Nhắc nhớ “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”

Thứ hai - 09/09/2019 22:01
Nhắc nhớ “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”

“Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” là tên một cuốn sách của nhà báo Hữu Thọ được nhiều người yêu thích, coi đó là ba yêu cầu cơ bản nhất của người cầm bút.

Để trở thành nhà báo, đương nhiên yêu cầu đầu tiên phải là "mắt sáng". Vì chỉ có "mắt sáng" thì mới có nhìn nhận, đánh giá đúng bản chất vấn đề, sự kiện mình định thể hiện. Trong điều kiện hiện nay, trước tác động đa chiều của đời sống xã hội và đòi hỏi từ thực tiễn, yêu cầu “lòng trong, bút sắc” là cấp thiết.
 

“Lòng trong” là phẩm chất khởi điểm và là tiêu chuẩn hàng đầu để tạo nên nhân cách nhà báo cách mạng.“Lòng trong” giúp nhà báo sáng tạo báo chí đúng tôn chỉ, mục đích, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc chứ không tư lợi riêng. “Lòng trong” cũng là nền tảng để hội tụ nên bản lĩnh, ý chí vượt qua tất cả mọi sự cám dỗ khi dấn thân vào môi trường làm báo vốn sôi động, phong phú và khắc nghiệt, nhất là trong điều kiện cơ chế thị trường; nhắc nhở mỗi nhà báo phải luôn tự rèn luyện, tự soi lại chính mình, xác định những giới hạn về tiêu chí đạo đức để không ngừng tôi rèn bản thân. Trên thực tế, “lòng trong” thể hiện ở cái tâm của người cầm bút, góp phần nhân lên cái đẹp, đẩy lùi cái xấu.

“Bút sắc” là năng lực sáng tạo tác phẩm báo chí. Bút có sắc thì tác phẩm báo chí mới hay, thu hút được sự quan tâm của nhân dân; thuyết phục được bạn đọc, góp sức xây đời. Muốn “bút sắc” đương nhiên nhà báo phải có dũng khí đấu tranh vì quyền lợi của nhân dân, của Đảng, Nhà nước. Vấn đề là muốn cho “bút sắc”, ngòi bút không bị “bẻ cong” thì tất yếu nhà báo phải triệt để tôn trọng sự thật, thu thập tài liệu, điều tra, xử lý chính xác để có bài báo khách quan, trung thực, công tâm.

Những ngày này, khi cả nước tưng bừng kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, vui mừng trước những thành quả rất to lớn của báo chí nước nhà, thì vẫn còn không ít băn khoăn trước thực tế một số cơ quan báo chí bị khiển trách do chủ quan, thiếu trách nhiệm, dẫn đến sai phạm, vi phạm nguyên tắc, đạo đức nghề báo. Một số nhà báo chưa đủ bản lĩnh, không thường xuyên rèn luyện dẫn đến thông tin sai lệch, gây hiệu ứng xấu trong dư luận xã hội. Thực tế đó đòi hỏi mỗi nhà báo phải không ngừng trau dồi kiến thức, rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức để luôn “lòng trong, bút sắc”. Cùng với đó là tinh thần dấn thân, lăn xả với nghề để mỗi khi có thêm những tác phẩm báo chí mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ mới cũng chính là niềm vinh quang, tự hào riêng có của người làm báo.

Dịp 21-6 hằng năm là dấu ấn ôn lại truyền thống, lịch sử tốt đẹp của ngành báo, tôn vinh nghề báo, nhưng đồng thời cũng là dịp để mỗi người cầm bút nhắc nhớ chính mình phải “lòng trong, bút sắc”; xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
                                                                                                                                                                                           STTM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây