Những mốc son làm nên danh hiệu truyền thống “Tuổi trẻ Phú Yên trí dũng song toàn đi đầu thắng Mỹ”

Thứ hai - 19/03/2018 00:16
Năm 1970, Đoàn thanh niên Nhân dân cách mạng Miền Nam toàn Khu 5 họp đại hội, giữa lúc cuộc chiến đấu của quân dân ta giành được thắng lợi to lớn và bước vào giai đoạn gay go, ác liệt chưa từng thấy. Tại Đại hội lịch sử của Khu đoàn, Ban Thường vụ Khu ủy khu 5 trao tặng thế hệ trẻ Phú Yên lá cờ thêu tám chữ vàng “Trí dũng song toàn, đi đầu thắng Mỹ”. Từ đó, danh hiệu vẻ vang này trở thành truyền thống cách mạng của tổ chức Đoàn và phong trào thanh niên Phú Yên cho đến tận hôm nay.
Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Tấn Việt (bìa trái) cùng nguyên lãnh đạo Tỉnh đoàn qua các thời kỳ cắt bánh sinh nhật nhân kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Tấn Việt (bìa trái) cùng nguyên lãnh đạo Tỉnh đoàn qua các thời kỳ cắt bánh sinh nhật nhân kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Hồi tưởng lại một thời hào hùng đã qua - thế hệ trẻ Phú Yên dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu hiện lên trong tâm trí tôi bao sự kiện đáng nhớ như những mốc son chói lọi góp phần viết nên những trang sử đáng tự hào trên mảnh đất quê hương.

* Không cam chịu cảnh đời nô lệ, Tuổi trẻ Phú Yên xung kích đi đầu chống Mỹ cứu nước

Trong suốt hơn 20 năm, từ tháng 7 năm 1954 đến 30 tháng 4 năm 1975, đế quốc Mỹ và bọn ngụy quyền tay sai ở Miền Nam Việt Nam đã dùng những âm mưu, thủ đoạn cực kỳ thâm độc, tàn bạo đối với nhân dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Bằng luật 10/59 phản động, đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, chúng đàn áp, khủng bố, chém giết, thủ tiêu nhiều người dân yêu nước vô tội; đi đôi với tuyên truyền xuyên tạc, ly gián, biến xóm làng thành một địa ngục trần gian, nhà tù nhiều hơn trường học; gieo rắc đau thương tang tóc tưởng chừng nghẹt thở, đến nỗi gà không dám gáy, chó cũng không dám sủa. Khi lung lạc được tinh thần một bộ phận nhân dân, chúng thực hiện chính sách lừa bịp, mỵ dân, ráo riết bắt thanh niên đi lính, biến họ thành công cụ làm tay sai cho đế quốc, chống lại nhân dân, chống lại cách mạng. Có thể nói trên toàn miền Nam diễn ra cuộc đấu tranh một mất, một còn giữa ta và địch. Đồng thời là cuộc đấu tranh giành giật từng con người thanh niên, đặt thế hệ trẻ vào sự lựa chọn: Hoặc khuất phục trước sự cám dỗ vật chất từ viện trợ Mỹ, cam chịu đi lính đánh thuê, tham gia Ngụy quân, Ngụy quyền, làm bia đỡ đạn cho bọn ác ôn đầu sỏ của địch, chống lại nhân dân; hoặc thấy rõ con đường chính nghĩa của cách mạng, chấp nhận gian khổ, thiếu thốn, hy sinh, tự nguyện xung phong chiến đấu dưới mọi hình thức, đứng về phía nhân dân, chống lại kẻ thù.

Thực tế diễn ra là bọn Mỹ - Ngụy đã lôi kéo, cưỡng bức một bộ phận không nhỏ thanh niên toàn Miền Nam vào các sắc lính. Trong đó, tại Phú Yên có thời kỳ chúng đã bắt đến 4000 người. Thế nhưng bộ phận thanh niên còn lại ngày càng được Đảng Nhân dân cách mạng Việt nam, Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam, Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng Miền Nam, Hội Liên hiệp thanh niên Giải phóng Miền Nam thức tỉnh, giác ngộ. Tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên được xây dựng, trở thành một lực lượng ngày càng đông đảo, ngày càng hùng hậu với những cuộc đấu tranh vang dội từ nông thôn, đến thành thị, từ miền núi đến đồng bằng ven biển, hình thành thế trận giằng co quyết liệt giữa ta và địch mà thế hệ trẻ là lực lượng trung tâm. Xu thế phát triển của tình hình cho thấy rõ ai nắm được thanh niên sẽ giành thắng lợi cuối cùng.
Ở Phú Yên, sự dồn nén như ngọn lửa âm ỉ đã bùng lên dữ dội sau cuộc Đồng khởi Hòa Thịnh tháng 12 năm 1960 với từng tốp, từng đoàn thanh niên tự nguyện thoát ly gia đình lên vùng Giải phóng, gia nhập lực lượng vũ trang. Từ Tuy Hòa đến Đồng Xuân, từ Tuy An, Sông Cầu đến Sơn Hòa, Miền Tây, nam nữ thanh niên hăm hở tham gia mọi mặt công tác, chiến đấu khắp các chiến trường trong tỉnh, chi viện cho tỉnh bạn Khánh Hòa, Đắk Lắk và tăng cường cho bộ đội chủ lực, hành quân đánh giặc trên các chiến trường Tây Nguyên, Miền Đông, Miền Tây Nam Bộ.

Tại xã Hòa Thịnh và các xã khu Đông huyện Tuy Hòa, từ năm 1960 đã có 1030 thanh niên gia nhập lực lượng vũ trang Giải phóng. Năm 1961, huyện Tuy An có trên 300 thanh niên thoát ly tham gia cách mạng. Chính lực lượng này đã hình thành các đơn vị bộ đội địa phương chiến đấu, lập được nhiều chiến công. Tháng 11 năm 1964, 300 đại biểu các tầng lớp thanh niên thị xã và huyện Tuy Hòa 2 họp Đại hội tại thôn Đông Hòa, xã Hòa Quang. Khi đại hội bế mạc có 180 anh chị em xung phong thoát ly ra luôn vùng căn cứ. Từ năm 1961 đến năm 1965, huyện Đồng Xuân mở trường lớp và thường xuyên kéo thanh niên các xã vùng sâu, thị trấn La Hai ra học tập chủ trương, đường lối chống Mỹ cứu nước. Hầu hết anh chị em sau học tập đều tự nguyện xung phong thoát ly gia nhập quân Giải phóng, Thanh niên xung phong và phục vụ trong các ngành sản xuất, lương thực, giao bưu.
Phong trào nối tiếp phong trào, chiến công nối tiếp chiến công. Tuổi trẻ trong lực lượng vũ trang dũng cảm, mưu trí, chiến đấu kiên cường đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu như anh hùng quân đội Lê Trung Kiên, Lương Tấn Thịnh, Trần Kiệt, Nguyễn Kim Vang. Năm 1966, chiến sĩ du kích Phan Năm - thôn Phước Huệ, xã Xuân Quang 2 dùng súng trường bắn rơi 2 máy bay trinh sát L19. Nữ du kích Nguyễn Thị Dờn - thôn Đồng Hội bắn rơi trực thăng Mỹ khi chúng đổ bộ càn quét, đốt phá quê hương mình. Tiểu đội du kích thôn Triêm Đức dùng mìn tự chế tạo, đánh tan xác xe bọc thép M113 của địch. Đó là những hình ảnh tiêu biểu trong lực lượng bán vũ trang cách mạng. Các nữ chiến sĩ biệt động như cô Hảnh, cô Hạnh, cô Thư và lực lượng du kích B dũng cảm, mưu trí đánh địch, diệt ác ôn ngay tại sào huyệt của chúng giữa ban ngày, gây tiếng vang lớn, khiến kẻ thù khiếp sợ, nhân dân phấn khởi. Thiếu niên Đỗ Căn gan góc, táo bạo đốt xe quân sự địch, ngay trên quốc lộ 1. Hằng chục Đội viên Thiếu niên tiền phong khác đã làm liên lạc, tiếp tế lương thực , thuốc men và cả vũ khí lấy được của địch để cung cấp cho Đội Vũ trang công tác.
Đi đôi với xung kích đi đầu trong hoạt động vũ trang, nhiều cuộc đấu tranh chính trị của thanh niên học sinh ở các trường trung học Nguyễn Huệ, Bồ Đề, Đặng Đức Tuấn, chống âm mưu quân sự hóa học đường, vạch mặt bọn sĩ quan tâm lý chiến đội lốt giáo viên, nói xấu cách mạng, xuyên tạc chủ trương đoàn kết dân tộc, chống Mỹ cứu nước của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam liên tục giành được thắng lợi.

Một bộ phận thanh niên ở vùng Giải phóng, vùng căn cứ cách mạng luôn đi đầu trong công tác bố phòng, chống địch càn quét, tích cực tăng gia sản xuất, phục vụ tiền tuyến. Ngành giao bưu, ngành vận tải gồm hầu hết là thanh niên, luôn hăng hái xung phong đi đầu hoàn thành nhiệm vụ. Trạm nữ giao liên buôn Ma Dú gồm 5 chị em tuổi 18-20 kiên trì bám trụ giữa nơi rừng thiêng nước độc, thú dữ nhiều năm liền, bảo đảm đưa đón, dẫn đường cho cán bộ và chuyển tải hằng chục tấn thư từ, bưu phẩm, hành lý tuyệt đối an toàn, nêu tấm gương về lờng dũng cảm, trí thông minh của tuổi trẻ.
Trong cuộc chiến đấu một mất, một còn với địch, có lúc chúng ta chiến thắng như thế “chẻ tre” nhưng cũng có lúc không tránh khỏi thất bại hoặc gặp khó khăn tạm thời. Về phía địch, sau mỗi lần thất bại chúng lại bày ra những âm mưu, thủ đoạn mới, như dùng phi pháo huỷ diệt, càn quét thực hiện chính sách “tam quang”: Giết sạch, đốt sạch, phá sạch cùng những đòn tâm lý lung lạc, doạ dẫm, phỉnh nịnh, chiêu hồi, chiêu hàng buộc ta phải theo dõi, phân tích đối phó. Những cuộc đấu trí, đấu lực diễn ra thường xuyên liên tục, quyết liệt đó luôn phải dựa vào lực lượng tuổi trẻ. Họ có lòng yêu nuớc, bản lĩnh, trí tuệ, dám chấp nhận đối mặt với kẻ thù, sẵn sàng quyết chiến, hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình góp phần đưa cách mạng vượt qua tất cả những khó khăn, thử thách.

Lịch sử đã chứng minh thắng lợi cuối cùng của cách mạng miền Nam, khẳng định vai trò của thanh thiếu niên Phú Yên trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa ta và địch, đặc biệt là chiến đấu vũ trang với sự mưu trí và lòng dũng cảm phi thường để chiến thắng một kẻ thù hung bạo, tàn ác thuộc loại bậc nhất trong lịch sử. Đó thật sự là một trong những mốc son làm nên danh hiệu truyền thống Thế hệ trẻ Phú Yên trí dũng song toàn đi đầu đánh Mỹ”.

* Xây dựng tổ chức, đào tạo cán bộ - nét nổi bật trong hoạt động của Tnh đoàn Phú Yên

Về tổ chức, Năm 1960 trên thực tế, số cán bộ, Đoàn viên trong tỉnh chì đếm được trên đầu ngón tay. Đến năm 1965, khi quân dân tỉnh ta đánh thắng cuộc chiến tranh đặc biệt của địch, cả tình đã có 2350 Đoàn viên Đoàn thanh niên Nhân dân cách mạng, 7100 Hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên Giải phóng, 137 Chi đoàn cấp xã, Đội Công tác và Đại đội lực lượng vũ trang tập trung với 8 huyện, thị đoàn và 850 cán bộ đoàn các cấp. Khi đế quốc Mỹ ồ ạc đưa quân đội chính quy, vũ khí hiện đại đổ bộ vào miền Nam gây ra cuộc chiến tranh cục bộ quy mô lớn, tàn khốc, ác liệt, làm cho quân dân ta gặp tổn thất, khó khăn thì tổ chức Đoàn, Hội, Đội cũng chịu nhiều biến động .
Tuy vậy, sau khi hàng trăm cán bộ, Đoàn viên hy sinh, bị địch bắt, bị tù, một số tổ chức cơ sở Đoàn bị tan rã hoặc tạm thời ngưng hoạt động thì nó lại được vực dậy, củng cố theo quy luật hồi sinh. Địch càng gây tội ác thì chí căm thù địch càng cao. Thất bại và khó khăn tạm thời lại giúp chúng ta có thêm kinh nghiệm. Nhờ vậy trên chiến trường, lực lượng vũ trang càng đánh càng mạnh. Thực lực cách mạng càng được củng cố phát triển. Tổ chức Đoàn và đội ngũ cán bộ, Đoàn viên, Hội viên, Đội viên lần lượt được khôi phục đã tăng gấp nhiều lần đến 30/4/1975. Vai trò thế hệ trẻ được phát huy tích cực trên các mặt trận đấu tranh vũ trang, chính trị, binh vận. Đồng thời là nguồn bổ sung vô tận cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, góp phần tạo ra thế và lực mới của cách mạng trên khắp 3 vùng chiến lược.

Đào tạo cán bộ là nét nổi bật của Tỉnh đoàn Phú Yên trong toàn Đoàn Khu 5. Quá trình phát triển của công tác đào tạo hình thành rõ nét ở 2 thời kỳ khác nhau:

- Thời kỳ trước khi có trường Đoàn ( khoảng 1960 - 1968): Trong thời kỳ này, nguồn cán bộ được hình thành chủ yếu do tổ chức Đảng lựa chọn, bố trí lãnh đạo các cấp bộ Đoàn, như đồng chí Lương Công Trấp, Nguyễn Ngọc Trảng (Tỉnh đoàn); Lê Tỷ Khởi (huyện Tuy Hoà 2); Mai Hiếu Khiêm, Nguyễn Tài (Huyện Đồng Xuân); Võ Việt Hùng (Huyện Tuy An); Nguyễn Thị Tuyết, Phạm Hoài Nam (huyện Đoàn Tuy Hoà 1); Nguyễn Thị Thanh Lam, Bùi Văn Nhi (Huyện Đoàn Sông Cầu); Phạm Cuộc, Ly Sơn (Thị Đoàn Thị xã Tuy Hoà); Lê Văn Hữu ( Huyện Đoàn Sơn Hoà); Trung B (Huyện Miền Tây),... Bằng trình độ và năng lực kinh nghiệm cuộc sống, các đồng chí đã bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, tổ chức lãnh đạo phong trào thanh thiếu niên, học sinh trong tỉnh, phát huy vai trò xung kích đi đầu trong chiến đấu, công tác để hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đặt nền móng cho sự phát triển sau này.

- Thời kỳ thành lập trường Đoàn (từ năm 1969): Trước yêu cầu xây dựng, phát triển thực lực cách mạng nhằm đáp ứng tình hình, nhiệm vụ trong giai đoạn mới đang đặt ra cấp bách, Ban Thanh vận tỉnh đề xuất ý kiến thành lâp trường Đoàn để đào tạo đội ngũ cán bộ, nhằm đáp ứng phong trào thanh thiếu niên, học sinh. Đề xuất trên được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chấp thuận. Khi nghe đồng chí phụ trách Ban Thanh vận trình bày kế hoạch, chương trình đào tạo, anh Sáu Thể (Trần Suyền) - Bí thư Tỉnh ủy nói rõ tư tưởng chỉ đạo: Trường Đoàn phải đào tạo đội ngũ cán bộ thành “những chiếc máy cái” để ra trường anh chị em có thể phát triển thành cấp số nhân. Do đó, nội dung đào tạo, phương pháp đào tạo vừa phải bám sát đường lối, chính sách thanh vận, vừa gắn chặt với tình hình nhiệm vụ mới đang đặt ra như âm mưu thủ đoạn Bình định nông thôn của địch, luận điệu chiến tranh tâm lý của chúng và chủ trương đối phó của ta. Hơn nữa, do đối tượng chiêu sinh có một số anh chị em mới thoát ly ra vùng Giải phóng đang làm công tác ở cơ sở nên việc dạy, việc học phải phù hợp, sát với trình độ..
Trường khai mạc khóa đầu tiên trong một khu rừng nhỏ tại vùng 2, xã An Xuân, Huyện Tuy An với gần 50 cán bô, học viên từ cấp tỉnh đến cấp xã. Khóa học diễn ra sinh động đến sau ngày Bác Hồ mất thì kết thúc. Do địa điểm bị lộ nên trường được chuyển về ở một khu rừng lớn hơn tại thung lũng Núi Đá Thành thuộc vùng 1, xã An Xuân. Tại đây trường liên tục mở nhiều lớp kế tiếp. Hàng loạt “máy cái” ra lò, trở về địa phương, cơ sở đã phát huy tác dụng rất tốt về xây dựng tổ chức và đẩy mạnh hoạt động tiến công địch. Nhiều nơi trước đây là vùng xung yếu, vùng trắng, thanh thiếu niên đã được tập hợp giáo dục. Số lượng Đoàn viên, Hôi viên, Đội viên và cán bộ Thanh niên ở từng thôn xóm tăng lên rõ rệt. Thanh thiếu niên, học sinh đã dám hành động cách mạng, tấn công địch bằng vũ trang, chính trị, binh vận, xây dựng vùng căn cứ, vùng Giải phóng. Đặc biệt thanh niên, học sinh tại nội ô thị xã Tuy Hòa nổ ra một số cuộc đấu tranh chống địch đàn áp, khủng bố, chống quân sự hóa học đường, đòi hòa bình dân chủ. Hiệu quả của công tác trường Đoàn khẳng định một phương thức hoạt động tích cực. Phương thức này được duy trì cho đến khi chiến tranh kết thúc và cả thời kỳ đầu mới Giải phóng (sau ngày 30/4/1975).

Trở lại khoá đào tạo cán bộ đầu tiên của trường Đoàn với dấu ấn sâu đậm và những kỷ niệm đẹp khó quên của tất cả những cán bộ Đoàn có mặt trong tháng 8 đến đầu tháng 9/1969 tại địa điểm đã nêu trên.
Nếu nói tổ chức Đoàn là một trường học lớn thì trường Đoàn Phú Yên là một loại trường học trong trường học. Hầu hết học viên là những cán bộ ưu tú mà đến nay, ngoài số đồng chí đã anh dũng hy sinh, số còn lại đều trưởng thành hoặc đang đảm nhận trọng trách tại cấp tỉnh, cấp huyện hoặc đã nghỉ hưu đều mãi mãi ghi nhớ những hình ảnh, những việc làm có ý nghĩa tốt đẹp đọng trong tâm trí của mọi người.

Hồi đó, việc mở trường đã khó nhưng dạy và học như thế nào lại là điều không đơn giản. Cái khó làm ló cái khôn. Trong thời kỳ đầu, trường chưa đủ giáo viên, chúng tôi tập trung nghiên cứu chỉ thị, tài liệu của Tỉnh ủy, của Khu Đoàn 5. Riêng tôi, vận dụng mấy “bài ruột” về đường lối, chính sách và phương pháp công tác thanh vận bằng kiến thức tích lũy được từ Trung ương Đoàn ở Hà Nội 5 năm trước. Tuy thế, học viên lại rất thích thú do anh chị em lần đầu tiên được tiếp xúc nội dung công tác Đoàn một cách có bài bản. Ngoài ra, những phần còn lại là những báo cáo thực tế của chính học viên là những cán bộ chủ chốt của các huyện, thị Đoàn, Đoàn Dân chính Đảng, Đoàn Công an, Quân sự, vừa báo cáo thực tế, vừa thảo luận rút ra kết luận từng vấn đề thành bài học. Chính từ lúc này, trường Đoàn đã tiến hành một phương pháp đào tạo, huấn luyện ai cũng là học viên và ai (số ít) cũng là giáo viên” tỏ ra đạt kết quả rất tốt, rất thiết thực.

Những khóa sau này, có thêm anh Nguyễn Văn Phú - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Hồ Văn Hiếu, Nguyễn Thị Kim Chi - cán bộ Tỉnh Đoàn đi thụ huấn trường Đoàn Khu 5 về, bổ sung vào đội ngũ giáo viên, được Khu Đoàn 5 trang bị nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tế, góp phần làm cho việc dạy và học của trường Đoàn Phú Yên thêm phong phú.
Tại khoá học đầu tiên của trường Đoàn, tinh thần, khí phách và trí tuệ của tuổi trẻ được bộc lộ. Đó là bình tĩnh, nghiêm túc nghe giảng bài, mặc cho máy bay trinh sát của địch quần đảo, uy hiếp, nhờ nắm được quy luật chúng bay trong tư thế nào mới có khả năng phóng rocket, thả lựu đạn ... Khi máy bay phát hiện mục tiêu đổi tư thế bay, chuẩn bị bắn phá thì từng nhóm chủ động tránh né vào các công sự, hầm trú ẩn mà không chút run sợ. Nhiều cán bộ Đoàn dũng cảm tạo vật nghi binh, đánh lừa máy bay địch để chúng bắn phá chệch mục tiêu, cho đến khi hết đạn, hết xăng phải bỏ cuộc chuồn thẳng. Trường Đoàn vẫn bình an vô sự, tiếp tục học tập, sinh hoạt bình thường.

Khẩu hiệu “Tiếng hát át tiếng bom” được khoá học chứng minh trong thực tế khi cùng hát vang những bài ca cách mạng để vờn nhau với máy bay địch.

Khóa học đầu tiên của trường Đoàn là một hội tụ trai tài, sái sắc. Thông qua việc học hỏi, tiếp xúc, giao lưu, hình thành nên tình bạn, tình đồng chí đẹp đẽ; hò hẹn nhau trên bước đường chiến đấu, công tác, củng cố trong lòng mỗi người niềm tin vào lý tưởng cách mạng cao đẹp, vào thắng lợi cuối cùng.

Ngày gần bế mạc khoá học là ngày Bác Hồ mất, toàn khóa tổ chức lễ truy điệu tràn ngập nước mắt, mọi người quyết biến đau thương thành hành động: Sống, chiến đấu, công tác, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại.
Khóa học chia tay thật xúc động với đầy tình cảm thân thương, lưu luyến. Từ ánh mắt đến tận trái tim của mỗi cán bộ đều biểu thị sự hiểu biết mới, lạc quan, tin tưởng, yêu nghề, phấn khởi, tự hào về một tương lai tốt đẹp của tuổi trẻ, của cách mạng.

Có thể nói, từ đây, trong công tác đào tạo cán bộ của Tỉnh Đoàn Phú Yên đã mở ra một trang mới. Nó kết tinh thành danh hiệu truyền thống “Trí dũng song toàn, đi đầu thắng Mỹ”.

Các đại hội Đoàn toàn tỉnh đánh dấu sự trưởng thành của thế hệ trẻ Phú Yên.

Chiến đấu, hy sinh, người trước ngã xuống thì người sau thay thế, rồi hysinh, lại thay thế, bước tiếp bước, vai kề vai cho đến ngày cách mạng toàn thắng... Đó là chuyện thường ngày của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc diễn ra ở miền Nam suốt 20 năm. Tôi viết lại về điều này để nhớ về hàng chục, có thể đến hàng trăm cán bộ Đoàn cơ sở, như Bí thư Chi đoàn kiêm Xã đội trưởng, Xã đội phó hoặc phụ trách an ninh từng công tác bên cạnh mình đã cống hiến tuổi thanh xuân một cách bình thản. Đồng thời để nói lên đặc điểm hoạt động của tổ chức Đoàn cơ sở ở xã, ở đội công tác, ở đại đội lực lượng vũ trang,... Nói chung, ít khi tổ chức được đại hội Đoàn, phần lớn do sự sắp xếp, bố trí của Đảng ủy, Chi bộ. Huyện, thị Đoàn có thể tham gia ý kiến song không trực tiếp quyết định. Mặc dù vậy anh chị em rất dũng cảm, sáng tạo và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đoàn giao phó.
Trong số 8 Huyện, thị Đoàn thì phần nhiều đều tổ chức được đại hội theo chương trình của Tỉnh Đoàn. Môt số trường hợp gặp khó khăn, biến động đột xuất do cán bộ Đoàn hy sinh, tổn thất thì họp hội nghị đại biểu, hội nghị Ban chấp hành ra Nghị quyết, cử đại biểu đi dự đại hôi cấp tỉnh. Nơi nào quá khó khăn thì Tỉnh Đoàn bàn với Huyện ủy, Thị ủy, chỉ định việc sắp xếp bố trí nhân sự.

Ở cấp tỉnh như hai phần trên đã nói, từ năm 1960 đến năm 1975, tuy có những thời gian ngắn do cán bộ hy sinh, bị địch bắt, hoạt động bị gián đoạn, nhưng kịp thời được Tỉnh uỷ lãnh đạo, củng cố, kiện toàn, đặc biệt qua 3 lần đại hội. Những đại hội đều có ý nghĩa như những cột mốc tạo ra bước ngoặt đánh dấu sự trưởng thành về tổ chức và phong trào thanh niên toàn tỉnh.

Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ nhất họp tháng 9/1964 có 250 đại biểu tham dự tại thôn Vân Hoà - xã Sơn Long - Huyện Sơn Hòa. Quyết định nhiệm vụ vận động, tập hợp, giáo dục thanh niên, phát động phong trào tiếp tục tòng quân gia nhập lực lượng vũ trang Giải phóng, phong trào thanh niên, học sinh thị xã và xây dựng vùng Giải phóng. Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Ngọc Trảng làm Bí thư Tỉnh đoàn và đồng chí Phạm Công Tuấn làm Phó Bí thư Tỉnh đoàn.

Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ II họp tại trường Đảng ở xã Sơn Định - huyện Sơn Hòa, có 97 đại biểu tham dự. Quyết định bước đột phá đưa phong trào “5 xung phong” lên đỉnh cao mới. Chính từ đại hội này đã tạo ra sự chuyển biến về chất trong việc xây dựng tổ chức Đoàn, Hội, Đội cùng với những cải tiến phương thức, biện pháp công tác vận động, tập hợp lực lượng, mở rộng mặt trận đoàn kết thanh niên với nội dung phù hợp, hình thức phong phú, hấp dẫn đối với thế hệ trẻ trong tình hình mới, được Ban thường vụ khu Đoàn 5 theo dõi đánh giá cao. Đại hội bầu Ban Chấp hành Tỉnh đoàn gồm 21 đồng chí, có 7 nữ. Đồng chí Nguyễn Tường Thuật được cử làm Bí thư, 2 đồng chí Nguyễn Văn Phú, Hoàng Kim Thảo làm Phó Bí thư Tỉnh đoàn.

Đi hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ III họp tháng 2/1974 tại hội trường Mùa Xuân - nơi tiếp giáp 2 xã Sơn Long, Sơn Định (Huyện Sơn Hoà), có 150 đại biểu tham dự nhằm quán triệt tình hình, nhiệm vụ trong giai đoạn mới sau khi ký kết Hiệp định Paris, tiếp tục đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng, phát triển lực lượng, phát huy vai trò xung kích đi đầu của tuổi trẻ tham gia chiến   dịch giải phóng tỉnh Phú Yên 01/4 và giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam 30/4/1975. Đại hội bầu Ban Chấp hành Tỉnh đoàn gồm 25 đồng chí do đồng chí Nguyễn Văn Phú làm Bí thư và đồng chí Hoàng Kim Thảo làm Phó Bí thư Tỉnh đoàn.

Đại hội Đoàn toàn tỉnh bao giờ cũng là ngày hội của tuổi trẻ. Mỗi đại hội là một dấu ấn lịch sử của Đoàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đặc biệt, đại hội Đoàn lần thứ II được tiến hành trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt đã tạo ra sức sống mới. Từ đó, lan toả đến toàn bộ phong trào thanh niên trong toàn tỉnh như một điểm nhấn có ý nghĩa đối với các bước ngoặt lịch sử của tổ chức Đoàn và phong trào cách mạng của tuổi trẻ Phú Yên.

Với số lượng 97 đại biểu về dự đại hội đã nói lên tình hình lúc ấy cực kỳ khó khăn, nhưng sức thu hút của đại hội là rất lớn. Trong vòng 60 ngày từ khi Ban thanh vận thông báo chủ trương, kế hoạch tiến hành đại hội, hầu hết các cấp bộ Đoàn trực thuộc vừa phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng đại hội, vừa cử đoàn đại biểu của mình băng rừng, vượt suối; nhiều nơi phải bí mật đi qua vùng kiểm soát của địch về dự đại hội, mang theo thành tích, chiến công với lòng đầy phấn khởi, tự hào của tuổi trẻ. Từng đoàn đại biểu với trưởng đoàn là các đồng chí: Phạm Hoài Nam (Huyện đoàn Tuy Hoà 1), Phạm Cuộc (Thị đoàn thị xã Tuy Hoà), Nguyễn Thị Thanh Lam (Huyện đoàn Sông Cầu), Vũ Văn Thoại (Huyện đoàn Tuy An), Đỗ Vĩnh Tân (Huyện đoàn Đồng Xuân), Trần Văn Thiện, Phan Thị Nông (Huyện đoàn Sơn Hoà), Bùi Sơn Hải, Võ Châu, Lê Trung Lý (Đoàn Dân chính Đảng) và các đoàn đại biểu Huyện đoàn Tuy Hoà 2, Đoàn quân sự, Công an đều đến đại hội đúng thời gian quy định.
Địa điểm đại hội là hội trường của Trường Đảng tỉnh được xây dựng đơn sơ giữa triền núi, dưới cánh rừng rậm, bên dòng suối lớn cạnh Dốc Dẽ - xã Sơn Định, Huyện Sơn Hoà. Mỗi đoàn được phân công theo từng khu rừng để từng người mắc võng, căng nilon đào hầm trú ẩn tránh phi pháo của địch. Các nhánh rẽ đường mòn vào khu vực đại hội được nguỵ trang để che mắt máy bay trinh sát thường xuyên quần đảo, tìm mục tiêu ném hỏa mù, gọi máy bay chiến đấu phản lực đến ném bom bắn phá. Đơn vị lực lượng vũ trang được Ban an ninh bố trí bảo vệ đại hội, có phương án tác chiến sẵn sàng đánh địch. Từng đoàn được phổ biến phương án sơ tán khi có địch đổ quân càn quét.

Giữa núi rừng âm u với hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt, 97 đại biểu (có 11 nữ) là 97 trái tim đầy nhiệt huyết và khối óc sáng tạo đã chủ động, cùng nhau tìm kiếm, tự tạo tất cả những gì có được để thiết kế, trang trí, tạo thành một hội trường và sân khấu rực rỡ, trang nghiêm, khiến những người có mặt và cảnh vật nơi đây tưng bừng, reo vui chào đón ngày hội lớn của tuổi trẻ. Cái khoảnh khắc lịch sử này, chiến tranh đã bị đẩy lùi xa về phía quân thù.

Dưới khẩu hiệu “Tuổi trẻ Phú Yên mưu trí dũng cảm và quyết thắng”, Đại hội khai mạc trọng thể. Toàn đại hội cùng hát vang khúc quân hành hùng tráng của cách mạng miền Nam:
“Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước. Diệt đế quốc Mỹ phá tan bè lũ bán nước...”

Ba ngày họp đại hội là ba ngày thảo luận sôi nổi, nghiêm túc những vấn đề đặt ra:
- Âm mưu, thủ đoạn của địch đối với cách mạng miền Nam. Chỗ mạnh, chỗ yếu của địch. Thế và lực của ta. Xu thế phát tiển tình hình. Tính tất yếu của thắng lợi...
- Phương thức hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong tình hình mới trên cả 3 vùng chiến lược, đặc biệt chú trọng vùng địch tạm kiểm soát; Công tác thanh niên, học sinh trong nội ô thị xã.
- Nội dung đưa phong trào “5 xung phong” của Đoàn trong giai đoạn hiện tại. Biện pháp, phương thức nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn v.v..

Trong bầu không khí phấn khởi, hồ hởi, thẳng thắn và dân chủ, đại hội Đoàn vừa đạt sự nhất trí cao trước các chủ trương của Đảng bộ, của Khu Đoàn, vừa nâng cao nhận thức, hiểu biết và tính độc lập, chủ động, sáng tạo của tổ chức Đoàn từ nhận thức tư tưởng đến hành động.

Anh Sáu Thể - Bí thư Tỉnh ủy đã dự suốt thời gian đại hội, theo dõi quá trình thảo luận, gợi mở nhiều ý kiến và rất hài lòng về nội dung, kết quả đại hội đã đạt được. Chính anh Sáu khi nghe báo cáo điển hình, đã quyết định đưa đại biểu nhỏ tuổi là em Đỗ Căn (lúc ấy 14 tuổi) ra miền Bắc học tập.

Đại hội làm việc rất tập trung, khẩn trương nhưng không hề căng thẳng. Nội quy đại hội chỉ cho phép đại biểu được ra khỏi rừng khi mặt trời chen núi để hạn chế tầm nhìn của máy bay địch. Chỉ với ngần ấy không gian, thời gian nhưng cũng đủ cho các đoàn đại biểu và từng nhóm, từng người tiếp xúc vui chơi. Họ toả ra các đồi núi hoặc đi vào những cánh rừng thưa lộng gió của vùng bình nguyên Hòn Lúp - Vân Hoà nhìn về thị xã, ước mơ đến một ngày quê hương hoàn toàn giải phóng. Nhiều đôi bạn từ đó đã trở thành thân thiết, gắn bó cho đến hôm nay.

Đại hội bế mạc, từng đoàn đại biểu chia tay nhau trở về chiến trường của mình. Họ ghi cho nhau những dòng lưu bút, tặng cho nhau những kỷ vật đơn sơ như chiếc lược, tấm vải dù, hộp dầu xoa hoặc trao cho nhau cành hoa mua, hoa sim, chứa chan niềm tin hy vọng ngày gặp lại trong niềm vui chiến thắng.

Sức sống mãnh liệt của đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ II thể hiện bằng thành tích chiến đấu, công tác trên các mặt trận đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị, công tác binh vận, phong trào thanh niên, học sinh thị xã, xây dựng vùng căn cứ giải phóng và sự phát triển vựợt bậc thực lực chính trị của Đoàn.

Tại đại hội Đoàn khu 5 sau đó, đồng chí Bí thư Tỉnh đoàn đã được bầu vào Ban chấp hành Khu đoàn và Thường vụ Khu uỷ Khu 5 trao tặng cho thanh niên Phú Yên danh hiệu “Tuổi trẻ Phú Yên trí dũng song toàn, đi đầu thắng Mỹ”.

33 năm trôi qua. Ngày nay, nhiều đồng chí có mặt tại đại hội Đoàn năm ấy thường gặp và tâm sự với tôi những kỷ niệm đẹp đẽ. Đặc biệt, luôn nhắc tới “Ê kíp nhiệt tình, sáng tạo, đa tài, đáng mến của cơ quan Tỉnh đoàn và các anh chị em trong Ban Chấp hành cùng những cán bộ cốt cán khác được tập họp xung quanh cơ quan Tỉnh đoàn. Chính họ là đội ngũ tiêu biểu cho sức mạnh của thế hệ trẻ vào một thời khắc lịch sử của tổ chức Đoàn và phong trào thanh niên Phú Yên.

Kết thúc bài viết này, tôi trân trọng ghi tên một số đồng chí cán bộ Đoàn có công lao, giữ các cương vị khác nhau của Đoàn thanh niên Nhân dân cách mạng miền Nam tỉnh Phú Yên đã anh dũng hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là các liệt sĩ:
1. Lương Công Trấp - phụ trách thanh niên tỉnh thời kỳ 1960, trước đại hội Đoàn lần thứ nhất.
2. Nguyễn Thị Tuyết (quê xã Hoà Hiệp, Huyện Tuy Hoà) - Uỷ viên BCH khoá I, được điều động về Khu Đoàn, hy sinh ở chiến trường Khu 5.
3. Nguyễn Thị Lạc - phụ trách thanh niên thời kỳ 1967-1968.
4. Lê Thị Nguyệt Thu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh đoàn khoá II.
5. Thanh Khương - Chánh Văn phòng Tỉnh đoàn.
6. Hồ Văn Hiếu - Ủy viên BCH Tỉnh đoàn khóa II, phụ trách thanh niên trường học và công tác Đội TNTP.
7. Nguyễn Thị Bích Liên, (Liên bồ câu) - cán bộ Tỉnh đoàn.
8. Nguyễn Thị Thuận, (quê xã Hòa Định, Huyện Tuy Hòa 2).
9. Nguyễn Văn Bảo - nhân viên Văn phòng Tỉnh đoàn.
10. Đặng Trường Giang - Uỷ viên BCH Tỉnh đoàn khóa II, Bí thư Đoàn ngành Giao Vận.
11. Anh hùng lực lượng Công an Nhân dân, liệt s: Nguyễn Kim Vang, ủy viên Ban an ninh tỉnh - Ủy viên BCH Tỉnh đoàn khóa II.
12. Nguyễn Thị Thanh Lam - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh đoàn khóa II, Bí thư Huyện đoàn Sông Cầu.
13. Văn Nhĩ, phụ trách Huyện Sông Cầu.
14. Nguyễn Văn Hoàng (tức Định) - Phó Bí thư Huyện đoàn Sông Cầu.
15. Thanh Bình (Bình Bá) - Uỷ viên Thường vụ Huyện đoàn Tuy An
16. Nguyễn Văn 'Tới- Bí thư xã đoàn An Định, huyện Tuy An.
17. Mai Thiếu Khiêm - Q. Bí thư Huyện đoàn Đồng Xuân.
18. Nguyễn Văn Trọng - Bí thư Chi đoàn Đội Công tác thị trấn La Hai.
19. Ngô Trọng Tím - Bí thư Xã đoàn kiêm Chính trị viên Xã đội Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân.
20. Vô Khải Lương (Sanh) - Bí thư Huyện đoàn Tuy Hòa.
21. Văn Bình - cán bộ Thị đoàn thị xã.
22. Ngự Giang - phụ trách thanh niên miền Tây Phú Yên.
23. Lê Tài, (quê Hòa Hiệp, Huyện Tuy Hòa 1).

NGUYỄN TƯỜNG THUẬT  
Nguyên Bí thư Tỉnh Đoàn Phú Yên
Thời kỳ 1969 - 1973

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây