Tài liệu sinh hoạt chi đoàn Tháng 01/2022

Thứ sáu - 07/01/2022 02:18
Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn ban hành Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 01/2022. Đề nghị các Huyện, Thị, Thành Đoàn và Đoàn trực thuộc triển khai đến các cấp bộ Đoàn của đơn vị mình.
Bác Hồ bỏ phiếu bầu cử tại Hà Nội năm 1960. Ảnh: TL
Bác Hồ bỏ phiếu bầu cử tại Hà Nội năm 1960. Ảnh: TL

Tải tại đây:/uploads/news/2022_01/tai-lieu-sinh-hoat-chi-doan-thang-01.2022-1.doc
CHỦ ĐỀ: CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 76 NĂM
NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ BẦU QUỐC HỘI ĐẦU TIÊN CỦA NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA (06/01/1946 - 06/01/2022)

THEO DÒNG LỊCH SỬ
Những ngày đáng nhớ trong tháng 01:
- 01/01/1914: Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
- 06/01/1946: Ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
- 07/01/1979: Ngày chiến thắng biên giới Tây Nam.
- 09/01/1950: Ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam.
- 11/01/2007: 15 năm ngày Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) 
- 23/01/1952: Ngày hy sinh của nữ Anh hùng LLVTND, Liệt sĩ Võ Thị Sáu
- 27/01/1973: Ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam
06/01/1946: NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ BẦU QUỐC HỘI ĐẦU TIÊN CỦA NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
76 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên: Đổi mới, đồng hành cùng dân tộc
76 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã thể hiện tinh thần đoàn kết, tập trung trí tuệ, bản lĩnh, ý chí, nguyện vọng của cử tri, luôn đồng hành cùng dân tộc, hoàn thành sứ mệnh và trọng trách của mình.
Đúng 76 năm trước, ngày 6/1/1946, toàn thể nhân dân trên mọi miền Tổ quốc, không phân biệt già trẻ, gái trai, dân tộc, tôn giáo đã nô nức đi bỏ phiếu bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Kể từ mốc son lịch sử đó, đến nay, trải qua 15 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, nỗ lực hoàn thành trọng trách của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với những đóng góp to lớn, quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Khẳng định về mặt pháp lý quyền làm chủ của nhân dân
Sau thành công vĩ đại của Cách mạng tháng Tám, mặc dù trong điều kiện muôn vàn khó khăn nhưng vì quyền lợi tối cao của dân tộc, quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, với sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã hoàn toàn thắng lợi, đánh dấu một mốc son chói lọi của tiến trình xây dựng thể chế dân chủ, khẳng định về mặt pháp lý quyền làm chủ của nhân dân Việt Nam.
Thắng lợi này đã mở ra một thời kỳ mới của đất nước có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một hệ thống chính quyền có đầy đủ cơ sở về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về mặt đối nội và đối ngoại.
Diễn ra trong 14 năm, Quốc hội khóa I đã thông qua Hiến pháp 1946 là bản hiến pháp dân chủ, tiến bộ, đạo luật cơ bản đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng thể chế Nhà nước Cách mạng trong thời đại mới và thông qua Hiến pháp 1959, tạo nền tảng pháp lý cho công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Quốc hội các khóa II, III, IV và V được tổ chức theo Hiến pháp 1959, đã có những đóng góp rất quan trọng trong việc xây dựng, khôi phục kinh tế ở miền Bắc để trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam, cùng với việc đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của Cuộc tổng tiến công, nổi dậy và đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Quốc hội khóa VI đã đổi tên nước thành nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và thông qua bản Hiến pháp 1980, Hiến pháp của thời kỳ cả nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Quốc hội khóa VII, khóa VIII được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp 1980, đã góp phần quan trọng trong việc đưa đất nước vượt qua khó khăn của thời kỳ bị cấm vận, bắt đầu 54edcông cuộc đổi mới đất nước. Trong đó, Quốc hội khóa VIII đã thông qua Hiến pháp 1992, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Quốc hội khóa IX, X được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp 1992, đã có những đổi mới mạnh mẽ với nỗ lực cao trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Các khóa Quốc hội XI, XII và XIII là Quốc hội của thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng; hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng từng bước được đổi mới, ngày càng thực chất, hiệu quả hơn, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Đặc biệt, Quốc hội khóa XIII ban hành Hiến pháp 2013 đã thể chế hóa các quan điểm, phương hướng, nội dung phát triển trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta, đánh dấu một bước phát triển mới trong lịch sử lập hiến, lập pháp và chủ động hội nhập quốc tế.
Hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của cử tri, Quốc hội khóa XIV ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, tư duy sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ, linh hoạt, thận trọng, quyết đoán, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng và đối ngoại.
Trong nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội đã tập trung ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa, đưa Hiến pháp năm 2013 vào đời sống, qua đó, khẳng định vai trò quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Công tác giám sát được chú trọng, nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bao quát hầu hết các lĩnh vực.
Quốc hội cũng quyết định chủ trương đầu tư những dự án, công trình quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước như xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, các dự án thành phần của dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030…
Đặc biệt, phương thức hoạt động của Quốc hội luôn được đổi mới, hoàn thiện, thích ứng, linh hoạt trước những vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là vào thời điểm đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ.
Quốc hội đã có nhiều cải tiến mạnh mẽ từ cách thức tổ chức đến tiến hành các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội có bước tiến đột phá (nhất là kỳ họp thứ 9, thứ 10 đã được tổ chức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung), kịp thời thích ứng với xu thế phát triển của thời đại, tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục xây dựng, phát triển Quốc hội điện tử.
Đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước
Cùng với sự kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XV đã có sự chủ động đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động. Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất cũng để lại dấu ấn với những quyết sách chưa từng có tiền lệ để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong giai đoạn mới.
Tinh thần "chủ động" được thể hiện rõ nét ngay từ đầu nhiệm kỳ. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần khẳng định, Quốc hội sẽ không để xảy ra tình trạng "bắc nước sôi chờ gạo người," không chờ các dự án luật được các cơ quan soạn thảo trình sang xong mới cho ý kiến, mà Quốc hội sẽ giữ vai trò chủ động dẫn dắt công tác lập pháp, vào cuộc từ sớm, từ xa, thậm chí "đặt hàng," cho các cơ quan Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế pháp luật.
Trên cơ sở đề xuất của Đảng đoàn Quốc hội, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19/KL-TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đây là cơ sở hết sức quan trọng để Quốc hội và các cơ quan chủ động hơn, vào cuộc từ sớm, từ xa, phối hợp chặt chẽ bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác xây dựng pháp luật.
Thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội đã vào việc rất sớm, cùng với các cơ quan chủ trì soạn thảo của Chính phủ, đảm bảo chất lượng các dự án luật, khắc phục được tình trạng luật ống, luật khung hoặc "tuổi thọ" luật ngắn; khắc phục tình trạng khi sửa đổi, bổ sung chưa bao quát hết các vấn đề có thể dẫn đến trường hợp vừa mới sửa xong luật đã phát sinh vấn đề mới...
Trong kỳ họp đầu tiên, Quốc hội khóa XV đã ban hành 29 Nghị quyết, trong đó có 17 Nghị quyết về tổ chức bộ máy và nhân sự; 11 Nghị quyết chuyên đề. Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thông qua 2 luật, 12 nghị quyết, cho ý kiến 5 dự án luật và quyết định rất nhiều vấn đề quan trọng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Không chỉ thể hiện rõ nét tinh thần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, Quốc hội khóa XV cũng đưa ra những nghị quyết chưa có tiền lệ nhằm đáp ứng những yêu cầu mà thực tiễn đặt ra, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 trao quyền chủ động mạnh mẽ cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được quyết định và tổ chức thực hiện một số giải pháp cấp bách đặc biệt, đặc thù, đặc cách để ứng phó kịp thời với dịch COVID-19.
Trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch COVID-19 khác với quy định của luật thì trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện.
Nghị quyết đã thể hiện sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, được cử tri và dư luận cả nước đồng tình, đánh giá cao.
Ngay trong những ngày đầu năm mới 2022, Kỳ họp bất thường đầu tiên, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Quốc hội đã được khai mạc. Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều địa phương trong cả nước.
Để góp phần khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, Kỳ họp diễn ra nhằm có những quyết sách kịp thời về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; giải quyết những vướng mắc pháp lý cho đầu tư phát triển.
Việc tổ chức Kỳ họp đã cho thấy sự chủ động, tích cực của Quốc hội trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, với mục tiêu tối thượng là phục vụ nhân dân, sự phát triển của đất nước.
Có thể khẳng định, trải qua 76 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã thể hiện tinh thần đoàn kết, tập trung trí tuệ, bản lĩnh, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri, ở giai đoạn cách mạng nào cũng luôn đồng hành cùng dân tộc, hoàn thành sứ mệnh và trọng trách của mình.
Những dấu ấn đổi mới đã tiếp tục khẳng định bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một Quốc hội "Chủ động, trí tuệ, đoàn kết, đổi mới và trách nhiệm," một Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với cử tri, nhân dân./.

Theo (TTXVN/Vietnam+)
09/01/1950: NGÀY TRUYỀN THỐNG HỌC SINH, SINH VIÊN VÀ HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM
Hơn nửa thế kỷ qua, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, phong trào học sinh, sinh viên và tổ chức Hội sinh viên Việt Nam đã có những cống hiến xuất sắc và trưởng thành vượt bậc qua các thời kỳ lịch sử cách mạng, là niềm tự hào của thế hệ học sinh, sinh viên ngày nay. 
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường sau Cách mạng Tháng Tám 1945: “… Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em…” và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo đã cổ vũ học sinh, sinh viên nước ta thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt và tình nguyện chung sức cùng cộng đồng.
Trong giai đoạn 1925-1945, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giác ngộ, các tổ chức học sinh, sinh viên yêu nước lần lượt ra đời, như: Tổ chức Học sinh Đoàn, Đội Ngô Quyền, Tổng Hội Sinh viên đã lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên dưới ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Tự hào đối với các thế hệ học sinh, sinh viên là việc thành lập chi bộ Đảng đầu tiên, thành lập và hợp nhất các tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng Sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn và các chi bộ Đoàn, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản mà hầu hết đảng viên, đoàn viên đều là những đồng chí xuất thân từ học sinh, sinh viên, như: Trần Phú, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng… 
Ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bí mật về nước để cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, cuộc vận động hình thành Tổng Hội Sinh viên hoạt động công khai nhằm liên kết lực lượng sinh viên yêu nước, có cảm tình với cách mạng. Cùng với sự phát triển của phong trào sinh viên, phong trào học sinh các trường trung học ngoài Bắc, trong Nam cũng phát triển ngày càng mạnh bởi được ảnh hưởng của cuộc đấu tranh chung do Mặt trận Việt Minh và các Đoàn thể cứu quốc hướng dẫn.
Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã giành thắng lợi hoàn toàn. Đó là thành quả to lớn của cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, trong đó các tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên có nhiều đóng góp xứng đáng, với biết bao tấm gương anh dũng, kiên cường đã được khắc ghi vào lịch sử dân tộc.
Sau cách mạng Tháng Tám, học sinh, sinh viên hăng hái học tập, rèn luyện và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xung kích thực hiện 3 nhiệm vụ lớn: Diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm do Bác Hồ và Chính phủ đề ra. 
Từ năm 1947 đến 1949, ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội đã thành lập Hội Học sinh kháng chiến, Đoàn sinh viên kháng chiến sau đó phát triển ra nhiều trường ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; số lượng học sinh, sinh viên được kết nạp vào Đoàn và Đảng khá đông. Các hoạt động của học sinh, sinh viên kháng chiến ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Với khẩu hiệu: “Tích cực cầm cự chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công” đã tiếp thêm sinh lực mới cho phong trào học sinh, sinh viên. Cuộc đấu tranh của học sinh đã lan ra cả Đông Dương. 
Ngày 09/11/1949, học sinh Huế bãi khoá. Phan Văn Giáo, Tổng trấn bù nhìn Trung bộ đã thẳng tay khủng bố. Học sinh, sinh viên quyết định bãi khoá để phản đối.
Ngày 22/11/1949, trong lúc tại Huế đang tranh đấu, học sinh Sài Gòn bí mật vận động kỷ niệm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa và đề xướng hưởng ứng phản đối việc các nữ sinh Huế bị bắt, đồng thời yêu sách cải tổ chính sách giáo dục.
Các cuộc bãi khoá của học sinh, sinh viên Sài Gòn liên tiếp nổ ra, đưa ra các yêu sách: Chấm dứt khủng bố, đàn áp bắt bớ học sinh; trả tự do cho các học sinh bị bắt sau ngày chống bù nhìn Bảo Đại; bảo đảm an ninh và quyền lợi học tập của học sinh.
Giữa lúc ở Huế, Sài Gòn không khí tranh đấu đang sôi nổi, tại Hà Nội, học sinh cũng đang căm tức vì Pháp và bù nhìn bắt bớ một số anh chị em sau kỳ nghỉ học kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám. Học sinh Chu Văn An quyết định bãi khoá ngày 25/11/1949, trong các lớp trên tường la liệt khẩu hiệu. Toàn trường vang dậy những khẩu hiệu “học sinh bãi khoá”, “trả lại tự do cho bạn chúng ta”, “đả đảo bù nhìn”.
Ngày 09/01/1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn – Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường cùng nhiều giáo viên và 7.000 Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt và mở lại trường học. Đoàn biểu tình đã bị đàn áp dã man. Cuộc đàn áp đẫm máu ngày 09/01/1950 và tinh thần chiến đấu hy sinh oanh liệt của anh Trần Văn Ơn làm dấy lên trong học sinh, sinh viên và Nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn lòng căm thù giặc và ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai.
Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2 năm 1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9 tháng 1 hàng năm làm Ngày truyền thống học sinh - sinh viên. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V (22-23/11/1993) tại Thủ đô Hà Nội đã quyết định đồng thời lấy ngày 9 tháng 1 làm Ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam.
Nguồn: Trang điện tử BQL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

  23/01/1952: NGÀY HY SINH CỦA NỮ ANH HÙNG LLVTND, LIỆT SĨ VÕ THỊ SÁU
Chị Võ Thị Sáu, sinh năm 1933 trong một gia đình nghèo ở Đất Đỏ, cha làm nghề đánh xe ngựa, mẹ bán bì bún tại chợ Đất Đỏ; đầu năm 1946, thực dân Pháp trở lại chiếm các địa bàn tại Bà Rịa lần thứ hai, trong đó có Đất Đỏ. Chi Sáu lúc ấy cũng vừa tròn 11 tuổi, với bản chất thật thà, hiền lành và chất phát, yêu quê hương, đất nước, nên nhìn thấy những cảnh giết người, cướp của tàn bạo của bọn lính Pháp, trong lòng chị đã hình thành một ý chí căm thù mãnh liệt, sâu sắc bọn thực dân xâm lược.
Trước sự đau thương và mất mát của quê hương, đã thúc đẩy các tầng lớp nhân dân trong huyện tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, trong đó có chị Võ Thị Sáu; cuộc đời chị Sáu gắn bó cách mạng kể từ đó. Năm 1947, lúc 14 tuổi Sáu vừa làm nhiệm vụ mua hàng, vừa làm nhiệm vụ giao liên để nắm tình hình địch và làm mật hộ viên công an xung phong Đất Đỏ. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng chị rất mưu trí, lanh lẹ và chị luôn hoàn thành nhiệm vụ được phân công.
Năm 1949, chị đã trở thành người đội viên công an xung phong Đất Đỏ. Chị đã dũng cảm, sáng tạo và luôn hoàn thành nhiệm vụ người chiến sĩ công an xung phong, tham gia nhiều trận chiến đấu để bảo vệ quê hương, trong đó nổi bật nhất là trận đánh diệt tên cai tổng nổi tiếng ác ôn ở Đất Đỏ vào năm 1949 và dùng lựu đạn phá cuộc mít tinh tuyên truyền do Pháp thực hiện tại huyện. Vì vậy, bọn thực dân Pháp vô cùng lo sợ và căm tức đối với hoạt động của đội công an xung phong mà tiên phong là chị Võ Thị Sáu, nên từ đó, bọn chúng ra sức truy lùng ráo riết.
 Vào tháng 12/1949, trong một chuyến công tác tại Đất Đỏ, chị Sáu đã sa vào tay giặc, hơn một tháng bị giam giữ tại nhà tù Đất Đỏ và khám đường Bà Rịa, địch dùng nhiều thủ đoạn tra tấn dã man nhưng chúng vẫn không lấy được một lời khai nào của chị, sau đó bọn chúng đưa chị về giam giữ ở khám Chí Hòa. Mặc dù bị địch giam giữ nhưng chị Sáu vẫn tiếp tục làm liên lạc cho các đồng chí trong khám và cùng các chị, em trong tù đấu tranh buộc địch phải cải thiện cuộc sống trong nhà tù. Trước tinh thần đấu tranh quyết liệt và không nao núng của chị Sáu cùng những đồng chí trong tù, dù không đủ bằng chứng, nhưng thực dân Pháp cùng bọn tay sai vẫn kết án tử hình và đày chị ra Côn Đảo.
 Là người chiến sĩ kiên cường, dũng cảm, trung thành, chị Võ Thị Sáu vinh dự được Đảng ủy nhà tù Côn Đảo kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam và công nhận là đảng viên chính thức.
Chị Võ Thị Sáu hy sinh vào sáng ngày 23/01/1952. Khi giặc Pháp đưa chị ra xử bắn, với nét mặt ung dung, bước đi vững chắc, ngẩng cao đầu, cất lên bài hát Quốc tế ca, với tinh thần lạc quan cách mạng, chị đã thể hiện tinh thần bất khuất của người chiến sĩ cộng sản.
Chị Võ Thị Sáu hy sinh đã để lại sự thương tiếc vô hạn đối với đồng chí, đồng đội và đồng bào; đồng thời sự hy sinh của chị là lời tố cáo đanh thép đối với sự dã man và âm mưu hèn hạ của chế độ thực dân Pháp lúc bấy giờ.
Chị Võ Thị Sáu là người tử tù đầu tiên ở Côn Đảo cũng là người nữ tù nhỏ tuổi nhất, chị đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu AHLL vũ trang nhân dân vào ngày 02/08/1993. Đó là tấm gương sáng của chị để lại cho chúng ta noi theo, chúng ta nguyện hết lòng ra sức phấn đấu rèn luyện về thể chất, nâng cao trình độ về mọi mặt để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương Đất Đỏ nói riêng và cả nước nói chung, đưa đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh, văn minh và giàu đẹp./.
27/01/1973: NGÀY KÝ HIỆP ĐỊNH PARIS VỀ VIỆT NAM

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám
Cách mạng Tháng Tám và tư tưởng, tài năng, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sức hút, sức tác động lạ kỳ. Nếu coi bản chất của cuộc cách mạng chân chính là văn hóa, thì việc thực hành văn hóa, nâng tầm văn hóa của cả dân tộc cũng là thực hành một cuộc cách mạng to lớn và sâu sắc.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng ta lãnh đạo, nhân dân ta đồng sức đồng lòng, “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, làm nên một sự kiện long trời, lở đất, thay đổi căn bản số phận của cả dân tộc và mỗi người dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã tạo bước ngoặt sâu sắc, mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao; xây đắp một chế độ xã hội mới mẻ, tốt tươi, đẹp đẽ ở Việt Nam; thể hiện đầy đủ, sâu sắc và sinh động bản chất dân chủ, cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Thắng lợi vẻ vang đó là động lực, là mục tiêu cao cả, là niềm cảm hứng to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta viết tiếp trang sử mới của một thời đại mới vì niềm tự hào, tự tôn dân tộc, vì phẩm giá con người. Nhà thơ Tố Hữu đã viết những câu thơ hào sảng, lay động: “Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh / Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời” (Huế tháng Tám); Nhà thơ Nguyễn Đình Thi reo vui: “Mùa thu nay khác rồi / Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi / Gió thổi rừng tre phấp phới / Trời thu thay áo mới / Trong biếc nói cười thiết tha” (Đất nước). Trong âm nhạc, Nhạc sĩ Bùi Công Kỳ với ca khúc “Ba Đình Nắng”, phổ thơ Vũ Hoàng Địch, đã cất lên những giai điệu tự hào, kiêu hãnh: “Gió vút lên ngọn cờ trên kỳ đài phơi phới/ Gió vút lên đây bao nguồn sống mới dạt dào/ Tôi về đây lắng nghe bao tiếng gọi/ Của mùa thu cách mạng, mùa vàng sao… ”.
Ngay từ những ngày đầu và nhiều năm tháng sau đó, Cách mạng Tháng Tám và nguồn sáng tin yêu từ lãnh tụ Hồ Chí Minh đã trở thành niềm kiêu hãnh, sức kết nối và lan tỏa của triệu triệu con tim, thành niềm cảm hứng lớn lao, trong trẻo, ào ạt của cả dân tộc đang tự tin vươn về phía trước. Với tầm nhìn thời đại, tầm vóc văn hóa, bản lĩnh chính trị, cùng với việc đề cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã rất yêu quý, tôn trọng nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ. Và như một sự đáp đền, rất nhiều nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ tỏ rõ sự yêu kính, ngưỡng mộ và biết ơn  cách mạng, biết ơn Chủ tịch Hồ CHí Minh - hiện thân cao cả của Đảng, của Chính phủ và chế độ mới, nhất tâm đi theo con đường sáng mà Cách mạng Tháng Tám đã khai mở.
Để xây dựng chế độ mới, chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến kiến quốc nhiều hy sinh, gian khổ ở phía trước, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực thi nhiều biện pháp nhằm phát hiện, tập hợp, sử dụng, trọng dụng nhân tài; giúp đỡ thế hệ trí thức mới tiến bộ, đào tạo họ thành những những trí thức “chính tâm và thân dân”(1). Trong bộ máy của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời ông Vĩnh Thuỵ (vua Bảo Đại của chế độ cũ) làm cố vấn Chính phủ, khá nhiều bộ trưởng, thứ trưởng là nhân sĩ, trí thức đã tham chính. Cụ Hồ xác định, cùng với chống “giặc đói”, “giặc dốt”, giặc ngoại xâm, thì phải kiên quyết, nhanh chóng củng cố và tăng cường bộ máy chính quyền, thực thi quyền dân chủ của nhân dân “xúc tiến việc đi đến Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức”. Chính phủ lâm thời tổ chức chu đáo, khẩn trương việc soạn thảo Hiến pháp cùng các công việc cho Tổng tuyển cử. Bản dự án Hiến pháp được Hội đồng Chính Phủ thảo luận, sửa đổi, bổ sung, công bố trên báo chí và gửi văn bản đến tận các làng, xã, thôn, bản xin ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân. Ngày 1/1/1946, Chính phủ lâm thời tự cải tổ thành Chính phủ Liên hiệp lâm thời, tiếp tục mở rộng thành phần là những người có tên tuổi, có uy tín, là nhân sĩ, trí thức tiêu biểu như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Chu Văn Tấn, Nguyễn Văn Tố, Lê Văn Hiến, Phạm Văn Đồng, Vũ Đình Hoè, Cù Huy Cận… và một số thành viên khác của Việt Quốc, Việt Cách.
Trước ngày diễn ra cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu: “Ngày mai mồng 6 tháng giêng năm 1946. Ngày mai là một ngày sẽ đưa Quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình…”, “Ngày mai, quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã: Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ, Kiên quyết chống bọn thực dân, Kiên quyết tranh quyền độc lập”.
Qua những lần bổ sung và thông qua Tổng tuyển cử bầu cử  Quốc  hội, trong thành phần Quốc hội, Chính phủ có thêm sự tham gia của nhiều nhân sĩ, trí thức nổi tiếng như cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Nguyễn Văn Tố, cụ Bùi Bằng Đoàn… Trong bài viết “Nhân tài và Kiến quốc”, đăng báo Cứu quốc, số ra ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”. Người nhấn mạnh: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài... E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ mới, nhiều trí thức, văn nghệ sĩ là người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài đã tự nguyện rời bỏ cuộc sống nơi phồn hoa, trở về Tổ quốc tham gia kháng chiến kiến quốc đầy gian khổ, thiếu thốn, như Hoàng Minh Giám, Vũ Ðình Tụng, Tạ Quang Bửu, Phan Anh, Phạm Quang Lễ (tức Trần Ðại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Lương Ðịnh Của, Nguyễn Văn Huyên, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Phạm Ngọc Thạch, Ðặng Văn Ngữ, Trịnh Ðình Thảo, Trần Đức Thảo, Ngụy Như Kon Tum... và nhiều người khác.
Câu chuyện nhà khoa học trẻ Phạm Quang Lễ du học ở Pháp từ năm 1935, tốt nghiệp kỹ sư và cử nhân tại 5 trường đại học danh tiếng của Pháp, từng làm việc tại Trường Quốc gia Hàng không và Vũ trụ Pháp, sau đó sang Đức làm việc trong xưởng chế tạo máy bay và Viện nghiên cứu vũ khí của Đức. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kết thúc chuyến thăm nước Pháp vào ngày 18/9/1946, Phạm Quang Lễ cùng với ba trí thức trẻ khác là Võ Quý Huân, Trần Hữu Tước, Vũ Đình Quỳnh theo Người về nước. Trong điều kiện rất khó khăn, thiếu thốn ở chiến khu Việt Bắc, ông đã triển khai nghiên cứu, chế tạo vũ khí cho quân đội non trẻ của ta. Tên mới Trần Đại Nghĩa là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho ông. Kỹ sư Trần Đại Nghĩa đã chủ trì nghiên cứu, tổ chức chế tạo thành công nhiều loại vũ khí đang rất cần cho bộ đội ta, phù hợp với thực tế chiến trường và cách đánh của ta. Điển hình là súng và đạn Bazôka để đánh xe tăng, xe bọc thép và lô cốt địch; súng không giật (SKZ) cỡ 60mm gây cho kẻ địch nhiều thất bại và nỗi kinh hoàng.
GS. Đặng Văn Ngữ giới thiệu với Bác Hồ về công việc của bộ môn Ký sinh trùng (Đại học Y – Dược) (nguồn: tiasang.com.vn).
GS. Đặng Văn Ngữ giới thiệu với Bác Hồ về công việc của bộ môn Ký sinh trùng (Đại học Y – Dược) (nguồn: tiasang.com.vn).
Bác sĩ Đặng Văn Ngữ đang sống và làm việc tại Nhật Bản đã nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, trở về nước với tài sản quý nhất là các giống nấm kháng sinh để chế tạo thuốc penicillin và streptomycin đang rất cần cho bộ đội và nhân dân ta trong cuộc chiến đấu chống xâm lược Pháp và sau này là đế quốc Mỹ. Năm 1955, ông sáng lập và làm Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và côn trùng Việt Nam, tập trung nghiên cứu phòng chống và điều trị căn bệnh sốt rét tại Việt Nam. Năm 1967, ông hy sinh ở chiến trường miền Nam khi đang tập trung nghiên cứu việc phòng chống căn bệnh sốt rét.
Nhà nông học Lương Định Của sinh ra ở Sóc Trăng, lên Sài Gòn học xong tú tài, năm 1937, ông sang Hồng Kông học Đại học Y Khoa sau đó sang Thượng Hải, Trung Quốc học Đại học Kinh tế. Đến 1940, trường này đóng cửa do chiến tranh, Lương Định Của sang Nhật, thi vào Đại học Quốc lập Kyushu, khoa Sinh vật thực nghiệm. Năm 1946, ông lên Kyoto tiếp tục theo học ngành nông nghiệp, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ nông học chuyên ngành di truyền chọn giống. Ông còn được nhận Bằng khen của Viện Nghiên cứu sinh học Kihata cho công trình “Sự sinh sản của giống lúa lai tạo từ hai giống lúa Japonica và Indica”. Những nghiên cứu và sáng tạo khoa học của ông được giới chuyên môn quốc tế đánh giá rất cao, coi ông là một trong những nhà nông học hàng đầu của thế giới lúc đó. Đang ở đỉnh cao vinh quang, Lương Định Của quyết định đưa gia đình về nước, vợ ông là bà Nubuko Nakamura, người Nhật Bản. Ông làm việc ở Viện Khảo cứu Bộ Canh nông (Sài Gòn) mấy năm, đến năm 1954, ông cùng gia đình tập kết ra Bắc, làm việc tại Viện Khảo cứu Nông lâm, trường Đại học Nông nghiệp, Viện Cây lương thực và thực phẩm, còn vợ ông - bà Nubuko Nakamura làm phát thanh viên tiếng Nhật tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Lương Định Của đã lai tạo thành công nhiều giống lúa, giống cây, giống rau cho năng suất cao, chất lượng tốt, đào tạo nhiều cán bộ khoa học hàng đầu cho ngành nông nghiệp nước nhà.
Cách mạng Tháng Tám và tư tưởng, tài năng, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sức hút, sức tác động lạ kỳ. Nếu coi bản chất của cuộc cách mạng chân chính là văn hóa, thì việc thực hành văn hóa, nâng tầm văn hóa của cả dân tộc cũng là thực hành một cuộc cách mạng to lớn và sâu sắc. Đường lối văn hoá kháng chiến “văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa” của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện đầy đủ trong Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” ra ngày 25/11/1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng; được sáng tỏ, nhấn mạnh trong bức thư “Nhiệm vụ văn hoá Việt Nam trong công cuộc cứu nước và xây dựng nước hiện nay” của đồng chí Trường Chinh gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 16/11/1946. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (11/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”. Người chỉ rõ “Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”. Người nhấn mạnh: “Văn hóa liên lạc mật thiết với chính trị. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Tâm lý của ta lại còn muốn lấy tự do, độc lập làm gốc. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do”… “Số phận dân ta là ở trong tay ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”.
“Văn hóa liên lạc mật thiết với chính trị. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ…”. (Hồ Chí Minh)
Trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa (năm 1951) ở chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Người đề cao vai trò xung kích của văn hóa trong sứ mệnh giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Văn hóa cùng với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự... phải tạo thành những mặt trận có sức mạnh to lớn trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. “Văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”; “chính trị, kinh tế, văn hóa đều “phải coi là quan trọng ngang nhau”.
Cũng như giới nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, đội ngũ những người làm công tác văn hóa, văn nghệ thế hệ Cách mạng Tháng Tám cũng ngập tràn niềm vui và hạnh phúc trước sự đổi vận, đổi đời của dân tộc, của nhân dân mình. “Nước cũ bốn nghìn năm / Theo cờ mới, trẻ như hai mươi tuổi”( Ngọn quốc kì - Xuân Diệu), “Có mối tình nào hơn thế nữa?/ Ăn sâu lòng đất thấm lòng người/ Đượm lều tranh, thơm dậy ngàn khơi/ Khi vui non nước cùng cười/ Khi căm non nước với người đứng lên!” (Tình sông núi - Trần Mai Ninh…). Từ đây, đội ngũ văn nghệ sĩ thuộc nhiều loại hình văn học, nghệ thuật cùng dân tộc đi vào cuộc kháng chiến thần thánh chống xâm lược Pháp. Họ đồng cam cộng khổ, gắn bó bền chặt với đời sống công, nông, binh; khám phá, ngợi ca và góp phần nhân lên niềm tin, sức mạnh, ý chí quyết chiến và quyết thắng của cả dân tộc. Những tên tuổi tiêu biểu được khẳng định và tiếp tục có những sáng tạo mới, thành công mới. Về văn học là các nhà văn, nhà thơ Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Trần Đăng, Nguyễn Huy Tưởng, Đặng Thai Mai, Trần Huy Liệu, Hoài Thanh, Thôi Hữu, Hoàng Trung Thông, Chính Hữu, Hồng Nguyên, Võ Huy Tâm, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Ngô Tất Tố, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nông Quốc Chấn, Hồ Phương, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Nguyễn Xuân Sanh, Trần Huyền Trân, Lưu Trọng Lư, Anh Thơ, Vũ Tú Nam, Bùi Hiển, Nguyễn Văn Bổng, Kim Lân, Trần Hữu Thung, Tế Hanh, Nguyễn Khải, Giang Nam, Hữu Loan, Bàn Tài Đoàn, Tú Mỡ… Về sân khấu có các nhà biên kịch, đạo diễn như Thế Lữ, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Quang Thuận, Ngô Tất Tố, Vũ Lăng ... Về âm nhạc, có các nhạc sỹ  Văn Cao, Đinh Nhu, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát, Xuân Oanh, Nguyễn Thành, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Đình Thi, Lương Ngọc Trác, Hoàng Việt, Lê Yên, Phan Huỳnh Điểu… Về mỹ thuật có các họa sỹ Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Sĩ Ngọc, Trần Lưu Hậu, Diệp Minh Châu, Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Lê Lam, Nguyễn Thị Kim, Lương Xuân Nhị…Về điện ảnh, nhiếp ảnh, trong hoàn cảnh rất thiếu thốn về máy móc, phương tiện, vật liệu, các nghệ sỹ của ta như Nguyễn Bá Khoản, Võ An Ninh, Mai Lộc, Phan Nghiêm, Vũ Năng An, Nguyễn Hồng Nghi, Nguyễn Thế Đoàn, Khương Mễ, Pham Văn Khoa đã chụp và quay được những bức ảnh, những đoạn phim tài liệu rất quý về Ngày Độc lập 2/9/1945, về nạn đói năm Ất Daauh 1945, sự kiện lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pháp trở về (1946), Pháp tấn công phố Hàng Than và Trận đánh tại Ô Cầu Dền (1946), Trận đánh đồn Mộc Hóa của Tiểu đoàn 307 (1948),  Chiến dịch Biên giới ở Đông Khê (1950)…  Trong số các nhà văn, nghệ sỹ thời kháng chiến chống Pháp, có những  người đã hy sinh anh dũng như Nam Cao, Trần Đăng, Trần Mai Ninh, Thôi Hữu, Tô Ngọc Vân.
Đồng hành cùng dân tộc, cùng nhân dân dưới ngọn cờ của Đảng, nhiều thế hệ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục trở thành người chiến sĩ trong các cuộc trường chinh đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, đánh thắng bè lúc bành trướng xâm lược và diệt chủng ở hai đầu đất nước, đưa đất nước vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng nhiều hội đoàn, tổ chức làm công tác văn hóa, văn nghệ, khoa học, kỹ thuật; các trí thức, văn nghệ sỹ Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Đến nay, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục tăng. Các nhà khoa học đang đi đầu trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; hai năm qua là cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19, nghiên cứu phát triển bộ kit xét nghiệm, phần mềm ứng dụng khai báo y tế, truy vết người nghi nhiễm, khám chữa bệnh từ xa, điều chế vaccine và thuốc điều trị COVID-19.
Đảng, Nhà ước khẳng định quan điểm coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là nguồn sức mạnh nội sinh, là động lực to lớn để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội; con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong mọi chiến lược phát triển đất nước; khâu đột phá đầu tiên và rất quan trọng là đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao, trong đó, tầng lớp trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ là đội ngũ tài năng của dân tộc, từ đó góp phần nâng tầm trí tuệ, tầm văn hóa của dân tộc, sức mạnh nổi trội của đất nước./.

PGS. TS. Nhà văn NGUYỄN THẾ KỶ
Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương
______________
  1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.10, tr.376 - 378.
Nguồn https://www.tuyengiao.vn/
CHÍNH SÁCH MỚI
Những chính sách mới có hiệu lực trong tháng 01/2022
Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng; phạt nặng người điều khiển xe ô tô đón trả khách trên đường cao tốc; tiếp tục giảm 37 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp; từ 01/01/2022, người dân có thể mở thẻ ngân hàng bằng hình thức online... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 01/2022.
Từ 01/01/2022, người dân có thể mở thẻ ngân hàng bằng hình thức online
Sửa đổi điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu
Có hiệu lực từ ngày 02/01/2022, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ban hành ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu.
Trong đó, Nghị định sửa đổi điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Một trong các điều kiện được sửa là thương nhân phải có hệ thống phân phối xăng dầu: Tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ 5 năm trở lên, trong đó có ít nhất 5 cửa hàng thuộc sở hữu của doanh nghiệp; tối thiểu 40 tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân.
Bảo đảm công khai, minh bạch giá trang thiết bị y tế khi lưu hành trên thị trường
Nghị định 98/2021/NĐ-CP ban hành ngày 08/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Theo đó, quản lý giá trang thiết bị y tế theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch giá trang thiết bị y tế khi lưu hành trên thị trường.
Niêm yết giá bán buôn, bán lẻ trang thiết bị y tế bằng đồng Việt Nam tại nơi giao dịch hoặc nơi bán trang thiết bị y tế của cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế; thông báo công khai trên bảng, trên giấy hoặc bằng các hình thức khác.
Công khai giá trúng thầu trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế công lập; không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán.
Quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công
Nghị định 99/2021/NĐ-CP ban hành ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Nghị định này quy định chi tiết về quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công cho dự án, công trình, nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.
Trích dẫn không đúng nguồn thông tin thống kê sẽ bị phạt đến 1 triệu đồng
Có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, Nghị định 100/2021/NĐ-CP  ban hành ngày 15/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê.
Trong đó, Nghị định bổ sung Khoản 1a vào sau Khoản 1 Điều 13: Phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng đối với hành vi trích dẫn không đúng nguồn thông tin thống kê khi phổ biến, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm.
Tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn
Có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, Nghị định 102/2021/NĐ-CP ban hành ngày 16/11/2021của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập.
Trong đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Cụ thể, sửa đổi Điểm a Khoản 1 Điều 8 thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn là 2 năm (quy định cũ là 1 năm).
Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy
Nghị định 105/2021/NĐ-CP ban hành ngày 04/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, trong đó quy định quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.
Thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là 1 năm, kể từ ngày Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định quản lý.
Trong thời hạn quản lý, nếu người đang có quyết định quản lý bị phát hiện tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy mà không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều 23 của Luật Phòng, chống ma túy thì Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền ra quyết định quản lý mới, trong đó xác định lại thời hạn quản lý là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định quản lý mới.
Chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù đối với Bộ đội Biên phòng
Nghị định số 106/2021/NĐ-CP ban hành ngày 6/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Biên phòng Việt Nam có hiệu lực từ ngày 21/01/2022. Nghị định này quy định chi tiết về hệ thống tổ chức; chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù đối với Bộ đội Biên phòng; phối hợp giữa bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng.
Nghị định nêu rõ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, hải đảo có thời gian từ 5 năm trở lên nếu có nhu cầu chuyển gia đình đến định cư ổn định cuộc sống lâu dài ở khu vực biên giới, hải đảo được chính quyền địa phương nơi chuyển đến ưu tiên giao đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai; hỗ trợ về chỗ ở, nhà ở cho gia đình, việc làm cho vợ hoặc chồng của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc Bộ đội Biên phòng và được hưởng các chế độ, chính sách khác theo quy định.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng ngoài được hưởng chế độ tiền lương, phụ cấp và các chính sách khác trong Quân đội còn được hưởng phụ cấp trách nhiệm bảo vệ biên giới, hải đảo trong thời gian trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, hải đảo.
Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng
Theo Nghị định 108/2021/NĐ-CP ban hành ngày 7/12/2021 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, từ ngày 1/1/2022 điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021. Nghị định 108/2021/NĐ-CP có  hiệu lực từ ngày 20/1/2022.
Điều kiện cơ sở y tế thực hiện xác định tình trạng nghiện ma túy
Có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, Nghị định 109/2021/NĐ-CP ban hành ngày 08/12/2021 của Chính phủ quy định cơ sở y tế thực hiện xác định tình trạng nghiện ma túy phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
1- Là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh với phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa nội hoặc chuyên khoa tâm thần hoặc điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy hoặc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; cơ sở giám định pháp y tâm thần.

2- Bác sĩ xác định tình trạng nghiện ma túy phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa tâm thần hoặc đa khoa hoặc chuyên khoa nội hoặc chuyên khoa y học cổ truyền. Trường hợp bác sỹ có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đa khoa hoặc chuyên khoa nội hoặc chuyên khoa y học cổ truyền thì phải có chứng nhận đã hoàn thành khóa tập huấn về xác định tình trạng nghiện ma túy do cơ sở có chức năng đào tạo cấp.
3- Cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm để thực hiện được quy trình chuyên môn xác định tình trạng nghiện ma túy, phù hợp với hình thức tổ chức, phạm vi hoạt động chuyên môn của chuyên khoa.
Doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phải ký quỹ 2 tỷ đồng
Theo Nghị định số 112/2021/NĐ-CP ban hành ngày 10/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (doanh nghiệp dịch vụ) phải thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng tại một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Đối với doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải ký quỹ thêm 500 triệu đồng đối với mỗi chi nhánh được giao nhiệm vụ.
Hỗ trợ tìm việc làm cho người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Nghị định 120/2021/NĐ-CP ban hành ngày 24/12/2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Nghị định quy định cụ thể các nội dung cơ bản trong giáo dục tại xã, phường, thị trấn gồm:
a) Phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân, các quy định của pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của người được giáo dục.
Phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, về tác hại của việc sử dụng ma túy đối với sức khỏe, gia đình và cộng đồng cho đối tượng là người sử dụng trái phép chất ma túy;
b) Giáo dục về kỹ năng sống, hỗ trợ học văn hóa, hướng nghiệp, dạy nghề, hỗ trợ tìm việc làm cho người được giáo dục;
c) Tổ chức cho người được giáo dục tham gia các hoạt động công ích tại cộng đồng với hình thức phù hợp;
d) Giáo dục về truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước;
đ) Các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật nhằm thúc đẩy việc phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.
Quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính
Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ban hành ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định về: Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính; quy định về vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính; áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính và quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Theo quy định, việc quy định hành vi vi phạm hành chính phải bảo đảm các yêu cầu sau: Có vi phạm các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của pháp luật về trật tự quản lý hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự quản lý hành chính nhà nước; hành vi vi phạm hành chính phải được mô tả rõ ràng, đầy đủ, cụ thể để có thể xác định và xử phạt được trong thực tiễn.
Hình thức xử phạt, mức xử phạt được quy định đối với từng hành vi vi phạm hành chính và phải căn cứ vào các yếu tố sau: Tính chất, mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước của hành vi vi phạm; đối với hành vi vi phạm không nghiêm trọng, có tính chất đơn giản, thì phải quy định hình thức xử phạt cảnh cáo; mức thu nhập, mức sống trung bình của người dân trong từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; mức độ giáo dục, răn đe và tính hợp lý, tính khả thi của việc áp dụng hình thức, mức phạt.
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực quy hoạch bị phạt tới 500 triệu đồng
Có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ban hành ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư và đấu thầu là 300 triệu đồng; lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp là 100 triệu đồng và lĩnh vực quy hoạch là 500 triệu đồng.
Phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi đón, trả khách trên đường cao tốc.
Phạt nặng người điều khiển xe ô tô đón trả khách trên đường cao tốc
Có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, Nghị định 123/2021/NĐ-CP ban hành ngày 28/12/2021 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 31/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Trong đó, Nghị định bổ sung Khoản 7a vào sau Khoản 7 Điều 23 xử phạt người điều khiển ô tô chở hành khách, ô tô chở người và các loại xe tương tự ô tô chở khách, chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ như sau: Phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi đón, trả khách trên đường cao tốc.
Bổ sung Khoản 8a vào sau Khoản 8 Điều 24 xử phạt người điều khiển ô tô tải, máy kéo (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ. Cụ thể, phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi nhận, trả hàng trên đường cao tốc.
Vi phạm quy định về quản lý giá trang thiết bị y tế sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng
Có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, Nghị định 124/2021/NĐ-CP ban hành ngày 28/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Trong đó, Nghị định 124/2021/NĐ-CP bổ sung Điều 78a vi phạm quy định về quản lý giá trang thiết bị y tế vào sau Điều 78 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP. Cụ thể, phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không thực hiện việc kê khai giá trang thiết bị y tế trước khi lưu hành tại Việt Nam; mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai hoặc mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán.
Phân biệt đối xử về giới trong lao động bị phạt tới 30 triệu đồng
Nghị định số 125/2021/NĐ-CP ban hành ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Trong đó, Nghị định quy định, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới đối với cá nhân là 30 triệu đồng.
Tiếp tục giảm 37 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp
Thông tư số 120/2021/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thời gian thực hiện từ 1/1-30/6/2022.
Theo đó, có 37 khoản phí, lệ phí được giảm với mức giảm từ 10-50% so với quy định hiện hành.
Nhiều khoản phí, lệ phí được giảm đến 50% mức phí quy định trước đó, như: Lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng; lệ phí giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng; phí thẩm định thiết kế cơ sở; phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán (trừ 2 khoản phí, lệ phí quy định); lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh; lệ phí sở hữu công nghiệp; lệ phí nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp, công bố, đăng bạ đại diện sở hữu công nghiệp...
Sửa đổi hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội
Có hiệu lực từ ngày 20/1/2022, Thông tư 20/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2015/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 6 Thông tư số 25/2015/TT-NHNN về mức cho vay như sau: Đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
Điều kiện thi, xét thăng hạng giáo viên mầm non, phổ thông công lập
Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập có hiệu lực từ 15/1/2022.
Việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ giáo viên hạng II lên giáo viên hạng I được thực hiện thông qua việc xét, chấm điểm hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng và kiểm tra, sát hạch theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I của mỗi cấp học. Giáo viên hạng II dự xét thăng hạng lên giáo viên hạng I được tham dự kiểm tra, sát hạch khi điểm hồ sơ đạt 100 điểm theo thang điểm quy định.
Việc kiểm tra, sát hạch được thực hiện bằng hình thức làm bài trắc nghiệm hoặc phỏng vấn. Đối với hình thức làm bài trắc nghiệm, thời gian thực hiện là 60 phút; đối với hình thức phỏng vấn, thời gian không quá 15 phút/người.
Việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ giáo viên hạng III lên giáo viên hạng II được thực hiện thông qua xét và chấm điểm hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II của mỗi cấp học.
Từ 01/01/2022, người dân có thể mở thẻ ngân hàng bằng hình thức online
Có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, Thông tư 17/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng; trong đó, bổ sung quy định: Tổ chức phát hành thẻ có thể thực hiện phát hành thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh đối với chủ thẻ chính là cá nhân bằng phương thức điện tử.
Hạn chế sử dụng túi nylon khó phân huỷ trong cơ sở y tế
Thông tư 20/2021/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế có hiệu lực từ ngày 10/1/2022. Theo đó, cơ sở y tế phải thực hiện các biện pháp hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần, túi nylon khó phân huỷ nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa.
Thực hiện dân chủ trong thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Thông tư số 117/2021/TT-BCA của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng của Công an nhân dân có hiệu lực từ ngày 15/1/2022.
Mục đích thực hiện dân chủ trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng là phát huy quyền làm chủ của nhân dân, của cán bộ, chiến sĩ CAND trong công tác. Công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng của CAND. Phòng ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà của cán bộ, chiến sĩ CAND khi thực hiện công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng./.
Theo http://baochinhphu.vn/

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ĐOÀN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây