Chuyển mình vươn lên, hiện thực hóa khát vọng phát triển

Chủ nhật - 31/03/2024 23:56
49 năm sau ngày giải phóng (1/4/1975-1/4/2024), với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua nhiều thách thức, Phú Yên đã đạt nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, tỉnh đã từng bước chuyển sang nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ; đời sống của người dân được nâng lên. Đây là nền tảng vững chắc để Phú Yên sẵn sàng cất cánh, vươn mình trở thành trung tâm kinh tế biển của vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Biểu diễn nghệ thuật khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Phú Yên 2024, với chủ đề “Về miền di sản Phú Yên” vừa diễn ra tại TP Tuy Hòa, chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng tỉnh Phú Yên. Ảnh: TRẦN QUỚI
Biểu diễn nghệ thuật khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Phú Yên 2024, với chủ đề “Về miền di sản Phú Yên” vừa diễn ra tại TP Tuy Hòa, chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng tỉnh Phú Yên. Ảnh: TRẦN QUỚI

Din mo mi khang trang

Sau năm 1975, cùng với cả nước, Phú Yên bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển KT-XH địa phương. Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của trung ương, tinh thần nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và Nhân dân tỉnh nhà đã đưa Phú Yên từng bước vượt qua mọi khó khăn, thách thức để phát triển.

Hạ tầng kinh tế được tập trung đầu tư và có sự cải thiện rõ nét, tạo nền tảng để phát triển KT-XH. Từ một địa phương được gọi là “ốc đảo” khi bị ngăn cách bởi đèo Cù Mông và đèo Cả, giờ đây, cánh cửa giao thương giữa Phú Yên với các tỉnh trong khu vực đã rộng mở, khi các hầm đường bộ Đèo Cả, Cù Mông được đưa vào sử dụng.

Theo Sở GTVT, với phương châm lấy giao thông làm động lực phát triển, hệ thống giao thông trên địa bàn được đầu tư đồng bộ với đầy đủ các loại hình đường bộ, đường sắt, hàng không, cảng biển. Các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ được đầu tư hoàn chỉnh, kết nối liên hoàn với các tuyến quốc lộ, tạo điều kiện cho Phú Yên kết nối vùng thông suốt với cả nước theo 2 trục bắc - nam và đông - tây.

Phú Yên có hệ thống đường sắt dài 95,25km; cảng hàng không Tuy Hòa phục vụ 2 tuyến bay: Tuy Hòa - TP Hồ Chí Minh, Tuy Hòa - Hà Nội và ngược lại với công suất 550.000 lượt khách/năm; cảng vận tải tổng hợp Vũng Rô với công suất thiết kế 250.000 tấn hàng hóa/năm, tiếp nhận tàu có tải trọng đến 3.000 tấn.

Phú Yên khoác lên mình diện mạo mới khang trang sau nhiều năm xây dựng và phát triển. Ảnh: NGỌC THẮNG

Song song với giao thông thông suốt, bằng việc triển khai đồng bộ công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng, các đô thị trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển rõ rệt. Tuy Hòa từ thị xã đã vươn lên trở thành đô thị loại II và đang ngày một phát triển văn minh, hiện đại, hướng đến đô thị loại I vào năm 2025; xứng tầm là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, du lịch của tỉnh.

Các đô thị Sông Cầu, Đông Hòa đang từng bước hoàn thiện để trở thành các đô thị loại II, loại III; trở thành các trung tâm phía bắc và phía nam của tỉnh. KKT Nam Phú Yên; KCN Đông Bắc Sông Cầu, An Phú, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… đã và đang được đầu tư hạ tầng, tạo động lực thu hút đầu tư.

Phát trin toàn din

Ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: KT-XH trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ổn định và tăng qua từng năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ.

Cảng vận tải tổng hợp Vũng Rô với công suất thiết kế 250.000 tấn hàng hóa/năm, tiếp nhận tàu có tải trọng đến 3.000 tấn. Ảnh: NHƯ THANH

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 9,16%, vượt kế hoạch đề ra, nằm trong top 10 cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu thực hiện vượt kế hoạch đề ra. Tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên đạt trên 3 triệu lượt, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2022.

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội được chú trọng phát triển đồng bộ với việc tăng trưởng kinh tế. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố vững mạnh, AN-QP được tăng cường. Giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông phát triển sâu rộng đến tận cơ sở. Đến nay, trên địa bàn có 2 trường đại học, 1 phân viện, 3 trường cao đẳng. Các chương trình, dự án phát triển KT-XH miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được triển khai kịp thời. Hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đạt nhiều giải thưởng lớn trong nước và khu vực.

Vừa qua, Phú Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 đồ án quy hoạch quan trọng: Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Nam Phú Yên đến năm 2040 và Đồ án quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sản xuất công nghiệp trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, tạo việc làm ổn định cho người dân. Ảnh: NHƯ THANH

Sn sàng ct cánh

Với những nền tảng quan trọng của thành tựu 49 năm, Phú Yên đã hội tụ được nhiều yếu tố để sẵn sàng bứt phá, hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh và bền vững.

Theo đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, mục tiêu của Phú Yên là làm thế nào để có thể vừa thu hút được các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế, vừa đảm bảo được lợi ích, nâng cao được chất lượng cuộc sống người dân.

Thông qua Quy hoạch tỉnh, Phú Yên xác định rõ mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng như các hành lang, trụ cột phát triển, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Đây cũng là cơ sở để Phú Yên tập trung thu hút và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Phú Yên đã chủ động tìm động lực mới cho sự phát triển. Ngay sau khi công bố Quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh đã triển khai Xúc tiến đầu tư năm 2024; trao quyết định chủ trương đầu tư và quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư 14 nhà đầu tư của 14 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 10.500 tỉ đồng và 5 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng số vốn dự kiến hơn 128.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, các ngành, địa phương của tỉnh cũng đang tập trung xúc tiến đầu tư, chủ động giới thiệu, đề xuất các dự án mới trong quá trình thực hiện. Đây là những tiền đề hết sức quan trọng để mời gọi các “đại bàng” lớn tìm đến đầu tư tại Phú Yên.

“Phú Yên tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển KT-XH và dự toán ngân sách năm 2024. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm về phát triển KT-XH theo Nghị quyết của Tỉnh ủy sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội 2020-2025 đã xác định. Tỉnh tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng đưa KKT Nam Phú Yên trở thành trái tim, động lực trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của tỉnh.

Cùng với việc thu hút đầu tư, Phú Yên tiếp tục đầu tư phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, có đóng góp lớn cho KT-XH địa phương; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương, tạo bứt phá trong những năm tới”, đồng chí Tạ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Phú Yên được biết đến là vùng đất phú trời yên, giàu tiềm năng. Thiên nhiên ban tặng cho tỉnh những lợi thế riêng, là cầu nối gắn kết các địa phương vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đến với Phú Yên hôm nay, chúng ta đang chứng kiến những bước phát triển, sự thay da đổi thịt của miền đất hoa vàng cỏ xanh sau nhiều năm xây dựng và phát triển. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Phú Yên đã nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm thay đổi tư duy, tìm chọn hướng đi riêng, phù hợp để vừa phát triển, vừa gìn giữ, bảo tồn được những giá trị, nét đẹp nguyên sơ về tự nhiên, về văn hóa. Điều đó được thể hiện qua những con số hết sức ấn tượng. Đây là những nền tảng vững chắc, thuận lợi để Phú Yên tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

NHƯ THANH (Báo Phú Yên)

Tác giả: Diepkinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây