Nhận diện cơ hội, thách thức từ AI
Hội thảo đã diễn ra 2 phiên; trong đó phiên thứ nhất gồm 4 tham luận của các diễn giả là nhà báo, nhà quản lý báo chí, nhà nghiên cứu báo chí truyền thông. Nội dung các tham luận về: AI và báo chí - Xu hướng trên thế giới và định hướng ứng dụng tại Việt Nam; Hiện tượng “Chat GPT”: Cú hích chuyển đổi mô hình kinh tế báo chí số trên cơ sở giá trị cốt lõi của mình; Thử nghiệm ứng dụng trợ lý ảo AI trong sáng tạo nội dung và quản trị tòa soạn; Kết quả thử nghiệm ChatGPT trong sáng tạo nội dung tác phẩm báo chí truyền hình ở Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh. Phiên thứ hai với tham luận Ứng dụng Chatbot ở Báo điện tử vietnamplus.vn - từ góc nhìn quản trị tòa soạn. Các diễn giả, khách mời thảo luận về ứng dụng AI trong các bước, các khâu trong quản trị sáng tạo nội dung tại tòa soạn như: Làm thế nào để tăng tốc sản xuất nội dung, quản trị được các hoạt động sáng tạo nội dung trong tòa soạn? Khi ứng dụng AI, quản trị tòa soạn đối mặt với những vấn đề gì, từ góc nhìn pháp lý, đạo đức, văn hóa?...
Đa số các chuyên gia, nhà báo, nhà nghiên cứu và quản lý báo chí nhận định rằng: Bản chất của báo chí số là sử dụng công nghệ số vận hành đồng thời sáng tạo nội dung, sản xuất các dòng sản phẩm số, kinh doanh, phát hành trên các nền tảng số, trong một hệ sinh thái số. Chuyển đổi số báo chí thực chất là chuyển đổi từ báo chí đơn loại hình sang nền báo chí lấy báo mạng điện tử làm trung tâm, ứng dụng công nghệ số trong toàn bộ hoạt động của tòa soạn hội tụ. AI cùng với các công nghệ số mới như: bockchain, xR… là công cụ không thể thiếu của ngành công nghiệp nội dung số. Trong đó, Chat GPT được xem là một ví dụ điển hình về AI. Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức lớn trong quản trị nội dung trong tòa soạn, bởi nguy cơ gia tăng tin giả với tốc độ sản xuất cao của báo chí tự động cũng như các rắc rối về đạo đức báo chí truyền thông.
Chủ đề làm báo trong kỷ nguyên số được quan tâm, luận bàn nhiều tại Hội Báo toàn quốc năm 2023. Ảnh: NGÔ XUÂN |
Theo nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chủ trì hội thảo, khi đối diện với sự bùng nổ về cả tốc độ, số lượng và quy mô tiêu thụ thông tin hiện nay, các tổ chức báo chí, truyền thông đang dần quá tải nếu vẫn duy trì cách truyền thống. Để giải quyết vấn đề này, nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng AI để thay đổi cách sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản cũng như phân phối nội dung tin tức trên các nền tảng khác nhau, từ đó từng bước thay đổi trải nghiệm người dùng về nội dung và cả hình thức theo hướng thông minh hơn. Tuy nhiên, việc ứng dụng AI, đặc biệt là ChatGPT hiện nay đã và đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức, nhất là đối với các nhà báo và các nhà quản lý báo chí.
“AI, đặc biệt là ChatGPT giúp tăng tương tác với độc giả, cải thiện trải nghiệm người dùng bằng cách trả lời các câu hỏi và giải đáp thắc mắc của khách hàng. Việc sử dụng ChatGPT và ứng dụng AI trong báo chí truyền thông đã thúc đẩy hoạt động báo chí truyền thông phải đổi mới sáng tạo và phát triển các giải pháp kỹ thuật, tạo công nghệ mới để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho cộng đồng, nâng cao chất lượng, công khai minh bạch trong truyền thông, nghiên cứu và sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí phù hợp. Song bên cạnh cơ hội, việc sử dụng AI tiềm ẩn nhiều nguy cơ thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả, thách thức lớn từ góc nhìn pháp lý, an ninh truyền thông, từ góc nhìn văn hóa và đạo đức nghề nghiệp. AI cũng có thể thay thế một số công việc của nhân lực, gây ra mất việc làm cho một số nhân viên”, nhà báo Lê Quốc Minh cho biết thêm.
Báo chí phải luôn đồng hành với công nghệ
Qua hội thảo, các chuyên gia, nhà báo, nhà nghiên cứu và quản lý báo chí đã thảo luận những định hướng ứng dụng công cụ AI tại Việt Nam hiện nay và sử dụng ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng. Phần lớn ý kiến cho rằng: Để làm chủ và sử dụng được công cụ số nói chung và các phần mềm ứng dụng AI nói riêng, mỗi nhà báo phải trau dồi năng lực và phẩm chất của một nhà báo cách mạng, học hỏi, thảo luận để có thể làm chủ công nghệ, chứ không để công nghệ dẫn dắt và làm chủ chúng ta. Nguy cơ dùng dữ liệu và tin giả trong tác phẩm báo chí là rất cao, nếu quản trị nội dung trong tòa soạn không theo kịp được sự phát triển của công nghệ số.
Các đại biểu đọc báo điện tử tại Hội Báo toàn quốc năm 2023. Ảnh: NGÔ XUÂN |
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, sự xuất hiện AI vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn với nhà báo và cơ quan báo chí, đặc biệt là với các cơ quan hữu quan quản lý nhà nước về báo chí truyền thông. Các cơ quan báo chí cần chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó đẩy mạnh ứng dụng AI trong tòa soạn. Các cơ quan báo chí đang ở bước cơ bản trong chuyển đổi số cần tập trung các ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất, nghiên cứu và phân khúc công chúng trên phiên bản báo điện tử, chú trọng an toàn và an ninh thông tin. Với cấp độ cao hơn, các tòa soạn nên triển khai ứng dụng AI trong một, một vài hoặc toàn bộ quy trình của tòa soạn. Các tòa soạn nếu ứng dụng tốt cả quy trình, có thể triển khai ứng dụng AI cho khối tương tác, quản lý; phát triển dịch vụ giá trị gia tăng để phát triển kinh tế báo chí số, xây dựng chương trình tương tác và ứng dụng tin tức có tính năng vượt trội, giải quyết các vấn đề bản quyền và thực thi các mô hình báo chí số với cả ba khu vực: Nội dung số - công nghệ số - kinh tế số, phát triển hệ sinh thái số cho cơ quan báo chí…
Còn Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho rằng: “Các cơ quan báo chí nếu không chuyển đổi số, không áp dụng các công nghệ mới như AI, dữ liệu lớn, tổ chức các tòa soạn hội tụ, đa phương tiện… thì không thể tồn tại và hoàn thành nhiệm vụ. Chuyển đổi số là sự sống còn của các cơ quan báo chí”.
Là lĩnh vực phản ứng nhạy bén với mọi biến động của đời sống kinh tế - xã hội, báo chí truyền thông cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Trước bối cảnh đó, báo chí phải chủ động đổi mới phương thức chuyển tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số. Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam |
Theo https://baophuyen.vn/
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn