Thanh tra Chính phủ công bố nhiều sai phạm tại TP.HCM
Trong kết luận thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân (từ năm 2011 đến 6/2014) vừa công bố, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, một số quận huyện tại TP.HCM chưa thực hiện đầy đủ các nội dung về công khai tài chính, ngân sách; một số sở ngành không ban hành văn bản công khai tài chính.
Việc mua sắm, sử dụng tài sản cũng như sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của một số cơ quan không được báo cáo Sở Tài chính, UBND Thành phố.
Tính đến hết năm 2013, thành phố có 45.782 m2 đất bị lấn chiếm; hơn 416.000 m2 bị bỏ trống, cho thuê hơn 27.500 m2... nhiều công trình, dự án thi công chậm so với tiến độ phê duyệt, phải điều chỉnh lại tổng mức đầu tư, tăng vốn ngân sách
Ngoài ra, có 993 hồ sơ thuê đất chưa ký hợp đồng thuê đất, 807 hồ sơ chưa xác định đơn giá theo quy định. Nhiều đơn vị không chấp hành nghĩa vụ tài chính với số tiền thuê đất lên đến 1.838 tỷ đồng và tiền sử dụng đất hơn 1.550 tỷ. Một số dự án chậm triển khai hoặc giao đất, cho thuê đất thuộc trường hợp phải đấu giá nhưng không tổ chức đấu giá.
Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, TP.HCM đã cho 8 tổ chức, cá nhân thuê hơn 15.000 m2 để làm nhà hàng, bãi giữ xe... nhưng số tiền này sau khi trừ chi phí đã không nộp ngân sách nhà nước.
Về việc thực hiện các giải pháp phòng chống tham nhũng, một số quận huyện ở thành phố bị cho là chưa thực hiện đầy đủ các nội dung về công khai tài chính, mua sắm tài sản công, hay phân bổ và quản lý nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Kết luận thanh tra cũng cho rằng, trong lĩnh vực giáo dục còn tình trạng lạm thu, thu học phí sai quy định. Việc điều động một số cán bộ quản lý các đơn vị trực thuộc Sở chưa đảm bảo đúng quy định. Ở lĩnh vực y tế cũng có tồn tại trong đấu thầu giá thuốc, tiếp nhận viện trợ không hoàn lại.
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm đối với UBND TP, các chức danh liên quan trong việc "xử lý chưa kịp thời các vụ có dấu hiệu cố ý làm trái và tham nhũng".
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân được yêu cầu chỉ đạo cơ quan chức năng thanh tra toàn diện Công ty TNHH MTV Bến Thành (quản lý nhà, cho tư nhân thuê đất), Trung tâm quản lý và điều hành vận tải (trợ giá xe buýt); các vấn đề liên quan việc cho thuê đất công viên tại quận 6, các dự án chậm triển khai (trong đó có 400 ha của công ty Bitexco)...
Bên cạnh đó, thành phố cũng được yêu cầu giải quyết các vụ khiếu kiện đông người liên quan đến công tác bồi thường, thu hồi đất và quản lý, sử dụng 90 ha đất tái định cư tại khu Nam Rạch Chiếc (quận 2); giải quyết 13 vụ việc khiếu kiện còn tồn đọng, bức xúc và kéo dài. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm và có biện pháp xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận Tân Phú, 6, 7 và huyện Hóc Môn.
Ngư dân Việt Nam bị tàu cá Trung Quốc tấn công
Ngày 21/8, ngay khi về tới vịnh Vân Phong, ông Mai Thành Trung (41 tuổi, trú tại Khánh Hòa) cùng 7 ngư dân đã trình báo bộ đội biên phòng bị tàu cá Trung Quốc tấn công, cướp tài sản.
Theo ông Trung, ngày 18/8, khi tàu nhổ neo ở khu vực gần đảo Đá Bắc (vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam) chạy về hướng vùng biển Khánh Hòa thì một tàu rất lớn có chữ Trung Quốc số hiệu 46102 bám theo, lao thẳng vào mạn phải.
Ba người Trung Quốc lao sang tàu của ngư dân Việt Nam, khống chế để những người khác phá cabin, tháo thiết bị liên lạc và cướp hết toàn bộ số hải sản và máy móc. Bản thân ông Trung bị những đối tượng này dùng roi điện đánh thẳng vào đầu.
60 giờ kẹt dưới lò than, nam công nhân tử vong
Khoảng 2h ngày 20/8, vụ bục túi nước đã xảy ra tại khai trường than Thành Công của Công ty than Hòn Gai (phường Hà Khánh, TP Hạ Long, Quảng Ninh) khiến một người tử nạn tại chỗ, 10 người bị thương, một người ket trong hầm là Phan Anh Vân (27 tuổi, quê Thái Nguyên).
Đến khoảng 11h30 trưa 22/8, lực lượng cứu hộ tìm được công nhân này, nhưng đã bị tử vong.
Ban chỉ huy khắc phục sự cố cho biết, công ty than Hòn Gai và Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam hỗ trợ 50 triệu đồng cho gia đình có công nhân thiệt mạng và thanh toán toàn bộ viện phí cho các công nhân bị thương.
Như vậy, trong vụ bục túi nước này có 2 công nhân bị tử vong.
Nữ sinh 15 tuổi bị bạn đâm trong lớp học
Sự việc đáng tiếc trên xảy ra tại Trường THPT Trung Phú (huyện Củ Chi, TP.HCM).
Cụ thể, vào sáng 20/8, một nam sinh 15 tuổi lớp 10A (chuyên Anh) gục mặt xuống bàn ngủ. Nữ sinh đến hỏi: "Hồi đêm làm gì mà giờ ngủ?” thì bị nam sinh cầm dao tấn công bạn nữ gục tại chỗ.
Nữ sinh được nhân viên y tế của trường nhanh chóng đưa đi cấp cứu và đã qua khỏi cơn nguy kịch, do những vết đâm này may mắn găm vào phần mềm (ngực, bụng, cánh tay).
Sau khi gây án, nam sinh được đưa về Công an xã Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi) cùng với người giám hộ để lấy lời khai, làm rõ.
Trong khi đó người nhà của nam sinh cho biết thấy có hiện tượng lạ từ tháng 5 vừa qua và đã đưa đi khám, được chẩn đoán là “bị rối loạn hỗn hợp về cư xử và cảm xúc”.
Nam hành khách đánh nhân viên an ninh sân bay
Tối 16/8, tại cửa vào khu vực chờ ra máy bay, nhân viên an ninh hàng không đã kiểm tra kỹ thẻ lên máy bay và giấy tờ tùy thân của hành khách Đặng Duy Tuyến (32 tuổi, trú tại quận An Dương, TP Hải Phòng) vì nghi ngờ có gian lận giấy tờ. Hành khách Tuyến có vé đi chuyến bay VJ287 của hãng hàng không Vietjet Air từ Hải Phòng đi TP.HCM.
Không chờ đợi nhân viên an ninh hoàn tất kiểm tra, hành khách Tuyến đã giật lại giấy tờ, đồng thời có lời nói lăng mạ, đe dọa và đánh nhân viên an ninh làm nhiệm vụ. Lực lượng an ninh sân bay Cát Bi đã khống chế, đưa hành khách này về phòng trực để giải quyết.
Theo biên bản của lực lượng an ninh sân bay, hành khách Tuyến có mùi bia, rượu và có biểu hiện không làm chủ được hành vi, tự đập đầu vào cửa kính làm vỡ kính, xước đầu và tự lấy mảnh vỡ kính gây chảy máu ở ngón tay.
Lực lượng chức năng sân bay Cát Bi đã yêu cầu hãng hàng không ngừng chuyên chở hành khách Đặng Duy Tuyến trên chuyến bay VJ287, đồng thời bàn giao cho công an quận Hải An (Hải Phòng) xác minh các giấy tờ tùy thân của hành khách và tiếp tục xử lý vụ việc.
Điều tra vụ việc nhân viên nhà ga đánh hành khách liệt nửa người
Ngày 22/8, Công an phường Đô Vinh, TP.Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) cho biết, đang củng cố hồ sơ chuyển Cơ quan CSĐT Công an TP điều tra làm rõ hành vi đánh người gây thương tích đối với nhân viên bảo vệ nhà ga Tháp Chàm (thuộc Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn).
Sự việc xảy ra tại nhà ga Tháp Chàm vào đêm 7/8, nạn nhân là bà Phạm Thị Út (44 tuổi, ở phường Đô Vinh), hiện đang bị liệt nửa người.
Chiều 7/8, bà Út mua vé tàu TN2 đi từ ga Mương Mán (Bình Thuận) về ga Tháp Chàm (Ninh Thuận), có đem theo hơn 30 kg thanh long.
Do hành lý vượt quy định nên nhân viên trên tàu TN2 yêu cầu bà Út phải trả phí vận chuyển và có gọi nhân viên bảo vệ nhà ga Tháp Chàm (nơi bà Út xuống ga) để thu phí.
Chồng bà Út cho hay, khi vừa xuống ga Tháp Chàm thì có 2 nhân viên bảo vệ yêu cầu phải nộp phí vận chuyển. Giữa bà Út và một nhân viên bảo vệ xảy ra xô xát. Sau đó nhân viên này dùng gậy cao su đánh tới tấp vào đầu, mặt bà Út khiên người phụ nữ này ngất xỉu tại chỗ.
Sau khi đánh bà Út, nhân viên này bỏ đi, còn người nhà đưa bà Út tới Bệnh viện Giao thông vận tải Tháp Chàm để cấp cứu và trình báo Công an phường Đô Vinh.
Các bác sĩ chẩn đoán bà Út bị gãy sống mũi; bị xuất huyết não bao ngoài (P) - chấn thương mũi/tăng huyết áp; phương pháp điều trị: dịch truyền, giảm đau, tập vật lí trị liệu. Tình trạng hiện tại của bà Út bị liệt nửa người bên trái.
Diệu Linh (Tổng hợp) (Theo Báo Giáo dục Việt Nam)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn