Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 02/2023

Thứ tư - 01/02/2023 05:23
Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn ban hành Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 02/2023. Đề nghị các Huyện, Thị, Thành Đoàn và Đoàn trực thuộc triển khai đến các cấp bộ Đoàn của đơn vị mình.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 5 đến ngày 10/9/1960.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 5 đến ngày 10/9/1960.

Nội dung tải tại đây:/uploads/news/2023_02/tai-lieu-sinh-hoat-chi-doan-thang-02.2022.chinh.doc
Những ngày đáng nhớ trong tháng 02:
- 03/02/1930: Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
- 07/02/1418: Ngày Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn.
- 17/02/1979: Kỷ niệm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
- 27/02/1955: Ngày Thầy thuốc Việt Nam

Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2023)
93 năm Ngày thành lập Đảng: Đảng ta đó - hân hoan một niềm tin!
Trong không khí hân hoan phấn khởi của xuân Quý Mão 2023, dân tộc Việt Nam lại có thêm một niềm vui nữa là mừng Đảng ta thêm tuổi mới.
Trong suốt 93 năm qua, Mùa Xuân-Đất nước-Dân tộc và Đảng ta luôn hòa quyện với nhau làm một, cùng làm nên những kỳ tích, viết nên những trang sử vẻ vang trong lịch sử nước nhà.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và thời đại, làm thay đổi cuộc đời mỗi con người và vận mệnh cả dân tộc.
Đảng lãnh đạo nhân dân giành độc lập cho dân tộc
Nhìn lại lịch sử từ giữa thế kỷ XIX khi đất nước ta chưa có Đảng lãnh đạo, mặc dù nhân dân ta, dân tộc ta đã dũng cảm vùng lên chiến đấu, không chịu khuất phục trước sự áp bức, xâm lược của chủ nghĩa thực dân nhưng đều không thành công.
Điển hình như cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Thủ Khoa Huân, Tôn Thất Thuyết, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám… Giai đoạn này, cách mạng Việt Nam bị khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước.
Trong bối cảnh đó, ngày 6/5/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành, với tên Văn Ba đã rời bến Nhà Rồng (Sài Gòn) ra đi tìm đường cứu nước.
Qua nhiều năm tháng bôn ba, Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một chiến sỹ cách mạng giàu kinh nghiệm thực tiễn trong phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa những năm đầu thế kỷ XX.
Từ chủ nghĩa yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Marx-Lenin và tìm được con đường cách mạng giải phóng cho dân tộc.
Ngày 3/2/1930, sau gần 20 năm đi tìm đường cứu nước, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đây là sự kiện trọng đại, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; là bước ngoặt vĩ đại, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX và cũng là điểm mở đầu quyết định cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam và sự phát triển của dân tộc trong các giai đoạn sau này.
Với đường lối đúng đắn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, làm sống dậy khát vọng giải phóng dân tộc trong nhân dân Việt Nam.
Chỉ 15 năm đi theo đường lối cách mạng của Đảng, dân tộc ta đã làm nên kỳ tích vĩ đại - thực hiện thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân-phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do.
Với thắng lợi vĩ đại ấy: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền trong toàn quốc.”
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đất nước ta bước vào thời đại mới, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc - Thời đại Hồ Chí Minh.
Chỉ hơn 4 tháng sau, cuộc Tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên ngày 6/1/1946 đã bầu ra Quốc hội và Chính phủ hợp hiến, hợp lòng dân.
Ngay tại Kỳ họp thứ hai (tháng 11/1946), Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trang trọng khẳng định quyền độc lập của dân tộc, quyền tự do dân chủ của nhân dân.
Lãnh đạo toàn quân, toàn dân ta đánh thắng các kẻ thù xâm lược
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dân tộc ta lại đối mặt với âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp.
Trước những khó khăn chồng chất “nghìn cân treo sợi tóc,” Đảng ta một lần nữa tỏ rõ bản lĩnh của một Đảng Marxist chân chính, chủ động đối phó với thù trong giặc ngoài với phương châm: “Tổ quốc trên hết, Dân tộc trên hết”; không thỏa hiệp để làm mất độc lập, chủ quyền đất nước, nhưng sẵn sàng hòa hoãn, nhân nhượng về sách lược để dành thời gian xây dựng thực lực mọi mặt, chuẩn bị kháng chiến lâu dài.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Đảng ta đã sáng suốt định ra đường lối “Toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính.”
Theo chiến lược này, Đảng đã tổ chức toàn dân, tập hợp mọi lực lượng đưa vào các đoàn thể kháng chiến, xây dựng lực lượng chính trị hùng hậu và lực lượng vũ trang vững mạnh bao gồm 3 thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc.
Và ngày 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến-Quyết thắng" đã tung bay trên hầm tướng De Castries. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu,” chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, mở ra trang mới cho cách mạng Việt Nam.
Ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneve được ký, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Vừa ra khỏi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, dân tộc ta lại phải bước vào cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ.
Trước một đội quân xâm lược nhà nghề chưa từng thất bại, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng với những quyết sách chiến lược vô cùng sáng tạo, một lần nữa truyền đến nhân dân và toàn dân tộc niềm tin chiến thắng của chính nghĩa trước thế lực bạo tàn. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã chiến đấu anh dũng và chiến thắng hết sức vẻ vang.
Bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân đội và nhân dân Việt Nam đã kết thúc cuộc trường chinh hơn một thế kỷ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thu non sông về một mối, mở ra kỷ nguyên cả nước độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội.
Chiến thắng 30/4/1975 là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam, là Ngày hội thống nhất non sông.
Văn kiện Đại hội IV của Đảng năm 1976 khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.”
Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược là thành quả tổng hợp của một loạt nhân tố tạo nên sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam. Nhưng nguồn gốc của mọi nhân tố ấy chính là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng - đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam.
Đảng lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước
Sau ngày thống nhất, cả nước bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải đối diện với những thách thức, khó khăn gay gắt cả trong nước, khu vực và trên trường quốc tế.
Trước tình hình đó, Đảng ta một lần nữa khẳng định trách nhiệm trước dân tộc và lịch sử, khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới (tại Đại hội VI của Đảng 1986).
Đảng ta quyết định thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần; đồng thời đổi mới chính sách xã hội, hướng vào những giải pháp nhằm cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân.
Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thành tựu nổi bật nhất là tăng trưởng, phát triển kinh tế. Việt Nam đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển và đứng vào hàng các nước có thu nhập trung bình từ năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 4.000 USD năm 2022.
Đặc biệt, năm 2022, tăng trưởng GDP toàn quốc đạt 8,02%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
Việt Nam đã hình thành một số ngành kinh tế mũi nhọn: dầu khí, dệt may, da giày, thủy hải sản, lương thực, cây công nghiệp, lắp ráp linh kiện điện tử... Giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, Việt Nam hiện là một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo; nông sản Việt Nam ngày càng thâm nhập được vào nhiều thị trường “khó tính.”
Kinh tế Việt Nam hội nhập mạnh mẽ với khu vực và thế giới. Hiện nay, Việt Nam có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, ký hiệp định thương mại song phương với hơn 100 nước, trong đó có nhiều hiệp định thế hệ mới.
Về văn hóa, xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân được cải thiện rõ rệt, an sinh xã hội được bảo đảm. Chú trọng xây dựng văn hóa và phát triển con người Việt Nam phát triển toàn diện. Công tác giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo đạt được những kết quả tốt.
Cùng với đó, dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên.
Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 191/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với trên 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO...
Việt Nam cũng tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn và hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng với tư cách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN, chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEM, Hội nghị thượng đỉnh APEC, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN…
Có thể khẳng định từ khi có Đảng lãnh đạo, dân tộc Việt Nam đã bước sang trang mới huy hoàng. Đất nước ta, từ một dân tộc thuộc địa, nô lệ trở thành một quốc gia độc lập; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, có nhiều thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế không ngừng rộng mở, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư được tăng cường. Những thành tựu to lớn trên tạo tiền đề quan trọng để đất nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển, tự tin bước đến tương lai.

Theo TTXVN

07/02/1418: Ngày Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn

XUÂN ẤY LÊ LỢI DỰNG CỜ
Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, mùa xuân gợi nhớ đến những chiến công tạo nên bước ngoặt lịch sử trọng đại. Mùa xuân, tháng 2 năm 40 nổ ra khởi nghĩa Hai Bà Trưng; mùa xuân năm 1077 cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ hai do Lý Thường Kiệt lãnh đạo kết thúc thắng lợi; mùa xuân năm 1258, 1285, 1288 gắn liền những chiến thắng oanh liệt lần 1, 2, 3 của quân và dân triều Trần chống quân Nguyên - Mông. Mùa xuân 1785, 1789 Quang Trung - Nguyễn Huệ đập tan quân Xiêm La và Mãn Thanh. Mùa xuân năm 1930 thành lập Đảng, mùa xuân Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968; đại thắng mùa xuân năm 1975... Đối với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Mùa xuân tháng giêng năm Mậu Tuất (1418) cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chính bùng nổ như một dấu mốc trọng đại của lịch sử dân tộc. Trong không khí tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, Lê Lợi và nghĩa quân phất cờ khởi nghĩa, truyền hịch khắp nơi, kêu gọi nhân dân diệt giặc cứu nước.
Giữa núi rừng Lam Sơn thuở ấy, Lê Lợi - chàng trai áo vải đất Khả Lam(1) ngày đêm nung nấu hoài bão cứu nước, cứu dân thoát khỏi ngọn lửa hung tàn. Ông sớm định hình cho mình một con đường, một lẽ sống: “Ta dấy binh không phải vì tham phú quý, mà vì muốn cho ngàn đời sau biết rằng ta không chịu thần phục quân giặc”(2). Tấm lòng với nước với dân, ngọn cờ đại nghĩa của Lê Lợi sáng như sao Khuê, thuận với lẽ trời, hợp với lòng người. Các anh hùng hào kiệt khắp nơi tìm đến đất Lam Sơn ra mắt Lê Lợi, nguyện một lòng dấy nghĩa cứu nước.
Hướng theo ánh sáng Lũng Nhai, những hào kiệt, dân chúng bốn phương thuộc mọi thành phần xã hội, dân tộc ngày đêm lặn lội về Lam Sơn tụ nghĩa. Trang trại Như Áng, cả gia đình Lê Lợi, họ hàng nội ngoại, bạn bè và các nghĩa sĩ khẩn trương khai khẩn ruộng nương, chuẩn bị lương thảo, tập hợp lực lượng. Núi rừng Lam Sơn trở thành nơi trú quân, bãi luyện binh, rèn mài khí giới. Ai nấy đều một lòng vì nước quên mình. Đất Lam Sơn hình thành căn cứ của cuộc khởi nghĩa, tuy nhìn bề ngoài vẫn im ắng, bình thản như thường, nhưng trong lòng nó đang sục sôi ý chí diệt thù, chỉ chờ có thời cơ là bùng nổ với sức mạnh phi thường.
Đến cuối năm 1417, điều kiện “binh lương là hai điều cần cho việc mở nước”(3) bước đầu đã được chuẩn bị. Nghĩa quân của Lê Lợi có khoảng 2.000 người. Trong khi đó, quân Minh đang ráo riết điều binh khiển tướng, tập trung lực lượng chuẩn bị tấn công vào Lam Sơn; hòng bóp chết lực lượng còn trong trứng nước. Nắm được âm mưu của địch, điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi và để giành thế chủ động, Lê Lợi triệu tập “đại hội tướng sĩ”(4) và quyết định khởi nghĩa.
Đúng ngày mùng 2 tết năm Mậu Tuất (1418) ngày 7 tháng 2 dương lịch) trong không khí Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, cờ khởi nghĩa của Lê Lợi phấp phới tung bay trên núi rừng Lam Sơn, giữa tiếng hô vang dậy của tướng sĩ suy tôn Lê Lợi làm Bình Định Vương. Ngọn cờ Bình Định Vương giương cao khẳng định sức mạnh vĩ đại của nước non Đại Việt trong sự nghiệp giải phóng dân tộc ở thế kỷ XV.
Suốt 10 năm chiến đấu bền bỉ, kiên cường, trải bao qua gian khổ hy sinh, cờ đại nghĩa Bình Định Vương quật cường tung bay khắp miền núi rừng Thanh Hoá, với những trận đánh lịch sử Mường Một, Mường Chính, Bến Bổng, Ba Lẫm, Kình Lộng, Sách Khôi… rồi tiến công chiến lược vào Nghệ An theo kế sách của Nguyễn Chích, xốc tới giải phóng Tân Bình - Thuận Hoá. Sau đó, cờ nghĩa tiến thẳng ra Bắc, làm nên bao chiến công oanh liệt, mà đỉnh cao là chiến dịch Tốt Động - Chúc Động tiêu diệt và bắt sống hơn 6 vạn quân địch và chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang tiêu diệt hơn 10 vạn viện binh của Liễu Thăng, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Xuân Đinh Mùi (1427) cờ nghĩa Bình Định Vương tung bay trên nóc thành Đông Quan, báo tin cuộc kháng chiến toàn thắng. Mùa xuân sau, ngày mùng 3 tết Mậu Thân (1428) những bóng dáng cuối cùng của quân xâm lược nhà Minh bị quét sạch khỏi bờ cõi. Đất nước sạch bóng quân thù. Tuyên ngôn độc lập “Đại cáo bình Ngô” vang vọng núi sông. Cờ đại nghĩa Bình Định Vương trở thành quốc kỳ Đại Việt, lồng lộng tung bay giữa bầu trời rực rỡ nắng xuân. Đất nước độc lập, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (ngày 15 tháng Giêng Mậu Thân (1428) mở đầu triều Lê, đặt tên nước là Đại Việt, Thủ đô là Đông Kinh (tức Đông Quan - Hà Nội ngày nay).
Mùa xuân Nhâm Tý (1432) Lê Thái tổ thân chinh đi dẹp cuộc nổi loạn âm mưu cát cứ của Đèo Cát Hãn ở Mường Lễ (Lai Châu) giữ yên bờ cõi, để “non sông nay vào một bản đồ”(5).
Trong gần 4 thế kỷ tồn tại của vương triều nhà Lê (từ đầu thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVIII) nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia Đại Việt được bảo đảm, không bị nạn ngoại xâm của phong kiến phương Bắc đe doạ.
Ngày xuân lần giở “cảo thơm” của đất Lam Sơn lịch sử, về bao tên người, tên đất, tên núi sông gắn liền với những chiến công hiển hách, những sự tích thần kỳ. Lại càng thấy chói lọi hào quang “đại nghĩa” của người anh hùng dân tộc Lê Lợi tỏa chiếu từ mùa xuân ấy.
-----------
(1) Sách Khả Lam - huyện Lôi Dương, nay là xã Xuân Lam - Thọ Xuân.
(2) Đại Việt sử ký toàn thư.
(3) Ngô gia thế phổ.
(4) Lê Quý Đôn - Đại Việt thông sử.
(5) Thơ Lê Lợi khắc trên vách núi Lai Châu. 
Biên soạn theo “Đất và người xứ Thanh”
Theo https://thanhhoa.gov.vn/

17/02/1979: KỶ NIỆM 44 NĂM CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC CỦA TỔ QUỐC

Chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc Tổ quốc 1979 - Thắng lợi và bài học lịch sử
           Cuộc chiến đấu này thêm một lần nữa khẳng định ý chí, sức mạnh bền bỉ của nhân dân Việt Nam quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.
Ngày 17/2/1979, thực hiện kế hoạch vạch ra từ trước, nhà cầm quyền Trung Quốc đã phát động cuộc tiến công quy mô lớn xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh).
Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, quân và dân Việt Nam anh dũng chiến đấu, giáng trả quyết liệt.
Chịu nhiều tổn thất mà chưa đạt được mục tiêu ban đầu đề ra, đồng thời bị dư luận thế giới lên án mạnh mẽ do tính chất phi nghĩa của cuộc tiến công, phía Trung Quốc rút hết quân về nước vào ngày 18/3/1979.
Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết: “Chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc Tổ quốc 1979 - Thắng lợi và bài học lịch sử” của tiến sỹ Trần Hữu Huy, Hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
Cuộc chiến tranh phi nghĩa của phía Trung Quốc
Trung Quốc là nước láng giềng của Việt Nam. Trong quá trình đấu tranh cách mạng, nhân dân hai nước gắn bó mật thiết, đoàn kết giúp đỡ nhau. Nhưng sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam thắng lợi (1975), quan hệ hai nước dần xấu đi.
Đầu năm 1979, khi Quân đội nhân dân Việt Nam tiến công đánh đổ tập đoàn phản động Pol Pot, giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, mở ra công cuộc hồi sinh đất nước, chính quyền Trung Quốc cùng một số nước khác ra sức tuyên truyền xuyên tạc sự xuất hiện của Quân tình nguyện Việt Nam trên lãnh thổ Campuchia.
Mục đích của họ là muốn chống phá cách mạng Việt Nam, hậu thuẫn cho các thế lực phản động để mưu toan áp đặt lợi ích dân tộc của họ trên bán đảo Đông Dương.
Trong khi đó, bối cảnh quốc tế lúc này đang có những diễn biến rất phức tạp khi mâu thuẫn Liên Xô-Trung Quốc gia tăng căng thẳng; quan hệ Trung Quốc-Mỹ tiếp tục có sự cải thiện và cả hai đều coi Liên Xô là “kẻ thù số 1.”
Sau nhiều lần gây ra các vụ khiêu khích quân sự quy mô nhỏ, từ ngày 17/2/1979, phía Trung Quốc đã huy động 60 vạn quân, trên 500 xe tăng, xe bọc thép; hàng ngàn khẩu pháo các loại... mở cuộc tiến công xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh), trong đó hướng tiến công chủ yếu là Cao Bằng-Lạng Sơn; hướng tiến công quan trọng là Lào Cai (Hoàng Liên Sơn); hướng phối hợp là Phong Thổ (Lai Châu); hướng nghi binh thu hút lực lượng là Quảng Ninh, Hà Tuyên.
Mở cuộc tiến công xuống biên giới phía Bắc Việt Nam, các nhà cầm quyền Trung Quốc hướng đến những mục tiêu cơ bản:
Thứ nhất, buộc Việt Nam phải rút Quân tình nguyện ra khỏi Campuchia, tạo điều kiện cho quân Pol Pot hồi phục lực lượng, giữ được những căn cứ còn lại, tiếp tục chống phá chính quyền cách mạng Campuchia vừa thiết lập.
Thứ hai, tranh thủ sự ủng hộ của một số nước lớn đang chống phá cách mạng Việt Nam (trong đó có Mỹ) để giúp Trung Quốc thực hiện “bốn hiện đại hóa” (nông nghiệp, công nghiệp, quân đội, khoa học-kỹ thuật).
Thứ ba, phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng, kích động bạo loạn, hạ uy thế quân sự, chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế sau chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược năm 1975.
Thứ tư, thị uy sức mạnh đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á; đồng thời thăm dò phản ứng của Liên Xô và dư luận thế giới để chuẩn bị cho những bước phiêu lưu quân sự sau này.
Bộ Chỉ huy phía Trung Quốc chủ quan nhận định: với lực lượng, vũ khí trang bị chiếm ưu thế áp đảo hiện tại (bộ binh đông hơn gấp 3,5 lần; pháo binh nhiều gấp 5,7 lần; xe tăng, thiết giáp nhiều gấp 9,8 lần...), quân Trung Quốc sẽ nhanh chóng đập tan hệ thống phòng thủ biên giới của Việt Nam; mặt khác, một bộ phận lớn Quân đội Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, lực lượng tăng cường cho mặt trận biên giới sẽ gặp nhiều khó khăn.
Từ nhận định đó, Bộ Chỉ huy phía Trung Quốc đề ra kế hoạch là nhanh chóng đánh chiếm một số thị xã, địa bàn quan trọng, sau đó tùy điều kiện tình hình cụ thể có thể phát triển sâu vào nội địa Việt Nam.
Trên mỗi hướng tiến công, quân Trung Quốc thường kết hợp đánh chính diện với vu hồi, thọc sâu, bao vây, chia cắt; phối hợp giữa bộ binh, xe tăng, xe bọc thép và pháo binh, thực hiện đánh phá triệt để toàn diện rất tàn khốc. Tuy nhiên, trên thực tế, quân Trung Quốc đã gặp phải sự giáng trả quyết liệt từ phía Việt Nam.
Quyền tự vệ chính đáng của nhân dân Việt Nam
Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi (năm 1975), nhiều đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam (trong đó có cả Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn) sang thăm Trung Quốc, khẳng định Việt Nam luôn ghi nhớ và biết ơn sâu sắc Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc về sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn cả về chính trị, vật chất lẫn tinh thần trong hai cuộc kháng chiến cứu nước; phía Việt Nam luôn coi trọng việc giữ gìn quan hệ láng giềng hữu nghị hợp tác với Trung Quốc.
Cuối năm 1978, đầu năm 1979, khi quan hệ hai nước căng thẳng, xung đột vũ trang nhỏ lẻ ở biên giới liên tục diễn ra, phía Việt Nam vẫn kiên trì kêu gọi Chính phủ Trung Quốc cùng nhau đàm phán giải quyết mọi mâu thuẫn, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Đáp lại thiện chí đó, phía Trung Quốc vẫn chủ trương tiến hành đường lối chống Việt Nam, cắt toàn bộ viện trợ đã cam kết, đưa ra những đòi hỏi vô lý khi đàm phán (Việt Nam rút Quân tình nguyện khỏi Campuchia, có quy chế riêng bảo đảm quyền lợi người Việt gốc Hoa ở miền Nam Việt Nam...).
Mặt khác, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vu cáo “Việt Nam xâm lược Campuchia,” “Việt Nam lấn chiếm đất đai, quấy rối biên cương phía Nam Trung Quốc” nhằm đánh lạc hướng dư luận trong và ngoài nước, từ đó ngang ngược tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học.”
Lường định về một cuộc chiến tranh có thể xảy ra, cuối năm 1978, Trung ương Đảng, Chính phủ Việt Nam khẩn trương tăng cường lực lượng củng cố tuyến phòng thù biên giới phía Bắc.
Trước cuộc tiến công quy mô lớn của Trung Quốc, ngày 17/2/1979, Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố nêu rõ nhà cầm quyền Trung Quốc đang đi ngược lại lợi ích của nhân dân, phá hoại nghiêm trọng tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đồng thời khẳng định quân và dân Việt Nam không có con đường nào khác là thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình để đánh trả.
Trong những ngày đầu chiến tranh, phía Việt Nam chủ trương không tập trung lực lượng dự bị chiến lược vào quyết chiến sớm, cũng không vội rút lực lượng chủ lực cơ động phía Nam ra, mà phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân địa phương, sử dụng lực lượng tại chỗ của Quân khu 1, Quân khu 2 là chính, có sự bổ sung một bộ phận lực lượng từ tuyến sau lên tăng cường.
Trải qua 10 ngày chiến đấu, các lực lượng vũ trang Quân khu 1, Quân khu 2 và nhân dân Việt Nam tại các tỉnh biên giới phía Bắc đã chiến đấu rất anh dũng, tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, làm chậm ý định “đánh nhanh, chiếm nhanh” của quân Trung Quốc, buộc đối phương phải tung lực lượng dự bị chiến lược vào tham chiến. Với ưu thế quân đông, nhiều vũ khí trang bị kỹ thuật, quân Trung Quốc từng bước tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam, lần lượt chiếm một số địa bàn, thị xã quan trọng như: Lào Cai (19/2), Cao Bằng (24/2), Cam Đường (25/2), Lạng Sơn (5/3)...
Trước tình hình cấp bách đó, Chính phủ Việt Nam quyết định sử dụng các binh đoàn chủ lực mạnh, sẵn sàng mở những chiến dịch phản công quy mô lớn của binh chủng hợp thành. Theo phương châm đó, đầu tháng 3/1979, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Nam ra lệnh cho Quân đoàn 2 đang làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia nhanh chóng chuyển toàn bộ lực lượng về phía Bắc tập kết, đồng thời, ra quyết định thành lập Quân đoàn 5 (ngày 2/3/1979) ngay tại mặt trận biên giới (gồm bốn sư đoàn bộ binh: 3, 338, 327, 337 cùng một số đơn vị kỹ thuật và bảo đảm khác).
Các đơn vị chủ lực của Quân đoàn 1, Quân chủng Phòng không-Không quân và các binh chủng kỹ thuật khác sẵn sàng tham gia chiến đấu. Để phát huy sức mạnh tổng hợp cả nước, ngày 4/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam ra quyết định tổng động viên lực lượng bảo vệ Tổ quốc. Kế hoạch tác chiến chiến lược được bổ sung thảo luận thông qua.
Vào thời gian này, do bị thiệt hại nặng nề mà chưa đạt được mục tiêu cơ bản đề ra, lại bị dư luận quốc tế lên án mạnh mẽ, tối 5/3/1979, chính quyền Trung Quốc tuyên bố rút quân về nước. Để tỏ thiện chí hòa bình, mong muốn khôi phục quan hệ hữu nghị giữa hai nước, Trung ương Đảng, Chính phủ Việt Nam ra lệnh cho các lực lượng vũ trang và nhân dân trên vùng biên giới phía Bắc dừng chiến dịch phản công để tạo điều kiện cho quân Trung Quốc rút về. Đến ngày 18/3/1979, Trung Quốc hoàn thành việc rút quân khỏi Việt Nam.
Thắng lợi và bài học lịch sử
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của nhân dân Việt Nam diễn ra trong vòng khoảng một tháng (từ 17/2-18/3/1979) nhưng có ý nghĩa thắng lợi rất to lớn, thể hiện ở một số khía cạnh cơ bản:
Quân dân Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 quân Trung Quốc, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự, trong đó có 280 xe tăng, xe thiết giáp, phá hủy 115 khẩu pháo và cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí, đồ dùng quân sự... buộc đối phương sớm rút quân, qua đó làm thất bại hoàn toàn ý đồ của các nhà cầm quyền Trung Quốc muốn áp đặt lợi ích nước lớn lên bán đảo Đông Dương.
Cuộc chiến đấu này thêm một lần nữa khẳng định ý chí, sức mạnh bền bỉ của nhân dân Việt Nam quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, bởi Việt Nam lúc này vừa kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ chưa lâu (1975), vừa kết thúc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và đang làm nhiệm vụ quốc tế giúp đỡ nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, thực hiện công cuộc hồi sinh đất nước, kinh tế lại đang gặp rất nhiều khó khăn do cấm vận của Mỹ...
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của nhân dân Việt Nam góp phần khẳng định đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sự chỉ đạo chiến lược tài tình, sắc bén của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương Việt Nam, nhất là trong việc nắm bắt tình hình, đánh giá đúng khả năng hành động của đối phương, trên cơ sở đó kịp thời chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang và nhân dân chuẩn bị các mặt sẵn sàng đối phó; tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc.
Qua thực tiễn điều hành, chỉ đạo chiến tranh, Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định về quyền tự vệ chính đáng của mình, kiên quyết đánh trả mọi cuộc tiến công xâm phạm chủ quyền, nhưng đồng thời cũng luôn thể hiện rõ lòng bao dung, khát vọng hòa bình, mong muốn chấm dứt xung đột để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam-Trung Quốc, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới.
Để giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh, nhân dân Việt Nam cũng chịu những tổn thất nặng nề: hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ thương vong; hàng chục ngàn dân thường bị thiệt mạng. Các thị xã Cao Bằng, Lạng Sơn, Cam Đường, Lào Cai gần như bị hủy diệt hoàn toàn; tổng cộng có 320 xã, 735 trường học, 41 nông trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ và 38 lâm trường bị tàn phá; 400.000 gia súc bị giết, bị cướp. Khoảng 50% trong tổng số 3,5 triệu người ở sáu tỉnh biên giới bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống.
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 là sự kiện lịch sử đặc biệt, để lại cho cách mạng Việt Nam nhiều bài học quý báu:
Một là, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nắm chắc tình hình, dự đoán chính xác âm mưu và hành động của các bên liên quan, nhất là động thái các nước lớn, trên cơ sở đó có sự chuẩn bị toàn diện, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống.
Hai là, giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, tự cường, kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, quân sự với đấu ngoại giao để vừa phát huy sức mạnh tổng hợp trong nước, vừa nêu cao tính chính nghĩa của cách mạng nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ quốc tế, không để các thế lực thù địch xuyên tạc hòng tìm cách cô lập.
Ba là, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, trên cơ sở đó phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân địa phương, đặc biệt là sức mạnh của lực lượng vũ trang tại chỗ (bộ đội chủ lực quân khu, bộ đội địa phương tỉnh, huyện, dân quân du kích) kết hợp với sức mạnh hậu phương cả nước tạo thành những “trường thành thép” sẵn sàng đánh trả có hiệu quả mọi cuộc tiến công từ bên ngoài ngay thời gian đầu.
Bốn là, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều” với nghệ thuật quân sự hiện đại (phương thức tác chiến chính quy), đồng thời biết khai thác, phát huy tư tưởng nhân văn “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” của cha ông thuở trước kết hợp với chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh./.
Theo TTXVN/Vietnam+

KỶ NIỆM 68 NĂM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27/02/1955 - 27/02/2023)

          Cách đây 68 năm, ngày 27/2/1955, tai hội nghị cán bộ Ngành Y tế, Bác Hồ đã gửi thư và căn dặn cán bộ Ngành Y tế với 3 nội dung chính như sau:
      Trước hết là phải thật thà đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bác sỹ, Dược sỹ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân.
      Thương yêu người bệnh. Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn.“ Lương y phải như từ mẫu”.
      Xây dựng một nền y học của ta. Trong những năm nước ta bị nô lệ thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp vơí nhu cầu của nhân dân ta. Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học dân tộc và đại chúng. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “ Đông” và thuốc “Tây”.
       Vì ý nghĩa sâu sắc của bức thư này, ngày 06 tháng 02 năm 1985, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra Quyết định lấy ngày 27/2 hàng năm là Ngày Thầy thuốc Việt Nam.
       Cũng từ đó, ngày 27/2 được xem là ngày tôn vinh những người làm trong ngành Y tế, trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
        Công tác triển khai của ngành y tế tại huyện trong thời gian qua
      Thông tin, tuyên truyền: Công tác thông tin, tuyên truyền được tập trung vào các nhiệm vụ như phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, phòng chống HIV/AIDS, vệ sinh an toàn thực phẩm, vận động nhân dân mua thẻ BHYT....Truyền thông giáo dục được đa dạng hoá bằng nhiều hình thức như phổ biến trong các buổi họp, trên hệ thống truyền thanh - truyền hình, băng rôn, panô tuyên truyền tại khu đông dân cư, trường học, trung tâm Y tế, trạm y tế, trụ sở các cơ quan, đơn vị, nơi có đông người đến làm việc. Tuyên truyền hưởng ứng tháng hành động VSATTP, tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS. Lồng ghép giáo dục sức khỏe cho học sinh. Người dân đã ý thức hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh nhất là dịch Covid-19, xây dựng nếp sống vệ sinh, rèn luyện thân thể, hạn chế những lối sống và thói quen có hại đối với sức khoẻ, tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho cộng đồng.
      Công tác y tế dự phòng, nâng cao sức khoẻ nhân dân: Triển khai thực hiện tốt các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, chủ động phòng chống, không để phát sinh dịch bệnh trên địa bàn các dịch nguy hiểm như:  dịch hạch, dịch cúm, sốt rét, sốt xuất huyết, dịch bệnh Covid-19… các chương trình trọng điểm như: Chương trình phòng chống bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm, chương trình phòng chống bệnh lao, phòng chống ung thư, chống đái tháo đường, phòng chống tăng huyết áp, phòng chống HIV/AIDS….được triển khai có hiệu quả.
       Công tác Bảo hiểm y tế: Bảo hiểm y tế được củng cố và mở rộng theo hướng đa dạng hoá các loại hình. Tạo điều kiện cho các hộ thuộc diện cận nghèo, người nghèo, người sống ở vùng sâu, vùng xa tham gia các loại hình bảo hiểm y tế phù hợp. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng dần hàng năm.
      Công tác xã hội hóa y tế: Công tác xã hội hoá y tế có sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể. Người dân có ý thức cao trong việc phòng chống bệnh tật và rèn luyện sức khỏe, nhiều mô hình, câu lạc bộ, các trung tâm thể dục thể thao được thành lập thu hút đông đảo người dân tham gia và hoạt động có hiệu quả. Hệ thống y tế ngoài công lập tăng dần hàng năm cả về số lượng và chất lượng đã góp phần tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, góp phần làm giảm tải lượng bệnh nhân đến các cơ sở khám chữa bệnh công lập. Công tác hiến máu tình nguyện hàng năm đã huy động một số lượng lớn tình nguyện viên, nhân dân tham gia góp phần tích cực trong việc cấp cứu và cứu sống bệnh nhân tại các cơ sở y tế.  
Theo https://lamdong.gov.vn/
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
Một trăm năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đâu, làm gì là  một câu hỏi thú vị khi chúng ta bước vào năm 2023, năm bản lề của Đại hội Đảng XIII, để bước tiếp nửa nhiệm kỳ còn lại, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Viêt Nam. Hai sự kiện đặc biệt trên đất Pháp và Liên Xô cách đây một thế kỷ giúp chúng ta hiểu thêm về lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh thời trẻ với tên gọi Nguyễn Ái Quốc.
“Ăn” Tết Quý Hợi năm 1923, bí mật rời nước Pháp về nước thực hiện sứ mệnh giải phóng đồng bào, giành tự do độc lập
Cuối năm 1917 Nguyễn Ái Quốc từ Anh trở lại Pháp. Đến cuối năm 1922 Người hoạt động ở Pháp tròn 5 năm.  Đó là quãng thời gian người ta gọi Người với một cụm từ đặc biệt được hiểu với nhiều nghĩa khác nhau “Nguyễn Ái Quốc - ẩn số từ nước Pháp”. Đúng là một ẩn số. Nguyễn Ái Quốc thoắt ẩn thoắt hiện. Các loại mật thám không thể tìm ra tung tích của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc, kể cả khi biết Nguyễn Ái Quốc vào phòng họp vẫn không thể bắt được Người. Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp đã cho thiết lập ở Pari một cơ quan đặc trách để theo dõi những người bản xứ cư trú trên đất Pháp, đặc biệt là theo dõi những người Đông Dương, nhưng cũng bất lực trước hoạt động tài tình, khôn khéo, không biết mệt mỏi của Nguyễn Ái Quốc. Ẩn số bởi nhà yêu nước trẻ tuổi Nguyễn Ái Quốc và sau đó chỉ với ít năm tuổi Đảng mà đã suy nghĩ và làm được nhiều việc có lợi cho Tổ quốc mình và các dân tộc thuộc địa bị áp bức.
Năm 1923 tại Pari, Nguyễn Áí Quốc có nhiều hoạt động sôi nổi, tích cực như viết báo, viết truyện ngắn, viết truyền đơn cổ động hô hào mọi người mua báo Le Paria, họp chi bộ thuộc Đảng Cộng sản Pháp, tham dự mít tinh, dự họp hằng tháng của Hội Liên hiệp thuộc địa, làm việc với Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Văn Aí và một số người Việt Nam yêu nước ở Pari. Tham dự các buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Phôbua, đăng quảng cáo làm nghề ảnh và tiếp tục làm ảnh, v.v.. Những hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội, nghề nghiệp đó càng tỏ rõ một “ẩn số Nguyễn Ái Quốc” mà lắng sâu, xuyên suốt trong đó là “Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập” như lời Người nói với Anbe Xarô khi tên “cáo già thuộc địa” này mời Người đến gặp ông ta để vừa đe dọa vừa dụ dỗ.
Hoạt động trong mạng lưới mật thám dày đặc “không ai, không cái gì có thể lọt qua”, Nguyễn Ái Quốc vẫn không quên mùa Xuân, đón Tết theo phong tục văn hóa Việt Nam. Một ngày trong không khí chuẩn bị Tết Nguyên đán, sau cuộc họp của Hội Liên hiệp thuộc địa tại trụ sở của báo Le Paria (số 3 đường Mácsê đê Patơriácsơ), Nguyễn Ái Quốc đã bàn với một vài người Việt Nam tổ chức Tết Nguyên đán Quý Hợi. Người giao nhiệm vụ chuẩn bị Tết cho Nguyễn Văn Aí và Trần Tiến Nam, với điều kiện là chi phí mỗi suất không quá 10 phrăng. Trong không khí của mùa Xuân trên đất Pari, ngày 17/2/1923, Nguyễn Ái Quốc cùng kiều bào Pháp đón Tết Nguyên đán Qúy Hợi tại hiệu ăn Luynivécxitê, phố Pie Quiri. Buổi tiệc được tổ chức vừa để mừng Xuân mới, vừa để công bố sự hoạt động trở lại của Hội Aí hữu.
Mùa Xuân dần qua, mùa hạ tới. Quãng thời gian sau hơn hai năm đứng trong hàng ngũ của những người cộng sản, Nguyễn Ái Quốc ấp ủ thực hiện ý định từ năm 1911 khi Người rời Tổ quốc để xem nước Pháp và các nước khác họ làm thế nào rồi trở về giúp đồng bào ta giải phóng dân tộc. Nguyễn Ái Quốc lên kế hoạch cụ thể, chuẩn bị sẵn sàng. Mọi hoạt động diễn ra như thường lệ, sinh hoạt và làm việc nền nếp theo “quy luật hoạt động” mà mật thám Pháp đã quen: buổi sáng đi làm, buổi chiều đến thư viện, tối dự mít tinh, khuya về nhà ngủ. Tối 13/6/1923, Nguyễn Ái Quốc ung dung lên xe buýt đi tham gia một cuộc mít tinh ở ngoại ô Pari. Độ nửa giờ sau, Người lặng lẽ đi về nhà ga xe lửa. Một đồng chí chờ sẵn. Với vé hạng nhất, một vali con, Người vượt biên giới Pháp sang Đức an toàn.
Nguyễn Ái Quốc để lại “Thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp”. Trong thư Người đánh giá cao “Hội Liên hiệp thuộc địa” và tờ báo Le Paria (Người cùng khổ). Người viết rằng những người hoạt động trong Hội Liên hiệp thuộc địa tuy khác giống, khác nước, khác tôn giáo, nhưng thân yêu nhau như anh em. Tất cả cùng chịu chung một nỗi đau khổ và đấu tranh vì một lý tưởng chung là giải phóng đồng bào chúng ta và giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta. Người khẳng định Hội Liên hiệp thuộc địa có những kết quả tốt, nhưng còn phải làm nhiều hơn. Đặt câu hỏi phải làm gì, Người cho rằng không thể đặt vấn đề ấy một cách máy móc. Điều đó tùy hoàn cảnh mỗi dân tộc. Riêng với Người: “Câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”.
Cuộc trở về nước, đi vào quần chúng của Nguyễn Aí Quốc gặp nhiều gian nan, thử thách, nhưng không có gì cản được khát vọng cháy bỏng Hồ Chí Minh giải phóng dân tộc, làm cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Cho đến mùa Thu Cách mạng Tháng Tám thành công, Nguyễn Ái Quốc trải qua nhiều mùa Xuân, nhưng một trong những mùa Xuân hạnh phúc nhất trong đời Người là mùa Xuân Canh Ngọ năm 1930, mùa Xuân nở hoa kết trái Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ta ra đời vào mùa Xuân để rồi từ đó Đảng mang lại mùa Xuân Dân chủ - Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho đồng bào và Tổ quốc.
Hiện thân cho tình hữu ái toàn thế giới và nền văn hóa tương lai
Nhớ lại cuộc bí mật rời Pari, Bác nói: “Lúc đó Bác cố trấn tĩnh, nhưng đến khi xe lửa qua khỏi biên giới Pháp - Đức, trong ngực mới hết phập phồng… Chắc là bọn mật thám phụ trách gác Bác sẽ được quan thượng thư thuộc địa “thưởng” cho một mẻ nên thân! Mà chính quan thượng thư cũng tức mình đến “ung thư phát bối”.
Ngày 30/6/1923, Nguyễn Ái Quốc đến cảng Pêtơrôgrát. Lần đầu tiên Người đặt chân lên mảnh của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết. Đầu tháng 7/1923 Người đến Mátxcơv. Trên đất nước của Lênin, Người có nhiều hoạt động ý nghĩa như dự Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân (10/10/1923) và được bầu vào Hội đồng Quốc tế Nông dân. Người viết thư cho Trung ương Đảng Cộng sản Pháp nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện những Nghị quyết của Đại hội lần thứ II của Quốc tế Cộng sản về vấn đề thuộc địa.
Ngày 23 tháng 12 năm 1923, Nguyễn Ái Quốc gặp nhà thơ Xôviết Ôxíp Manđenxtam. Điều đặc biệt ấn tượng và thú vị là chỉ trong một thời gian trò chuyện ngắn, nhà thơ cho chúng ta thấy đó không phải chỉ là cuộc gặp gỡ nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc mà thực sự là được tiếp chuyện một chiến sĩ cộng sản quốc tế với nhiều điều bổ ích. Nhà thơ kể lại cuộc gặp gỡ đó trong bài báo nhan đề Thăm một chiến sĩ Cộng sản quốc tế - Nguyễn Ái Quốc, đăng trên tạp chí Ogoniok số 39. Nhà thơ thuật lại rằng Nguyễn Ái Quốc nói tiếng Pháp - tiếng của những kẻ áp bức, nhưng mà những chữ Pháp từ miệng đồng chí nghe trầm ấm, lắng xuống như hồi âm của tiếng mẹ đẻ, quê hương đồng chí. Nguyễn Ái Quốc cho nhà thơ biết rằng khi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy. Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài.
Qua phong thái thanh cao, cử chỉ và giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, nhà thơ hiểu biết được một dân tộc An Nam đáng yêu, một dân tộc An Nam giản dị, rất lịch thiệp và độ lượng. Nhà thơ viết qua Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới. Ôxíp Manđenxtam nhận xét: “Dáng dấp của con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, cũng đang tỏa ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”.
Vậy là một trăm năm trước, rời nước Pháp trở về nước để thực hiện ý định tổ chức, tập hợp đồng bào đấu tranh giành tự do độc lập, Nguyễn Ái Quốc đã để lại một ấn tượng sâu sắc đối với nhà thơ Ôxíp Manđenxtam - cùng với bè bạn quốc tế - về  một dân tộc An Nam giàu lòng bác ái và về bản thân Người một tình hữu ái toàn thế giới, một nền văn hóa tương lai. Sau một thế kỷ, thế giới đã và đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến nhanh chóng, phức tạp khó lường trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, nhưng nhân loại vẫn nghiêng về và khẳng định xu thế hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác, tiến bộ và phát triển. Đó chính là hệ giá trị văn hóa tỏa ra từ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong lòng nhân loại tiến bộ./.
PGS.TS Bùi Đình Phong/(HCM.VN) ​
Theo https://tuyengiao.phuyen.gov.vn/
CHÍNH SÁCH MỚI
Những chính sách mới có hiệu lực trong tháng 02/2023
Từ tháng 2/2023, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: giảm 50% lệ phí đăng ký thường trú trực tuyến; quy định mới về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài; giám định lại sức khỏe do tai nạn lao động không cần chờ 2 năm; mức đóng lệ phí đăng ký thường trú, tạm trú mới…
Quy định mới về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài
Thông tư 20/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân có hiệu lực từ ngày 15/2.
Trong đó quy định các trường hợp mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để phục vụ mục đích tài trợ, viện trợ của tổ chức bao gồm mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ, viện trợ theo các cam kết, thỏa thuận giữa Nhà nước, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương với nước ngoài. Nguồn tài trợ, viện trợ là các khoản kinh phí từ ngân sách hoặc nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ, viện trợ.
Mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ, viện trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh. Nguồn tài trợ, viện trợ là nguồn tiền đóng góp tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân trong nước và/hoặc nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ, viện trợ.
Mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ cho các chương trình, các quỹ, dự án do tổ chức trong nước và/hoặc tổ chức ở nước ngoài thành lập nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển trong các lĩnh vực: văn hóa, giáo dục (tài trợ học bổng), y tế. Nguồn tài trợ là nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ…
Không cần chờ đến 2 năm khi giám định lại sức khỏe do tai nạn lao động
Cũng trong tháng 2/2023, Thông tư 18/2022/TT-BYT có hiệu lực quy định việc người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã thực hiện giám định sức khỏe để hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoàn toàn có thể chủ động đi khám giám định lại mức suy giảm khả năng lao động nếu có nhu cầu.
Cũng theo quy định mới, người lao động còn được Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề trả phí khám giám định lại nếu kết quả khám giám định xác định người lao động đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Nếu kết quả giám định lại không đủ để được điều chỉnh tăng mức trợ cấp, người lao động chủ động đề nghị khám giám định lại sẽ phải tự chịu chi phí khám giám định.
Quy định mới về đóng lệ phí đăng ký thường trú, tạm trú
Từ 5/2, Thông tư 75/2022 của Bộ Tài chính có hiệu lực quy định mức đóng lệ phí đăng ký thường trú là 20.000 đồng/lần đăng ký nếu nộp hồ sơ trực tiếp, 10.000 đồng/lần đăng ký nếu nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến.
Công dân đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú cá nhân, hộ gia đình thì lệ phí là 15.000 đồng/lần đăng ký trực tiếp, 7.000 đồng/lần đăng ký qua cổng dịch vụ công trực tuyến.
Trường hợp tách hộ, đăng ký tạm trú theo danh sách, gia hạn tạm trú theo danh sách, mức đóng lệ phí lần lượt là 10.000 đồng/lần đăng ký trực tiếp, 5.000 đồng/lần đăng ký qua cổng dịch vụ công trực tuyến.
Một số trường hợp được miễn lệ phí đăng ký gồm trẻ em là người dưới 16 tuổi; người cao tuổi là người từ đủ 60 tuổi trở lên; người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn…
Hỗ trợ người trồng lúa không thấp hơn 50% kinh phí
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, địa phương sẽ quyết định thực hiện các việc như hỗ trợ cho người trồng lúa: Sử dụng không thấp hơn 50% kinh phí dùng hỗ trợ cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Phần kinh phí còn lại để thực hiện các việc gồm phân tích chất lượng hóa, lý tính của các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao định kỳ 10 năm để sử dụng hiệu quả và có biện pháp cải tạo phù hợp… Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/2/2023.
Theo https://tienphong.vn/
 

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ĐOÀN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây