ Xuân của các cụ; Mùng 2 Tết Nhâm Dần (1962), Bác đến thăm các cháu học sinh ở Hải Phòng; Chiều 29 Tết Quý Mão (1963), Bác cải trang thành một cụ già theo cháu đi chợ hoa và chợ Đồng Xuân... tất cả đều bí mật, bất ngờ và bao giờ cũng biết tình cảm thật của người dân.
Như Tết năm 1960, nếu Bác chỉ đến thăm các gia đình theo chương trình của các cơ quan bố trí thì làm sao Chủ Tịch nước biết được gần đến giao thừa rồi mà chị Tin vẫn phải đi gánh nước thuê, đổi gạo để sáng mai mồng một Tết có cơm ăn cho bốn đứa con của mình. Bác vào nhà thăm hỏi mẹ con chị Tin. (Chồng chị Tin là một công nhân khuân vác ở bến Phà Đen đã mất cách đó bốn năm. Còn chị cho đến lúc này vẫn chưa có việc làm ổn định). Gọi là nhà nhưng đâu có phải là nhà mà là một cái chài như một túp lều. Cảnh nghèo của gia đình đã phũ phàng bày ra trước mắt Bác. Trên cái bàn gỗ mục chỉ có một nải chuối xanh và một nén hương. Bốn đứa nhỏ, đứa lớn nhất mới 10 tuổi đang ngồi trên giường chia nhau một gói kẹo. Bác đã nói với những người phục vụ, bảo vệ đi cùng về nỗi lòng mình: Đúng là Ba mươi Tết mà không có Tết. Vậy còn bao nhiêu gia đình như thế này ở khắp mọi miền đất nước? Cứ ngồi nghe báo cáo thì đâu cũng là no ấm, tươi vui... Về đến nhà, các đồng chí Bộ Chính trị đang chờ Bác để chúc mừng năm mới. Mọi người băn khoăn khi thấy Bác không vui. Bác kể lại hoàn cảnh chị Tin cho mọi người nghe. Cuối câu chuyện Bác nói: “Ta có chính quyền trong tay, nhưng chính quyền đó chưa thực sự là do dân, vì dân. Một số lãnh đạo các địa phương đã quan liêu và nặng về hình thức. Họ không chịu đi sâu, đi sát quần chúng, nên phục vụ quần chúng chưa tốt. Nếu chúng ta chỉ nghe báo cáo của họ thì sẽ không bao giờ nắm được chính xác tình hình để có chủ trương, nghị quyết đúng đắn. Đảng quan liêu, Chính quyền quan liêu thực sự là một nguy cơ đối với đất nước chúng ta”.
Cứ mỗi mùa Xuân đến, cùng với việc nghĩ đến dân, bao giờ Bác cũng nghĩ đến Đảng. Phải chăng chính Bác là người đã sáng lập ra Đảng vào đúng mùa Xuân. Bác nghĩ đến Đảng với lòng tự hào, nhưng cũng đầy lo âu. Nhất là từ khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền, một bộ phận không ít cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất làm giảm sút uy tín của Đảng và gây nên những tổn thất đáng kể đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Là một lãnh tụ có tàm nhìn xa rộng, Bác đã dự báo rất sớm nguy cơ này đối với tất cả đảng viên của Đảng kể cả với Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị.
Mùa Xuân năm 1965, tại Hội nghị bồi dưỡng chỉnh huấn do trung ương triệu tập, Bác đã nói lên những lời tâm huyết: “Muốn giữ gìn sự trong sáng của chủ ghĩa Mác - Lê nin thì trước hết phải tự mình trong sáng. Muốn đánh thắng kẻ thù là chủ nghĩa đế quốc, muốn xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội thì trước hết phải chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi chúng ta”.
Từ diễn đàn của hội nghị, Bác đã nghiêm khắc phê phán những cán bộ đảng viên có chức, có quyền mà thoái hóa biến chất.”Ở cương vị phụ trách thì cho mình có quyền hơn hết thẩy, định đoạt mọi việc; ở ngành nào, địa phương nào thì coi như một giang sơn riêng, không biết lơi ích toàn cục, họ coi thường những quyết định của tổ chức, họ là những “ông quan liêu” chỉ thích dùng mệnh lệnh đối với đồng chí và nhân dân. Số người đó coi Đảng như một cái cầu thang để thăng quan phát tài. Họ không quan tâm đến đời sống của nhân dân mà chỉ lo nghĩ đến lợi ích của riêng mình. Họ quên rằng mỗi đồng tiền, hạt gạo đều là mồ hôi, nước mắt của nhân dân, do đó mà sinh ra phô trương, lãng phí. Họ tự cho mình sống xa hoa, hưởng lạc, từ đó mà đi đến tham ô truy lạc, thậm chí xa vào tội lỗi... ”
Những lời nói chân tình của Bác từ mùa Xuân năm ấy như đang nhắn nhủ với chúng ta hôm nay.
15 năm Bác Hồ ở và làm việc tại khu Phủ Chủ tịch, năm nào cũng vậy, Bác vẫn mời những đồng chí trực tiếp phục vụ Bác, những chiến sĩ công an trực tiếp bảo vệ Bác ăn bữa cơm tất niên vào ngày Tết cổ truyền dân tộc bằng những đồng tiền nhuận bút và tiết kiệm của Bác và cho chụp ảnh kỷ niệm với Bác. Những Tết mà Bác đi công tác xa thì Bác giao cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm việc này.
Đó là sự chăm lo đầy tình thương của người Ông, người Bác, người Cha. Thật là công Bác vô cùng, trả công Người không dễ./.
THEO DÒNG LỊCH SỬ
- 01/01/1914: Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
- 01/01/1959: Quốc khánh Nước Cộng hòa Cuba.
- 06/01/1946: Ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam
dân chủ cộng hòa.
- 07/01/1979: Ngày chiến thắng Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ
quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng.
- 09/01/1950: Ngày truyền thống học sinh, sinh viên.
- 27/01/1973: Ngày Ký hiệp định Paris.
- 29/01/1258: Ngày chiến thắng Nguyên-Mông lần thứ nhất.
- 03/02/1930: Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
- 07/02/1418: Ngày Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn.
- 15/02/1943: Ngày mất anh Kim Đồng - Người đội viên đầu tiên của Đội Nhi
đồng cứu quốc (tiền thân của Đội TNTP Hồ Chí Minh).
- 17/02/1979: Kỷ niệm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
- 27/02/1955: Ngày Thầy thuốc Việt Nam.
09/01/1950: NGÀY TRUYỀN THỐNG HỌC SINH, SINH VIÊN
Hơn nửa thế kỷ qua, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, phong trào học sinh, sinh viên và tổ chức Hội sinh viên Việt Nam đã có những cống hiến xuất sắc và trưởng thành vượt bậc qua các thời kỳ lịch sử cách mạng, là niềm tự hào của thế hệ học sinh, sinh viên ngày nay.
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường sau Cách mạng Tháng Tám 1945: “… Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em…” và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo đã cổ vũ học sinh, sinh viên nước ta thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt và tình nguyện chung sức cùng cộng đồng.
Trong giai đoạn 1925-1945, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giác ngộ, các tổ chức học sinh, sinh viên yêu nước lần lượt ra đời, như: Tổ chức Học sinh Đoàn, Đội Ngô Quyền, Tổng Hội Sinh viên đã lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên dưới ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Tự hào đối với các thế hệ học sinh, sinh viên là việc thành lập chi bộ Đảng đầu tiên, thành lập và hợp nhất các tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng Sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn và các chi bộ Đoàn, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản mà hầu hết đảng viên, đoàn viên đều là những đồng chí xuất thân từ học sinh, sinh viên, như: Trần Phú, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng…
Ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bí mật về nước để cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, cuộc vận động hình thành Tổng Hội Sinh viên hoạt động công khai nhằm liên kết lực lượng sinh viên yêu nước, có cảm tình với cách mạng. Cùng với sự phát triển của phong trào sinh viên, phong trào học sinh các trường trung học ngoài Bắc, trong Nam cũng phát triển ngày càng mạnh bởi được ảnh hưởng của cuộc đấu tranh chung do Mặt trận Việt Minh và các Đoàn thể cứu quốc hướng dẫn.
Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã giành thắng lợi hoàn toàn. Đó là thành quả to lớn của cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, trong đó các tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên có nhiều đóng góp xứng đáng, với biết bao tấm gương anh dũng, kiên cường đã được khắc ghi vào lịch sử dân tộc.
Sau cách mạng Tháng Tám, học sinh, sinh viên hăng hái học tập, rèn luyện và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xung kích thực hiện 3 nhiệm vụ lớn: Diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm do Bác Hồ và Chính phủ đề ra.
Từ năm 1947 đến 1949, ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội đã thành lập Hội Học sinh kháng chiến, Đoàn sinh viên kháng chiến sau đó phát triển ra nhiều trường ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; số lượng học sinh, sinh viên được kết nạp vào Đoàn và Đảng khá đông. Các hoạt động của học sinh, sinh viên kháng chiến ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Với khẩu hiệu: “Tích cực cầm cự chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công” đã tiếp thêm sinh lực mới cho phong trào học sinh, sinh viên. Cuộc đấu tranh của học sinh đã lan ra cả Đông Dương.
Ngày 09/11/1949, học sinh Huế bãi khoá. Phan Văn Giáo, Tổng trấn bù nhìn Trung bộ đã thẳng tay khủng bố. Học sinh, sinh viên quyết định bãi khoá để phản đối.
Ngày 22/11/1949, trong lúc tại Huế đang tranh đấu, học sinh Sài Gòn bí mật vận động kỷ niệm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa và đề xướng hưởng ứng phản đối việc các nữ sinh Huế bị bắt, đồng thời yêu sách cải tổ chính sách giáo dục.
Các cuộc bãi khoá của học sinh, sinh viên Sài Gòn liên tiếp nổ ra, đưa ra các yêu sách: Chấm dứt khủng bố, đàn áp bắt bớ học sinh; trả tự do cho các học sinh bị bắt sau ngày chống bù nhìn Bảo Đại; bảo đảm an ninh và quyền lợi học tập của học sinh.
Giữa lúc ở Huế, Sài Gòn không khí tranh đấu đang sôi nổi, tại Hà Nội, học sinh cũng đang căm tức vì Pháp và bù nhìn bắt bớ một số anh chị em sau kỳ nghỉ học kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám. Học sinh Chu Văn An quyết định bãi khoá ngày 25/11/1949, trong các lớp trên tường la liệt khẩu hiệu. Toàn trường vang dậy những khẩu hiệu “học sinh bãi khoá”, “trả lại tự do cho bạn chúng ta”, “đả đảo bù nhìn”.
Ngày 09/01/1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn – Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường cùng nhiều giáo viên và 7.000 Nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt và mở lại trường học. Đoàn biểu tình đã bị đàn áp dã man. Cuộc đàn áp đẫm máu ngày 09/01/1950 và tinh thần chiến đấu hy sinh oanh liệt của anh Trần Văn Ơn làm dấy lên trong học sinh, sinh viên và Nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn lòng căm thù giặc và ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai.
Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2 năm 1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9 tháng 1 hàng năm làm Ngày truyền thống học sinh – sinh viên. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V (22-23/11/1993) tại Thủ đô Hà Nội đã quyết định đồng thời lấy ngày 9 tháng 1 làm Ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam.
Nguồn: Kim Yến (Trang điện tử BQL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh)
03/02/1930: NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Cách đây 90 năm, mùa Xuân năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với tên tuổi của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta.
Vào những năm cuối thế kỷ XIX, nước ta bị thực dân Pháp thống trị. Không cam chịu kiếp sống nô lệ, nhân dân ta đã liên tiếp đứng lên đánh Pháp, nhưng chưa giành được thắng lợi. Trong đêm trường nô lệ, ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành với tên gọi Văn Ba đã rời Cảng Sài Gòn quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước. Khi ấy, người thanh niên yêu nước chỉ nung nấu một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Người bôn ba qua nhiều nước và nghiên cứu những cuộc cách mạng đã giành thắng lợi tại những nước tư bản phát triển nhất. Người đến cả những nơi bần cùng, khốn khổ nhất ở châu Mỹ, châu Phi, tiếp xúc với nhiều lớp người, thuộc nhiều dân tộc khác nhau để hiểu đúng thực chất hơn về chủ nghĩa tư bản, về sự áp bức dân tộc của thực dân đế quốc. Người rút ra kết luận: Ở đâu cũng có người nghèo khổ như nước mình do sự áp bức, bóc lột vô nhân đạo của giai cấp thống trị. Chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa. Người khẳng định: Muốn thoát khỏi nô lệ và áp bức bóc lột thì nhân dân lao động toàn thế giới phải cùng đoàn kết lại để đấu tranh chống kẻ thù chung.
Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã xua tan màn đêm đen tối, đưa ánh sáng đến với các dân tộc thuộc địa, Người đã quyết định quay trở lại nước Pháp, nơi có sự ảnh hưởng rất lớn của cuộc cách mạng này và cũng chính là điểm đến trong xác định ban đầu của Người. Năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Tháng 6/1919, thay mặt những người yêu nước Việt Nam, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người gửi bản yêu sách 8 điểm tới Hội nghị Véc-xây đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Tháng 6/1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về các vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lê-nin đăng trên báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp. Luận cương của Lê-nin đã gây xúc động lớn, như ngọn đèn trong đêm tối, soi đường cho lãnh tụ vĩ đại của chúng ta. Qua Luận cương, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy sự ủng hộ, tìm thấy chỗ dựa, tìm thấy nguồn sức mạnh để vươn tới cái đích của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đã được chỉ rõ là sự chiến thắng của chính quyền Xô viết đối với chủ nghĩa đế quốc thế giới.
Tại Đại hội đại biểu Đảng Xã hội Pháp lần thứ 18 (tháng 12/1920), Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản do Lê-nin sáng lập) và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và cũng là người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Đó là một sự kiện lịch sử trọng đại, không những Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước đến với lý luận cách mạng của thời đại là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mà còn đánh dấu bước chuyển quan trọng của con đường giải phóng dân tộc Việt Nam: muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản.
Từ đây, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ đối với phong trào Cộng sản quốc tế, Nguyễn Ái Quốc xúc tiến truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vạch phương hướng chiến lược cách mạng Việt Nam và chuẩn bị điều kiện để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1921 - 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người nhấn mạnh: cách mạng muốn thành công phải có đảng cách mạng chân chính lãnh đạo; Đảng phải có hệ tư tưởng tiên tiến, cách mạng và khoa học dẫn đường, đó là hệ tư tưởng Mác – Lê-nin. Người đã viết nhiều bài báo, tham gia nhiều tham luận tại các đại hội, hội nghị quốc tế, viết tác phẩm nổi tiếng “Bản án chế độ thực dân Pháp” và tổ chức ra các tờ báo Thanh niên, Công nông, Lính cách mệnh, Tiền phong, nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam.
Năm 1927, Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á - Đông xuất bản tác phẩm “Đường cách mệnh” (tập hợp các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở lớp huấn luyện chính trị, đào tạo cán bộ của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên). Đó là sự chuẩn bị về đường lối chính trị tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Người khẳng định, muốn thắng lợi thì cách mạng phải có một Đảng lãnh đạo, Đảng có vững, cách mạng mới thành công cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy. Trong thời gian này, Người cũng tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ. Người lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (năm 1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu (Trung Quốc) và gửi cán bộ đi học tại Trường Đại học Phương Đông (ở Liên Xô trước đây) và Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc) nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Nhờ hoạt động không mệt mỏi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhiều đồng chí cách mạng tiền bối mà những điều kiện thành lập Đảng ngày càng chín muồi.
Từ ngày 6/1 - 7/2/1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ động tổ chức và chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng tại Hương Cảng (Trung Quốc). Hội nghị đã quyết định hợp nhất các tổ chức Đảng: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930. Hội nghị thảo luận và thông qua Cương lĩnh của Đảng bao gồm: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản. Những văn kiện đó do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được Hội nghị hợp nhất Đảng thông qua là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam.
Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản có ý nghĩa như là một Đại hội thành lập Đảng; những văn kiện được thông qua tại Hội nghị chính là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, là mục tiêu, lý tưởng của Đảng, phù hợp và đáp ứng đúng nguyện vọng của giai cấp công nhân, các tầng lớp nhân dân lao động và của toàn dân tộc. Hội nghị thông qua lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam gửi đến công nhân, nông dân, đồng bào, đồng chí trong cả nước nhân dịp thành lập Đảng. Sau đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã quyết nghị lấy ngày 3/2 hằng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, về con đường cứu nước, cứu dân, thống nhất đất nước, thoát khỏi ách áp bức của thực dân, phong kiến, thoát khỏi bần cùng, lạc hậu. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”.
Từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là ngọn cờ cách mạng đúng đắn, tập hợp và lãnh đạo các lực lượng cách mạng đứng lên tranh đấu vì mục tiêu “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã viết nên những trang sử hào hùng với những chiến công vang dội. Một mùa Xuân mới đang đến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước sẽ tiếp tục phát triển nhanh và bền vững theo mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.
http://www.baocaobang.vn/Tu-tuong-Ho-Chi-Minh
27/2/1955: NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM
Ngày 27/2/1955, nhân dịp tổ chức hội nghị cán bộ y tế, Bác Hồ đã gửi thư cho Hội nghị căn dặn ba điều:
“Trước hết là phải thật thà đoàn kết – Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích.
Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sỹ, dược sỹ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân.
Thương yêu người bệnh- Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang.
Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn.“ Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng.
Xây dựng một nền y học của ta- Trong những năm nước ta bị nô lệ thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp vơí nhu cầu của nhân dân ta. Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng.
Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quí báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cưú và phối hợp thuốc “ Đông” và thuốc “ Tây”.
Vì ý nghĩa sâu sắc của bức thư này, từ năm 1985, ngày 27 tháng 2 được chọn là Ngày thầy thuốc Việt Nam.
Theo Báo Nhân Dân, số 362, ngày 27/2/1955
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ĐOÀN PHÚ YÊN