Đại lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma: Bảo vệ từng tấc đất tiền nhân để lại!

Thứ tư - 12/04/2017 03:31
Chiều 22/7, tại chùa Vĩnh Nghiêm (TPHCM), Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức Đại lễ tưởng niệm, cầu siêu 64 anh linh các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma, hy sinh cách đây 27 năm.
Bức tranh "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử" được đấu giá thành công với 1,28 tỷ đồng
Bức tranh "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử" được đấu giá thành công với 1,28 tỷ đồng
Chương trình có sự hiện diện của Đại tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng - Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương; Đại diện lãnh đạo UBND TPHCM cùng rất nhiều tăng ni phật tử và công chúng. Bên cạnh đó, lễ cầu siêu còn có sự tham dự của thân nhân của các liệt sĩ đã hy sinh cũng như các chiến sĩ bị bắt trong sự kiện đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988: góa phụ Mai Thị Hoa cùng con gái Trần Thị Thủy, là vợ con của liệt sĩ Trần Văn Phương (người giữ lá cờ); Các chiến sĩ sống sót trong trận Gạc Ma như: Lê Văn Đông, Trần Thiên Phụng, Nguyễn Văn Thống, Trương Văn Hiền, Lê Hữu Thảo…
 
Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an dự lễ tưởng niệm
27 năm đã trôi qua, nhưng tấm gương hy sinh của 64 cán bộ, chiến sĩ kiên cường bảo vệ chủ quyền biển đảo tại đảo Ga Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã để lại một tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống yêu nước, bảo vệ lãnh thổ trong lòng nhân dân Việt Nam. Buổi lễ cầu siêu bên cạnh tri ân và tưởng nhớ tới các liệt sĩ đã hy sinh còn là dịp để khơi dậy tinh thần yêu nước trong nhân dân.
Tại Đại lễ tưởng niệm cầu siêu 64 anh linh các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma có tên “Hạt giống Tâm hồn - Gạc Ma - Việt Nam - Vòng Tròn Bất Tử” đã diễn ra cuộc đấu giá bức tranh “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử” của Họa sĩ Bùi Lệ Trang.
Từ giá khởi điểm 50 triệu đồng, bức tranh ý nghĩa này đã được một doanh nhân sở hữu với giá 1,28 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền đấu giá bức tranh này được dành để ủng hộ gia đình 64 liệt sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh ngày 14/3/1988 tại đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Bức tranh này được chủ nhân mới dành tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
 
 
Ngoài bức tranh “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”, ban tổ chức còn đấu giá bức thư viết tay được lăn tay bằng máu của cụ Nguyễn Công Nghệ (90 tuổi) gửi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ nguyện vọng về một thế giới hòa bình không còn chiến tranh. Bức thư đặc biệt này được đấu giá thành công với mức 300 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được dành tặng cho Cảnh sát biển Việt Nam.
Tất cả những hành động ý nghĩa trên đều nhằm mục đích cùng chung tay tưởng nhớ đến 64 liệt sĩ Gạc Ma.
Xúc động trước tình cảm tri ân, tưởng nhớ, cựu binh Lê Hữu Thảo (người bị Trung Quốc bắt giữ trong trận Gạc Ma) đã không kìm được niềm xúc động. “Câu chuyện cảm động diễn ra 27 năm trước nay vẫn còn mãi trong trái tim tôi. Những đồng đội đã ngã xuống nhưng tinh thần bất diệt. Và anh em chúng tôi, những cựu binh may mắn sống sót xin nguyện dâng mình cho Tổ quốc. Nếu kẻ thù phương Bắc hay bất cứ thế lực thù địch nào xâm chiếm bờ cõi, chúng tôi vẫn sẵn sàng cầm súng lên đường bảo vệ từng tấc đất quê hương”, cựu binh Lê Hữu Thảo nói.
 
Hàng ngàn tăng ni, phật tử tham dự lễ tưởng niệm, cầu siêu
Trong niềm cảm xúc dạt dào của Đại lễ tưởng niệm, cầu siêu, ai cũng thêm một lần thấm thía câu nói uy nghiêm, nổi tiếng của Phật hoàng Trần Nhân Tông: “…Một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. Ta cũng để lại lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu”.
Đại lễ tưởng niệm, cầu siêu này có lẽ là một dịp lễ 27/7 - Ngày Thương binh Liệt sĩ đáng nhớ và ấm áp tình người nhất đối với các gia đình chiến sĩ và hương hồn các liệt sĩ đã chiến đấu và anh dũng hy sinh ở đảo san hô Gạc Ma - Trường Sa năm 1988. 
Cũng tại Đại lễ, những tử sĩ Hoàng Sa năm 1974 đã được tưởng nhớ, tri ân.

Công Quang - Phạm Nguyễn (Theo Báo điện tử Dân trí)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây