50 năm qua, khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ hai - 09/09/2019 21:37
50 năm qua, khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng, coi công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”. Trong đó, gốc rễ là việc rèn rũa, tôi luyện đội ngũ cán bộ "liêm chính".
50 năm qua, khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Quyết liệt đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng đang được Đảng triển khai mạnh mẽ với những bước đi chắc chắn, bài bản nhằm bóc trần và loại bỏ những "con sâu" đang phá hoại thành quả tốt đẹp của cả dân tộc nỗ lực đạt được. Đây là sự tiếp nối thực hiện những lời căn dặn của Bác kính yêu với toàn Đảng, toàn dân. Người chỉ rõ, để Đảng ta thật sự là một Đảng lãnh đạo và là đầy tớ thật trung thành của nhân dân thì trước hết cán bộ, đảng viên phải thực hành đoàn kết và thanh khiết. Chính vì lẽ đó, trong những phẩm chất cần có của người cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao chữ Liêm.

Chữ Liêm theo Người, đó là liêm khiết, không tham lam, vơ vét của công và của dân, “Không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình”.

Từ lúc Đảng chưa ra đời, trong tác phẩm “Đường Cách mệnh”, Hồ Chí Minh đã yêu cầu người cách mạng phải “ít lòng ham muốn về vật chất”. Khi Đảng trở thành đảng cầm quyền thì chữ Liêm càng quan trọng, bởi nếu thiếu nó thì cán bộ “biến thành sâu mọt của dân”. Vì vậy, sau cách mạng tháng Tám, Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Chính phủ sau đây phải là một chính phủ liêm khiết".

Người cán bộ liêm khiết là làm việc trung thực với lương tâm, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao, chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện. Người Liêm tận tậm với công việc, không màng tiền tài địa vị, không hư vinh, hư danh. Họ có lòng tự trọng, biết xấu hổ khi có suy nghĩ, hành động sai trái, kiên quyết không bắt tay hay thỏa hiệp cho những hành vi vi phạm pháp luật.

Thẳng thắn tự phê bình, Đảng ta chỉ rõ: Trong đội ngũ cán bộ, đảng viên có một bộ phận không nhỏ đã bị chủ nghĩa cá nhân chi phối, chạy theo danh lợi, kèn cựa địa vị, tham nhũng, quan liêu, nghiêm trọng hơn là “lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân”… Suy cho cùng những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu xảy ra đều có nguyên nhân từ sự bất liêm, vô cảm khi làm những điều không tốt. Trong bài “Cần Kiệm Liêm Chính” viết tháng 6/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nhiều biểu hiện của sự bất liêm như: Cậy quyền, cậy thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư, người có tiền cho vay cắt cổ, hoặc dìm người giỏi để giữ địa vị, hoặc gặp việc khó thì không dám làm…

Sự bất liêm nảy sinh từ nhiều lẽ. Đó là những cám dỗ đời thường, ham tiền bạc, địa vị, danh vọng như người nọ, người kia trong xã hội, gây bè dựng cánh vì những toan tính cá nhân. Người "bất liêm" sẽ tìm mọi cách để xoay xỏa, luồn cúi, tận dụng mọi cơ hội, tác động để đạt được ham muốn một cách nhanh nhất. Thủ đoạn thì muôn vàn, nhưng đều có điểm giống nhau là xem thường đạo đức, liêm sỉ, miễn sao đạt được mục đích của mình.

Khi nói về tư cách của người cán bộ, đảng viên, theo Hồ Chí Minh “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật". Do đó đối với cán bộ, công chức, Hồ Chí Minh khuyên “để giúp công việc chính phủ một cách đắc lực, để nâng cao tinh thần kháng chiến, anh em viên chức bây giờ phải có 4 đức tính là: "cần, kiệm, liêm, chính”.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao công tác cán bộ, Người khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc"; "muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém…". Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ, trước thềm Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, việc sàng lọc, lựa chọn những cán bộ vừa có đức trong thừa hành công vụ vừa có tài ngang tầm nhiệm vụ, đang là công việc đặc biệt quan trọng được Đảng ráo riết thực hiện.

Mới đây, Kết luận của Ban Bí thư về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đã chỉ rõ: "Kiên quyết không đề xuất, quyết định những nhân sự không bảo đảm tiêu chuẩn về độ tuổi, uy tín...; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mất đoàn kết, "cục bộ", "lợi ích nhóm"; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, gây thất thoát tiền bạc, tài sản của Nhà nước; phẩm chất, năng lực hạn chế, có biểu hiện "chạy chọt, vận động, tranh thủ lẫn nhau"... Nhìn rộng hơn, những hiện tượng này đều do bất liêm mà ra.
                                                                                                                                                                   (TTXVN)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây