Trong bức thư này, Bác gọi thanh niên là: “Các bạn thanh niên yêu quý” và Bác chân thành góp mấy ý kiến để thanh niên thảo luận. Bác nói: “Đó là kinh nghiệm của một người bạn có lịch duyệt, thật thà đem bày tỏ với các bạn. Mong các bạn gắng sức và thành công“. Trong bức thư ngắn gọn này, Bác Hồ viết: “Người ta thường nói: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cho cái tương lai đó”.
...Vậy nên nhiệm vụ của các bạn là phải tìm đủ mọi cách để gây một phong trào thanh niên to lớn và mạnh mẽ.
Theo ý tôi, muốn đạt được mục đích đó thì mỗi thanh niên, nhất là mỗi cán bộ phải kiên quyết làm bằng được những điều sau này (2):
1 - Các sự hy sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước (Tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc )
2 - Các việc đáng làm thì có khó mấy cũng cố chịu quyết làm cho kỳ được.
3 - Ham làm những việc ích quốc lợi dân, không ham địa vị và công danh phú quý.
4 - Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, đối với việc.
5 - Quyết tâm làm gương về mặt: Siêng năng, tiết kiệm, trong sạch.
6 - Chớ kiêu ngạo, tự mãn, tự túc. Nói ít làm nhiều, thân ái đoàn kết.
Như thế thì ai cũng phải yêu mến, kính phục thanh niên và phong trào thanh niên nhất định sẽ ăn sâu lan rộng.”
Sau khi nêu ra 6 điểm cần làm, quyết tâm làm, Bác Hồ còn ân cần dặn dò:
“ Tôi lại khuyên các bạn một điều nữa là chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai, nhưng không thực hiện được.
Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được.
Một điều đáng chú ý, là ngay từ hơn 60 năm trước, qua theo dõi phong trào thanh niên, Bác Hồ đã chỉ ra: “Chúng ta phải nhận rằng thanh niên ta rất hăng hái. Nhưng chúng ta cũng phải nhận rằng phong trào thanh niên ta còn chật hẹp, mặc dầu từ cách mạng tháng Tám đến nay, thanh niên ta có cơ hội để phát triển một cách mau chóng và rộng rãi hơn”.
Chúng ta đều biết, trong suốt cuộc đời mình, Bác Hồ luôn luôn yêu quý và tin tưởng ở thanh niên. Bác đã viết:
Một năm khởi đầu từ mùa Xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội”(3).
Tháng 4 năm 1951, cũng trong một bức thư gửi thanh niên, Bác Hồ viết:
Huy hiệu của Thanh niên ta là “ Tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên”. Ý nghĩa của nó là thanh niên phải xung phong làm gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng. Thanh niên phải là một lực lượng to lớn và vững chắc trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc” (4).
Đồng chí Vũ Kỳ, kể lại: Một lần hai Bác cháu đi dạo trên đường xoài - con “Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa “ mà nhà thơ Tố Hữu đã viết trong thơ. Trong bộ quần áo nâu mỏng, thư thái và ung dung như hòa mình lặng lẽ vào thiên nhiên giữa những hàng xoài cao lớn, bỗng Bác dừng lại hỏi :
- Chú Kỳ này, chú có biết những cây muỗm này trồng từ bao giờ không?
- Thưa Bác, cháu cũng chưa rõ, để rồi cháu hỏi bên vườn ươm cây...
- Thế chú có biết giống cây này từ khi trồng đến khi cỗi chừng bao nhiêu năm không ?
- Thưa Bác, cháu cũng chưa rõ.
Nhưng rồi sau đó tôi thưa với Bác:
- Thưa Bác, có lẽ những cây này cũng đến 70 năm rồi. Vì cái nhà Toàn quyền kia làm xong từ năm 1906, chắc những cây này cũng trồng từ ngày ấy.
Hai Bác cháu vừa đi vừa nhìn những cây muỗm cao lớn, xù xì, với vẻ phong sương dày dạn, bỗng Bác dừng lại:
- Chú Kỳ này, chú chịu khó tìm lấy giống xoài tốt của miền Nam, đem trồng xen vào những hàng muỗm này, để nó kịp lớn lên thay thế những cây muỗm kia chú ạ.
Sau này ngẫm nghĩ tôi mới hiểu ra, Bác nói chuyện trồng cây nhưng lại là chuyện “trồng người”.
Trong bản Di chúc lịch sử của mình, Bác Hồ đã viết :
“Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”.
Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”
Nhân Tháng Thanh niên, đọc lại những lời dặn dò của Bác, chúng ta càng nhớ đến Bác kính yêu. Trong một câu Di chúc ngắn ấy, Bác đã 2 lần nhắc đến chữ rất. Người muốn Đảng ta và nhân dân ta luôn luôn nhớ đến nhiệm vụ quan trọng và cần thiết ấy. Đó là bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò và vị trí của thanh niên đã được hình thành từ rất sớm. Trên con đường vận động cách mạng, một trong những tổ chức cách mạng đầu tiên của nước ta đã được Bác đặt tên là Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta cũng được Bác đặt tên là tờ báo Thanh Niên.
Đồng chí nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng đã nói làm tốt công tác thanh niên là làm tốt công tác xây dựng Đảng.
Những lời dặn dò của Bác, tấm lòng yêu thương của Bác đối với thanh niên, như đang nhắc nhở tất cả chúng ta./.
1- Hồ Chí Minh toàn tập - Tập 5 NXB CTQG Hà Nội 2002-Tr 185.
2- Trong bài ghi a,b,c,d,e,f- tôi ghi là 1,2,3,4,5,6, cho dễ nhớ.
3- HCM toàn tập tập 4 - tr 167.
4- HCM toàn tập tập 6 - tr 198.
Theo https://www.bqllang.gov.vn (Bùi Công Bính Theo Báo Nam Định)