Một thanh niên vượt khó làm giàu

Thứ hai - 10/04/2017 02:52
Những người sống ở thôn 2B, xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh), không ai là không biết đến Bá Minh Cầu. Không những được học hành bài bản, Bá Minh Cầu còn là tấm gương vượt khó làm giàu cho bản thân và giúp nhiều người ở vùng xa xôi của xã Sông Hinh cùng nhau làm kinh tế để thoát nghèo.
Bá Minh Cầu đang chăm sóc đàn gà trong trang trại - Ảnh: NHẬT HUY
Bá Minh Cầu đang chăm sóc đàn gà trong trang trại - Ảnh: NHẬT HUY

Bá Minh Cầu sinh năm 1993. Ở cái tuổi đầy hoài bão, chàng thanh niên người dân tộc Ba Na muốn làm điều gì đó để phát triển quê hương, chung tay giúp người dân làm giàu trên mảnh đất đầy nắng và gió của xã Sông Hinh. Và ước mơ ấy, Bá Minh Cầu đã bước đầu làm được.

 

Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế Huế, Bá Minh Cầu nhanh chóng quay về quê hương để vận dụng những kiến thức được học vào thực tế. Đầu năm 2016, với kinh phí ban đầu 40 triệu đồng từ số vốn tiết kiệm làm thêm khi còn là sinh viên, Bá Minh Cầu bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình. Trên 1ha đất dưới tán cây cao su lâu năm của gia đình, Bá Minh Cầu đầu tư nuôi trùn quế với 50m2; quây lưới B40 trong vườn cao su chia thành 5 ô, diện tích mỗi ô 200m2 để thả gà ta chọn lọc được mua từ Bình Định. Trong đó, một ô nuôi gà giống cho đẻ trứng và lấy trứng đưa vào máy ấp, 3 ô khác nuôi gà theo lứa tuổi, một ô còn lại để trống chuồng phòng bệnh. Phân trùn quế được Bá Minh Cầu tận dụng, bón thúc cho cây hồ tiêu, cao su của gia đình và trồng rau trong thùng xốp. Trùn quế là thức ăn bổ sung dinh dưỡng cao nên giúp tăng sức đề kháng cho đàn gà mau lớn. Mô hình kết hợp này giúp giảm rất nhiều chi phí thức ăn, phân bón cho cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

 

Với cách làm nông trại khép kín như vậy, nên hầu như ngày nào, Bá Minh Cầu cũng có gà để bán. Với cách nuôi gà theo kiểu gối đầu, Cầu cho xuất chuồng khoảng 100 con gà/tháng. Gà ở trang trại của Bá Minh Cầu được người tiêu dùng rất ưa chuộng vì thịt chắc, thơm ngon, với giá dao động trên dưới 100.000 đồng/kg. Riêng khoản gà, sau khi trừ hết chi phí cho lãi hơn 5 triệu đồng/tháng. Với gần 100 trụ hồ tiêu của gia đình, mỗi năm, Bá Minh Cầu thu về thêm 50 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, tận dụng nguồn phân, đất quanh trang trại, hiện tại, Bá Minh Cầu đang đầu tư trồng gừng trong bao với số lượng 500 bao; dự kiến tới cuối năm cho thu hoạch khoảng 1,5 tấn gừng tươi phục vụ nhu cầu rim mứt tết.

 

“Khi còn là sinh viên, tôi luôn cố gắng học tập và tìm hiểu những mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp để phát triển kinh tế ở miền núi. Sau nhiều lần suy nghĩ, tôi quyết định chọn mô hình trang trại khép kín với vật chủ trung gian là trùn quế và sản phẩm đầu ra là gà thả vườn, hồ tiêu, gừng và rau sạch nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm”, Bá Minh Cầu tâm sự.

 

Với thành công bước đầu, Bá Minh Cầu vẫn còn nhiều ấp ủ cho ước mơ làm giàu trên chính quê hương mình, mà trước hết là tự học hỏi, nâng cao hiểu biết về mô hình trang trại khép kín, hướng tới xây dựng chuồng trại tiêu chuẩn, khoa học, mở rộng diện tích nuôi trùn quế, tăng số lượng đàn gà, tuyển nhân công địa phương vào làm việc tại trang trại, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm…

 

Anh Dương Tấn Lãnh, Phó Bí thư Huyện đoàn Sông Hinh, đánh giá: “Bá Minh Cầu là một trong những thanh niên có chí hướng phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân và chung tay xây dựng quê hương. Đây là một trong những tấm gương sáng cho các thanh niên tại địa phương noi theo. Đây cũng là một trong hai đoàn viên thanh niên tiêu biểu được Huyện đoàn Sông Hinh giới thiệu để Tỉnh đoàn Phú Yên chọn và đề nghị Trung ương Đoàn xét duyệt Giải thưởng Lương Định Của năm 2016”.

 

Theo Baophuyen.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây