Quyết định đánh địch trên đường 5
Kỷ niệm 43 năm chiến thắng Đường 5 và giải phóng Phú Yên, chúng tôi đến thăm đại tá Ông Văn Bưu, nguyên Tỉnh đội trưởng Phú Yên. Ông là người trực tiếp chỉ huy LLVT Phú Yên phối hợp với Sư đoàn 320, đánh bại cuộc rút lui chiến lược của địch từ Tây Nguyên về duyên hải miền Trung vào tháng 3/1975.
Ở tuổi 93, trải qua tai biến nhưng đại tá Ông Văn Bưu vẫn giữ được sức khỏe và sự minh mẫn của một vị chỉ huy từng vào sinh ra tử. Lão chỉ huy nhớ lại thời khắc tháng 3/1975: Sau thất bại Buôn Ma Thuột, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đốc thúc thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy, bằng mọi nỗ lực lấy lại Buôn Ma Thuột. Nhưng ý đồ của chúng bị thất bại hoàn toàn. Thiệu ra lệnh cho Phú tổ chức rút lui chiến lược về duyên hải miền Trung “tử thủ”, chờ cơ hội lấy lại Tây Nguyên.
Ở Phú Yên, Tỉnh ủy chủ trương: “Động viên sự nỗ lực cao nhất của toàn đảng bộ, khắc phục mọi khó khăn, tập trung cao độ giành thắng lợi lớn nhất trong năm 1975…”. Tỉnh ủy và Ban chỉ huy Tỉnh đội vạch kế hoạch xác định: Hướng trọng điểm là Tuy Hòa 1, hướng thứ yếu Tuy Hòa 2 và TX Tuy Hòa; tập trung lực lượng giải phóng 5 xã Tuy Hòa 1, 3 xã Tuy Hòa 2, khống chế các mục tiêu của địch trên đường 5, sẵn sàng đánh địch từ Tây Nguyên xuống.
Đại tá Ông Văn Bưu kể chuyện về quân và dân Phú Yên đánh địch ở đường 5, giải phóng Phú Yên
Ông Văn Bưu nhớ lại: Lúc đó, ta xác định tư tưởng tác chiến là: “Bí mật, khẩn trương, tranh thủ tạo thời cơ, tiến công kiên quyết, triệt để, nghi binh giỏi để căng kéo địch, tập trung đánh trận đầu bảo đảm chắc thắng, diệt địch ở nhiều nơi, ta ít tổn thất, thương vong…”. Thực hiện kế hoạch nghi binh, ta đồng loạt tiến công lừa địch ra các huyện phía bắc tỉnh.
Trên hướng chủ yếu, ngày 15/3, ta tổ chức Đại đội 202 tấn công tiêu diệt Đại đội bảo an ở cứ điểm núi Tranh (Hòa Quang). Cùng ngày, Tiểu đoàn 96 tiêu diệt đại đội của Tiểu đoàn 220 ngụy ứng cứu cứ điểm núi Tranh, tiếp tục đánh diệt một bộ phận Tiểu đoàn 219 ở các xã Hòa Định, Hòa Thắng.
Ngày 17/3, tại núi Hương, Sở chỉ huy tiền phương Phú Yên nhận mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu 5: “… toàn bộ quân địch ở Tây Nguyên đang rút xuống theo đường 7, lệnh cho Phú Yên phải điều động toàn bộ lực lượng của địa phương sang tập trung đánh tiêu diệt quân địch trên đường 7, không cho chúng chạy thoát về TX Tuy Hòa; điều động Tiểu đoàn 96 bôn tập lên phía tây Củng Sơn, bắt liên lạc với Sư đoàn 320 đánh quân địch... Nhận được lệnh tổ chức thực hiện…”. Đại tá Ông Văn Bưu kể: “Sau khi nhận lệnh của quân khu, tôi tập trung suy nghĩ, làm thế nào để vừa chấp hành mệnh lệnh của quân khu, vừa phải bảo đảm đánh tan cuộc hành quân của địch là thử thách lớn với tôi… Tôi hình dung lại toàn bộ cục diện chiến trường rồi đề xuất họp sở chỉ huy tiền phương…”.
Tại cuộc họp sở chỉ huy tiền phương ngày 18/3 tại núi Hương do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Luân chủ trì, Tỉnh đội trưởng Ông Văn Bưu đề xuất phương án: “Giữ nguyên lực lượng chủ yếu của ta ở huyện Tuy Hòa 1, chuẩn bị các trận địa sẵn sàng đánh địch rút lui từ Tây Nguyên xuống”. Ông nhận định: Địch từ Tây Nguyên theo đường 7 đến tây Củng Sơn rồi vượt sông Ba theo đường 5 về Phú Lâm, nếu về theo đường 7 phải qua cầu Đà Rằng gặp rất nhiều trở ngại. Đường 7 đã bị ta vô hiệu hóa, khống chế từ năm 1973, mọi chi viện của địch từ Tuy Hòa lên Củng Sơn đều phải theo đường không. Hơn nữa, trên đường 7, các đơn vị của ta đang bố phòng, chốt giữ từ Dinh Ông đến dốc Đá Đề, điều này địch biết rõ. Mặt khác, theo báo cáo của trinh sát và thông tin đến ngày 17/3, ta phát hiện địch hối hả chuyên chở vật liệu, phương tiện làm cầu phao lên Ngân Điền, Thành Hội. Ông Văn Bưu đã chỉ đạo Trưởng Ban Tác chiến lúc này là Trần Văn Mười, nắm lại tình hình, tham mưu phương án đánh địch. Ông Trần Văn Mười cho biết: “Trong cuộc họp đó, tôi báo cáo tình hình địch có nhiều dấu hiệu tăng cường lực lượng bảo vệ đường 5 đoạn từ cầu Tổng lên Hòn Kén. Kiểm tra khu vực Thành Hội đoạn sông Nhau có địa thế thuận lợi để địch bắc cầu phao vượt sông Ba. Giải mã điện mật ta thu được trên sóng vô tuyến cho biết địch sẽ rút lui trên đường 5 về Phú Lâm, tôi thống nhất phương án sẵn sàng đánh địch rút lui trên đường 5…”. Từ những phân tích, phán đoán trên, Sở chỉ huy tiền phương Phú Yên thống nhất phương án: “Tổ chức đánh giữ các chốt trên đường 5 để tạo thế đánh địch từ Tây Nguyên xuống”. Ông Văn Bưu kể: “Lực lượng của ta lúc này rất hạn chế. Tôi bố trí Tiểu đoàn 13, Tiểu đoàn 9, Đại đội Đặc công 25, 201, Tiểu đoàn hỏa lực 189 chốt giữ từ cầu Tổng đến cầu Đồng Bò; Đại đội 377, 203 của Tuy Hòa 1 đánh địch ở Phú Lâm; Đại đội Đặc công 7 đánh vào quận lỵ Hiếu Xương; Đại đội Công binh 19 đánh ngăn chặn địch trên đèo Cả; các đơn vị còn lại đảm nhiệm đánh địch ở nhiều nơi…”. Lực lượng như vậy là rất mỏng so với quân địch, người chỉ huy phải hết sức khéo léo, có quyết định chính xác, xử trí linh hoạt mới có thể giành thắng lợi.
Đúng như phương án ta đã chọn, sáng 18/3, địch điều động pháo binh từ cầu Cháy lên Hòn Kén, yểm trợ cho công binh mở đường từ núi Mái Nhà xuống Sơn Thành. Sáng 19/3, địch điều động tiểu đoàn biệt động quân từ Nha Trang ra chốt giữ từ đèo Cả đến Hòa Vinh, cử một bộ phận đánh chiếm khu vực cầu Tổng, nhưng bị ta tiến công ngăn chặn.
19 giờ ngày 19/3, địch bắt đầu hành quân từ Hòn Kén xuống. Chúng cho 5 xe tăng đi đầu dẫn đường, lọt vào trận phục kích, bị các đơn vị của ta tiêu diệt, địch quay đầu co cụm khu vực Hòn Kén, chờ lực lượng ứng cứu.
Ngày 20-23/3, chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, phụ tá hành quân cùng Vũ Quốc Gia, Tỉnh trưởng Phú Yên, liên tục cho pháo và máy bay bắn vào các mục tiêu của ta, rồi tổ chức tiến công từ hai hướng, từ đông lên và từ tây xuống nhưng đều bị quân ta tiến công mãnh liệt, binh lính địch bị ta vây ráp, tiêu hao nhiều sinh lực.
23 giờ ngày 23/3, Tiểu đoàn 96 bắt liên lạc phối hợp chiến đấu với Trung đoàn 64. Ngày 24/3, ta giải phóng Củng Sơn. 16 giờ ngày 24/3, đài kỹ thuật ta thu được lệnh của Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2 cho phá cầu phao, xe pháo và tháo chạy. Chớp thời cơ, ta liên tục tiến công địch ở bắc sông Ba và vượt sông đánh chiếm khu Phú Đức. Lúc này, Phạm Văn Phú trực tiếp liên lạc với ta trên máy PRC25, đòi gặp chỉ huy cao nhất của ta. Ông Trần Văn Mười được lệnh của Tỉnh đội trưởng nói chuyện với tướng Phú. Ông Mười kể: Phú đòi gặp người chỉ huy cao nhất, tôi trả lời: Ông cần gì, cứ nói! Phú đề nghị phía ta ngừng bắn để dân di tản về TX Tuy Hòa. Tôi trả lời: Các ông đã thất bại, tốt nhất là hãy hạ vũ khí, kéo cờ trắng đầu hàng. Phú vẫn tiếp tục cố tình kéo dài cuộc điện đàm để xác định vị trí đứng của sở chỉ huy ta. Ngay sau cuộc điện đàm, cán bộ ta nhanh chóng rời sở chỉ huy, 10 phút sau đó địch lập tức cho ném bom xăng vào vị trí ta vừa mới điện đàm.
Địch đã ra sức nỗ lực, cố gắng, nhưng không thể cứu vãn được tình hình. LLVT Phú Yên dưới sự chỉ huy của Tỉnh đội trưởng Ông Văn Bưu đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch rút lui trên đường 5, một số ít sống sót chạy về Phú Lâm và Tuy Hòa.
Chiến thắng Đường 5 làm thất bại hoàn toàn cuộc rút lui của địch từ Tây Nguyên về duyên hải miền Trung. Ta đã đánh thiệt hại nặng Liên đoàn Bảo an 924, một tiểu đoàn biệt động quân từ Nha Trang ra, làm tan rã hơn vạn quân địch.
Chỉ huy LLVT giải phóng Phú Yên
Sau thất bại nặng nề trên đường 5, quân ngụy tăng cường bố phòng TX Tuy Hòa và các quân lỵ, dưới sự chỉ huy của chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, chúng quyết liệt chống cự, chờ đợi sự tăng viện từ Nha Trang ra.
LLVT Phú Yên dưới sự chỉ huy của Tỉnh đội trưởng Ông Văn Bưu, phối hợp với Sư đoàn 320, chuẩn bị lực lượng tiến công giải phóng Tuy Hòa và toàn tỉnh Phú Yên. Sáng 1/4, theo chỉ đạo của Tỉnh đội trưởng, LLVT Phú Yên đồng loạt nổ súng, 5 giờ sáng hỏa lực chuyển làn cho bộ đội xung phong. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội địa phương và các đơn vị quân chủ lực, đúng 11 giờ ngày 1/4, ta giải phóng TX Tuy Hòa và toàn tỉnh Phú Yên.
Đại tá Ông Văn Bưu nhớ lại: Suốt cuộc đời chiến đấu, chỉ huy của tôi, trưa 1/4 là giờ phút thiêng thiêng nhất, niềm tự hào, xúc động không sao kể xiết. Giải phóng Phú Yên là kết quả của sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt, kiên trì của Đảng bộ, sự chỉ đạo kịp thời của quân khu, tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, lòng khát khao giải phóng quê hương của toàn dân. Đó là kết quả của sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo nghệ thuật chiến tranh nhân dân, nghệ thuật lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh của những người lãnh đạo, chỉ huy LLVT.
NGUYỄN BÁ THUYẾT
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn