Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có vai trò vô cùng quan trọng đối với công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay. Trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI và lần thứ XII đã đề ra một số chủ trương, quan điểm về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt tại Đại hội XIII, Đảng ta đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ quyết liệt về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với một quyết tâm chính trị rất cao cùng phương châm: Sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó và không có vùng cấm.
Nhận thức sâu sắc về sự phức tạp và vô cùng khó khăn của công tác phòng, chống tham nhũng nên Đảng đã chỉ đạo: Trong phòng, chống tham nhũng phải kiên quyết, kiên trì và sử dụng tổng hợp nhiều phương thức, biện pháp mới mang lại hiệu quả. Quan điểm này được thể hiện rất rõ trong Văn kiện Đại hội XIII: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”.
Một trong những bước tiến quan trọng, góp phần vào thành tựu của công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong những năm qua chính là sự hoạt động hiệu quả của Ban chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã khẳng định: “Nhìn lại chặng đường 10 năm kể từ khi thành lập Ban chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đến nay, nhất là sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với ý chí và tinh thần trách nhiệm cao, với sự nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta đã thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố, nâng cao ý chí, niềm tin của Nhân dân vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho đất nước ta ngày càng giàu mạnh, ngày càng phát triển, có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế”.
Để tiếp tục kế thừa, phát huy hiệu quả của ban chỉ đạo trung ương, tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã thông qua đề án Thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Việc thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh được kỳ vọng sẽ tạo một bước tiến mới trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để công tác này sẽ được tổ chức thực hiện đồng bộ hơn, sâu sát hơn.
Tại tỉnh Phú Yên, ngày 13/6/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban chỉ đạo.
Ban chỉ đạo tỉnh sẽ giúp ban chỉ đạo trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở địa phương. Đồng thời, ban chỉ đạo có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Việc thành lập ban chỉ đạo tỉnh khẳng định quyết tâm, ý chí, với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai của tập thể Đảng bộ tỉnh trong công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là tiêu cực trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu cao nhất, duy nhất là để xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh hơn, để xây dựng và phát triển tỉnh nhà bền vững, mọi người dân Phú Yên có cuộc sống thực sự ấm no, thực sự hạnh phúc.
Đó cũng là câu trả lời phản bác lại những luận điểm cho rằng việc quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm nhụt chí, chùn bước những người dám nghĩ, dám làm, làm chậm sự phát triển đất nước, hay đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là đấu đá nội bộ, phe cánh. Đồng thời, một lần nữa khẳng định: “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước chỉ làm chùn bước những ai có động cơ không trong sáng, đã trót nhúng chàm và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm” như lời phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Triển khai quyết liệt, toàn diện trên nguyên tắc phòng ngừa là chính
Trong thời gian tới, cùng với việc đi vào hoạt động của ban chỉ đạo tỉnh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, triển khai toàn diện trên các mặt; kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện; xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, trong đó quán triệt nguyên tắc phòng ngừa là chính; kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, với các giải pháp trọng tâm:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Hai là, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh, đồng bộ các hành vi tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu tác động không trong sáng của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
Ba là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bốn là, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí và Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Năm là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong khu vực ngoài Nhà nước.
Tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của hệ thống chính trị, sự triển khai đồng bộ, thông suốt từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, xây dựng Đảng ta ngày càng vững mạnh để lãnh đạo thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Việc thành lập Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng tỉnh khẳng định quyết tâm, ý chí, với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai của tập thể Đảng bộ tỉnh trong công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là tiêu cực trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu cao nhất, duy nhất là để xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh hơn, để xây dựng và phát triển tỉnh nhà bền vững, mọi người dân Phú Yên có cuộc sống thực sự ấm no, thực sự hạnh phúc. |
PHẠM ĐẠI DƯƠNG/PYO
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn