Về huyện Đông Hòa - nơi có nghề chăn chăn nuôi khá phát triển, với các đối tượng nuôi chính là heo, bò và gia cầm… Nhiều năm nay, vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi luôn được các cấp, các ngành và người chăn nuôi quan tâm. Tuy nhiên, do quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu phát triển theo mô hình trang trại gia đình, nằm trong khu dân cư, nên khó tránh khỏi những tác động xấu đến môi trường.
Từ việc không biết xử lý thế nào cho hết lượng chất thải chăn nuôi, đến nay nhiều gia đình đã có thêm nguồn thu nhập đáng kể từ thứ bỏ đi này. Là một trong những gia đình tiên phong áp dụng mô hình nuôi giun quế kết hợp với chăn nuôi. Gia đình anh Võ Hoài Văn, chủ một trại nuôi heo ở huyện Đông Hòa chia sẻ: “Ban đầu tôi chỉ dẫn chất thải từ trại heo vào hầm bioga xử lý và lấy khí gas phục vụ sinh hoạt. Đến khi hầm bioga đầy, không còn sức chứa tôi đầu tư xây dãy chuồng nuôi giun quế với diện tích khoảng 200m² để giải quyết bã bioga. Không ngờ loại giun quế này bán rất chạy trên thị trường, nhất là các trại nuôi tôm, chình giống ở địa phương. Hiện nhu cầu giun quế rất mạnh, trại của tôi mỗi ngày thu hoạch được khoảng 5kg giun, bán với giá 70 nghìn đồng/kg, bình quân mỗi tháng từ số chất thải chăn nuôi heo tôi thu được gần 10 triệu đồng”.
Nhờ vậy mà khối lượng phân thải ra của đàn heo đã được sử dụng hết và không gây ô nhiễm môi trường. Từ khi triển khai mô hình nuôi giun quế kết hợp chăn nuôi heo đã giúp gia đình anh Văn đạt được một số lợi ích vượt trội như: xử lý toàn bộ chất thải trong chăn nuôi, sản xuất phân bón vi sinh sạch bón cho cây trồng,… Với giá thị trường từ 65 - 75 nghìn đồng/kg, nuôi giun quế được coi là mô hình sản xuất “làm chơi ăn thật” do dễ làm, vốn đầu tư ít mà hiệu quả kinh tế lại cao. Nếu gia đình nào chịu khó bỏ công sức nuôi giun quế kết hợp với mô hình V.A.C thì rất tốt, bởi nuôi giun quế có nhiều tác dụng như tạo nguồn thức ăn dồi dào cho gia súc, gia cầm, phân giun rất giàu chất dinh dưỡng thích hợp cho nhiều loại cây trồng.
Nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi trên các sách báo, anh Văn đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực còn mới mẻ này. Anh Văn chia sẻ: “Giun quế rất dễ nuôi, không đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, bà con nông dân chỉ cần tham gia lớp tập huấn hoặc tự nghiên cứu tìm tòi qua tài liệu, sách, báo cũng có thể áp dụng được. Hơn nữa, nuôi giun quế không cần đầu tư nhiều vốn mà cần nhất là phải chịu khó”. Thật vậy, việc triển khai thực hiện mô hình nuôi giun quế cũng rất đơn giản, cứ sau hơn một tháng thả ấu trùng, giun quế sẽ cho thu hoạch. Nếu tuân thủ đúng các kỹ thuật thì chỉ sau một tháng với mật độ thả 15-20 kg ấu trùng giống/m² cho thu nhập khoảng 1kg giun quế/m² thương phẩm. Chúng ta có thể nuôi trong khay chậu; trên đồng ruộng có mái che; nuôi trong nhà với quy mô công nghiệp và bán công nghiệp. Để nhân rộng mô hình nuôi giun quế kết hợp chăn nuôi, anh Văn đã tạo điều kiện cho thanh niên trong và ngoài xã đến học hỏi kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật nuôi giun quế và đã nhân rộng diện tích nuôi lên đến hơn 500 m².
Mô hình nuôi giun quế tuy là một nghề mới phát triển nhưng rất hữu ích và phù hợp với điều kiện mọi gia đình. Người nông dân nuôi giun để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản đạt hiệu quả kinh tế cao và cũng có thể sử dụng giun để tự chế biến thành các thức ăn giàu đạm ngay trong gia đình. Giun và phân giun có thể cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu để sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến thực phẩm, dược mĩ phẩm, làm phân bón… với nhu cầu lớn và ổn định. Bên cạnh đó, vốn đầu tư nuôi giun quế rất ít chỉ cần vài ba triệu đồng, đến vài chục triệu đồng, chi phí nuôi không lớn. Thức ăn để nuôi giun chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có như phân trâu, bò, dê, lợn, gà, rác hữu cơ (rau, củ, hoa quả, vỏ trái cây loại bỏ, rơm rạ, các loại bã đã ép dầu…) rất dồi dào và rẻ tiền. Nuôi giun ít bị bệnh, ít rủi ro, tốn ít công chăm sóc, kỹ thuật lại đơn giản, dễ làm, sớm có thu nhập. Vì vậy việc sử dụng thành công mô hình nuôi giun kết hợp với chăn nuôi sẽ giúp người nông dân có thêm biện pháp tạo nguồn thức ăn mới cho chăn nuôi, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế, bảo đảm cho người dùng sản phẩm chăn nuôi góp phần bảo vệ môi trường.
Trong mô hình sản xuất khép kín này, chất thải từ chăn nuôi đối tượng này chuyển thành nguyên liệu cung ứng sản xuất cho đối tượng khác, giúp giải quyết được bài toán về chất thải, giảm thiểu được vấn đề ô nhiễm môi trường. Từ những ưu thế trên, đây sẽ là một mô hình phát triển bền vững cho nghề chăn nuôi của địa phương. Nuôi giun quế sẽ là hướng đi mới cho phát triển kinh tế trên địa bàn huyện nói riêng và Phú Yên nói chung góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, vươn lên ổn định cuộc sống và làm giàu cho đoàn
Lê Liên