Các Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7 như Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (DN); Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản ; Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi); Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Hàng không dân dụng Việt Nam sửa đổi; Luật công an nhân dân 2014
Ngoài ra, có nhiều các quy định mới khác cũng sẽ có hiệu lực thi hành trong tháng 7.
Rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư
Từ 1-7, đối với dự án đầu tư nước ngoài, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ được rút ngắn thời gian thực hiện từ khoảng 45 ngày xuống còn 15 ngày. Luật cũng bỏ một số hình thức đầu tư như: hợp đồng BOT, BTO, BT; Đầu tư phát triển kinh doanh; đầu tư thực hiện việc sáp nhập và mua lại DN; đồng thời, bổ sung hình thức đầu tư theo hợp đồng đối tác công - tư (hợp đồng PPP).
Đơn giản thủ tục thành lập doanh nghiệp
Luật Doanh nghiệp bãi bỏ nhiều điều khoản thiếu tính khả thi và cản trở hoạt động của DN; giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục thành lập DN. Cụ thể Luật Doanh nghiệp sửa đổi 2014 quy định giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh không bắt buộc ghi ngành nghề kinh doanh. Doanh nghiệp tự quyết con dấu, nội dung và hình thức con dấu; Doanh nghiệp có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật; trong đó, có ít nhất một người cư trú tại Việt Nam…
Người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Theo quy định tại Luật Nhà ở, người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam sẽ được nới lỏng hơn, dù quy định này đã được cho thí điểm trong 5 năm qua.
Theo đó, từ 1-7, tổ chức, cá nhân người nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Những đối tượng này có quyền được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư. Nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà. Thời gian sở hữu nhà là 50 năm. Tuy nhiên, những đối tượng này có thể được sở hữu lâu dài như người bản địa nếu kết hôn với người Việt Nam…
Kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp
Từ 1-7, Luật Kinh doanh bất động sản (KDBĐS) sửa đổi sẽ có hiệu lức thi hành, thay thế Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006. Luật có nhiều điểm mới tích cực hơn so với Luật hiện hành, đó là được kinh doanh nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai.
Luật KDBĐS năm 2006 quy định chưa chặt chẽ về việc bán nhà ở hình thành trong tương lai do đó đã có nhiều khiếu kiện, tranh chấp xảy ra. Khắc phục điều này, Luật KDBĐS 2014 đã bổ sung nhiều quy định và khá chi tiết về hoạt động này:
Cụ thể: điều kiện kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai bắt buộc: có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án.
Trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó. Trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.
Ngoài ra, muốn bán, cho thuê mua nhà ở đối với nhà ở hình thành trong tương lai thì bắt buộc chủ dự án phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng.
Thời hạn thăng hàm cấp Tướng
Luật Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi 2014 quy định rõ: thời hạn xét thăng quân hàm cấp Tướng đối với sĩ quan tại ngũ tối thiểu là 4 năm đối với các trường hợp sau: Đại tá lên Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân; Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân lên Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân; Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân lên Thượng tướng, Đô đốc Hải quân; Thượng tướng, Đô đốc Hải quân lên Đại tướng.
Sĩ quan tại ngũ xét thăng quân hàm từ cấp bậc Đại tá lên Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân không quá 57 tuổi, trừ trường hợp có yêu cầu của Chủ tịch nước.
Trình tự, thủ tục phong, thăng, giáng, tước quân hàm đối với sĩ quan: Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, Chuẩn Đô đốc, Phó Đô đốc, Đô đốc Hải quân. Đối với sĩ quan cấp tá, cấp úy và nâng lương sĩ quan: trình tự, thủ tục phong, thăng, giáng, tước do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
Được thăng hàm vượt bậc
Theo Luật Công an nhân dân sửa đổi, về cơ cấu của Công an nhân dân, Luật mới quy định Công an nhân dân gồm lực lượng An ninh nhân dân, lực lượng Cảnh sát nhân dân và Công an xã. Luật cũ chỉ quy định có 2 lực lượng là An ninh nhân dân và Cảnh sát nhân dân.
Học sinh, sinh viên của các trường CAND khi tốt nghiệp được phong cấp bậc hàm như sau: trung cấp phong trung sĩ; cao đẳng phong thượng sĩ; đại học phong thiếu úy. Trường hợp tốt nghiệp loại xuất sắc được phong cao hơn một bậc. Như vậy, học sinh trung cấp CAND tốt nghiệp xuất sắc được phong hàm thượng sĩ; cao đẳng xuất sắc được phong hàm thiếu úy; đại học loại xuất sắc được phong hàm trung úy. Luật cũ chỉ quy định “Sinh viên tốt nghiệp đại học tại các trường của CAND được phong cấp bậc hàm thiếu uý; học sinh tốt nghiệp trung cấp tại các trường của CAND được phong cấp bậc hàm trung sĩ”. Luật không quy định việc thăng hàm vượt bậc trong trường hợp tốt nghiệp xuất sắc.
Tăng quyền, giảm gánh nặng cho người được thi hành án
Luật thi hành án dân sự sửa đổi 2014 mở rộng, tạo điều kiện cho người được thi hành án không chỉ có quyền yêu cầu thi hành án, đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà còn có quyền được thông báo về thi hành án; yêu cầu Tòa án giải thích những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định của mình.
Người được thi hành án có quyền không phải chịu chi phí xác minh điều kiện thi hành án do Chấp hành viên thực hiện; được miễn, giảm phí thi hành án trong trường hợp cung cấp thông tin chính xác về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và trong một số trường hợp khác. Quy định này được coi là một điểm mới rất tiến bộ, bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích của người được thi hành án, giảm gánh nặng cho người được thi hành án, nhất là đối với những người được thi hành án già cả, neo đơn, ốm đau, nghèo, ở vùng sâu, vùng xa, ở địa phương khác với người phải thi hành án.
Không phải thi tốt nghiệp cuối khóa
Luật Giáo dục nghề nghiệp được phát triển lên từ Luật Dạy nghề trước đây và có nhiều điểm mới so với quy định tại Luật cũ. Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, Nhà nước không ban hành chương trình khung mà giao cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ xây dựng chương trình đào tạo. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tự chủ xây dựng chương trình đào tạo dựa trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ năng nghề.
Với phương thức đào tạo mới, Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định đối với chương trình đào tạo theo tích lũy mô-đun, tín chỉ nếu người học tích lũy đủ môn-đun, tín chỉ theo quy định của chương trình đào tạo thì được xét công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp, không phải thi tốt nghiệp cuối khóa. Đối với người tốt nghiệp trình độ cao đẳng được cấp bằng cao đẳng và công nhận danh hiệu kỹ sư thực hành hoặc cử nhân thực hành tùy vào ngành nghề đào tạo.
Người học được miễn học phí đối với các đối tượng chính sách xã hội; đối với người học tốt nghiệp trung học cơ sở (lớp 9) khi học trung cấp; đối với những nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu và những ngành nghề đặc thù;
Đ.LIÊN (Nguồn Pháp luật Online)