Theo ông Lê Ngọc Chu, cha của anh Lê Ngọc Lai nhận định khi thấy đứa con trai của mình có ý tưởng thu mua rác thải gồm: túi bóng, bao ni lông, bao tải nhựa hay những đồ nhựa phế thải về để tái chế thành hạt nhựa… đó là ý tưởng không hay. Ông Lê Ngọc Chu còn bộc bạch: “Lo thì lo, nhưng thấy con quyết tâm làm ăn, vợ chồng tôi cũng cố gắng vay mượn để con có vốn đầu tư làm ăn và tự lập nghiệp. Đối với nông dân sống ở quê thì dành dụm, chăm chỉ làm ăn để có được số tiền 200 hay 300 triệu là vô cùng lớn. Lúc đầu nghe con muốn mượn tiền để đầu tư làm ăn hai vợ chồng tôi mất ngủ gần cả tháng, đắng đo suy nghĩ mãi rồi cũng quyết định đầu tư, giúp con số vốn ban đầu vì con mình nó cũng chí thú làm ăn, chứ có phải chơi bời lêu lỏng đâu mà mình không giúp”.
Thời gian đầu mới đi vào sản xuất, máy móc vận hành còn nhiều trục trặc, thiếu nguồn vốn lưu động, thiếu nguồn cung cấp nguyên liệu để sản xuất và quan trọng nhất là chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm hạt nhựa tái chế nên cơ sở sản xuất của hai chàng trai này gặp rất nhiều khó khăn.
Thế nhưng, những khó khăn đó không làm cho anh Hứa Văn Hậu và anh Lê Ngọc Lai nản lòng mà càng thêm quyết tâm hơn. Hai anh đã mượn thêm ít vốn từ người thân để đầu tư mua thêm máy móc, khép kín quy trình tái chế nhựa phế thải và học hỏi thêm từ những người đã có kinh nghiệm tái chế rác thải lâu năm ở TP. Hồ Chí Minh để hoàn thiện dây chuyền và đưa máy móc của cơ sở đi vào hoạt động ổn định hơn. Anh Hứa Văn Hậu, Cơ sở tái chế hạt nhựa vi sinh, xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh bày tỏ: “Ở quê mình đây thì cái nghề tái chế nhựa phế thải gần như chưa có nhiều người làm và công việc này cũng khá mới ở địa phương. Nhiều nơi rác thải là những bao bóng, bao bì không được thu gom nên bay lung tung gây ô nhiễm môi trường và đây cũng là chất thải nguy hại khó xử lý, lâu phân hủy trong môi trường tự nhiên. Tôi và bạn cùng mở cơ sở tái chế nhựa này vừa có thể thu gom rác thải, làm sạch môi trường vừa mang lại hiệu quả kinh tế…”.
Hiện nay mỗi ngày, Cơ sở tái chế hạt nhựa vi sinh sản xuất trung bình được khoảng 5 đến 6 tạ hạt nhựa nhưng đáng mừng là sản phẩm làm ra đến đâu, được thị trường TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ hết đến đó. Từ đó, đã góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều thanh niên ở địa phương. Anh Dương Tấn Lãnh - Phó Bí thư Huyện Đoàn Sông Hinh cho biết: “ Hiện nay ở Sông Hinh chưa có cơ sở tái chế hạt nhựa từ rác thải như thế này. Đây là một cách làm mới của những người trẻ năng động và sáng tạo như Hứa Văn Hậu và Lê Ngọc Lai. Mô hình này vừa mang lại kinh tế vừa giúp địa phương xử lý được tình trạng ô nhiễm môi trường, vừa tạo công ăn việc làm cho thanh niên ở địa phương”.
Từ hai bàn tay trắng, với quyết tâm lập thân lập nghiệp, hai chàng thanh nhiên Hứa Văn Hậu và anh Lê Ngọc Lai đã suy nghĩ, tìm tòi học hỏi để biến rác thải thành tiền, tạo công ăn việc làm và góp phần bảo vệ môi trường. Những kết quả bước đầu của Cơ sở tái chế hạt nhựa vi sinh sẽ làm tiền đề cho những dự định tiếp theo trên con đường lập thân, lập nghiệp của những thanh niên này./.
Như Nguyện
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn