Điện Biên Phủ trên không và trận đánh sau đêm Noel 1972

Thứ hai - 25/12/2017 22:46
Trận đánh đêm 26/12/1972 là trận đánh then chốt, phá tan chiến dịch quân sự cuối cùng của quân đội Mỹ ở miền Bắc nước ta.
Rồng lửa SAM của quân đội ta trong trận chiến Điện Biên Phủ trên không. (Ảnh tư liệu)
Rồng lửa SAM của quân đội ta trong trận chiến Điện Biên Phủ trên không. (Ảnh tư liệu)

Để củng cố lực lượng, ổn định tinh thần và xoa dịu dư luận, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Nixon ra lệnh tạm ngừng ném bom vào ngày nghỉ lễ Noel năm 1972. Ngày 25/12/1972, theo chỉ đạo của Quân chủng Phòng không - Không quân, tất cả các đơn vị ở Hải Phòng rút kinh nghiệm chiến đấu trong đợt 1, chuẩn bị cho đợt chiến đấu mới. Vì vậy, trận đánh đêm 26/12/1972 là trận đánh then chốt, phá tan mưu đồ chính trị của Nixon.

Ông Nguyễn Văn Nhất, lúc đó là chuẩn úy, trưởng xe máy tính điện tử của tiểu đoàn 81, thuộc Sư đoàn tên lửa 363, đóng quân tại thôn Lạng Côn, xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng cho biết, Tiểu đoàn tên lửa cũng đã xác định từ trước với tinh thần rất sẵn sàng mặc dù lúc bấy giờ chưa biết B52 là thế nào.

“Lúc đầu đánh thì hiệu quả chưa cao vì nó còn gây nhiễu hai độ cao, nhiễu tiêu cực, tích cực nên đánh phải rút kinh nghiệm nhiều. Sau này lên Quân chủng rút kinh nghiệm rồi bắt sống được phi công, nó khai ra và cũng rút kinh nghiệm từ mình nên đánh có hiệu quả ” – ông Nguyễn Văn Chất kể lại kinh nghiệm đánh B52.

Ông Đỗ Xuân The, thời điểm đó là thiếu úy, trợ lý tham mưu trung đoàn 238, sư đoàn 363 cho biết, sau hơn 1 tuần đối mặt với khá nhiều thủ đoạn đánh phá của các loại máy bay F và B52, các trạm radar bố trí chếch trên 45 độ so với trục bay chính của B52. Các tiểu đoàn hoả lực tên lửa vận dụng đánh bằng tất cả các phương pháp điều khiển, chuyển hoá linh hoạt. Không để bị lừa bằng các biện pháp phóng nhử, biết chọn đúng dải nhiễu B52, phân biệt được B52 thật khi nhiễu tách nhau.

Theo ông The, Tiểu đoàn 81 đã có kinh nghiệm đánh B52 trong chiến trường Vĩnh Linh thời gian năm 1966, 1967. Ra miền Bắc này có kinh nghiệm cùng với các trận đánh trên quân chủng đều rút kinh nghiệm. Nên khi về đơn vị vận dụng thực hành rất tốt.
 

Ông Hoàng Văn Bộ, nguyên Trưởng Ban quân báo Sư đoàn PKKQ 363 kể lại chuyện phân biệt máy bay B52 giả.
Ông Hoàng Văn Bộ, nguyên Trưởng ban quân báo, Sư đoàn tên lửa 363 kể lại, Hải phòng bắn rơi B52 nhưng không bắt được phi công vì ở Hải Phòng gần biển, khi B52 bị cháy, phi công đều cố gắng điều khiển để rơi xuống biển, chờ lực lượng cứu hộ. Với những phi công bắt được tại Hải Phòng đều là những phi công lái máy bay F, lời khai của những phi công này là những thông tin bổ sung để lực lượng Phòng không, Không quân Việt Nam có cách bắn hạ B52 một cách hiệu quả nhất.

“B52 thật, giả lẫn lộn, máy bay tiêm kích cũng bay 11km nhưng tốc độ của nó 250m/s, còn B52 chỉ 200m/s. Thứ 2 là phản xạ, B52 to, dài 50m, hai sải cánh 36m, nó mang nặng mà đã mang nặng thì bay ổn định, không cơ động được. Còn F8 tránh máy bay, tên lửa, pháo cao xạ của ta thì cơ động” – ông Bộ nêu rõ.

Chính vì nắm chắc được quy luật di chuyển của máy bay địch, cho dù đêm 26/12/1972, địch huy động 105 lượt máy bay B52 và hàng trăm lượt máy bay chiến thuật đánh đồng loạt vào 3 khu vực Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên. Lực lượng phòng không ở Hải Phòng mà nòng cốt là các tiểu đoàn tên lửa thuộc Sư đoàn phòng không 363 đã anh dũng, ngoan cường chiến đấu.

Theo Đại tá Đoàn Trung Dũng, nguyên Sư trưởng sư đoàn 363, tất cả các loại máy bay vào từ hướng Đông, Đông Bắc đánh phá Hà Nội, Hải Phòng đều bị sư đoàn 363 tiêu diệt. Trong 12 ngày đêm chống lại cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, sư đoàn đã bắn rơi 17 máy bay các loại, trong đó có 5 máy bay B52.

Mặc dù liên tiếp các đêm 27, 28, 29/12/1972, không quân Mỹ còn tiếp tục cho B52 đánh phá Hà Nội, Thái Nguyên, Lạng Sơn và máy bay chiến thuật đánh phá Hải Phòng. Nhưng có thể nói trận đánh đêm 26/12 là trận đánh then chốt, phá tan chiến dịch quân sự cuối cùng của quân đội Mỹ ở miền Bắc nước ta, tạo ra một Điện Biên Phủ trên không lẫy lững 45 năm trước, buộc phía Mỹ phải ngồi vào đàm phán với Việt Nam tại Hội nghị Paris vào ngày 27/1/1973./.

Nguồn tin: vov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây