tải tại đây:
/uploads/news/2021_09/kinh-gui-tai-lieu-sinh-hoat-chi-doan-thang-9.2021.chinh.doc
Những ngày đáng nhớ trong tháng 9:
-------
- 02/9/1945: Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
- 06/9/1902: Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong.
- 10/9/1955: Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- 12/9/1930: Ngày Xô Viết - Nghệ Tĩnh
- 1969 – 2021: 52 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- 20/9/1977: Ngày Việt Nam là thành viên Liên Hợp Quốc.
02/9/1945: QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
76 mùa thu Độc lập: Tự hào sức mạnh Việt Nam
“Tuyên ngôn Bác đọc vang trời đất/Độc lập Người thề vọng núi sông”…76 năm đã qua nhưng những cảm xúc ngày Tết Độc lập trong nắng Ba Đình mùa thu năm ấy vẫn vẹn nguyên trong mỗi thế hệ người con đất Việt.
Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kể từ thời khắc đó, toàn thể dân tộc Việt Nam đã cảm nhận niềm hạnh phúc thiêng liêng khi đất nước bước sang trang sử mới.
Tuyên ngôn Độc lập bất hủ 02/9/1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào trở thành công dân của một nước tự do và độc lập. Bản Tuyên ngôn Độc lập ngắn gọn nhưng chứa đựng những nội dung bất hủ, không chỉ có giá trị lịch sử đối với dân tộc Việt Nam mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc. Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9 đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam, đưa đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giữ vững độc lập chủ quyền, xây dựng và phát triển đất nước.
76 năm đã trôi qua, thực hiện lời thề Độc lập đó, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đập tan mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, tiến hành 2 cuộc kháng chiến trường kỳ làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tiếp đó là các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Chúng ta càng thêm tự hào khi trải qua nhiều năm đổi mới, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đời sống nhân dân được cải thiện, chính trị xã hội ổn định, độc lập chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững.
Có thể khẳng định, 76 năm trôi qua, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, với tinh thần đoàn kết muôn người như một, đã giúp Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, từng bước phát triển ổn định. Đặc biệt, sau hơn 35 năm tiến hành đổi mới, nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 7%/năm, quy mô và tiềm lực của nền kinh tế không ngừng tăng lên; tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển văn hóa và công cuộc xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực; Chỉ số phát triển con người của Việt Nam dần được cải thiện, mức sống của người dân từng bước được nâng lên...Cùng với đó, quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 quốc gia trên thế giới; gia nhập và tích cực xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN; tham gia có hiệu quả các liên kết kinh tế khu vực và quốc tế trên nhiều cấp độ...
Chúng ta vui mừng và phấn khởi khi Kỳ họp thứ I Quốc hội khóa XV – kỳ họp của nhiệm kỳ mới vừa kết thúc và thành công tốt đẹp. Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Đây cũng là một kỳ họp đặc biệt, bởi ngay tại Kỳ họp này, Quốc hội đã bổ sung nội dung phòng chống COVID- 19 vào Nghị quyết của kỳ họp. Việc Quốc hội bổ sung ngay vào chương trình kỳ họp để xem xét, quyết định một số biện pháp cần thiết, chưa có tiền lệ nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch là việc làm hết sức cần thiết và mang ý nghĩa chính trị, pháp lý cao; thể hiện trách nhiệm, tinh thần chủ động, đồng hành của Quốc hội với Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
76 năm Quốc khánh 2/9 năm nay diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang chung sức, đồng lòng chống giặc COVID-19. Đây cũng là mùa thu thứ 2 đất nước ta phải đối mặt với làn sóng dịch COVID-19. Hơn bao giờ hết, bản lĩnh, trí tuệ và tâm hồn Việt Nam tiếp tục ngời sáng. Vượt qua muôn vàn khó khăn, ngay từ đầu Việt Nam đã chủ động, đánh giá đúng tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, không chủ quan, lơ là. Nhờ sự huy động kịp thời, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của nhân dân, việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh đã diễn ra ở quy mô chưa có tiền lệ. Đến nay, Việt Nam đã khống chế thành công cả 3 đợt dịch bùng phát trong cộng đồng, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, là tấm gương trong phòng chống dịch COVID-19.
Và khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, khó kiểm soát và vô cùng nguy hiểm lại một lần nữa thử thách chúng ta. Vượt qua mọi khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Việt Nam tiếp tục chủ động ngăn chặn, đối phó với dịch bệnh bằng những quyết sách linh hoạt ở từng thời điểm khác nhau.
Quyết liệt, khẩn trương và kịp thời, ngay tối 29/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Với tinh thần "chống dịch như chống giặc," bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.
Lời kêu gọi của người đứng đầu Đảng ta đã chạm đến trái tim của mỗi người, hiệu triệu toàn dân, toàn quân và đồng bào trong và ngoài nước cùng chung sức, đồng lòng, cố gắng hơn nữa, đoàn kết hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi bằng được dịch bệnh.
Tiếp nối lời kêu gọi của Tổng Bí thư, ngày 14/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19."
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, thời gian qua, nhiều hoạt động thiết thực được triển khai mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị, ở các cấp, các ngành và các địa phương để cùng chung sức chống lại dịch bệnh. Đặc biệt, khối đại đoàn kết toàn dân tộc một lần nữa được phát huy và nhân lên trong cuộc chiến chống dịch. Các phong trào ủng hộ quỹ phòng chống dịch COVID-19 được nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia tích cực.
Nhiều mô hình, hoạt động “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” được triển khai sâu rộng trong nhân dân nhằm chia sẻ với lực lượng tuyến đầu chống dịch, những người có hoàn cảnh khó khăn với mục tiêu mà Đảng, Nhà nước xác định rõ ràng từ những ngày đầu của cuộc chiến là “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Những ngày qua trên tuyến đầu chống dịch, hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên y tế, các chiến sỹ quân đội không quản khó khăn, nguy hiểm, đi vào vùng tâm dịch để cứu, chữa cho người dân. Tại cơ sở, lực lượng công an cùng hệ thống chính trị tăng cường chốt chặn kiểm soát, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh. Không chỉ ở trong nước, đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài cũng luôn hướng về Tổ quốc, sẵn sàng góp sức, chung tay cùng quê hương đối phó với dịch bệnh. Nhiều cá nhân, tổ chức đã đứng lên quyên góp giúp đỡ bà con khó khăn do dịch bệnh. Những cây "ATM gạo," những siêu thị 0 đồng được thiết lập ở giữa tâm dịch; những mớ rau, quả trứng được giao tận tay những người cách ly tại nhà, và còn nữa nhiều câu chuyện đẹp và cảm động được lan tỏa trong mùa dịch...
Sống trong những ngày này, chúng ta càng thấm thía và thấy ý nghĩa hơn, bởi trong khó khăn, thử thách phẩm chất tốt đẹp từ trái tim và tâm hồn người Việt Nam càng tỏa sáng. Sự thành công lớn trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 sẽ là sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc. Sức mạnh đó được kết tinh từ những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam; là lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần tự lực, tự cường, đồng cam cộng khổ, khoan dung nhân ái. Truyền thống cao đẹp đó một lần nữa đã được phát huy đúng lúc cùng với quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước ta.
Cuộc chiến chống “giặc” COVID-19 còn trường kỳ nhưng chúng ta tin rằng phát huy tinh thần Tuyên ngôn Độc lập, sức mạnh đại đoàn kết của cả dân tộc sẽ được nhân lên gấp bội để lập nên những kỳ tích mới, chiến thắng đại dịch. Đó cũng chính là ngọn lửa từ lời thề Độc lập năm xưa, đã và đang thắp lên để xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng./.
Bích Liên
Link:
https://tuyengiao.phuyen.gov.vn/tuyen-truyen/76-mua-thu-doc-lap-tu-hao-suc-manh-viet-nam-3356.html
23/9/1945: NGÀY NAM BỘ KHÁNG CHIẾN
Nhớ mãi ngày Nam Bộ kháng chiến
Trong lịch sử hiện đại của dân tộc, ngày 19/12/1946 được xem là ngày Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam. Thế nhưng, trước đó hơn một năm, quân dân ta đã thực hiện "Ngày Nam Bộ kháng chiến" 23/9/1945, trực diện chiến đấu với kẻ thù tại Sài Gòn.
LUÔN CẢNH GIÁC TRƯỚC KẺ THÙ QUAY TRỞ LẠI
Trước ngày 23/9, thực dân Pháp với sự giúp đỡ của quân đội Anh (trên danh nghĩa quân Đồng minh giải giáp quân đội Nhật ở Nam Bộ) đã nhiều lần gây hấn tại Sài Gòn trong âm mưu quay trở lại xâm lược, thống trị Việt Nam.
Theo bài viết "Giặc Pháp nấp sau phái bộ Anh để phá rối Nam Bộ" trên báo Cờ giải phóng số 20, ra ngày 27/9/1945 thì ngay trong ngày lễ Độc lập 2/9 diễn ra ở Sài Gòn, kiều dân Pháp và tù binh Anh đã phá rối, bắn vào đoàn mít-tinh làm 47 người chết; ngày 13/9, quân đội Anh chiếm đóng Nam Bộ phủ và dung túng quân Pháp tiến hành các hành động khiêu khích; ngày 20/9, quân Anh ngang nhiên xông vào Khám Lớn thả tù binh Pháp...
Với những hành động lấn dần từng bước, tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp đã đặt nhân dân Sài Gòn, Nam Bộ vào cuộc chiến không thể tránh khỏi mà sự kiện ngày 23/9/1945 là điểm mốc mở đầu, tức là chỉ ba tuần sau ngày Độc lập. Diễn biến của sự kiện ngày 23/9 như thế nào?
Xem báo Cứu quốc số 50, ra ngày 24/9/1945, ta được biết sự vụ qua bài "Bọn thực dân Pháp đánh úp Sài Gòn". Bài viết cho thấy rõ âm mưu và hành động đê hèn của thực dân Pháp với sự giúp sức của quân đội Anh. Cụ thể là: "3 giờ sáng chủ nhật 23/9/45, trong khi thành phố Sài Gòn vắng ngắt vì lệnh thiết quân luật của quân đội Anh, một đội quân Pháp, trước là tù binh nay mới được quân đội Anh thả ra, ăn mặc cải trang, chia nhau đi lén lút hành động trong các phố. Trong lúc đó, quân đội Anh cố tình làm lơ. Nhưng quân dân ta đã sẵn sàng chuẩn bị nên nhận ngay được mưu mô đánh úp của chúng và lập tức đối phó. Tiếng súng, tiếng lựu đạn nổ, dân chúng Sài Gòn vùng dậy".
Về hoạt động hèn mạt của kẻ thù, báo Cờ giải phóng số 20 chỉ rõ: "Giặc Pháp đã chiếm một số công sở, xé cờ và biểu ngữ, giở thủ đoạn khủng bố dã man, bắt bớ dân chúng và các chiến sĩ Việt Minh". Nhớ lại sự kiện này, hồi ký Saigon Septembre 1945 của nhà báo Trần Tấn Quốc và Việt Nam máu lửa của Nghiêm Kế Tổ đều cho biết quân Pháp - Ấn đã chiếm Sở Cảnh sát, bót Catinat cùng Kho bạc, Nhà đèn...
Chẳng những thế, ngày hôm ấy, bài "Cuộc giao tranh với Pháp ở Nam Bộ" trên báo Cứu quốc số 51, ra ngày 26/9/1945 còn cho biết quân Pháp toan vượt ra khỏi Sài Gòn bằng cầu Ông, cầu Kiệu và cầu Marc Mahon (cầu Nguyễn Văn Trỗi hiện nay) nhưng đều bị quân ta đánh lui.
Sau xung đột Việt - Pháp ngày 23/9/1945 tại Sài Gòn, Đô đốc hải quân Pháp D’argenlieu tuyên bố với báo Le Monde rằng "cuộc chiến tranh Đông Dương" đã bắt đầu.
Nhớ về sự kiện lịch sử này, trong hồi ký Cuộc kháng chiến chống Pháp của đồng bào Gia Định (1945 - 1954), Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh Gia Định Phạm Văn Chiêu ghi: "Tiếng súng chống giặc đầu tiên nổ ra khắp các đường phố Sài Gòn và nông thôn Gia Định trong ngày 23/9/1945".
Hồi ức Tiếng sóng bủa ghềnh của nhà cách mạng Ngô Thị Huệ (phu nhân Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh) còn nhớ trong những ngày tháng 9 ở Sài Gòn, Pháp gây ra nhiều vụ khiêu khích nhằm có cớ trở lại xâm lược Việt Nam. Là người trong đoàn đón tàu chính trị Côn Đảo về đất liền ở Sóc Trăng, bà Huệ cho biết đoàn tàu của tù chính trị từ Côn Đảo trên đường về đã bắt liên lạc được với đất liền và "mọi người đã biết trong đêm hai mươi hai rạng hai mươi ba tháng chín, bọn Pháp đã gây hấn chiếm Sài Gòn".
Cuộc tái xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp đã khởi động ở Sài Gòn. Trước vận mệnh dân tộc nguy biến, quân dân ta đứng dậy đánh giặc. Vẫn trong Paris-Saigon-Hanoi có đoạn ghi: "Ủy ban Hành chính miền Nam ra lệnh bao vây Sài Gòn và từ Nam chí Bắc cả nước được huy động đứng lên chống "sự xâm lăng của Pháp".
SÀI GÒN ĐỨNG LÊN KHI SƠN HÀ NGUY BIẾN
Hồi ký Tiếng sóng bủa ghềnh cho biết trước sự quay trở lại của kẻ thù "Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn đã đứng lên quyết tử với giặc Pháp, được quân đồng minh Anh giúp sức". Nguyễn Kỳ Nam trong Hồi ký 1925 - 1964 thuật lại cho hay Ủy ban Nhân dân Nam Bộ dần rút ra khỏi Sài Gòn để lãnh đạo cuộc chiến, trong khi ấy "dân quân cách mạng tăng cường các cuộc tấn công, phá hoại nhà đèn Chợ Quán, đốt chợ Sài Gòn", chợ búa không nhóm họp, xe cộ không đi lại...
Về phía Pháp, báo Cứu quốc số 52, ra ngày 27/9/1945 cung cấp thông tin trong bài "Quân Pháp đã bị thiệt hại lớn ở Sài Gòn" với số liệu cụ thể: quân Pháp chỉ chiếm được vài khu phố còn ngoại ô bị ta bao vây; 200 người chết, 40 người bị thương; quân Pháp và Pháp kiều ban đêm không dám ra khỏi cửa...
Kể từ đây, Sài Gòn và Nam Bộ bước vào cuộc chiến trực diện với kẻ thù.
Bước sang ngày 25/9, Hội đồng Chính phủ họp bàn và quyết định sẽ gửi một bản phản kháng cho Anh và Đồng minh, và một bản tuyên cáo cho quốc dân và thế giới với nội dung: Nếu người Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, thì chúng ta sẽ quyết chiến, cuộc chiến tranh sẽ xảy ra.
Trong cuộc họp ngày 26/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết đã điện cho tướng Anh Graccy kháng nghị việc quân Pháp đánh Sài Gòn. Người cũng lấy tư cách Chủ tịch Chính phủ và tư cách cá nhân, thảo một bản hiệu triệu đồng bào Nam Bộ qua sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam với tinh thần "Thà chết tự do, không sống nô lệ".
Theo bài đăng trên báo Cứu quốc số 54, ngày 29/9/1945, thư có đoạn: "Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp "Thà chết tự do hơn sống nô lệ".
Cuộc kháng chiến của nhân dân Sài Gòn và Nam Bộ đã mở đầu cho 9 năm kháng chiến "Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh" của quân dân cả nước để đi tới thắng lợi quân sự cuối cùng trước thực dân ở Điện Biên Phủ và thắng lợi ngoại giao ở Genève năm 1954.
Theo Báo Bạc Liêu
Link: http://www.baobaclieu.vn/chinh-tri/nho-mai-ngay-nam-bo-khang-chien-67142.html
Kế hoạch Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên phối hợp Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn và Báo Phú Yên xây dựng Kế hoạch tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII với các nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Cuộc thi là đợt sinh hoạt chính trị - xã hội nhằm tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh; qua đó, tạo không khí phấn khởi, khơi dậy phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân, đoàn viên, thanh niên, sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống; góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
- Nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, Nhân dân, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh vào sự lãnh đạo của Đảng; qua đó, vận dụng Nghị quyết của Đảng vào từng vị trí công tác; học tập một cách hiệu quả, thiết thực; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh ngày càng vững mạnh.
2. Yêu cầu
- Cuộc thi được triển khai sâu rộng mang lại hiệu quả, thiết thực, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân, đoàn viên, thanh niên tham gia. Việc tổ chức, đánh giá kết quả đảm bảo chính xác, công bằng, khách quan, tạo không khí sôi nổi trong việc tuyên truyền Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025
II. NỘI DUNG, HÌNH THỨC, THỜI GIAN THI
1. Nội dung thi
- Những nội dung trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
- Kết quả, thành công Đại hội XIII của Đảng theo
Đề cương Thông báo nhanh Kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam do Văn phòng Trung ương Đảng phát hành. Đường lối, chủ trương, chiến lược phát triển đất nước thể hiện trong nội dung cơ bản, cốt lõi của văn kiện Đại hội XIII; những điểm mới, quan điểm nổi bật trong chỉ đạo, các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, 12 nội dung định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, 06 nhiệm vụ trọng tâm, 03 khâu đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng; cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức trong những năm tới; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng.
2. Hình thức thi
2.1. Vòng loại
- Các thí sinh đăng ký dự thi và làm bài thi trắc nghiệm trực tuyến.
- Cuộc thi được đăng tải trên rang thông tin điện tử: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên (địa chỉ website: https://tuyengiao.phuyen.gov.vn); của Tỉnh Đoàn Phú Yên (địa chỉ website: https://tuoitrephuyen.vn) và của Báo Phú Yên (địa chỉ website: http://www.baophuyen.com.vn).
- Thời gian: trong vòng 07 tuần, hệ thống bắt đầu mở từ lúc 7 giờ ngày 06/9/2021 đến 17h00 ngày 24/10/2021.
- Bài thi gồm 35 câu hỏi trắc nghiệm về các nội dung của cuộc thi và câu dự đoán số lượng người tham gia cuộc thi. Kết quả cao nhất trong các lần thi là căn cứ để xét thưởng.
2.2. Vòng chung kết
- Đến vòng chung kết trực tuyến, Ban Tổ chức Cuộc thi sẽ chọn 10 thí sinh có số lượng câu trả lời đúng nhiều nhất, thời gian hoàn thành phần thi ngắn nhất (nếu có trường hợp: 2 thí sinh đều có số lượng câu trả lời đúng, thời gian hoàn thành phần thi như nhau thì xét đến câu dự đoán số người tham gia cuộc thi chính xác hoặc gần nhất) để được tham dự vòng chung kết trực tuyến.
- Thời gian và địa điểm thi: Ban Tổ chức sẽ thông báo dựa trên tình hình thực tế.
- Hình thức thi: Thí sinh trả lời 01 câu hỏi tự luận trong thời gian tối đa là 90 phút trên Microsoft Word. Điểm số tối đa phần thi này là 100 điểm.
- Ban Tổ chức sẽ tổng kết và trao giải thưởng sau khi kết thúc cuộc thi.
III. THỂ LỆ CUỘC THI
1. Đối tượng dự thi
Cán bộ, đảng viên, nhân dân, thanh niên (từ 16 tuổi trở lên) đang học tập, lao động, sinh sống trên địa bàn tỉnh Phú Yên
.
2. Yêu cầu
- Thí sinh phải trả lời đầy đủ tất cả 35 câu hỏi; điền đầy đủ các thông tin cá nhân (họ và tên, số điện thoại, đơn vị,…) và dự đoán số người tham gia cuộc thi.
- Kết thúc cuộc thi, Ban Tổ chức sẽ công bố kết quả thí sinh đạt giải trên trang website Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Báo Phú Yên, Cổng thông tin Tỉnh Đoàn Phú Yên.
3. Cơ cấu giải thưởng
- 01 giải nhất: Bằng khen của Ban Tổ chức cuộc thi, kèm theo tiền thưởng 3.000.000đ.
- 01 giải Nhì: Bằng khen của Ban Tổ chức cuộc thi, kèm theo tiền thưởng 1.500.000đ.
- 03 giải Ba: Bằng khen của Ban Tổ chức cuộc thi, kèm theo tiền thưởng 1.000.000đ.
- 05 giải Khuyến khích: Bằng khen của Ban Tổ chức cuộc thi, kèm theo tiền thưởng 500.000đ.
* Lưu ý:
- Mỗi thí sinh chỉ được đăng ký sử dụng một tài khoản và cung cấp đầy đủ, đúng các thông tin.
- Nghiêm cấm việc để, nhờ người khác thi hộ, sử dụng thông tin của người khác để đăng ký tham gia thi, nếu bị phát hiện sẽ bị hủy kết quả thi.
- Thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, Ban Quản trị trang Website không được tham gia cuộc thi.
- Trong quá trình thi, Ban tổ chức không chịu trách nhiệm đối với lỗi kết nối do đường truyền mạng hoặc lỗi do thiết bị tham gia dự thi.
- Trong quá trình tổ chức cuộc thi, nếu có những vấn đề phát sinh ngoài quy định của Thể lệ này, Ban Tổ chức sẽ quyết định phù hợp với tình hình thực tiễn.
- Ban Giám khảo căn cứ Thể lệ và những nội dung sửa đổi, bổ sung của Ban Tổ chức để thống nhất việc chấm điểm, đánh giá thí sinh qua các phần thi.
Đường link: https://tuoitrephuyen.vn/thanh-nien-can-biet/trien-khai-cuoc-thi-truc-tuyen-tim-hieu-nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-va-nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-dang-bo-tinh-phu-yen-lan-thu-xvii-3633.html
9 biện pháp mới nhất phòng chống dịch Covid-19 người dân cần biết:
Đường link:
https://bvdktinhthanhhoa.com.vn/tin-tuc/tin-hoat-dong-nganh/9-bien-phap-moi-nhat-phong-chong-dich-covid-19-nguoi-dan-can-biet.1003.html#.YTIZOI4zbcc
“Thông điệp 5T”của Bộ Y tế tăng cường giãn cách xã hội
Thông điệp 5T là "pháo đài" phòng chống dịch COVID-19 trong tăng cường giãn cách xã hội, bao gồm: Tuân thủ nghiêm 5K; Thực phẩm đủ tại nhà; Thầy, thuốc đến tận gia; Test COVID tất cả; Tiêm chủng tại phường/xã.
Link:
https://dangcongsan.vn/multimedia/infographic/thong-diep-5t-cua-bo-y-te-tang-cuong-gian-cach-xa-hoi-589911.html Nguồn: TTXVN
CHÍNH SÁCH MỚI
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9:
Quy định mới về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; chế độ trợ cấp, phụ cấp, ưu đãi người có công với cách mạng; giảm 50% phí giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng đến 30/6/2022; thay đổi cách xếp loại học sinh trong năm học mới;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2021.
Quy định mới về sắp xếp lại, xử lý tài sản công
Có hiệu lực từ ngày 01/09/2021, Nghị định 67/2021/NĐ-CP ban hành ngày 15/07/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Trong đó, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 11 Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định về bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Theo quy định mới, Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt phương án và ban hành quyết định bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá đối với nhà, đất có nguyên giá tài sản trên đất và giá trị quyền sử dụng đất từ 500 tỷ đồng trở lên tính trên một cơ sở nhà, đất thuộc Trung ương quản lý theo đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và ý kiến của Bộ Tài chính, Chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi có nhà, đất bán.
Nghị định số 67/2021/NĐ-CP bổ sung quy định: Nguyên giá tài sản trên đất và giá trị quyền sử dụng đất để xác định thẩm quyền quyết định bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác định tại thời điểm cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp lập báo cáo kê khai, đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất
Quy định mới về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư
Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ban hành ngày 15/07/2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có hiệu lực từ 1/9/2021.
Trong đó, Nghị định số 69/2021/NĐ-CP quy định rõ nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại, hoặc xây dựng công trình khác theo quy hoạch quy định gồm:
1. Nhà chung cư phải phá dỡ khẩn cấp do sự cố, thiên tai, cháy nổ theo quy định của pháp luật.
2. Nhà chung cư hết niên hạn sử dụng hoặc chưa hết niên hạn sử dụng theo quy định của pháp luật nhưng có kết luận kiểm định của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nhà chung cư có các kết cấu chịu lực chính của công trình xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, có nguy cơ sập đổ, không đáp ứng điều kiện tiếp tục sử dụng, cần phải di dời khẩn cấp các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư;
b) Nhà chung cư bị hư hỏng nặng, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ kết cấu chịu lực chính của công trình và có một trong các yếu tố sau: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật phòng cháy chữa cháy; cấp, thoát nước, xử lý nước thải; cấp điện, giao thông nội bộ không đáp ứng các yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc có nguy cơ mất an toàn trong vận hành, khai thác sử dụng cần phải phá dỡ để bảo đảm an toàn cho người sử dụng và yêu cầu về cải tạo, chỉnh trang đô thị.
3. Nhà chung cư bị hư hỏng một trong các cấu kiện kết cấu chính của công trình, gồm móng, cột, tường, dầm, xà không đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường mà chưa thuộc diện phải phá dỡ theo quy định tại Điểm (2), nhưng nằm trong khu vực có nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ theo quy định Khoản 2 Điều 110 của Luật Nhà ở.
Quy định mới về chế độ trợ cấp, phụ cấp, ưu đãi người có công với cách mạng
Nghị định 75/2021/NĐ-CP ban hành ngày 24/07/2021 quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực từ ngày 15/09/2021.
Nghị định nêu rõ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng (mức chuẩn). Mức chuẩn này làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.
Nghị định quy định cụ thể mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là 4,872 triệu đồng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến là 1,361 triệu đồng; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày Khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 là 1,679 triệu đồng; người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày là 974.000 đồng.
Tiêu chí phân loại cảng biển
Có hiệu lực từ ngày 10/09/2021, Nghị định số 76/2021/NĐ-CP ban hành ngày 28/07/2021 của Chính phủ quy định tiêu chí phân loại cảng biển. Theo đó, tiêu chí để đánh giá, phân loại các cảng biển tại Việt Nam gồm tiêu chí về phạm vi ảnh hưởng của cảng biển và tiêu chí về quy mô của cảng biển.
Tiêu chí về phạm vi ảnh hưởng của cảng biển được đánh giá trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, qua các chỉ tiêu sau: Cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, hoặc liên vùng và có chức năng trung chuyển quốc tế, hoặc cảng cửa ngõ quốc tế; cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội của cả nước hoặc liên vùng; cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội của vùng; cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Tiêu chí về quy mô của cảng biển được đánh giá trên cơ sở sản lượng hàng hóa thông qua và cỡ trọng tải tàu được tiếp nhận tại cảng biển, thông qua các chỉ tiêu sau: Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển; cỡ trọng tải tàu tiếp nhận tại cảng biển.
Thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai
Nghị định 78/2021/NĐ-CP ban hành ngày 01/08/2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai có hiệu lực từ 15/09/2021.
Nghị định nêu rõ: Quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Quỹ Phòng, chống thiên tai Trung ương (Quỹ trung ương) được Chính phủ thành lập theo quy định tại Nghị định này, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh (Quỹ cấp tỉnh) do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập, do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý.
Quỹ phòng, chống thiên tai hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Quỹ phòng, chống thiên tai có nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu; tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính./.
Giảm 50% phí giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng đến 30/6/2022
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 13/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2013/TT-NHNN ngày 5/12/2013 ban hành Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).
Cụ thể, Thông tư bổ sung Điều 1a tại Thông tư số 26/2013/TT-NHNN như sau: Giảm 50% mức phí thanh toán tại Điểm 1.1, 1.2 Mục 1 “Phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng” tại Phần III “Phí dịch vụ thanh toán trong nước” Biểu phí dịch vụ thanh toán qua NHNN ban hành kèm theo Thông tư này trong khoảng thời gian từ 1/9/2021 đến hết ngày 30/6/2022.”.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/9/2021.
Mức thu phí trong công tác an toàn thực phẩm
Thông tư số 67/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác an toàn thực phẩm, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/9/2021.
Thông tư quy định cụ thể các mức phí thẩm định cấp phép lưu hành, nhập khẩu, xác nhận, công bố trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Trong đó, phí thẩm định hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, mức phí là 1,5 triệu đồng/lần/sản phẩm.
Phí thẩm định hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm đối với phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh sách mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định, mức thu phí là 500.000 đồng/lần/sản phẩm.
Phí xác nhận lô hàng thực phẩm nhập khẩu (chưa bao gồm chi phí kiểm nghiệm) từ 300.000 đến 10 triệu đồng/lô hàng.
Phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu (Giấy chứng nhận lưu hành tự do, giấy chứng nhận xuất khẩu, giấy chứng nhận y tế) là 1 triệu đồng/lần/giấy chứng nhận.
Phí thẩm định điều kiện hành nghề, kinh doanh thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm từ 500.000 đến 28,5 triệu đồng/lần.
Bộ GD&ĐT thay đổi cách xếp loại học sinh trong năm học mới
Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá học sinh THCS-THPT, trong đó có nhiều điểm mới về cách đánh giá, tính điểm học sinh. Thông tư có hiệu lực từ ngày 5/9/2021 và áp dụng cho học sinh lớp 6 trong năm học 2021-2022.
Những năm tiếp theo, Thông tư áp dụng theo lộ trình: Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 7, lớp 10; từ năm học 2023-2024 đối với lớp 8, lớp 11; từ năm học 2024-2025 áp dụng đối với lớp 9, lớp 12.
Thông tư nêu rõ 2 hình thức đánh giá các môn học gồm: Đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số.
Đánh giá bằng nhận xét áp dụng đối với các môn học: Giáo dục thể chất, nghệ thuật, âm nhạc, mĩ thuật, nội dung giáo dục của địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, kết quả học tập sẽ được đánh giá bằng nhận xét theo 2 mức là Đạt và Chưa đạt.
Những môn học còn lại sẽ được đánh giá kết hợp giữa nhận xét và điểm số. Kết quả học tập sẽ được cho điểm bằng thang điểm 10.
Một điểm mới nữa là Thông tư bỏ việc cộng điểm trung bình tất cả các môn học để xếp loại học sinh, thay vào đó học sinh sẽ được giữ nguyên bảng điểm các môn. Thông tư mới cũng quy định, kết quả học tập của học sinh từng kỳ và cả năm học được đánh giá theo 4 mức gồm: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt./.
baochinhphu.vn
link:
http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-thang-9/444931.vgp
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ĐOÀN