Trong đó ông nhấn mạnh: “Công lao của Hồ Chí Minh không chỉ là người giải thích tư tưởng của Mác và Lênin về việc đoàn kết những người vô sản trên toàn thế giới và về sự cần thiết giai cấp vô sản ở chính quốc phải giúp đỡ giai cấp vô sản ở thuộc địa, mà tư tưởng của Người còn đưa ra vấn đề giai cấp vô sản ở thuộc địa cũng có thể đóng góp những bài học cho những người đồng chí ở “chính quốc”. Hình như Hồ Chí Minh muốn nói rằng, cả hai đều có thể góp phần làm phong phú thêm những kinh nghiệm của phong trào công nhân quốc tế. Hồ Chí Minh vạch rõ: “…Năm 1923, Lênin đã viết về các nước phụ thuộc như sau: “Bọn tiểu tư sản châu Âu đã không hề tưởng tượng được rằng các cuộc cách mạng sau này ở các nước phương Đông rất đông dân và có nhiều điều kiện xã hội khác hẳn nhau chắc chắn sẽ cho họ thấy nhiều nét đặc sắc hơn cách mạng Nga nữa”. “Hồ Chí Minh đã nhận thấy rõ vai trò không thể nghi ngờ mà các nước đã từng là thuộc địa và thế giới nghèo khổ sẽ đảm nhận trong tiến trình lịch sử đi lên chủ nghĩa xã hội. Những nước đó chiếm phần lớn nhân loại. Sự cống hiến của cái gọi là “thế giới thứ 3” hiện nay, không chỉ bởi số dân và số nước của họ, mà đặc biệt còn bởi mức độ bóc lột mà họ phải gánh chịu, sự nghèo đói hiện nay tương phản với sự giàu có của bọn cướp bóc và mối hận thù truyền kiếp ẩn sâu trong tâm khảm họ.
Xuất phát từ thực tế khách quan là không có đấu tranh thì chủ nghĩa tư bản không tự nguyện từ bỏ địa vị của chúng, Hồ Chí Minh đã tham gia vào cuộc đấu tranh đó nhằm cải tạo thế giới. Người chủ trương từng bước thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của chủ nghĩa đế quốc, nghĩa là ngày càng ít dần các dân tộc bị bóc lột, ngày càng ít lợi nhuận cho bọn tư bản, ngày càng ít tiền để chúng mua công nhân và tuyên truyền chế độ của chúng, bớt phương tiện để chúng xuất khẩu phản cách mạng và ngày càng ít đi chủ nghĩa tư bản trên toàn thế giới.
Người đã phát hiện những mắt xích chủ yếu của chủ nghĩa tư bản ở các thuộc địa, nhưng triết lý của Người là không ngồi chờ sự suy yếu tận cùng của chúng mà phải đẩy nhanh sự chín muồi ấy ở những nơi đã có điều kiện chủ quan và khách quan, còn những kết quả nơi nào chưa có thì cần phải tạo ra những điều kiện đó.
Kể từ đây, các cuộc cách mạng dân tộc có thể thắng lợi ở các thuộc địa trước và trở thành nguồn cổ vũ cho cuộc cách mạng vô sản ở chính quốc. Người mong muốn những thay đổi đó diễn ra hòa bình nhưng cũng cho rằng; đối với một chế độ chỉ dựa vào luật của kẻ mạnh thì chỉ có thể quẳng nó vào thùng rác của lịch sử bằng sức mạnh của cách mạng. Các dân tộc phải có trong tay mình những gì thuộc về họ. Hồ Chí Minh đã phê bình một cách thân tình một số Đảng Cộng sản không quan tâm ủng hộ cuộc đấu tranh ở thuộc địa. Mặc dù Quốc tế Cộng sản có những nhược điểm nhất định về vấn đề này, Hồ Chí Minh vẫn trung thành với tổ chức và dân tộc trong khuôn khổ tổ chức nhằm giữ vững đường lối của Lênin.
Xuất phát từ việc mỗi nước có một đặc thù riêng, phải sử dụng những con đường khác nhau để giải quyết những vấn đề của mình và góp phần cống hiến kinh nghiệm cho tất cả những người có cùng chí hướng. Nhà lãnh tụ Việt Nam đã vận dụng khéo léo những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác- Lênin vào thực tiễn của nước mình, Người đã tránh được cái mà chính Fidel Castro từng nói: “…sao chép sẽ không bao giờ tốt cả. Sao chép trong đời sống, trong cuộc cách mạng, giống như quay cóp trong cuộc thi. Và không ai có thể trở thành người cách mạng khi đi sao chép”.
Hồ Chí Minh luôn là người sáng tạo. Người đã hiểu rõ hoàn cảnh năm 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương phải “giải tán”. Việc làm này không phải ở tất cả mọi nơi đều hiểu được. Nó nhằm tránh không để quân đội Quốc dân đảng mang danh nghĩa các nước Đồng Minh tràn vào miền Bắc tiêu diệt những người cách mạng Việt Nam. Trên thực tế, Đảng chuyển vào hoạt động bí mật. Điều đó được tiến hành suôn sẻ đến mức nhiều người yêu nước có cảm tình tưởng rằng Đảng không còn nữa. Đấy là một sáng kiến táo bạo phi thường.
Hồ Chí Minh cho rằng, để đẩy mạnh cuộc đấu tranh cần phải gắn bó với quần chúng và trong những trường hợp cần thiết phải thức tỉnh, tổ chức, đoàn kết và giáo dục quần chúng sao cho quần chúng ngang tầm với cuộc đấu tranh giải phóng đất nước mình. Người cho rằng để phát triển cuộc đấu tranh chống thực dân thì cần phải thành lập Mặt trận phản đế rộng rãi của các lực lượng trong nước ủng hộ cách mạng. Người chủ trương cần phải đoàn kết nông dân, công nhân, trí thức, già, trẻ, gái, trai, tôn giáo, tư sản dân tộc và các dân tộc thiểu số. Đó là cách duy nhất để đưa cách mạng tiến lên.
Hồ Chí Minh đã phê phán những ý đồ tâng bốc vai trò của nông dân, coi nông dân là lực lượng chủ yếu và duy nhất của cách mạng. Người nhận thức rằng, giai cấp công nhân là giai cấp duy nhất có thể gánh vác sứ mệnh lịch sử đưa cuộc cách mạng chống thực dân đến thắng lợi cuối cùng là thực hiện cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa nhằm giải phóng xã hội. Đồng thời, một cuộc cách mạng ở các nước xã hội thuộc địa và nửa thuộc địa, cần phải là một cuộc cách mạng thực sự có sự tham gia của nông dân. Trên tinh thần đó, những yêu sách của nông dân phải là những nhiệm vụ được ưu tiên. Hồ Chí Minh đã đề nghị Quốc tế Cộng sản tăng cường lãnh đạo và tổ chức nông dân ở các thuộc địa, hướng dẫn và làm cho các cuộc đấu tranh của họ thắng lợi; thuyết phục nông dân hiểu được sức mạnh của chính họ. Cần nhớ rằng, Hồ Chí Minh không đồng ý với lập luận cho rằng ở đâu không có giai cấp công nhân hùng hậu thì cách mạng ở đó chỉ có thất bại. Hồ Chí Minh nhìn nhận khả năng lãnh đạo của giai cấp công nhân không phụ thuộc nhiều vào số lượng mà phụ thuộc nhiều vào chất lượng của nó. Cách mạng Tháng Mười Nga và Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam đã chứng minh cho luận thuyết này.
Một trong những công lao vĩ đại nhất của Hồ Chí Minh là: Từ quan điểm chiến lược rõ ràng đó làm sao lãnh đạo một cuộc cách mạng thực sự chống thực dân nhưng lại không xa rời mục tiêu chống đế quốc và hướng cho nó đi lên chủ nghĩa xã hội. Thực tế đã chứng minh luận điểm đó đúng. Hồ Chí Minh đã chứng minh rằng, ai nắm vững chủ nghĩa Mác- Lênin, coi đó là một phương hướng chứ không phải là một công thức giáo điều và không bao giờ xa rời những nguyên tắc của nó, sẽ giành thắng lợi. Hồ Chí Minh, người con của một nước thuộc địa đã biết vận dụng chủ nghĩa Mác- Lênin vào những điều kiện cụ thể của các dân tộc bị áp bức. Người nói: “Chủ nghĩa thực dân là một con đỉa có hai vòi, một cái bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc, một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở thuộc địa. Nếu người ta muốn giết con đỉa, người ta đồng thời phải cắt cả hai vòi. Nếu chỉ cắt một vòi thì cái vòi còn lại kia sẽ tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản; con đỉa vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị đứt sẽ mọc lại”. Và Người đã kết luận: “Cuộc đấu tranh kiên quyết của các dân tộc bị áp bức nhất định sẽ đánh bại bọn đế quốc thực dân. Chủ nghĩa xã hội cuối cùng nhất định sẽ toàn thắng. Tất nhiên để chiến thắng thì các dân tộc phải đoàn kết với nhau và chống lại chủ nghĩa đế quốc. Tư tưởng và hành động của Hồ Chí Minh đã chứng tỏ như vậy”.
(Lược thuật từ sách “Những cội nguồn của Cách mạng tháng Tám” – NXB Thanh Niên).
Nguồn tin: QĐND