Khi thanh niên “mê” cồng chiêng

Chủ nhật - 09/04/2017 23:35
Về các buôn làng ở xã Ea Bá, huyện Sông Hinh thời gian này, đến các nhà Rông, ai cũng dễ dàng bắt gặp cảnh thanh niên Ê Đê ở đây tập luyện cồng chiêng và tham gia trình diễn ở các lễ hội, ma chay. Tiếng cồng, tiếng chiêng trở lại thường xuyên, là tín hiệu vui trong công tác góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đội cồng chiêng xã Ea Bá tại Ngày hội VH-TT-DL các dân tộc tỉnh Phú Yên lần VIII - năm 2013
Đội cồng chiêng xã Ea Bá tại Ngày hội VH-TT-DL các dân tộc tỉnh Phú Yên lần VIII - năm 2013

Xã Ea Bá, huyện Sông Hinh hiện có 4 buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là đồng bào Ê Đê, buôn làng nào cũng đều có 01 đội cồng chiêng. Điều quan trọng là đội cồng chiêng của các làng đều do chi đoàn thành lập và tự gây quỹ hoạt động. Buôn Ken là một trong những buôn đầu tiên thực hiện theo mô hình này, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của tộc người Ê Đê trên địa bàn. Đội cồng chiêng của thanh niên ở các buôn do chính các già làng tập luyện, mỗi thứ bảy hay chủ nhật, tại nhà Rông trong buôn, các già làng đã truyền đạt một cách thành thục từng động tác cơ bản về cách cầm chiêng, gõ chiêng và những điệu múa theo từng bài hát truyền thống của dân tộc, qua mỗi buổi sinh hoạt, thanh niên tham gia rất đông và đã nâng cao được nhận thức, ngày càng nhiều thanh niên tự nguyện đăng ký vào đội cồng chiêng của buôn. Hiện, đội cồng chiêng của chi đoàn buôn Ken, xã Ea Bá có số lượng thành viên tham gia đông nhất với 37 thành viên, đội cồng chiêng các buôn còn lại, mỗi đội có gần 25 thành viên. Ksor Hờ Nhót, thành viên đội cồng chiêng buôn Ken cho biết: “Mỗi lần nghe tiếng cồng, tiếng chiêng mình thích lắm, mỗi thứ bảy, chủ nhật, đoàn viên thanh niên cả buôn tụ họp về nhà Rông tập đánh, tập nhảy, rất vui!”. Kinh phí hỗ trợ từ địa phương rất ít, nên để duy trì hoạt động của các Đội cồng chiêng, rất nhiều thanh niên ở các buôn làng ở xã Ea Bá tự đóng góp kinh phí cá nhân để mua cồng chiêng, một bộ cồng chiêng tùy loại từ 17 - 23 chiếc có giá từ 2,5 - 3,0 triệu đồng. Tuy không là khoản tiền lớn, nhưng với thanh niên Ê Đê ở những vùng còn khó khăn như Ea Bá, đó là sự đóng góp của cả một năm, họ góp những đồng tiền nhỏ từ “ký lúa”, “ký đậu”, “ký sắn” qua bao mùa nương rẫy nhọc nhằn thấm đẫm mồ hôi của mình mới mua được bộ cồng chiêng. Những thanh niên ở đây hiểu rằng không có gì dễ tập hợp được đoàn viên thanh niên dễ dàng như mỗi khi nổi cồng chiêng, anh Nay Y Len, Bí thư Xã Đoàn Ea Bá cho biết: "Khi có cồng chiêng thì đoàn viên thanh niên, phụ nữ tập hợp rất đông, hoạt động này không chỉ là niềm vui mà còn là phong tục của dân tộc mình nên mọi người rất hưởng ứng. Có cồng chiêng thì vui vẻ, rộn ràng. Để tập hợp, vận động thanh niên tham gia vào một phong trào nào đó như giúp những hộ neo đơn trong buôn thu hoạch vụ mùa, thực hiện kế hoạch hoá gia đình… không gì dễ dàng hơn là tổ chức đánh cồng chiêng, nhảy A Ráp, rồi lồng vào đó việc vận động". 

Ngoài việc phục vụ cho các dịp lễ hội và ma chay trong buôn, đội cồng chiêng của chi đoàn buôn ở xã Ea Bá còn thường xuyên đại diện cho huyện Sông Hinh tham gia các hoạt động văn hóa cấp tỉnh, tiêu biểu nhất, mới đây là Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Phú Yên năm 2013. Có đội cồng chiêng, phong trào văn hóa văn nghệ ở xã Ea Bá nâng lên rõ rệt, thanh niên đến gần hơn với tiếng cồng, tiếng chiêng, xa lánh những tệ nạn xã hội, ông Lê Mô Y Xóa, Phó chủ tịch UBND xã Ea Bá, huyện Sông Hinh nói: “Có tiếng cồng, tiếng chiêng do chính những thanh niên phục dựng, địa phương rất phấn khởi, sắp tới, chúng tôi sẽ ưu tiên hỗ trợ cho những đội cồng chiêng ở các buôn để phát triển hơn, phấn đấu, mục tiêu là thanh niên nào cũng biết đánh cồng chiêng!”

 

Trong môi trường âm nhạc hiện đại đang có chiều hướng "lấn sân" vào các loại hình âm nhạc truyền thống của dân tộc, thì việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số là rất khó. Những đội cồng chiêng do chính thanh niên buôn làng lập ra và đi vào hoạt động ở xã Ea Bá rất thiết thực trong việc nối tiếp và phát huy văn hóa cồng chiêng, để tiếng cồng, tiếng chiêng mãi ngân vang khắp các buôn làng trong những dịp lễ hội hay những khi Tết đến, Xuân về.

Thoại Lê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây