Bộ Giáo dục và Đào tạo giấu điểm thi tốt nghiệp THPT
Dư luận xã hội những ngày qua liên tục nổi sóng vì cách công bố điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khác với những năm trước đây, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo không công khai toàn bộ danh sách điểm của các thí sinh dự tại các cụm thi khác nhau trên cả nước. Như vậy, thí sinh chỉ biết điểm thi của mình mà không được biết điểm của những người cùng dự thi.
Cách làm này của Bộ Giáo dục không nhận được sự ủng hộ của dư luận xã hội.
Trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, GS.Nguyễn Minh Thuyết đã nói rằng: “Nếu những người tổ chức các cuộc thi thể thao,thi sắc đẹp, thi tay nghề… cũng tư duy kiểu này thì người ta sẽ nói thầm với từng vận động viên hoặc thí sinh về thành tích của họ, rồi kéo một vài anh chị lên nhận giải trước sự ngạc nhiên của mọi người? Đối với tất cả các kỳ thi, công khai và công bằng là yêu cầu số một. Công bố kết quả bằng cách nói thầm vào tai từng thí sinh chắc chắn không nhận được sự đồng tình của xã hội”.
Các chuyên gia giáo dục cũng chỉ ra rằng, việc Bộ Giáo dục giấu điểm thi có thể gây ra 3 nguy cơ: Thứ nhất là làm đẹp học bạ để dự tuyển đại học, cao đẳng; Thứ hai là đầu vào đại học bị ảnh hưởng, bởi cách coi thi và chấm thi ở các cụm khác nhau; Thứ ba, dữ liệu điểm thi có thể bị sửa mà rất khó phát hiện. Chuyện gì xảy ra khi các thí sinh này được nâng điểm, vào học đại học mà không ai hay biết? Chất lượng đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực quốc gia sẽ ra sao?
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc dừng tập trận ở Biển Đông
Trong buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 23/7, người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo nước này tiến hành diễn tập tại khu vực bao trùm các đảo, đá phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ ngày 22 đến 31/7.
Ông Lê Hải Bình cho biết, đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, ngăn cản đà phát triển của quan hệ hai nước, làm cho tình hình thêm căng thẳng, phức tạp, đe dọa an ninh an toàn hàng hải trong khu vực.
"Việt Nam phản đối và nghiêm khắc yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm, dừng ngay và không tái diễn các hành động làm căng thẳng và phức tạp thêm tình hình", ông Bình chỉ rõ.
Các hành động của Trung Quốc khiến không chỉ các nước liên quan trực tiếp lo ngại, mà các nước trong khu vực cũng tỏ thái độ bất bình. Trong sách trắng quốc phòng mới công bố, Nhật Bản lên án Trung Quốc thực hiện những hoạt động cải tạo các đá ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, yêu cầu Bắc Kinh ngừng hành động đơn phương bất chấp quan ngại của các nước liên quan.
Trên Biển Đông, Trung Quốc tự vẽ ra đường chín đoạn phi lý, chiếm gần hết vùng biển này, đi sâu vào các vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Tại Hội thảo “Xây dựng công trình nhân tạo trên Biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế và thương mại khu vực” do ĐH Luật TP.HCM và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức vào ngày 25/7 vừa qua đã thu hút hơn 200 nhà khoa học, chuyên gia luật quốc tế và đại biểu tham dự.
Trong hai phiên thảo luận, các học giả đã phân tích rõ tính chất phi pháp của các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông và những tác động nguy hiểm của chúng.
Vụ chặt hạ cây xanh: Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hà Nội "tự phê bình" và "rút kinh nghiệm sâu sắc"
Sáng 21/7, UBND thành phố Hà Nội đã công bố kết luận về xử lý trách nhiệm sau thanh tra việc cải tạo, thay thế cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố - ông Nguyễn Thế Thảo kiểm điểm bằng hình thức tự phê bình và rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện.
UBND thành phố thông báo nội dung kết luận thanh tra và nội dung kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo UBND thành phố tới ông Nguyễn Văn Khôi, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố trong việc chỉ đạo xây dựng, phê duyệt Đề án cải tạo và thay thế cây xanh giai đoạn 2014 - 2015.
Đối với Sở Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu giáng chức một số vị trí và kỷ luật buộc thôi việc một nhân viên hợp đồng.
Hàng nghìn người dân ở TP.HCM đang phải dùng nước bẩn
Báo cáo HĐND TP.HCM trước kỳ họp sẽ khai mạc vào cuối tháng 7, UBND thành phố cho biết, có hơn 1,8 triệu hộ dân onhưng có đến hơn 358.300 hộ chưa được sử dụng nước sạch hoặc nước ngầm đã qua xử lý.
Kiểm soát chất lượng 1.400 mẫu nước lấy ngẫu nhiên ở những hộ thuộc Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Bình Tân, Thủ Đức và quận 12,Trung tâm Y tế dự phòng TP xác định chỉ có 58 mẫu đạt chỉ tiêu hóa lý (đạt 4,14%).
Các mẫu không đạt chỉ tiêu hóa lý là do độ pH thấp và hàm lượng sắt cao. Như vậy, chất lượng nước tại các vị trí kiểm tra hầu hết không đạt quy chuẩn Việt Nam của Bộ Y tế.
Các sở ngành và các quận huyện được UBND TP chỉ đạo thông báo kết quả xét nghiệm mẫu nước, hướng dẫn cách xử lý và sử dụng nước an toàn cho người dân. Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO) cũng được giao thiết kế mẫu thiết bị xử lý nước hộ gia đình, thí điểm và phổ biến cho một số quận huyện.
Tuy nhiên, do các địa phương chưa hướng dẫn cách xử lý nước, người dân không dùng thiết bị xử lý hoặc có nhưng chưa đúng kỹ thuật nên tình trạng dùng nước không đạt chuẩn vẫn chưa được khắc phục. Trong khi đó, nhiều địa phương quản lý kém làm cho chất lượng nước đến người sử dụng không đảm bảo và giá cao hơn so với quy định.
Trước tình trạng này, UBND TP đã giao cho các quận huyện, Sở Giao thông vận tải, Công ty Cổ phần Hạ tầng nước, Sài Gòn Tổng Giám đốc SAWACO xây dựng mạng lưới, nâng cấp trạm cấp nước, lắp đặt bồn chứa tập trung, gắn thiết bị xử lý... cho các hộ dân.
Liên quan tới vấn đề nước sạch, trong một buổi làm việc vào tháng 11 năm 2014, Phó chủ tịch UBND TP HCM – ông Nguyễn Hữu Tín phê bình sự thờ ơ của lãnh đạo các quận, huyện, sở ngành trong việc giải quyết nhu cầu nước sạch cho người dân.
Theo báo cáo của các sở ngành, gần 100% hộ dân ngoại thành TP HCM dùng nước hợp vệ sinh, nhưng Phó chủ tịch Tín cho biết không tin vào con số này vì đi kiểm tra thực tế 5 hộ dân ở huyện Hóc Môn và quận 12 thì 3 hộ sử dụng nước sinh hoạt bị ô nhiễm. "Nói nước hợp vệ sinh mà khi đi kiểm tra tôi yêu cầu uống thử để xem thế nào thì không ai dám uống. Tôi uống thử thì thấy ngay là không thể nói đảm bảo vệ sinh được vì nước có mùi tanh, chua, nhiễm phèn", ông Tín nói.
Có thể dừng thu phí bảo trì đường bộ với xe máy từ đầu năm 2016
Theo cơ quan quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương, sau hơn 2 năm thực hiện chính sách thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với môtô có thể thấy rõ hiệu quả rất thấp. Năm 2013 và 2014, số thu chỉ đạt khoảng 21% kế hoạch. Năm 2015, số thu 6 tháng đầu năm giảm rõ rệt so với cùng kỳ và mới đạt 6,71% kế hoạch năm.
Nguyên nhân là việc tổ chức thu ở cấp xã, phường chưa đồng bộ, chưa thống nhất từ khâu quản lý số lượng xe môtô trên địa bàn đến việc tổ chức thu và nộp vào ngân sách.
Chế tài xử phạt những người không nộp phí theo Thông tư của Bộ Tài chính chưa khả thi, khó kiểm soát vì thẩm quyền xử phạt không phải do cơ quan công an mà do cơ quan thuế, thanh tra Sở chuyên ngành, UBND các cấp thực hiện.
Do vậy, sau một năm đầu tiên thực hiện đóng phí, cho các năm tiếp theo.
Ngoài ra, do chưa quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện công tác thu phí nên việc này phụ thuộc chủ yếu vào ý thức tự giác của người dân. Bên cạnh đó, có địa phương thu, nhưng cũng có tỉnh thành lại chưa thu hoặc dừng thu (như TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa...) tạo nên sự không công bằng và tạo dư luận không tốt trong xã hội.
Trên cơ sở các đánh giá nêu trên, mặc dù một số địa phương vẫn đề nghị tiếp tục thu phí, song Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương nhận thấy số thu phí sử dụng đường bộ đối với môtô còn rất thấp, vì thế kiến nghị Thủ tướng cho phép tạm thời dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với môtô từ ngày 1/1/2016.
Quỹ này cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Giao thông phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, điều chỉnh sửa đổi Nghị định số 18 theo hướng bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với môtô.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn