Năm 2014, qua khảo sát tình hình thực tế từ cơ sở, Huyện Đoàn Sơn Hòa nhận thấy đa số đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tại các thôn, buôn, khu phố trong huyện luôn có tinh thần học hỏi, tham gia nhiệt tình công tác Đoàn, Hội. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ còn rụt rè, không mạnh dạn và thiếu những kỹ năng sống, kỹ năng nói khi đứng trước đám đông.
Để đáp ứng nhu cầu của thanh niên tham gia vào tổ chức Đoàn, Hội, Huyện Đoàn Sơn Hòa đã triển khai mô hình “Bốn cùng cơ sở”, đồng thời thành lập Đội hình hướng về cơ sở gồm 25 thành viên để hướng dẫn công tác thành lập, quản lý các câu lạc bộ, đội, nhóm; hướng dẫn kỹ năng tổ chức trò chơi nhỏ, trò chơi lớn, sinh hoạt dã ngoại; hướng dẫn múa dân vũ, múa hát sinh hoạt cộng đồng, các trò chơi teambuilding, kỹ năng mềm. Đồng thời hướng dẫn ĐVTN phương thức nắm bắt và định hướng thông qua các diễn đàn điện tử, các trang mạng xã hội…
Theo Bí thư Huyện Đoàn Sơn Hòa Cao Minh Sang, khi mới thành lập, mỗi tháng Đội hình hướng về cơ sở đi về cơ sở từ 1-2 lần tổ chức cho ĐVTN các chi đoàn thôn, buôn tham gia sinh hoạt, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm. Còn hiện tại, cơ sở đã nắm vững chuyên môn nên mỗi quý đội hình này mới về cơ sở một lần. Mỗi hoạt động, chương trình đều có sự đổi mới để thanh niên không bị “chán” Đoàn, Hội và tổ chức luân phiên giữa các chi đoàn, chi hội của các thôn, buôn, khu phố tại 14/14 xã, thị trấn trong huyện.
“Qua triển khai mô hình “Bốn cùng cơ sở”, các bí thư chi đoàn, chi hội trưởng các chi hội thôn, buôn, khu phố đã trau dồi, có nhiều kỹ năng, tự tin trong công tác tổ chức, triển khai công tác Đoàn, Hội tại cơ sở. Qua đó mở rộng, thu hút tập hợp đông đảo ĐVTN vào tổ chức Đoàn, Hội”, anh Cao Minh Sang khẳng định.
Anh Lê Chăm Khoa - Bí thư Chi đoàn thôn Tân Hiệp (xã Sơn Hội) chia sẻ: “Chi đoàn thôn Tân Hiệp hiện có 15 đoàn viên, tất cả đều là đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng tháng để ĐVTN tham gia sinh hoạt, nghe triển khai các văn bản của Đoàn cấp trên, chúng tôi đều lồng ghép với giao lưu văn nghệ, tổ chức nhiều trò chơi để buổi sinh hoạt không bị khô cứng; đồng thời thường xuyên duy trì hoạt động CLB Cồng chiêng của thôn. Chúng tôi tổ chức được như vậy là nhờ sự truyền đạt kinh nghiệm của các thành viên trong đội “Bốn cùng cơ sở”. Nhờ đó, công tác đoàn kết tập hợp thanh niên mang lại hiệu quả rõ rệt.
Đơn cử, từ khi các ĐVTN thường xuyên tham gia sinh hoạt Đoàn, việc tổ chức vần công thu hoạch mía, sắn hoặc tham gia đóng góp ngày công cho các hoạt động tình nguyện, góp tiền cho lễ hội bỏ mả, Ngày đại đoàn kết toàn dân tộc… được các bạn trẻ thực hiện một cách tự nguyện. Cũng nhờ đó mà vào mỗi mùa thu hoạch mía, sắn, các hộ thanh niên không phải tốn tiền thuê nhân công làm”.
Phát huy hiệu quả mô hình “Bốn cùng cơ sở”, các cơ sở Đoàn: Sơn Phước, Sơn Xuân, Suối Trai, Cà Lúi… cũng đã thực hiện tốt công tác đoàn kết tập hợp thanh niên. Nhiều chi đoàn thôn, buôn lâu nay khá mờ nhạt trong việc tổ chức các hoạt động Đoàn, Hội thì nay thường xuyên đăng cai tổ chức hoạt động tình nguyện, thu hút đông đảo ĐVTN tham gia.
Bí thư Chi đoàn thôn Lương Sơn (xã Sơn Xuân) Võ Khắc Hoàng nói: “Để thu hút thanh niên vào tổ chức Đoàn, Hội, cùng với đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, chi đoàn thôn đã xây dựng các mô hình phát triển kinh tế như: “Chuồng thỏ thanh niên”, “Vườn sắn thanh niên” để thanh niên góp vốn làm ăn. Qua đó, mỗi năm chi đoàn thu nhập khoảng 50 triệu đồng và trích ra một phần kinh phí gây quỹ, tổ chức nhiều chương trình tình nguyện như: ra quân làm vệ sinh môi trường, giúp các hộ khó khăn sửa lại nhà cửa… Với những cách làm như vậy, nhiều thanh niên ngày càng tìm đến tổ chức Đoàn, Hội. Hàng năm, chi đoàn đều đạt vững mạnh xuất sắc”.
“Qua hơn 2 năm thực hiện mô hình “Bốn cùng cơ sở”, Huyện Đoàn Sơn Hòa đã tập huấn cho 110 chi đoàn trong huyện, thu hút hơn 2.000 ĐVTN tham gia. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai sâu rộng mô hình này với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và đi vào chiều sâu. Qua đó giúp các bí thư chi đoàn, chi hội cũng như ĐVTN nắm vững các kỹ năng cần thiết, tạo cho các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội ngày càng “mềm” hơn, nhằm “kéo” ĐVTN đến với tổ chức Đoàn, Hội”, Bí thư Huyện Đoàn Sơn Hòa Cao Minh Sang nói.
“Bốn cùng cơ sở” là một mô hình sáng tạo của Huyện đoàn Sơn Hòa trong việc triển khai công tác Đoàn, Hội. Mô hình này đã giúp cán bộ Đoàn, Hội ở cơ sở trau dồi kiến thức, kỹ năng sinh hoạt cộng đồng, kỹ năng sống… “làm mới” các buổi sinh hoạt Đoàn, Hội. Đây cũng là một trong những cách làm tốt trong việc đoàn kết tập hợp thanh niên. Với những cách làm sáng tạo, 4 năm liên tiếp, Huyện Đoàn Sơn Hòa luôn là đơn vị vững mạnh xuất sắc Cụm thi đua miền núi, được nhận cờ thi đua. Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Phú Yên Lương Minh Tùng nhận xét. |
Trung Hiếu
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn