CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA TỈNH ỦY
về phát triển kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư,
nhất là Khu Kinh tế Nam Phú Yên
-----
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động về phát triển kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là Khu Kinh tế Nam Phú Yên, như sau:
Phần thứ nhất
TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN VÀ THU HÚT ĐẦU TƯ TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH, NHẤT LÀ KHU KINH TẾ NAM PHÚ YÊN
GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
I- NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Trong những năm qua, phát triển kinh tế biển và thu hút đầu tư, nhất là vào Khu kinh tế Nam Phú Yên đã được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện, đạt được một số kết quả tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
- Việc khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế biển tiếp tục được chú trọng đẩy mạnh. Vùng ven biển của tỉnh được quan tâm đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, triển khai các dự án, nhất là dự án công nghiệp, du lịch([1]). Hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển tiếp tục được đẩy mạnh([2]); công nghiệp ven biển từng bước phát triển([3]), kinh tế hàng hải bước đầu hình thành([4])..., đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong tỉnh nói chung và vùng biển, ven biển nói riêng. Kinh tế biển đã và đang trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác tìm kiếm cứu nạn, an toàn hàng hải được bảo đảm. Công tác quản lý, khai thác sử dụng, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu được chú trọng. Chủ quyền, an ninh trên biển được giữ vững.
- Thu hút đầu tư, nhất là vào Khu Kinh tế Nam Phú Yên được chú trọng, đạt một số kết quả tích cực. Đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư([5]), các đoàn thăm và làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn nhằm đẩy mạnh kêu gọi thu hút đầu tư vào tỉnh, nhất là vào Khu Kinh tế Nam Phú Yên.
Công tác kiểm tra việc thực hiện các dự án, nhất là các dự án liên quan đến du lịch được tăng cường, qua đó đã thúc đẩy tiến độ triển khai và chấm dứt hiệu lực chủ trương đầu tư một số dự án không triển khai hoặc chậm triển khai thực hiện, vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư, vi phạm cam kết đầu tư.
Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình, dự án quan trọng, bước đầu hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của Khu Kinh tế và các khu công nghiệp([6]) tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội địa phương([7])...
II- HẠN CHẾ, YẾU KÉM VÀ NGUYÊN NHÂN
1- Hạn chế, yếu kém
- Tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển của tỉnh chưa được khai thác hiệu quả. Hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển còn thiếu và yếu. Du lịch biển chưa có những sản phẩm đặc trưng, nguồn nhân lực còn hạn chế. Quản lý vùng nuôi trồng thủy sản chưa tốt, tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát ở một số địa phương vẫn còn diễn ra. Ô nhiễm môi trường biển ở một vài khu vực còn diễn ra, đa dạng sinh học biển có dấu hiệu suy giảm; nguồn lợi thủy sản ven bờ bị khai thác quá mức; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, biển xâm thực còn nhiều bất cập. Khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế biển. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biển chưa được quan tâm đúng mức.
- Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Mặc dù có nhiều nỗ lực cắt giảm, đơn giản hóa, nhưng thủ tục hành chính, nhất là trên lĩnh vực đất đai, đầu tư vẫn còn phức tạp, rườm rà. Thu hút đầu tư còn hạn chế, nhất là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tiến độ triển khai nhiều dự án chậm, kéo dài hoặc không có khả năng thực hiện. Thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế Nam Phú Yên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn làm đầu tàu dẫn dắt để thu hút các doanh nghiệp khác đầu tư...
2- Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém
- Một số cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về tầm quan trọng của kinh tế biển; công tác tổ chức, quản lý về kinh tế biển chưa theo kịp yêu cầu phát triển.
- Công tác lập quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức và quản lý thống nhất, nhất là quy hoạch sử dụng đất, mặt nước, quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch xây dựng. Các địa điểm du lịch là danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa chưa được đầu tư đúng mức về kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, cơ sở dịch vụ du lịch… nên chưa được khai thác hiệu quả. Đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học, phát triển nguồn nhân lực về biển còn hạn chế; công tác đào tạo, hỗ trợ chuyển đổi việc làm cho dân cư vùng ven biển chưa phù hợp với cơ cấu lại, phát triển các ngành kinh tế biển.
- Nguồn lực của tỉnh còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư kết cấu hạ tầng vùng biển nói chung và Khu Kinh tế Nam Phú Yên còn hạn chế. Cơ chế, chính sách pháp luật có liên quan đến Khu Kinh tế và Khu công nghiệp chưa đồng bộ, còn chồng chéo.
- Công tác thẩm định các dự án đầu tư có mặt chưa chặt chẽ, dẫn đến thu hút một số nhà đầu tư thiếu năng lực triển khai. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án gặp nhiều khó khăn và là khâu yếu, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai nhiều công trình, dự án. Quản lý đất đai nhiều nơi thiếu chặt chẽ. Hiện trạng đất đai ven biển đa số là những khu dân cư có mật độ cao nên việc giải phóng mặt bằng, tái định cư gặp nhiều khó khăn, chưa tạo ra nhiều quỹ đất để thu hút đầu tư.
Phần thứ hai
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
I- MỤC TIÊU
1- Mục tiêu tổng quát
- Phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh. Tiếp tục xây dựng vùng biển và ven biển có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, là khu vực kinh tế đa ngành, đa chức năng; phấn đấu đến năm 2025, hoàn thiện nền tảng, hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một số ngành kinh tế biển chủ lực, để đến năm 2030 Phú Yên trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, trên cơ sở phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường; chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.
- Xây dựng và phát triển Khu Kinh tế Nam Phú Yên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, cảng biển quan trọng của vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, kết hợp với Khu Kinh tế Vân Phong tạo thành Vùng kinh tế Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa với quy mô lớn, sức hấp dẫn cao, là động lực thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian đến.
- Lấy khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến, kết hợp huy đông các nguồn lực trong và ngoài nước.
2- Một số chỉ tiêu cụ thể
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (theo giá trị sản xuất) giai đoạn 2021- 2025 vùng biển và ven biển bình quân 12,5 - 13%/năm.
- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội các địa phương vùng biển và ven biển 5 năm giai đoạn 2021-2025 đạt trên 75% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh([8]). Thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế Nam Phú Yên chiếm trên 50% tổng giá trị thu hút đầu tư trên địa bàn các địa phương vùng biển và ven biển([9]).
- Đến năm 2025, thu ngân sách nhà nước các địa phương vùng biển và ven biển đóng góp trên 80% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh([10]).
II- NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1- Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
1.1- Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp đối với phát triển kinh tế biển và thu hút đầu tư, nhất là vào Khu Kinh tế Nam Phú Yên
- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền trong tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, giải pháp về phát triển bền vững kinh tế biển, thu hút đầu tư. Nâng cao hiệu quả, đa dạng các hình thức, nội dung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp trong toàn Đảng, toàn dân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế biển.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp ở khu vực ven biển; năng lực quản lý của Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên. Tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, toàn dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của kinh tế biển đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, gắn phát triển kinh tế biển với bảo vệ an ninh chủ quyền biển, hải đảo. Xác định phát triển kinh tế biển, thu hút đầu tư là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.
1.2- Nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý, thực hiện các quy hoạch và tăng cường liên kết vùng
- Hoàn thành việc lập Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện ven biển tỉnh Phú Yên đến năm 2030; Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040; Quy hoạch sử dụng đất các huyện, thị xã, thành phố ven biển thời kỳ 2021-2030. Tiếp tục rà soát các Đồ án quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh để bổ sung, điều chỉnh phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo điều kiện quản lý thực hiện quy hoạch chặt chẽ, tạo quỹ đất hợp lý để thu hút đầu tư. Ưu tiên lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại một số khu vực trọng điểm như: Vịnh Xuân Đài, Bãi Môn - Mũi Điện - Vũng Rô, Gành Đá Đĩa; xây dựng hình thành các khu ẩm thực tại thành phố Tuy Hòa, Đầm Ô Loan, Vịnh Xuân Đài, Đầm Cù Mông, Vịnh Vũng Rô. Đánh giá hiệu quả hoạt động các khu công nghiệp, từng bước đầu tư phát triển thành khu công nghiệp sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường của tỉnh.
- Tăng cường liên kết vùng nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất là liên kết giữa Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa, Bắc Phú Yên - Nam Bình Định và Phú Yên - Tây Nguyên. Thực hiện hiệu quả các chương trình liên kết, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước, các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Khánh Hòa xây dựng hoàn thiện Đề án liên kết vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa nhằm khai thác có hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại khu vực này.
1.3- Huy động hiệu quả các nguồn lực để đầu tư hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng vùng biển và ven biển, Khu Kinh tế Nam Phú Yên
- Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển vùng biển và ven biển, nhất là đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, thủy lợi, thủy sản, hạ tầng đô thị... làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư. Tập trung đầu tư, nâng cấp tuyến đường bộ ven biển từ TX Đông Hòa đến TX Sông Cầu (kể cả cầu qua sông Bình Bá); đồng thời, nghiên cứu điều chỉnh hướng tuyến phù hợp nhằm khai thác, phát huy lợi thế khu vực ven biển phục vụ phát triển kinh tế, nhất là phát triển du lịch([11]). Quan tâm đầu tư hạ tầng đường giao thông đảm bảo kết nối thuận lợi từ QL1 (hoặc các đường tỉnh) đến các điểm du lịch; kết cấu hạ tầng giao thông các tuyến đường quanh các đầm, vịnh. Phối hợp thúc đẩy, triển khai đầu tư tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông và nâng cấp QL 25, QL 29 đoạn qua địa bàn tỉnh.
- Tiếp tục đầu tư hệ thống kè ven sông, ven biển gắn với xây dựng đường giao thông và hình thành các khu đô thị, khu dân cư ven sông ở những nơi có điều kiện. Quan tâm thực hiện tốt việc khai thông cửa sông, cửa biển để khai thác một số tuyến du lịch đường thủy.
- Tích cực phối hợp thu hút đầu tư nâng cấp, mở rộng Nhà ga hành khách sân bay Tuy Hòa, chuẩn bị đủ các điều kiện để đón các chuyến bay quốc tế, tiến đến phục vụ mở thêm một số đường bay quốc tế; hoàn thành việc lập điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Tuy Hoà phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh (công suất 5 triệu lượt/năm).
- Mở rộng, nâng cao năng suất hệ thống cấp nước sạch ở các đô thị; kêu gọi đầu tư hệ thống cấp nước sạch cho khu vực huyện Tuy An và khu vực Đông Bắc Sông Cầu, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất; kêu gọi đầu tư hệ thống hạ tầng nước sạch phục vụ Khu Kinh tế Nam Phú Yên và vùng phụ cận.
- Tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là đô thị trung tâm TP Tuy Hòa đảm bảo tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2025; hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại III, xây dựng, phát triển thị xã Sông Cầu lên thành phố trực thuộc tỉnh và huyện Tuy An lên thị xã vào năm 2025 theo các Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về: lãnh đạo xây dựng, nâng cấp thành phố Tuy Hòa đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh Phú Yên vào năm 2025; xây dựng, phát triển thị xã Sông Cầu lên thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025; lãnh đạo xây dựng và phát triển huyện Tuy An thành thị xã vào năm 2025.
- Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh đồng bộ mạng lưới kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu Kinh tế Nam Phú Yên([12]). Trong đó, quan tâm thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN Hòa Tâm, KCN đa ngành; có cơ chế huy động hợp lý các nguồn lực đầu tư xây dựng Cảng Bãi Gốc để trở thành một trong những đột phá phát triển của tỉnh.
1.4- Phát triển bền vững, đột phá các ngành kinh tế biển; tăng cường thu hút đầu tư, nhất là vào Khu Kinh tế Nam Phú Yên
1.4.1- Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 26/3/2019 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có, nhất là về đất đai, cảnh quan thiên nhiên, các di tích, danh thắng, giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân cư địa phương... để phát triển bền vững, đột phá các ngành kinh tế biển.
- Tập trung phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, gắn với thực hiện tốt Chương trình hành động của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030. Thu hút đầu tư, hình thành một số khu du lịch đặc trưng Phú Yên mang tầm quốc gia và khu vực, nhất là tại Vịnh Xuân Đài, Gành Đá Đĩa, Vịnh Vũng Rô... Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, hình thành một số sản phẩm du lịch chuyên đề như: tham quan, nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa đá, du lịch khám phá, mạo hiểm, du lịch ẩm thực, làng nghề.
- Tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển thủy hải sản gắn với thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, phát triển sản phẩm theo chuỗi, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế. Tổ chức sắp xếp lại hoạt động khai thác thủy sản theo hướng giảm tỷ trọng khai thác vùng ven bờ và vùng lộng; tăng tỷ trọng và hiệu quả khai thác vùng khơi gắn với đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo quản nhằm giảm tổn thất sau khai thác, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là đối với nghề đánh bắt cá ngừ đại dương. Tổ chức sản xuất trên biển theo mô hình tập thể, liên kết chuỗi; nâng cao hiệu quả hoạt động của các nghiệp đoàn nghề cá. Thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển sản xuất kết hợp với bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo. Đồng thời, vận động ngư dân thực hiện nghiêm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), khai thác xâm phạm vùng biển các nước. Đầu tư nâng cấp và khai thác hiệu quả các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão; cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá, các cơ sở sửa chữa tàu thuyền.
Rà soát, tổ chức lại hợp lý vùng nuôi, ngành nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng tăng cường nuôi thâm canh, công nghệ cao, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi phù hợp với lợi thế từng vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Tôm hùm, tôm thẻ...; ưu tiên phát triển nuôi biển công nghiệp ở vùng biển hở. Kiên quyết xử lý các vi phạm, sắp xếp lại việc nuôi trồng thủy sản trên Vịnh Xuân Đài, Đầm Cù Mông, Đầm Ô Loan, Vịnh Vũng Rô...; bảo tồn và phát triển một số loại thủy sản, đặc sản như: Sò huyết Ô Loan, cá chình bông…
Đầu tư hạ tầng thiết yếu các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, ưu tiên hạ tầng phục vụ nuôi biển công nghiệp. Kêu gọi đầu tư hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ cao. Ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao năng lực và hiệu quả kiểm soát, phòng trừ dịch bệnh; quan trắc, giám sát môi trường tự động; giám sát lồng bè; giám sát hành trình tàu cá nhằm đáp ứng điều kiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm xuất khẩu.
- Phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa trở thành điểm đột phá trong hoạt động du lịch đường thủy nội địa của tỉnh. Nghiên cứu phát triển một số tuyến hàng hải ven bờ phục vụ du lịch đường thủy, vận chuyển hàng hóa, góp phần giảm áp lực vận chuyển đường bộ. Xây dựng hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến giao thông kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế. Thu hút phát triển đội tàu vận tải biển hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải trong và ngoài nước.
- Phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao ven biển thân thiện với môi trường; quan tâm thu hút đầu tư điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác. Bố trí quỹ đất phù hợp trong Khu Kinh tế và các khu công nghiệp để phát triển công nghiệp chế biến từ các sản phẩm nuôi trồng, khai thác hải sản và các ngành công nghiệp phục vụ cho các ngành kinh tế biển, gắn với chuỗi giá trị sản xuất.
- Phát triển một số ngành kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển như: Dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển…
1.4.2- Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các ngành kinh tế biển, đầu tư vào Khu Kinh tế Nam Phú Yên.
- Tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy về nâng cao hiệu quả cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo điều kiện thúc đẩy, thu hút các dự án ngoài ngân sách, dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao, nằm trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Kịp thời hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Tổ chức rà soát tình hình triển khai thực hiện các dự án ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai đầu tư để kịp thời hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định; đồng thời kiên quyết xử lý, kể cả thu hồi đối với các dự án chậm triển khai, vi phạm pháp luật về đầu tư, đất đai, vi phạm cam kết đầu tư nhằm tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện. Nâng cao hơn nữa năng lực thẩm định chủ trương đầu tư các dự án ngoài ngân sách, đảm bảo lựa chọn đúng các nhà đầu tư có năng lực, quyết tâm triển khai thực hiện dự án.
- Phối hợp, tạo điều kiện, thúc đẩy các dự án du lịch lớn đã và đang nghiên cứu triển khai, sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động như: Các dự án tại Vịnh Xuân Đài, Đầm Ô Loan, Gành Đá Đĩa, Khu nghỉ dưỡng cao cấp bãi Từ Nham, Khu du lịch cao cấp đảo Hòn Nưa, Khu du lịch cao cấp Hòn lao Mái nhà, Khu du lịch sinh thái Bãi Nồm, các dự án du lịch ven biển TP Tuy Hòa... Tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các dự án phát triển hạ tầng đô thị, dịch vụ, du lịch lớn đã và đang nghiên cứu đầu tư trong Khu kinh tế như: Khu du lịch nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp Vũng Rô, Khu đô thị dịch vụ ven biển, Khu công viên chuyên đề kết hợp thương mại - dịch vụ nghỉ dưỡng, Khu du lịch văn hóa, sinh thái nghỉ dưỡng Biển Hồ...
- Có giải pháp hiệu quả thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, phát triển quỹ đất, để hình thành các quỹ đất sạch để thu hút đầu tư và các nhà đầu tư có thể triển khai dự án ngay sau khi được chấp nhận chủ trương đầu tư.
- Quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực, gắn với thực hiện các đề án, kế hoạch của tỉnh về chuyển đổi số. Tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng chính quyền số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi; phấn đấu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến tại địa phương đạt mức độ 4.
1.5- Bảo tồn và phát huy văn hóa vùng biển; chú trọng công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng chống thiên tai
- Giữ gìn, phát huy bản sắc, giá trị lịch sử và văn hóa của nhân dân vùng biển. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về biển và đại dương, xây dựng xã hội có ý thức, lối sống, hành vi văn hóa gắn bó, thân thiện với biển.
- Nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường biển cho tổ chức, cá nhân; từng bước, triển khai nhân rộng các mô hình quản lý tài nguyên, hệ sinh thái cảnh quan vùng biển, góp phần bảo vệ môi trường, cải thiện sinh kế, kích thích phát triển du lịch, kinh tế biển. Tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển, phục hồi các hệ sinh thái, đặc biệt là các rạn san hô, thảm cỏ biển, hệ sinh thái rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn đầm vịnh, cửa sông; bảo đảm tính toàn vẹn và mối quan hệ tự nhiên giữa các hệ sinh thái đất liền và biển. Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phấn đấu xây dựng tỉnh Phú Yên đến năm 2025 trở thành điểm đến xanh, sạch, đẹp, thân thiện môi trường.
- Xây dựng các tiêu chí, yêu cầu kỹ thuật về môi trường biển đối với các nguồn thải ra biển; giảm thiểu và xử lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm biển, nâng cao chất lượng môi trường biển. Đầu tư xây dựng, củng cố lực lượng, trang thiết bị giám sát, cảnh báo tự động về chất lượng môi trường, ứng phó với sự cố môi trường, hóa chất độc hại trên biển; quản lý rác thải biển, nhất là rác thải rắn. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống sạt lở bờ biển, ngập lụt, xâm nhập mặn.
- Đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế và khu vực để phát triển nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vùng biển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế biển.
1.6- Tăng cường năng lực bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển
- Phát triển kinh tế biển gắn chặt với đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động của các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ thực thi pháp luật, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm an ninh, an toàn cho dân cư, người lao động và các hoạt động kinh tế trên biển; phát huy hiệu quả mô hình tổ, đội hợp tác sản xuất, khai thác hải sản trên biển gắn với xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ biển. Xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân trên biển, thế trận lòng dân vững chắc.
- Triển khai các tuyến đường cơ động ven biển kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng khu vực phòng thủ của tỉnh.
2- Nhiệm vụ và giải pháp tập trung thực hiện trong năm 2021
- Trình phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040, làm cơ sở lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng thuộc Khu Kinh tế.
- Đầu tư hoàn thành các dự án: Dự án Tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà, dự án Hạ tầng Khu tái định cư xã Hòa Tâm, một số kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Nam TP Tuy Hòa. Hoàn tất các thủ tục, sớm triển khai đầu tư xây dựng dự án giao thông tuyến đường ven biển - Cảng Bãi Gốc (Khu Kinh tế Nam Phú Yên) kết nối Quốc lộ 1 đi Khu Kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Dự án Tuyến nối Quốc lộ 1 đến khu xử lý nước thải, rác thải và chất thải nguy hại của Khu Kinh tế.
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tỉnh Khánh Hòa xây dựng hoàn chỉnh Đề án về cơ chế, chính sách liên kết vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Nghiên cứu, xây dựng, ban hành danh mục các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025, nhất là trong Khu Kinh tế Nam Phú Yên, các khu công nghiệp. Rà soát, công khai quỹ đất trong Khu Kinh tế, khu công nghiệp để kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh.
- Kịp thời chỉ đạo tháo gỡ, xử lý dứt điểm những bất cập, vướng mắc về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và công tác phối hợp giữa Ban Quản lý Khu Kinh tế và UBND thị xã Đông Hòa trong việc phát triển Khu Kinh tế Nam Phú Yên.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền cấp huyện ở khu vực ven biển: Đông Hòa, Tuy Hòa, Tuy An, Sông Cầu, trước mắt là củng cố, kiện toàn bộ máy, cán bộ thực hiện công tác quản lý đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Phần thứ ba
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1- Các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở, nhất là Thành ủy Tuy Hòa, Thị ủy Đông Hòa, Thị ủy Sông Cầu, Huyện ủy Tuy An tổ chức phổ biến, quán triệt Chương trình hành động này của Tỉnh ủy; theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, thiết thực, phù hợp để triển khai thực hiện.
2- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền sâu rộng Chương trình hành động của Tỉnh uỷ; hướng dẫn việc học tập, quán triệt triển khai thực hiện Chương trình hành động ở các cấp.
3- Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Chương trình hành động của Tỉnh ủy trong cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp thực hiện đảm bảo, hiệu quả.
4- Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Chương trình hành động này; đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình đã đề ra; định kỳ tham mưu Tỉnh ủy sơ, tổng kết và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả thực hiện.
([1]) Đáng chú ý là các dự án: Hầm đường bộ Đèo Cả, Hầm đường bộ đèo Cù Mông; Tuyến đường bộ ven biển đoạn từ TX Sông Cầu đến cảng Vũng Rô (còn lại đoạn từ Km1293/QL1 đến Bắc cầu An Hải đang kêu gọi đầu tư); tuyến đường nối QL1 (Đông Mỹ) đi KCN Hòa Hiệp; tuyến đường Phước Tân-Bãi Ngà; nút giao thông khác mức đường số 2 Khu đô thị Nam TP Tuy Hòa-Nguyễn Văn Linh; Cầu Đà Rằng; Cầu Sông Chùa; các công viên ven biển và một số dự án hạ tầng kỹ thuật thuộc Khu đô thị mới Nam TP Tuy Hòa...
([2]) Tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản giai đoạn 2016-2020 bình quân khoảng 5%/năm. Năm 2020, sản lượng thủy sản đạt 75.000 tấn (trong đó sản lượng đánh bắt chiếm trên 80%); giá trị sản xuất đạt khoảng 4.233 tỷ đồng (gấp 1,3 lần so năm 2015); giá trị sản phẩm thu được bình quân trên mỗi ha mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 1,0 tỷ đồng (gấp 1,55 lần so năm 2015); chế biến thủy sản đạt gần 15.000 tấn (gấp 2 lần so năm 2015); giá trị xuất khẩu thủy sản đạt hơn 53 triệu USD (chiếm gần 30% tổng giá trị KNXK toàn tỉnh).
([3]) Đã hình thành 5 KCN tập trung ven biển với tổng diện tích hơn 460ha, tỷ lệ đăng ký đầu tư lấp đầy khoảng 77%; có Khu Kinh tế Nam Phú Yên diện tích hơn 20.700 ha- là một trong tám Khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước.
([4]) Cảng biển Vũng Rô được đầu tư nâng cấp, có khả năng tiếp nhận tàu 3.000 DWT, năng lực khai thác hàng hóa đến nay hơn 700.000 tấn/năm.
([5] ) Như: Tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Phú Yên năm 2018 có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ và tham gia xúc tiến đầu tư thông qua các hội nghị, hội thảo lớn của các tỉnh/thành phố tổ chức như: Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh APEC tại Đà Nẵng; Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực Nam Trung bộ tại Nha Trang; Gặp gỡ Hoa Kỳ 2017 tại TP Hồ Chí Minh; Hội thảo xúc tiến đầu tư Hàn Quốc vào khu vực miền Trung-Tây Nguyên tại Đà Nẵng; Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Seoul - Hàn Quốc và Tokyo - Nhật Bản. Ngoài ra, kết hợp các chuyến thăm, làm việc tại các nước, đã kêu gọi xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp tại Pháp, Ý, Hungary, Lào, Thái Lan, Mỹ; ký biên bản hợp tác toàn diện với Ngân hàng thế giới...
([6]) Đầu tư dự án: Tuyến nối Quốc lộ 1A (Đông Mỹ) đến KCN Hòa Hiệp; tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà; hạ tầng Khu tái định cư xã Hòa Tâm; một số dự án hạ tầng kỹ thuật thuộc Khu đô thị Nam TP. Tuy Hòa...
([7]) Hiện Khu Kinh tế và các KCN đã thu hút 116 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 9.938 tỷ đồng và 35,46 triệu USD, với tổng diện tích đất đăng ký hơn 447 ha, đã thực hiện được 97/116 dự án đầu tư.
([8]) Giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội các phương vùng biển và ven biển đạt 59 nghìn tỷ đồng, bằng 73% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2021 – 2025, dự kiến đạt trên 66,5 nghìn tỷ đồng.
([9]) Khoảng 20-25 nghìn tỷ đồng.
([10]) Năm 2020, thu ngân sách các địa phương vùng biển và ven biển chiếm khoảng 75% thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, khoảng 3.800 tỷ đồng.
([11]) Trong đó, đoạn qua thành phố Tuy Hòa cần nghiên cứu đầu tư nối dài đường Độc Lập (đoạn từ giao với đường Lê Duẩn đến khu vực xã An Chấn, An Mỹ huyện Tuy An).
([12]) Trọng tâm là các dự án Tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà, dự án Hạ tầng Khu tái định cư xã Hòa Tâm, một số kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Nam TP Tuy Hòa; dự án giao thông tuyến đường ven biển - Cảng Bãi Gốc kết nối Quốc lộ 1 đi Khu Kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa); Tuyến nối từ Quốc lộ 1 đến dự án đường cao tốc Bắc Nam...
Văn Khang (https://tuyengiao.phuyen.gov.vn/)