Trí thức trẻ dự án 600 mang "làn gió mới" tới các xã nghèo

Chủ nhật - 11/06/2017 20:31
Sau 05 năm thực hiện dự án 600 Phó Chủ tịch xã, các trí thức trẻ đã mang "làn gió mới" góp phần làm thay đổi tác phong, lề lối làm việc ở cơ sở; một số nơi, cấp ủy, chính quyền đã có sự thay đổi tư duy, quan tâm đến việc thu hút trí thức trẻ góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện dự án 600 Phó Chủ tịch xã của các tỉnh khu vực Đông Bắc Bộ
Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện dự án 600 Phó Chủ tịch xã của các tỉnh khu vực Đông Bắc Bộ
Sáng ngày 6/6, tại Cao Bằng, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị đánh giá dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thuộc 64 huyện nghèo khu vực Đông Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Thừa - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đồng chí Bùi Quang Huy - Bí thư Trung ương Đoàn, đồng chí Hoàng Xuân Ánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đồng chủ trì Hội nghị.
 
Dự án 600 Phó Chủ tịch xã được triển khai thực hiện tại 15 huyện của 05 tỉnh khu vực Đông Bắc Bộ (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Giang) với 160 đội viên. Theo báo cáo, hàng năm, hầu hết các đội viên Dự án tại các tỉnh khu vực Đông Bắc Bộ đều được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau 05 năm, 150 đội viên Dự án là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, 07 đội viên Dự án đã tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Tại 04 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Phú Thọ hầu hết các đội viên Dự án đã được bố trí công tác; riêng Hà Giang, số lượng đội viên dự án được bố trí công tác còn thấp.Tại Hội nghị, đại diện các tỉnh triển khai dự án đều cho rằng, với sức trẻ, tâm huyết và sự năng động, sáng tạo, các đội viên dự án đã đem lại luồng gió mới góp phần làm thay đổi tác phong, lề lối làm việc ở cơ sở; tạo sự thi đua, phấn đấu trong đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Một số nơi, cấp ủy, chính quyền đã có sự thay đổi tư duy, quan tâm đến thu hút lực lượng trí thức trẻ cống hiến, góp sức phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.Đặc biệt, các đội viên dự án thường xuyên bám sát cơ sở, tích cực chủ động tìm hiểu phong tục tập quán, phương thức sản xuất của nhân dân để tham mưu với cấp ủy, chính quyền những sáng kiến, mô hình hay ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất góp phần thay đổi tập quán cũ, lạc hậu, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Các đội viên dự án còn có những đóng góp tích cực vào việc ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước và thực hiện cải cách hành chính tại địa phương.
Các đội viên Dự án tham dự và đóng góp ý kiên tại Hội nghị
Các đội viên Dự án tham dự và đóng góp ý kiên tại Hội nghị

Tuy nhiên, tại một số địa phương, cấp ủy chính quyền chưa quan tâm nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đội viên dự án; chưa tạo điều kiện thực sự để đội viên dự án rèn luyện và phấn đấu; chưa coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng đội viên dự án... Một số đội viên dự án còn thiếu tính chủ động, sáng tạo trong công việc; ngại va chạm, chưa mạnh dạn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc chuyên môn được phân công; khó khăn trong giao tiếp với nhân dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số...Đại diện các tỉnh có Dự án cũng đề nghị, cần có giai đoạn thử thách trước khi phân công các đội viên làm Phó Chủ tịch xã để các đội viên có thời gian làm quen với địa bàn, phong tục tập quán, công tác quản lý nhà nước... Khâu tuyển chọn đầu vào cần cơ cấu chuyên môn cho phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, vừa để đội viên dự án phát huy được chuyên môn của mình vừa thuận lợi trong quá trình bố trí công tác sau dự án. Đặc biệt, cần gắn kết dự án với việc giải quyết việc làm của sinh viên là con em nhân dân địa phương.

Theo doanthanhnien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây