Chẳng hạn, tại quảng trường 1 Tháng 4, bãi biển phường 7, công viên Diên Hồng (phường 1)… vào các buổi chiều, chúng ta thường thấy nhiều gia đình mang thức ăn đến ăn uống, sau đó vứt lại hộp nhựa, bao ni lông… tại đây. Chỉ khi nào lực lượng bảo vệ nhắc nhở họ mới thu dọn. Các bạn trẻ, học sinh, sinh viên cũng bắt chước thói xấu này, vứt rác vô tư nơi công cộng, gây hình ảnh phản cảm. Ở các khu dân cư, có lần tôi chứng kiến cảnh người mẹ trẻ cầm túi rác vứt ra đường hay nhiều người mang rác thải sinh hoạt vứt cạnh thùng rác chứ không bỏ hẳn vào thùng; còn ở các miền quê, nhiều người tự do xả rác ra đường hay vứt xuống các kênh mương thủy lợi, nơi dòng nước mát tưới cho những cánh đồng quê…. Tất cả những việc làm thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm với môi trường thật đáng chê trách.
Bên cạnh những hình ảnh không đẹp, chúng tôi thật sự vui khi chứng kiến những hành động đáng yêu của các cháu bé chỉ khoảng 4 đến 5 tuổi nhưng đã có ý thức rất cao. Chiều cuối tuần, tôi cùng mẹ con cháu Ánh Ngọc (4 tuổi, ở phường 7, TP Tuy Hòa) đến quảng trường 1 Tháng 4 dạo mát. Sau khi uống xong nước mía, cháu cầm vỏ hộp chạy vòng quanh tìm thùng rác rồi nhón chân bỏ hẳn chiếc hộp vào thùng, sau đó mới chạy ra chơi cùng các bạn. Hay có lần, tôi mua cho cháu gói kẹo, sau khi bóc viên kẹo bỏ vào miệng, trên tay cháu vẫn cầm vỏ kẹo mang về bỏ vào thùng rác ở nhà mình. “Ở trường, cô giáo dạy phải gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ, vứt rác vào thùng thì mới mạnh khỏe được”, cháu Ánh hớn hở nói.
Trong khi nhiều người lớn vẫn còn thiếu ý thức thì nhiều con trẻ mới đi học mẫu giáo đã được cha mẹ, thầy cô dạy bảo, thực hiện được những việc tốt, rất đáng khen. Đổ rác đúng nơi quy định không phải là việc khó, nhưng góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sống của cộng đồng, nơi mình sinh sống. Thiết nghĩ, việc tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường ở các khu phố, làng quê cần được các đoàn thể và chính quyền cơ sở quan tâm hơn.
TIẾN THÀNH
(Phường 5, TP Tuy Hòa)
(Nguồn Báo Phú Yên)