Tháng 12/1967, trong bối cảnh tình hình chính trị và quân sự phát triển thuận lợi, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp, phân tích sâu sắc tình hình địch, tình hình ta và ra Nghị quyết: Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam của ta sang một thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định... động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao nhất bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định.
Thực hiện chủ trương của Trung ương, cuối tháng 12/1967, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp để nghiên cứu quán triệt chỉ thị của Bộ Chính trị về phương hướng chiến lược mới, Hội nghị kiểm điểm đánh giá tình hình các mặt địch - ta trên chiến trường và bàn kế hoạch triển khai. Tỉnh ủy đặt ra quyết tâm phải tập trung lực lượng vào hướng trọng điểm thị xã, tiêu diệt bằng được một số mục tiêu quan trọng kết hợp với quần chúng trong và ngoài thị xã thực hiện phương châm công kích và khởi nghĩa giải phóng thị xã. Đối với các huyện, phối hợp đánh sâu vào quận lỵ, chiến khu, căn cứ hậu cần của địch, đánh tan bộ máy ngụy quyền nông thôn, thực hiện công kích và khởi nghĩa giành chính quyền.
Trước Tết Mậu Thân năm 1968, trên chiến trường Phú Yên, bộ binh địch đông hơn ta gấp nhiều lần, chúng còn có ưu thế tuyệt đối về phi pháo và xe tăng, thiết giáp, lại phòng thủ trong các công sự kiên cố ở các đô thị và căn cứ ở đồng bằng ven biển. Tuy nhiên, thuận lợi cơ bản của ta lúc đó chính là khí thế đấu tranh của quần chúng, tinh thần phấn khởi của cán bộ, đảng viên và chiến sỹ sẵn sàng đấu tranh vì độc lập, tự do dân tộc.
Chấp hành chủ trương của trên, quân và dân Phú Yên gấp rút triển khai công tác chuẩn bị. Ngày 20/1/1968, Đảng ủy A9 và Tỉnh ủy họp đánh giá công tác chuẩn bị, căn cứ vào thực lực quân sự, chính trị của ta và tương quan lực lượng địch - ta lúc này, vạch ra kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 ở Phú Yên: Tập trung lực lượng vào hướng trọng điểm thị xã Tuy Hòa, tiêu diệt bằng được một số mục tiêu quan trọng, kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng trong nội, ngoại thị xã, thực hiện công kích, khởi nghĩa giải phóng thị xã. Ngày 26/1/1968, đồng chí Lê Đình Yên và đồng chí Cao Long được Thường vụ Phân khu cử về tỉnh Phú Yên cùng các đồng chí Trần Suyền, Nguyễn Duy Luân (Chín Cao) - Thường vụ Tỉnh ủy và các đồng chí trong Đảng ủy A9 họp lần cuối để bổ sung nhiệm vụ, soát xét lại tình hình, phân công cán bộ trực tiếp phụ trách các hướng.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 ở Phú Yên diễn ra trong 2 đợt:
Đợt tấn công thứ 1: Lần 1, đúng 24 giờ ngày 30/01/1968 (giao thừa), địch ở các căn cứ, các quận lỵ và thị xã Tuy Hòa bắn súng, pháo sáng đón giao thừa, lợi dụng pháo sáng của địch, quân ta nhanh chóng áp sát mục tiêu. Đúng 0 giờ 30 phút ngày 31/1/1968, các đơn vị Đại đội Đặc công 202, Trung đội Quyết thắng của ta ở thị xã đã tấn công vào khu cố vấn Mỹ và Ty Cảnh sát ngụy, diệt gần hết bọn địch. Tiểu đoàn 12 của ta tấn công vào sân bay khu chiến, làm chủ gần hết sân bay, sau đó rút về ở bắc xóm Đạo, tổ chức phòng ngự đánh địch ban ngày, mặc dù thương vong lớn, chỉ còn lại 42 cán bộ, chiến sĩ nhưng Tiểu đoàn 12 vẫn giữ vững quyết tâm chiến đấu với khẩu hiệu “Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, kiên cường bám trụ giữ vững trận địa chiến đấu, đẩy lùi các đợt phản công của địch. Tại Tuy Hòa 1: Đại đội 7 Tiểu đoàn 430 cùng Đại đội Đặc công 201, Đại đội huyện 377 của ta tập kích sân bay Đông Tác, sân bay trực thăng Thọ Lâm, Trung đoàn bộ 28 “Bạch Mã” của Nam Triều Tiên, quận lỵ Phú Lâm, trận địa pháo Nam Triều Tiên ở Hảo Sơn; Đội công binh của ta liên tục chặn đánh các đoàn xe địch vận tải trên đoạn đường Bắc Đèo Cả. Tại các huyện Tuy An, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Cầu: Các trung đội vũ trang của huyện cùng du kích, đội công tác của ta đã tấn công và tiêu diệt được hơn 200 tên địch, phá hủy và thu giữ nhiều vũ khí trang bị.
Sau lần 1, ngày 31/1, tại chỉ huy sở A9, Thường vụ Phân khu và Đảng ủy A9 họp kiểm điểm tình hình chiến đấu ở hướng trọng điểm, cuộc họp đã quyết định, tập trung lực lượng, tổ chức tiến công địch trong thị xã Tuy Hòa lần thứ 2. Trong đêm ngày 4 rạng sáng ngày 5/2, Đại đội Đặc công 202 và Trung đội Quyết thắng của ta ở thị xã tiến công Ty Cảnh sát ngụy lần thứ 2. Tiểu đoàn 85 của ta phát triển đánh chiếm thị xã, sau đó được nhân dân giúp đỡ, tổ chức phòng ngự tại khu phố Trần Hưng Đạo để đánh địch ban ngày. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, cán bộ, chiến sĩ vừa chiến đấu giữ vững trận địa, vừa không quản ngại nguy hiểm để cứu chữa nhân dân bị thương do bom đạn địch, được nhân dân rất mến phục, khen ngợi. Các đợt tiến công của bộ binh địch từ các hướng đều bị Tiểu đoàn 85 của ta bẻ gãy; kết quả ta đã loại ra vòng chiến đấu 164 tên địch, sau đó lui quân về căn cứ an toàn. Đây là lần đầu tiên lực lượng vũ trang Phú Yên tiến công địch trong thị xã với quy mô cấp tiểu đoàn, ta làm chủ một khu phố cả ngày, đánh bại tất cả các đợt phản kích của địch ngay tại sào huyệt của chúng. Mặc dù yếu tố bất ngờ không còn như đêm giao thừa Tết Mậu Thân, nhưng cán bộ, chiến sỹ đã vượt mọi khó khăn, chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên và đã lập được chiến công xuất sắc. Bên cạnh đó, hàng nghìn quần chúng được giác ngộ, tổ chức thành đội ngũ có cán bộ, đảng viên lãnh đạo đấu tranh, chỉ huy sẵn sàng tiến vào thị xã Tuy Hòa và các huyện lỵ cùng lực lượng vũ trang đánh đổ ngụy quyền giành chính quyền về tay nhân dân.
Đợt tấn công thứ 2: Ngày 12/2/1968, Đảng ủy A9 và Thường vụ Tỉnh ủy họp quyết định phương hướng hoạt động đợt 2 Xuân Mậu Thân. Hội nghị xác định mục tiêu chủ yếu vẫn kiên quyết tiến công vào thị xã, quận lỵ và chi khu. Tại thị xã Tuy Hòa: Tiểu đoàn 85 cùng Đại đội Đặc công 202 của ta mặc dù bị địch phát hiện trước nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn dũng cảm, mưu trí tiến công vào Trung đoàn 47 và sở Mỹ, do thiếu vũ khí trang bị nên ta không làm chủ được hoàn toàn trận địa. Tiểu đoàn 12 của ta tiến công Ty Cảnh sát ngụy nhưng không hoàn thành nhiệm vụ. Trước tình hình đó, đồng chí Trần Tất Liêu - Tỉnh đội trưởng và đồng chí Nguyễn Khánh - Chính trị viên Tỉnh đội trực tiếp chỉ huy quyết định: Tổ chức trụ lại xóm Chùa (Ninh Tịnh) đánh địch phản kích ban ngày. Tại đây, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị với nghị lực và lòng quyết tâm phi thường đã chiến đấu vô cùng anh dũng, bẻ gãy hàng loạt các đợt tấn công có sự yểm trợ của các phương tiện bọc thép, pháo binh, máy bay của địch. Sau mỗi đợt tấn công thất bại, địch lại dùng pháo binh bắn phá dữ dội, dùng máy bay ném bom hạng nặng, bom na-pan, bom bi để hủy diệt công sự trận địa, gây cho ta rất nhiều thương vong, đồng chí Trần Tất Liêu và đồng chí Nguyễn Khánh đã anh dũng hy sinh khi đang chỉ huy chiến đấu, dù vậy, địch vẫn không thể chiếm được trận địa của ta, đến tối cùng ngày quân ta giải quyết thương binh, tử sỹ và rút về căn cứ an toàn. Kết quả ta đã diệt hơn 200 tên địch (trong đó có 40 tên Mỹ và Nam Triều Tiên) bắn cháy và hỏng 8 xe M113. Tại các huyện Tuy Hòa 1, Tuy Hòa 2, Sơn Hòa, Tuy An, Đồng Xuân, Sông Cầu: Trung đoàn 10, các đơn vị vũ trang huyện và du kích của ta đã tấn công tiêu diệt nhiều lực lượng địch, làm địch không thể tập trung lực lượng cứu viện hướng thị xã Tuy Hòa.
Cùng với đấu tranh vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị cũng được đẩy mạnh, quần chúng ở An Ninh (huyện Tuy An) đồng khởi đánh đổ ngụy quyền xã thành lập chính quyền cách mạng. Nhân dân bị địch dồn vào các ấp Phú Tân, Vũng Diều... nổi dậy phá ấp trở về làng cũ. Cũng trong những ngày đầu tháng 3/1968, nhân dân đã nổi dậy phá kìm giành quyền làm chủ ở các ấp Hòa An, Hòa Phú (xã Xuân Cảnh, Sông Cầu); Hòa Phong, Vinh Ba - xã Hòa Đồng và một số thôn của xã Hòa Vinh, Hòa Thịnh, Hòa Bình. Gần 3.000 lượt người đã tham gia các cuộc đấu tranh trực diện với địch, đòi địch không được bắn pháo vào làng, đòi được trở về làng cũ làm ăn.
Qua hai đợt tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, các lực lượng vũ trang của ta đã đánh vào hầu hết các thị xã, thị trấn, quận lỵ, chi khu, các tuyến phòng thủ, sân bay, kho tàng… của địch, diệt 1.952 tên địch, phá hủy 29 xe quân sự, 47 máy bay các loại, 11 khẩu pháo từ 105 ly - 155 ly, thu giữ nhiều vũ khí trang bị; giải phóng 10 xã, 13 thôn với số dân 23.000 người.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 ở Phú Yên có ý nghĩa quan trọng, đã huy động mọi lực lượng, khai thác mọi sức lực, nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng, không ngại hy sinh, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ; phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, anh dũng vượt qua những khó khăn gian khổ để góp phần cùng toàn miền Nam tạo nên thế chiến lược mới với khả năng mới, làm đảo lộn thế chiến lược của địch, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải bắt đầu khởi động quá trình đàm phán với ta về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
50 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa và bài học của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 ở Phú Yên nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn nguyên giá trị: Đó là khát vọng về dân tộc, tự do và hòa bình cho Tổ quốc, là niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong hoạch định đường lối và chỉ đạo chiến lược, là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là tinh thần quốc tế cao cả.
Nguyễn Thị Lượm
(http://tuyengiao.phuyen.gov.vn)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn