CHỦ ĐỀ: CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 91 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH (26/3/1931 - 26/3/2022); THÁNG THANH NIÊN NĂM 2022
Những ngày đáng nhớ trong tháng 3:
-------
- 03/3/1959: Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng
- 03/3/1989: Ngày Biên phòng toàn dân
- 08/3/40: Ngày khởi nghĩa Hai Bà Trưng
- 08/3/1910: Ngày Quốc tế Phụ nữ
- 20/3: Ngày Quốc tế Hạnh phúc
- 26/3/1931: Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
- 27/3/1946: Ngày Thể thao Việt Nam
KỶ NIỆM 91 NĂM THÀNH LẬP ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH (26/3/1931-26/3/2022)
Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng và Bác Hồ đã nhận thấy sự cần thiết phải thành lập tổ chức cộng sản của những người trẻ tuổi. Chính vì thế, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa I) tháng 10/1930 đã ra “Án nghị quyết về Cộng sản thanh niên vận động”.
Thực hiện nghị quyết tháng 10/1930, các cơ sở Đoàn đã được xây dựng trên khắp cả nước từ Bắc vào Nam. Tuy nhiên, hệ thống của Đoàn chưa được thống nhất và Đoàn chưa có sinh hoạt riêng. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai tại Sài Gòn từ ngày 20 đến 26/3/1931, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã dành một phần quan trọng trong chương trình làm việc để bàn về công tác thanh niên. Trên cơ sở nghiên cứu bức thư của Ban Chấp hành Quốc tế Thanh niên Cộng sản gửi cho Đảng ta, Hội nghị đã nghiêm túc kiểm điểm đánh giá việc thực hiện nghị quyết lần thứ nhất (tháng 10/1930).
Đến tháng 3/1931, sau một quá trình chuẩn bị, được sự lãnh đạo và tổ chức của Hội Việt Nam cách mạng Đông Dương Đảng Cộng sản Đông Dương; sự lãnh đạo, trực tiếp bồi dưỡng, đào tạo của Nguyễn Ái Quốc, tổ chức cơ sở Đoàn ở nước ta “từ bắt đầu hiếm hoi” với một nhóm nhỏ 8 thiếu niên do Bác Hồ trực tiếp chăm sóc dìu dắt, sau 5 năm đã phát triển và trưởng thành vượt bậc. Lúc này, trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam của nước ta đã xuất hiện nhiều tổ chức Đoàn cơ sở với hơn 1.500 đoàn viên. Ở một số địa phương, đã hình thành Đoàn từ cơ sở huyện, tỉnh, dần dần đã trở thành lực lượng hùng hậu, xung kích của Đảng, cống hiến hết mình trong cuộc kháng chiến, kiến quốc, xây dựng Tổ quốc Việt Nam quang vinh.
Thể theo nguyện vọng và đề nghị của tuổi trẻ cả nước, của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, được sự đồng ý của Bộ chính trị và Bác Hồ kính yêu, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (họp từ ngày 22 đến ngày 25/3/1961) đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 là Ngày thành lập Đoàn. Từ đó, ngày 26/3 hàng năm trở thành Ngày kỷ niệm, tôn vinh truyền thống vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam, của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quang vinh.
Ngay sau khi thành lập, Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương đã phát triển được nhiều đoàn viên trong cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là phong trào Xô - viết Nghệ Tĩnh. Từ phong trào cách mạng giai đoạn này đã xuất hiện nhiều gương thanh niên đấu tranh oanh liệt, tiêu biểu là người đoàn viên thanh niên cộng sản Lý Tự Trọng với câu nói nổi tiếng trước tòa án kẻ thù: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”.
Tháng 7/1936, Hội nghị Trung ương Đảng đã định ra đường lối chuyển hướng nhiệm vụ từ đấu tranh bí mật, bất hợp pháp sang đấu tranh công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp. Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương tiếp nối truyền thống của Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương tích cực vận động thanh niên đấu tranh chống thực dân, đế quốc, phản động tay sai, đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình. Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, trong tình hình mới, tổ chức Đoàn phải chuyển vào hoạt động bí mật và xây dựng tổ chức chặt chẽ với tên mới là Đoàn Thanh niên Phản đế Đông Dương.
Mùa xuân năm 1941, Bác Hồ trở về nước cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5 năm 1941, Người đã chủ trì Hội nghị Trung ương VIII tại Pắc Bó, Cao Bằng. Dưới ánh sáng Nghị quyết Hội nghị Trung ương VIII, Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam ra đời tiếp nối sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của các tổ chức thanh niên trước đó do Đảng, Bác Hồ tổ chức, giáo dục và rèn luyện. Dưới ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ vĩ đại, Đoàn Thanh niên Cứu quốc và tuổi trẻ cả nước đã xung kích cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vùng lên tiến hành thành công Cách mạng tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên độc lập tự do cho dân tộc, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ cách mạng, đoàn viên, thanh niên là lực lượng hăng hái đi đầu trong phong trào chống “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Thời gian độc lập không được bao lâu, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, cả dân tộc lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ, hy sinh. Tiêu biểu cho những ngày đầu kháng chiến là tuổi trẻ Sài Gòn - Chợ Lớn đã thành lập các đội Thanh niên xung phong cảm tử, thanh niên tự vệ kiên quyết đánh trả kẻ thù. Tại Thủ đô Hà Nội suốt 60 ngày đêm, nhiều chiến sỹ với tuổi đời còn rất trẻ đã ôm bom ba càng chặn xe tăng giặc ngay trên đường phố.
Sau gần 20 năm hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ I được tổ chức tại Đại Từ, Thái Nguyên (từ ngày 07 đến ngày 14/02/1950) với chủ đề “Chiến đấu và xây dựng tương lai”. Phát huy thành công của Đại hội, hàng vạn nam nữ thanh niên hăng hái xung phong tham gia phục vụ các chiến dịch, phong trào “Tòng quân giết giặc lập công” phát triển khắp mọi nơi. Sau chín năm trường kỳ kháng chiến, tháng 5/1954, quân và dân ta đã làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến ấy đã xuất hiện nhiều tấm gương tuổi trẻ kiên cường, dũng cảm như: Trần Văn Ơn, Võ Thị Sáu, La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Nguyễn Thị Chiên, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện... Họ thật xứng đáng đại diện cho một lớp trẻ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Ngày 19/10/1955, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết đổi tên Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam thành Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II (từ ngày 25/10 đến ngày 04/11/1956), Bác Hồ đã ân cần căn dặn: “Đảng và Chính phủ ta có thể tự hào đã tạo nên một thế hệ thanh niên dũng cảm như các cháu và mong các cháu tiếp tục phấn đấu hăng hái cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nước nhà”. Từ sau Đại hội, tuổi trẻ miền Bắc đã dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất để khôi phục kinh tế, cải tạo và xây dựng xã hội mới. Hàng vạn thanh niên tham gia xây dựng các công trình thủy lợi, khai hoang phục hóa đất đai; hàng triệu thanh niên hăng hái theo học các lớp bổ túc văn hóa... Ở miền Nam, phong trào đấu tranh chính trị của thanh niên, học sinh - sinh viên tuy bị đế quốc Mỹ và tay sai đàn áp dã man song không hề nao núng. Trong những ngày đồng khởi, các đội “Trung kiên”, “Xung phong” do thanh niên đảm nhận đã được thành lập ở khắp mọi nơi, tiến hành vây đồn, lấy bốt, trừ gian, phá ấp chiến lược... Tiêu biểu cho tinh thần ấy là chị Trần Thị Lý, người con gái anh hùng đất Quảng nhiều lần bị địch bắt, mang trong mình nhiều vết thương nhưng không hề nhụt chí trước quân thù.
Từ ngày 23 đến ngày 25/3/1961, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III được triệu tập tại Hà Nội, Đại hội đã phát động phong trào “Xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất”. Tháng 8/1964, đế quốc Mỹ leo thang gây chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với miền Bắc, tuổi trẻ Thủ đô Hà Nội đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng”. Được sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương Đoàn, phong trào đã phát triển sâu rộng trong cả nước. Ở miền Bắc, hàng triệu đoàn viên, thanh niên đăng ký tham gia phong trào “Ba sẵn sàng” nêu cao quyết tâm chi viện cho chiến trường miền Nam với tinh thần “Chưa thắng giặc Mỹ, chưa về quê hương”.
Tháng 02/1965, Đại hội Đoàn Thanh niên toàn miền Nam đã phát động phong trào “Năm xung phong”, sau một thời gian ngắn, có hàng vạn đoàn viên, thanh niên tham gia phong trào này. Từ phong trào “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân với những chiến công xuất sắc như: Bảy dũng sỹ Điện Ngọc, Quảng Nam anh dũng đánh trả một tiểu đoàn địch; Tạ Thị Kiều tay không đoạt bốt giặc; Lê Thị Hồng Gấm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng không chịu đầu hàng giặc; Dũng sỹ diệt Mỹ - Anh hùng Lê Mã Lương với lẽ sống “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù”; câu nói bất hủ của người thợ điện trẻ tuổi Nguyễn Văn Trỗi “Còn giặc Mỹ thì không có hạnh phúc” đã gây xúc động cho tuổi trẻ và nhân dân tiến bộ khắp 5 châu; lời hô của Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân “Nhằm thẳng quân thù mà bắn!” đã trở thành hiệu lệnh thúc giục quân và dân ta xông lên tiêu diệt quân thù.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Đảng, thể theo nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên, thanh niên cả nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra quyết định: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam được mang tên Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh. Thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã làm nên một đại thắng mùa xuân năm 1975, cả nước thống nhất và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong chiến thắng vĩ đại ấy, có sự đóng góp to lớn của đoàn viên, thanh niên trên khắp các mặt trận. Đảng ta, nhân dân ta, Đoàn ta đã giáo dục, rèn luyện một thế hệ thanh niên Việt Nam vô cùng dũng cảm, thông minh, không sợ gian khổ, hy sinh, quyết chiến - quyết thắng. Sau ngày thống nhất nước nhà, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976) đã ra quyết định Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh mang tên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Từ ngày 20 đến ngày 22/11/1980, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IV đã được tiến hành tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã quyết định đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Ba xung kích” thành cao trào thi đua hành động cách mạng của tuổi trẻ thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Vào thời điểm này, hàng triệu lượt đoàn viên, thanh niên tham gia phong trào “Ba xung kích làm chủ tập thể”; gần 9 triệu đoàn viên, thanh niên tham gia phong trào “Thanh niên xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; hàng chục vạn thanh niên gia nhập lực lượng vũ trang, góp phần tích cực bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Tiếp đó là các phong trào “Hành quân theo bước chân những người anh hùng” đã thu hút gần 6 triệu đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia và “Hành quân theo chân Bác” đã có 10 triệu thiếu niên nhi đồng tham gia.
Từ ngày 27 đến ngày 30/11/1987, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V đã phát động phong trào “Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI (diễn ra từ ngày 15/10 đến 18/10/1992). Tháng 02 năm 1993, Hội nghị lần thứ hai, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa VI đã quyết định triển khai hai phong trào lớn là “Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước”, được đông đảo đoàn viên thanh niên cả nước hưởng ứng sôi nổi và nhiệt tình.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VII (từ ngày 26 đến ngày 29/11/1997) đã quyết định tiếp tục phát triển và nâng hai phong trào trên lên một tầm cao mới. Năm 2000, Bộ Chính trị và Chính phủ quyết định là “Năm thanh niên Việt Nam”. Từ thời điểm này phong trào “Thanh niên tình nguyện” có bước phát triển mới, đi vào thực tiễn, được đông đảo các cấp bộ Đoàn và đoàn viên, thanh niên tham gia, tạo nên ấn tượng tốt đẹp về lớp thanh niên Việt Nam của thời kỳ mới. Tổ chức Đoàn các cấp đã chủ động đề xuất và đảm nhận hàng ngàn chương trình, dự án kinh tế - xã hội quan trọng, tiêu biểu như: Dự án xóa cầu khỉ, xây cầu mới vùng đồng bằng Nam bộ; xây dựng Đảo thanh niên; làm đường Hồ Chí Minh; xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp... Phong trào thi đua học tập, lao động sáng tạo để chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức, khoa học công nghệ mới; sinh hoạt chính trị “Tuổi trẻ Việt Nam tiến bước dưới cờ Đảng”, “Tuổi trẻ với tư tưởng Hồ Chí Minh”... đã lôi cuốn hàng triệu thanh thiếu niên tham gia. Từ trong phong trào của tuổi trẻ đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực công tác.
Với tinh thần “Đoàn kết, sáng tạo, xung kích, tình nguyện”, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VIII (từ ngày 08/12 đến ngày 11/12/2002) đã mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đại hội đã phát động phong trào lớn “Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và kêu gọi tuổi trẻ Việt Nam cùng siết chặt tay dưới lá cờ vinh quang của Đoàn, nguyện đi theo con đường cách mạng của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, góp phần to lớn vào sự nghiệp đổi mới đất nước. Phong trào mới với sức sống mới, hàng triệu thanh niên thi đua học tập, tiến quân vào khoa học - công nghệ; thi đua lao động sáng tạo để lập thân lập nghiệp; xung phong tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; góp phần giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Các cuộc vận động, phong trào mới được triển khai như: “Sáng tạo trẻ”, “Bốn mới” (kỹ thuật mới, ngành nghề mới, thị trường mới, mô hình mới), “Cán bộ công chức trẻ với cải cách hành chính”, “Học tập tốt, rèn luyện tốt”, “Trí thức trẻ tình nguyện”... đã góp phần khơi sức thanh niên trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo ra nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo từ thực tiễn. Đặc biệt sinh hoạt chính trị “Tuổi trẻ với tư tưởng Hồ Chí Minh”, “Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi hai mươi”, diễn đàn “Tuổi trẻ sống đẹp, sống có ích”, cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác” đã được các cấp bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên triển khai thực hiện nghiêm túc, có sức lôi cuốn và lan toả mạnh mẽ, tạo hiệu ứng xã hội sâu rộng góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, bồi đắp lý tưởng cách mạng và niềm tin cho thế hệ trẻ.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX (diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 17/12 đến 21/12/2007). Trong nhiệm kỳ 2007 - 2012, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tập trung triển khai hai phong trào lớn là “Năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”. Hai phong trào trên vừa phát huy mạnh mẽ tiềm năng của thanh niên, vừa tạo môi trường giáo dục, rèn luyện cho thanh niên, vì sự phát triển của thanh niên, của cộng đồng và đất nước; đồng thời góp phần định hướng, bảo vệ, chăm lo lợi ích chính đáng của thanh niên, khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng của thanh niên, huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thanh niên. Nhiều chương trình lớn của Đoàn như Tháng thanh niên, chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, chương trình Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam, chương trình Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ, Khi Tổ quốc cần... với nội dung có nhiều đổi mới, sáng tạo, hấp dẫn đã thực sự tập hợp, đoàn kết được đông đảo các lực lượng thanh niên trong xã hội tham gia, được xã hội ghi nhận, ủng hộ và đánh giá cao.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, nhiệm kỳ 2012 - 2017 là Đại hội của khát vọng tuổi trẻ. Đại hội được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 14 tháng 12 năm 2012 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã quyết định tiếp tục triển khai 2 phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” (có điều chỉnh, bổ sung các nội dung của hai phong trào để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới) nhằm tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích, tinh thần tình nguyện, khơi dậy tiềm năng to lớn của thanh niên tham gia thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.
Trong nhiệm kỳ Đại hội, nhiều phong trào lớn của Đoàn được triển khai mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của đông đảo đoàn viên, thanh niên và tạo được hiệu ứng tốt đẹp trong cộng đồng xã hội như phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Thanh niên tham gia xây dựng văn minh đô thị”, các phong trào học sinh, sinh viên như: “Học sinh 3 rèn luyện”, “Khi tôi 18”, “Sinh viên 5 tốt”; hay phong trào thi đua “3 trách nhiệm”, “Sáng tạo trẻ”... Phong trào “Thanh niên tình nguyện” có bước phát triển cả về chất lượng và số lượng với các hoạt động nổi bật, ý nghĩa như Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, Tiếp sức mùa thi, hiến máu nhân đạo, các hoạt động tình nguyện mùa đông, xuân tình nguyện, các hoạt động tình nguyện của y, bác sỹ trẻ, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn... Nhiều chương trình, cuộc vận động hướng về biển đảo thu hút sự quan tâm, tham gia của tuổi trẻ cả nước như: “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”, “Đồng hành với ngư dân trẻ ra khơi”... với nội dung có nhiều đổi mới, sáng tạo đã thu hút được đông đảo thanh niên tham gia, được xã hội ghi nhận, ủng hộ và đánh giá cao.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thức XI, diễn ra từ ngày 09 đến ngày 13 tháng 12 năm 2018 tại Thủ đô Hà Nội, với khẩu hiệu hành động “Tiên phong - bản lĩnh - đoàn kết - sáng tạo - phát triển”. Đại hội biểu thị quyết tâm thực hiện mục tiêu công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 2017 - 2022: “Xây dựng lớp thanh niên thời kỳ mới có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước; có đạo đức, lối sống văn hóa, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, yêu chuộng hòa bình; có tri thức, sức khỏe, hoài bão, khát vọng vươn lên. Xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực sự vững mạnh, tập hợp đoàn kết đông đảo thanh niên, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nâng cao trách nhiệm phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và tích cực tham gia bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Phát huy thanh niên xung kích, tình nguyện, sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo Đại hội, khẳng định vai trò to lớn của tuổi trẻ Việt Nam đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong các thời kỳ cách mạng và trong nhiệm kỳ qua. Bên cạnh nêu ra các hạn chế còn tồn tại, Tổng Bí thư cũng chỉ ra những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay; bày tỏ mong muốn các cấp bộ đoàn tập trung thực hiện tốt 03 nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ: Một là, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ. Hai là, chăm lo củng cố xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực sự vững mạnh về tư tưởng chính trị, tổ chức và hành động, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ba là, đổi mới và nâng cao hiệu quả các phong trào, chương trình của Đoàn, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên, khẳng định vai trò của Đoàn trong đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên.
Nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI là tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi, trọng tâm là giáo dục, bồi đắp lý tưởng cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho thanh niên. Tập trung triển khai 3 phong trào hành động cách mạng: “Thanh niên tình nguyện”; “Tuổi trẻ sáng tạo”; “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” trong từng nhóm đối tượng, tiếp tục duy trì các phong trào đặc thù. Toàn Đoàn triển khai 3 chương trình đồng hành với thanh niên: “Đồng hành với thanh niên trong học tập”; “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”; “Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần”, góp phần phát triển thanh niên toàn diện, khẳng định vai trò của Đoàn trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên. Thu hút, tập hợp, giáo dục thanh niên qua phong trào góp phần phát huy tính tích cực chính trị - xã hội của thanh niên, tạo môi trường thực tiễn rộng lớn, phong phú để giáo dục, rèn luyện, phát huy thanh niên.
Trải qua 91 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã khẳng định bản lĩnh cách mạng, lòng trung thành với Đảng, với dân tộc, là lực lượng xung kích cách mạng, là tổ chức hạt nhân chính trị của thanh niên Việt Nam, đội hậu bị tin cậy của Đảng, là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên Việt Nam. Qua các phong trào, các cuộc vận động do Đoàn phát động, lớp lớp thanh niên Việt Nam đã không ngại khó khăn, gian khổ, vượt lên mọi thử thách, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh; tích cực, năng động, sáng tạo trong học tập, lao động, sản xuất; xung kích, tình nguyện bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước. Khẳng định, việc giữ gìn, phát huy truyền thống vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam, của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn được các thế hệ cán bộ, đoàn viên, thanh niên xem là nghĩa vụ, trách nhiệm và là mệnh lệnh đặc biệt của trái tim và khối óc.
Mỗi năm kỷ niệm ngày thành lập Đoàn là mỗi lần tổ chức Đoàn đón nhận và giới thiệu thành quả trong rèn luyện, học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu của thanh niên Việt Nam. Với những cống hiến to lớn trong 91 năm qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam đã hai lần vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Điều đó khẳng định sự ghi nhận, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những cống hiến xứng đáng của thế hệ trẻ nước nhà và sự phát triển, lớn mạnh của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Ngày nay, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam quyết tâm trở thành những người đi đầu trong ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh, phát triển. Các cấp bộ Đoàn tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình hành động, bảo đảm cho phong trào thanh thiếu nhi phát triển đúng hướng, đem lại lợi ích thiết thực cho tuổi trẻ; lựa chọn những nội dung trọng tâm, trọng điểm, việc làm cụ thể, thiết thực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn, phù hợp với tâm lý, nhu cầu của thanh niên; đáp ứng mong mỏi của mỗi gia đình, xã hội, từ đó tạo ảnh hưởng, lan tỏa tích cực trong giới trẻ, khẳng định mạnh mẽ hơn lòng trung thành tuyệt đối, niềm tin của tổ chức Đoàn, thế hệ trẻ hôm nay vào con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn.
Nguồn: doanthanhnien.vn
Tháng Thanh niên năm 2022
Thực hiện Kế hoạch số 478-KH/TWĐTN-CNĐT, ngày 28/01/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về triển khai Tháng Thanh niên năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Phú Yên triển khai Kế hoạch Tháng Thanh niên năm 2022 với chủ đề “Tuổi trẻ sáng tạo”, nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Khơi dậy niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí
Minh trong mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên. Tạo phong trào thi đua sôi nổi kỷ
niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2022), chào mừng Đại hội Đoàn các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đoàn TNCS
Hồ Chí Minh tỉnh Phú Yên lần thứ X.
- Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, khả năng sáng tạo của thanh niên
trong tham gia thực hiện các công trình, phần việc góp phần hoàn thành nhiệm vụ
chính trị, nhiệm vụ chuyên môn và tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa
phương, đơn vị, chú trọng thực hiện các công trình, phần việc ứng dụng công nghệ
mới, tham gia vào quá trình thực hiện chuyển đổi số.
- Tăng cường sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành,
các cấp và toàn xã hội đối với công tác bồi dưỡng, đào tạo và giáo dục thế hệ trẻ;
tạo môi trường cho thanh niên rèn luyện, cống hiến, trưởng thành.
2. Yêu cầu
Các hoạt động Tháng Thanh niên năm 2022 phải được triển khai sâu rộng
từ cơ sở, có tính hành động cao, đảm bảo thiết thực, hiệu quả và bám sát trọng
tâm công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2022, đồng thời phù hợp
với chương trình hoạt động và nhu cầu của địa phương, phù hợp với yêu cầu
phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại từng địa bàn.
II. THỜI GIAN: từ ngày 28/02/2022 đến 31/3/2022.
III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG
1. Tuyên truyền, giáo dục về truyền thống vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về lịch sử, truyền thống của Đoàn,
tuổi trẻ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí
Minh (26/3/1931 - 26/3/2022). Tổ chức các chương trình gặp gỡ, giao lưu với các đồng chí cựu cán bộ Đoàn, đoàn viên tiêu biểu qua các thời kỳ, các gương mặt trẻ tiêu biểu của địa phương, đơn vị nhân kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị.
- Tuyên truyền các dự thảo văn kiện Đại hội đoàn các cấp; các kết quả công
tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi ở cấp cơ sở trong nhiệm kỳ; các công trình,
phần việc thanh niên tiêu biểu đem lại lợi ích cho cộng đồng trong nhiệm kỳ 2017-
2022, phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới; tổ chức các diễn đàn, hội nghị
đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội đoàn các cấp. Tuyên truyền công tác chuẩn bị, kết quả và kinh nghiệm tổ chức Đại hội đoàn các cấp; các hoạt động, phong trào thi đua của các cấp bộ Đoàn và tuổi trẻ chào mừng Đại hội.
- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử thông qua các ứng dụng số, mạng xã hội của thanh niên. Duy trì và nhân rộng các mô hình thanh thiếu nhi tham gia giới thiệu, quảng bá về di tích lịch sử, văn hóa của địa phương, đất nước. Tổ chức các hoạt động về nguồn, đến với địa danh lịch sử, đền ơn đáp nghĩa, tham gia bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử tại các địa phương.
2. Tổ chức các hoạt động phát huy tinh thần sáng tạo, tình nguyện vì
cộng đồng của thanh niên
2.1. Thanh niên tình nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu
- Triển khai các công trình, phần việc thanh niên tham gia xây dựng nông
thôn mới: Xây dựng mới, sửa chữa nhà nhân ái, nhà tình nghĩa; triển khai các công trình “Thắp sáng đường quê”, “Đường cờ Tổ quốc”; xây dựng công trình nước sạch, khu vui chơi cho thanh thiếu nhi,…
- Tổ chức tập huấn chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật cho đoàn viên, thanh niên; đẩy mạnh triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
- Tổ chức trồng đường hoa, cây xanh trên các tuyến đường; xây dựng các mô hình phân loại, xử lý rác thải.
- Triển khai chương trình “Vì một Việt Nam xanh”, “Chống rác thải nhựa”, “Hãy làm sạch biển”, “Hành trình thứ hai của lốp xe, chai nhựa”...
- Triển khai nhân rộng công trình “Đường cây thanh niên tự quản sáng - xanh - sạch - đẹp” trên các tuyến đường nông thôn địa bàn tỉnh.
- Thành lập và nhân rộng Đội thanh niên tình nguyện ứng dụng công nghệ
sinh học trong bảo vệ môi trường (sử dụng các vi sinh vật bản địa IMO); tham gia
tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân thay đổi hành vi, thói quen sinh
hoạt gây hại đối với môi trường sang thói quen 4R/4T (Refuse/Từ chối -
Reduce/Tiết giảm - Reuse/Tái sử dụng - Recycle/Tái chế).
- Đồng loạt tổ chức Ngày cao điểm “Tình nguyện chung tay xây dựng nông
thôn mới” vào ngày 13/3, “Ngày chủ nhật xanh” vào ngày 20/3 trên địa bàn toàn tỉnh.
2.2. Thanh niên tình nguyện tham gia xây dựng đô thị văn minh
- Triển khai các công trình, phần việc thanh niên tham gia xây dựng đô thị
văn minh, trong đó tập trung vào xây dựng cảnh quan môi trường đô thị xanh,
sạch, đẹp, an toàn; xóa các điểm đen ô nhiễm môi trường.
- Nhân rộng và nâng chất các mô hình Tuyến đường kiểu mẫu “Sáng - Xanh
- Sạch - Đẹp - Văn minh - An toàn”, Cột điện nở hoa, Con đường bích họa, Biến
điểm chân rác thành vườn hoa, Nhà vệ sinh thân thiện trong các trường học.
- Thành lập và nhân rộng các đội hình tình nguyện chuyên tham gia tuyên
truyền xây dựng nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa, bảo vệ môi trường, đảm bảo
trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đô thị.
2.3. Tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng
- Triển khai các chương trình, hoạt động tình nguyện gắn với nhu cầu của
đời sống xã hội; tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc, vấn đề mới phát sinh,
các hoạt động an sinh xã hội, tham gia phát triển cộng đồng, đặc biệt là phòng
chống dịch bệnh Covid-19 và khắc phục hậu quả sau đại dịch.
- Triển khai các hoạt động hỗ trợ thanh thiếu nhi yếu thế; người già neo
đơn; tiếp sức đến trường, tiếp sức người bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
- Duy trì các đội thanh niên xung kích tham gia phòng, chống dịch bệnh, các
thảm họa, sự cố bất ngờ. Triển khai các đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ,
tham gia Chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 mùa xuân 2022 theo phát động
của Thủ tướng Chính phủ nhằm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả
dịch Covid-19”, vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội.
- Phối hợp tổ chức các hoạt động hiến máu tình nguyện, tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương, chủ động tuyên truyền, vận động thanh niên tham gia hiến máu cứu người.
- Tổ chức “Ngày thứ bảy tình nguyện” trong cán bộ, công chức, viên chức
trẻ hỗ trợ nhân dân về thủ tục hành chính.
- Tổ chức Chương trình “Tháng ba biên giới” nhằm phát huy tinh thần xung
kích, tình nguyện của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, an
ninh, quốc phòng.
2.4. Tổ chức các hoạt động phát huy tinh thần sáng tạo của thanh niên
- Đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động “Mỗi thanh niên một ý tưởng, sáng
kiến”; rà soát, nâng cao chất lượng, số lượng đăng tải ý tưởng, sáng kiến lên Cổng
thông tin Ngân hàng ý tưởng sáng tạo thanh niên Việt Nam.
- Tổ chức các hoạt động phát huy ý tưởng sáng tạo phù hợp với từng khối đối tượng thanh niên, đặc biệt là các ý tưởng về ứng dụng công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số trong các lĩnh vực, vấn đề xã hội quan tâm như: môi trường, giao thông, giáo dục, quản lý đô thị, cải cách hành chính, phòng chống tệ nạn xã hội…
- Triển khai các hoạt động hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng, sáng kiến của thanh
niên; kết nối nguồn lực để hỗ trợ việc hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo của
thanh niên. Hỗ trợ, tư vấn thanh niên đăng ký bảo hộ các quyền liên quan đến sở
hữu trí tuệ cho các sản phẩm sáng tạo, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công
nghiệp, nhãn hiệu…
- Mạnh dạn đăng ký đảm nhận và triển khai thực hiện các công trình, phần
việc thanh niên các cấp, tập trung lựa chọn và triển khai một số công trình thanh
niên có ý nghĩa, giá trị giáo dục, có tính chất khoa học kỹ thuật, chuyên môn cao,
tham gia ứng dụng chuyển đổi số.
- Vận động, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên công chức, viên chức đề xuất, đăng ký đảm nhận các đề tài nghiên cứu khoa học, xây dựng các chuyên đề phục vụ công tác trong từng lĩnh vực; đăng ký đảm nhận và triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án gắn với nhiệm vụ chuyên môn và phục vụ nhu cầu đời sống dân sinh.
- Tổ chức hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tâm thế và phát huy
thanh niên tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia. Tuyên truyền, phổ cập kỹ năng số, kỹ năng đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho thanh niên.
3. Tổ chức các hoạt động đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, hội nhập quốc tế; chăm lo, hỗ trợ thanh thiếu nhi
3.1. Hoạt động đồng hành, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp
- Duy trì và nhân rộng các mô hình tổ hợp tác thanh niên, Câu lạc bộ Thanh niên phát triển kinh tế.
- Các Huyện, Thị, Thành Đoàn tham mưu, tăng cường ủy thác vốn vay hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, khởi nghiệp.
- Tăng cường kết nối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, mô hình phát triển kinh tế của thanh niên tại địa phương; tham mưu cơ chế, chính sách hỗ trợ các dự án, mô hình phát triển kinh tế của thanh niên.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp và kết nối, tư vấn việc làm, giới thiệu việc làm cho thanh niên. Các Huyện, Thị, Thành Đoàn và Đoàn trực thuộc thông tin rộng rãi, hướng dẫn cài đặt, tạo lập tài khoản i-HR trên điện thoại thông minh (Ứng dụng mới giúp lao động kết nối trực tuyến với doanh nghiệp) tới các đối tượng thanh niên có nhu cầu tư vấn hướng nghiệp, tìm việc làm.
- Triển khai các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh trong
học sinh các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục
thường xuyên. Tổ chức các hoạt động tư vấn việc làm cho học sinh, sinh viên
trước khi tham gia thị trường lao động.
- Tổ chức hướng dẫn kỹ năng tìm kiếm việc làm, kỹ năng tự tạo việc làm
và kỹ năng làm việc cho thanh niên. Tổ chức các hoạt động tư vấn và giới thiệu việc làm cho thanh niên trong đó tập trung đối tượng thanh niên nông thôn, bộ đội xuất ngũ, thanh niên công nhân bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
3.2. Hoạt động đồng hành với thanh niên trong hội nhập quốc tế
Triển khai các hoạt động quốc tế thanh niên phù hợp với điều kiện và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Trong đó, tập trung tổ chức các hoạt động tuyên truyền đối ngoại, đặc biệt là các hoạt động hướng tới kỷ niệm năm chẵn, năm tròn thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam với các nước; tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực tiếng Anh cho thanh thiếu niên (các cuộc thi tiếng Anh, các lớp học tiếng Anh miễn phí, thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện dạy tiếng Anh....) hoặc các hoạt động nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho thanh niên (tập huấn, hội thảo...).
3.3. Hoạt động chăm lo, hỗ trợ thanh thiếu nhi
- Tổ chức Ngày hội “Thiếu nhi vui, khỏe” trong các Liên đội tiểu học và
“Tiến bước lên Đoàn” trong các Liên đội Trung học cơ sở; tham gia sân chơi flashmob chủ đề “Cùng em làm việc tốt” nhân kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, triển khai
thực hiện Luật trẻ em và các văn bản pháp luật về bảo vệ và chăm sóc trẻ em nhằm
nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cộng
đồng và mọi tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.
- “CLB Tư vấn, trợ giúp trẻ em” cấp huyện tổ chức các đội hình tình nguyện hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn tâm lý, sức khỏe tâm thần cho học sinh quay trở lại trường học khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.
- Huy động các nguồn lực xã hội chăm lo đời sống, sức khỏe, kỹ năng thực
hành xã hội cho các đối tượng thanh thiếu nhi, đặc biệt là thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19 gắn với chương trình “Chia sẻ cùng em thơ - chung tay vượt qua đại dịch”.
- Tiếp tục triển khai các nhóm giải pháp để thực hiện hiệu quả phong trào “Thiếu nhi Phú Yên thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy”; triển khai thực hiện và hội thu phong trào "Kế hoạch nhỏ" để thực hiện công trình măng non cấp tỉnh xây dựng các khu vui chơi dành cho thiếu nhi.
4. Xây dựng Đoàn vững mạnh, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp
thanh niên
- Tổ chức đối thoại, trao đổi giữa bí thư cấp ủy và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp với các cấp bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên; gặp gỡ, trao đổi, đối thoại
giữa cán bộ Đoàn chủ chốt cấp huyện, với đoàn viên, thanh niên.
- Tổ chức Ngày đoàn viên cho đoàn viên đang lao động, công tác tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp ngoài nhà nước tập trung đông đoàn viên.
- Triển khai việc học tập các bài học lý luận chính trị trong đoàn viên.
- Tổ chức sinh hoạt chi đoàn chủ điểm gắn với chủ đề của Tháng Thanh
niên nhằm nâng cao nhận thức, hành động của đoàn viên.
- Tổ chức các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đoàn, phát triển đoàn viên mới
lớp đoàn viên chào mừng Đại hội Đoàn các cấp, Đại hội Đoàn tỉnh Phú Yên lần thứ X. Tăng cường giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp.
- Thực hiện triển khai đồng bộ phần mềm Quản lý đoàn viên tích hợp trên
ứng dụng Thanh niên Việt Nam.
5. Một số hoạt động trọng tâm cấp tỉnh
- Lễ phát động thi đua chào mừng Đại hội Đoàn các cấp nhiệm kỳ 2022 - 2027, Lễ khởi động Tháng Thanh niên năm 2022 và hưởng ứng Tết trồng cây năm 2022.
- Chỉ đạo các cơ sở Đoàn trên địa bàn toàn tỉnh đồng loạt ra quân Ngày cao điểm “Tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới” vào ngày 13/3, “Ngày chủ nhật xanh” vào ngày 20/3.
- Triển khai thực hiện công trình thanh niên cấp tỉnh chào mừng Đại hội Đoàn các cấp nhiệm kỳ 2022 - 2027.
- Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn và Tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác; tuyên dương cán bộ Đoàn tiêu biểu.
- Tổ chức Chương trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”.
- Tổ chức Chương trình “Tháng 3 biên giới” năm 2022.
- Tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.
- Triển khai ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe” trong khối Tiểu học và “Tiến bước lên Đoàn” trong khối Trung học cơ sở.
- Tổ chức Hội thao cán bộ Đoàn khối CĐ, ĐH, HV năm 2022.
- Tổ chức Ngày Đoàn viên năm 2022.
- Tổ chức Giải “Cánh Diều Mơ Ước” lần thứ XVI, năm 2022.
- Tổ chức Cuộc thi Theo dòng sự kiện dành cho các trường THPT trên địa bàn tỉnh.
KỶ NIỆM 63 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG (03/3/1959 - 03/3/2022) VÀ 33 NĂM NGÀY BIÊN PHÒNG TOÀN DÂN (03/3/1989 - 03/3/2022)
Ngày 19/11/1958, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định thống nhất các đơn vị bộ đội quốc phòng đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến và các lực lượng vũ trang khác chuyên trách công tác bảo vệ nội địa và biên phòng, giao cho ngành Công an trực tiếp chỉ đạo, lấy tên là lực lượng Cảnh vệ. Lực lượng Cảnh vệ gồm: Cảnh vệ Biên phòng và Cảnh vệ Nội địa.
Ngày 03/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 100-TTg về việc thành lập một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là Công an nhân dân Vũ trang, đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an. Ngày này được lấy làm ngày truyền thống của lực lượng bộ đội Biên phòng.
Để động viên sức mạnh toàn dân tham gia vào công tác biên phòng, ngày 22/2/1989, Hội đồng Bộ trưởng đã có Quyết định số 16/HĐBT lấy ngày 3/3 hàng năm là “Ngày biên phòng toàn dân”.
Nguồn: yenbai.gov.vn
KỶ NIỆM 112 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ (08/3/1910 - 08/3/2022)
Lịch sử ngày 8/3 bắt đầu từ phong trào đấu tranh đòi quyền sống của nữ công nhân ngành dệt nước Mỹ vào cuối thế kỳ XIX.
Ngày 8/3/1857, các công nhân ngành dệt đứng dậy chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ tại thành phố New York. Hai năm sau, cũng trong tháng 3, các nữ công nhân Hoa Kỳ trong hãng dệt thành lập công đoàn đầu tiên đã được bảo vệ và giành được một số quyền lợi.
Khoảng 50 năm sau, ngày 8/3/1908, 15.000 phụ nữ diễu hành trên các đường phố New York đòi tăng lương, giảm giờ làm việc và hủy bỏ việc bắt trẻ con làm việc. Sau đó, Đảng Xã hội Hoa Kỳ tuyên bố Ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày 28/2/1909.
Tuy nhiên, đến ngày 8/3/1910, tại Hội nghị phụ nữ do Quốc tế thứ 2 (Quốc tế Xã hội chủ nghĩa) tổ chức, 100 đại biểu phụ nữ thuộc 17 nước đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Chủ tịch Hội nghị là bà Clara Zetkin, phụ nữ Đức, đã đề nghị chọn một ngày quốc tế phụ nữ để nhớ ơn những phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới. Hội nghị đã quyết định chọn ngày 8/3 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu: “Ngày làm việc 8 giờ”, “Việc làm ngang nhau”, “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”.
Từ đó, ngày 8/3 hàng năm trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.
Ý nghĩa của ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3
Ở nước ta, vào ngày 8/3 còn là dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hai vị nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ nguyên bờ cõi, giang sơn đất Việt.
Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của các Lạc hầu, Lạc tướng, của những người yêu nước ở khắp các thị quận và đông đảo lực lượng là phụ nữ tham gia khởi nghĩa.
Được sự ủng hộ đông đảo của các lực lượng, cuộc Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã lan rộng khắp nơi. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Hai Bà Trưng, cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi, đập tan chính quyền đô hộ, buộc tướng Tô Định phải cải trang, cắt tóc, cạo râu trốn về nước.
Sau cuộc khởi nghĩa thắng lợi, Bà Trưng Trắc được các tướng lĩnh và nhân dân suy tôn làm vua. Bà lên ngôi và lấy niên hiệu là Trưng Nữ Vương; đóng đô ở Mê Linh (huyện Mê Linh – tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay).
Năm 42, nhà Hán lại kéo quân sang xâm lược nước ta. Hai Bà lại một lần nữa ra quân, phất cờ khởi nghĩa, bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, do chênh lệch thế lực với địch quá lớn nên cuộc khởi nghĩa chỉ kéo dài 2 năm. Hai Bà đã hy sinh anh dũng để bảo vệ dân tộc.
Thắng lợi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà trưng được đánh giá là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập và niềm tự hào dân tộc. Đồng thời, cuộc khởi nghĩa cũng là một minh chứng cho sức mạnh của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử nhân loại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại Việt Nam, để thể hiện sự tôn vinh những người phụ nữ, một nửa thế giới, người ta thường tổ chức rất trang trọng, tràn ngập hoa và những lời chúc tốt đẹp. Ngày 8/3 cũng là ngày nam giới thể hiện sự chăm sóc yêu thương cho người phụ nữ mà họ yêu quý.
Trong 365 ngày của một năm, phụ nữ có riêng một ngày để được xã hội quan tâm và bù đắp những thiệt thòi, vất vả trong cuộc sống. Họ luôn âm thầm hy sinh và chịu đựng để xây dựng hạnh phúc gia đình. Vì vậy, họ xứng đáng nhận được sự tôn trọng và quan tâm hơn nữa từ một nửa kia còn lại của thế giới, chia sẻ với họ những khó khăn trong công việc và gia đình.
Không ai có thể phủ nhận vai trò và trách nhiệm to lớn của người phụ nữ thời hiện đại: Họ vừa là người nội trợ, vừa tham gia lao động xã hội, đóng góp sức lực của mình vào sự phát triển của đất nước, không những thế họ còn giữ một thiên chức cao cả là một người mẹ, mang nặng đẻ đau ra những đứa con và nuôi dạy chúng thành người. Phụ nữ ngày nay đang dần khẳng định mình là phái đẹp chứ không còn là phái yếu như trước kia.
Nguồn: vietnamnet.vn
KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ HẠNH PHÚC (20/3/2013 - 20/3/2022)
Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, hay còn gọi là Ngày Hạnh phúc (International Day of Happiness), là ngày lễ được Liên hợp quốc quyết định chính thức trong Nghị quyết ngày 12/7/2012, chọn để tôn vinh niềm hạnh phúc của nhân loại trên thế giới.
- Nguồn gốc ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3:
Ngày Quốc tế Hạnh phúc được Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon chính thức công bố tại Hội nghị của Liên Hợp Quốc về vấn đề này từ tháng 6/2012. Đến nay, đã có 193 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam cùng cam kết ủng hộ, hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng một thế giới đại đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, đem lại hạnh phúc cho nhân loại.
Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, độ dài ngày và đêm bằng nhau - là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ.
Liên Hợp Quốc quyết định kỷ niệm ngày này theo đề xuất của Vương quốc Bhutan, một quốc gia nhỏ bé ở khu vực Nam Á, nằm sâu trong lục địa phía Đông dãy Himalaya.
Bắt đầu từ những năm 1970, nhà vua của vương quốc này đã đưa ra một cách thức mới đánh giá sự thịnh vượng của xã hội, đó là thông qua chỉ số hạnh phúc quốc gia, bên cạnh các chỉ số về kinh tế thường được dùng để đánh giá về sự giàu có vật chất.
Chỉ số này được tính toán dựa trên các yếu tố về sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân.
Trong cuộc họp phát động Ngày Hạnh phúc Thế giới, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon phát biểu: “Chúng ta cần một mô hình kinh tế mới nhận diện được tầm quan trọng của ba yếu tố tối cần thiết cho sự phát triển bền vững. Ba yếu tố đó gồm: Xã hội - Kinh tế - Môi trường. Nếu làm được cả 3 điều này, chúng ta sẽ có một thế giới hạnh phúc”.
Bhutan là quốc gia đã ghi nhận uy thế của hạnh phúc quốc gia hơn là thu nhập quốc gia từ những năm đầu tiên của thập kỷ 70 thế kỷ 20 và nổi tiếng với việc thực thi mục tiêu tổng hạnh phúc quốc gia thay vì tổng sản phẩm quốc nội.
Đại diện quốc gia Bhutan cho rằng nhu cầu về Ngày Hạnh phúc này là đối với tất cả quốc gia và con người trên toàn thế giới để có những bước vượt lên trên sự khác biệt giữa các nước và con người trên toàn thế giới và liên kết, đoàn kết nhân loại.
Điều đó cũng là biểu tượng của sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực…
Bởi vậy ngày 20/3 - Ngày Quốc tế Hạnh phúc cũng chuyển tải thông điệp rằng cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.
- Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 tại Việt Nam
Cũng như các quốc gia khác, để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển an sinh xã hội, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 do Liên Hiệp Quốc phát động, ngày 26/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2589/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hằng năm”.
Trên thế giới, nhiều tổ chức đưa ra cách thức đánh giá hạnh phúc của nhân loại, trong đó có Việt Nam dựa trên nhiều chỉ số.
Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 chuyển tải thông điệp rằng cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.
Nguồn: khoahoc.tv
KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THỂ THAO VIỆT NAM (27/3/1946 - 27/3/2022)
Ngay sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bác cũng là người khai sinh nền Thể dục thể thao của chế độ mới. Ngày 30-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ liên hiệp lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục Trung ương trong Bộ Thanh niên. Với mục tiêu “xét vấn đề thể dục rất cần thiết để tăng bổ sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam”, Sắc lệnh nêu rõ: Nha thể thao Trung ương có nhiệm vụ “liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Quốc gia giáo dục để nghiên cứu và thực hành thể dục trong toàn quốc”.
Gần hai tháng sau, căn cứ theo quyết định của Quốc dân đại hội Việt Nam (Quốc hội khóa 1) họp ngày 2-3-1946 khẳng định sự tổ chức của Chính phủ liên hiệp kháng chiến, thay mặt Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 27-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38 thiết lập Nha Thanh niên và Thể dục trong Bộ Quốc gia giáo dục. Nha gồm có Phòng Thanh niên Trung ương và Phòng Thể dục Trung ương. Đây là văn kiện lịch sử, được coi như cương lĩnh đầu tiên về xây dựng nền TDTT cách mạng của nước Việt Nam mới, thể hiện tập trung tư tưởng Hồ Chí Minh về TDTT, phục vụ sức khỏe của dân tộc và sự cường thịnh của Đất nước. Trên thực tế, với những quy định của Bộ Quốc Gia giáo dục, Phòng Thể dục Trung ương đảm nhiệm toàn bộ chức năng, nhiệm vụ của Nha Thể dục Trung ương cũ.
Cũng trong ngày 27-3-1946, trên các báo Cứu Quốc, Việt Nam khỏe và nhiều tờ báo khác đăng lời “Hồ Chủ tịch hô hào đồng bào tập thể dục: Sức khỏe và thể dục”. Trong bài viết, Người kêu gọi: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân khỏe mạnh tức là cả nước khỏe mạnh. Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước…”. Theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, nhiều nơi trong cả nước dấy lên phong trào Khoẻ vì nước rầm rộ trong năm 1946.
Ngày 29/1/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ký Quyết định số 25/CT lấy ngày 27/3 hằng năm làm “Ngày Thể thao Việt Nam”. Quyết định ghi rõ Ngày Thể thao Việt Nam được tổ chức hằng năm nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân và phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động thể thao văn hóa lành mạnh. Ngày 27/3/1946 chính thức là ngày thành lập ngành thể dục thể thao Việt Nam.
Chỉ thị 36/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) ngày 24/3/1994 về công tác thể dục thể thao trong giai đoạn mới đã chỉ rõ: “Mục tiêu cơ bản, lâu dài của công tác thể dục thể thao là hình thành nền thể dục thể thao phát triển và tiến bộ, góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân và phấn đấu đạt được vị trí xứng đáng trong các hoạt động thể thao quốc tế, trước hết là ở khu vực Đông Nam Á”.
Với những ý nghĩa lịch sử sâu sắc đó, ngày 27-3 được Nhà nước ta lấy làm “Ngày Thể thao Việt Nam” hàng năm để khích lệ phong trào TDTT quần chúng ngày càng được phát triển, nâng cao thành tích thể thao chuyên nghiệp, dần dần đưa TDTT trở thành một bộ phận của văn hóa dân tộc, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nguồn: https://tdtt.gov.vn
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
Đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam trong trái tim Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, thì “nước ta là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc. Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Các dân tộc anh em trong nước ta gắn bó ruột thịt với nhau trên một lãnh thổ chung và trải qua một lịch sử lâu đời cùng nhau lao động và đấu tranh để xây dựng Tổ quốc tươi đẹp.
Bác Hồ và phụ nữ các dân tộc thiểu số Việt Bắc. (Ảnh tư liệu)
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, bao gồm các dân tộc Kinh, Mường, Mán, Thổ, Tày, Nùng, Thái, Dao, Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Chăm, Khơme… Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã cho thấy, bất kỳ ở đâu và trong thời điểm nào thì đồng bào các dân tộc thiểu số anh em cũng kề vai, sát cánh cùng với đồng bào Kinh để cùng chống thiên tai, địch họa, dịch bệnh... Bất cứ một dải đất biên cương nào của Tổ quốc cũng có sự góp sức, không kể máu xương của đồng bào các dân tộc anh em. Vì thế, trong suy nghĩ và tình cảm của mình, trong trái tim Chủ tịch Hồ Chí Minh, 54 dân tộc anh em sinh sống trên mọi miền đất nước đều là anh em một nhà/đều là thành viên không thể chia cắt của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
1. "Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau"[1]
Do những đặc điểm thuộc về địa chính trị, đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam thường cư trú ở vùng miền núi và biên giới. Đó là những địa bàn "phên dậu", "tường thành", có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng từ vị trí, vai trò và tiềm năng to lớn của đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự nghiệp cách mạng cả nước nói chung và miền núi, biên giới nói riêng, ngay từ khi nước nhà còn đắm chìm trong đêm trường nô lệ, các tầng lớp nhân dân phải sống đọa đày đau khổ dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc.
Ngày 28/1/1941, trở về Tổ quốc sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người cũng chọn Cao Bằng - nơi đồng bào các dân tộc luôn một lòng theo Đảng; nơi có phong trào đấu tranh chống đế quốc, phong kiến tốt từ trước; đồng thời, cũng là nơi sinh sống của nhiều đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh, Hoa, Lô Lô... để xây dựng căn cứ địa cách mạng của cả nước, nuôi giấu cán bộ, xây dựng mạng lưới giao thông liên lạc, tổ chức các lực lượng cách mạng. Đó cũng là địa bàn Người tiến hành tuyên truyền, giáo dục và cổ vũ đồng bào các dân tộc tham gia phong trào cách mạng, tham gia Mặt trận Việt Minh, tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc…
Trong những năm tháng đầy khó khăn, thử thách đó, đồng bào các dân tộc thiểu số không chỉ căm thù bọn giặc, một lòng kiên trung, tin tưởng và đi theo Đảng, mà còn góp sức, góp công để gây dựng phong trào cách mạng ngày càng lớn mạnh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các dân tộc anh em ở khắp mọi miền của Tổ quốc đã không quản hy sinh, góp phần quan trọng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, sự đoàn kết giữa các dân tộc, giữa dân tộc Kinh với các dân tộc thiểu số anh em, nhất là giữa các dân tộc thiểu số với nhau để cùng chung sức, đồng lòng tiến hành thắng lợi sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng là cực kỳ quan trọng. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu nước nhà mới giành được độc lập, giữa muôn vàn khó khăn thử thách, vừa phải tập trung cho nhiệm vụ chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm đang rình rập, vừa phải thực thi chính sách nội trị, chuẩn bị tiến hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I… Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đặc biệt quan tâm đến đồng bào các dân tộc thiểu số.
Theo Người, sự đoàn kết, kề vai sát cánh của đồng bào các dân tộc thiểu số với đồng bào Kinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn quan trọng; cần phải được củng cố, giữ gìn và phát huy. Thực tế, giành chính quyền đã khó, nhưng giữ chính quyền còn khó hơn nhiều, nên việc củng cố, phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, đoàn kết đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng để cùng tập trung cho nhiệm vụ tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm.
Cụ thể, ngày 18/10/1945, chỉ hơn 40 ngày sau khi tuyên bố Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào tỉnh Lào Cai; trong đó, Người căn dặn rằng: "Đồng bào chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, phải tranh đấu đến kỳ cùng để mưu tự do hạnh phúc cho dân tộc…Tất cả nhân dân Lao Cai, không phân biệt trai gái, già trẻ, giàu nghèo, lương giáo, không phân biệt Mán, Mường, Mèo, v.v., cùng nhau hăng hái đứng lên phấn đấu để củng cố nền độc lập của nước nhà và xây dựng nền hạnh phúc tự do cho dân chúng"[2].
Ngày 23/11/1945, trong "Bài nói chuyện với đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định và căn dặn đồng bào Thổ, Mán: "Tuy ta được độc lập, nhưng dân ta sẽ còn gặp phải rất nhiều nỗi khó khăn, còn phải hy sinh phấn đấu nhiều hơn nữa. Từ người giàu cho chí kẻ nghèo cần phải một lòng giữ vững nền độc lập, chống bọn Pháp muốn trở lại nước ta lần nữa. Bao giờ bọn giặc Pháp không trở lại được nữa, đồng bào Kinh sẽ được rảnh rang giúp đồng bào Thổ, Mán nhiều hơn. Chính phủ cũng sẽ giúp cho đồng bào Thổ, Mán như sẽ giúp cho các dân tộc nhỏ khác được có đủ ruộng làm, đủ trâu bò cày..."[3].
Đến dự và phát biểu tại Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam (3/12/1945), Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định rằng: “Nhờ sức đoàn kết trong đấu tranh của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không có sự phân chia nòi giống, tiếng nói gì nữa”[4], mà còn hứa, "Chính phủ sẽ gắng sức giúp đỡ đồng bào về mọi mặt" như kinh tế, văn hóa. Đồng thời, Người cũng nhấn mạnh trách nhiệm của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam đối với vận mệnh của đất nước và nền độc lập dân tộc vừa giành được; đó là "trước kia, các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng cần đoàn kết hơn nữa”[5].
Gắn bó, "nếm mật nằm gai" cùng đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc trong suốt những năm đấu tranh giành chính quyền, ngày 20/3/1946, trong "Thư gửi đồng bào các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Đông" ngày 20/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ lòng mình vì bận nhiều công việc, nên "không thể trả lời riêng cho mỗi đoàn thể hay mỗi một đồng bào". Song Người "luôn luôn nhớ đến lòng yêu mến và sự giúp đỡ của các đồng bào trong những ngày tháng tôi ở thượng du. Tôi luôn luôn nhớ đến tình thân mật mà các đồng bào đối với tôi trong những lúc chúng ta gặp gỡ nhau... Tôi luôn nhớ đến những lúc tôi đau ốm, anh chị em săn sóc ân cần như ruột thịt. Vì vậy, người tôi tuy có xa cách nhưng lòng tôi vẫn luôn luôn gần gũi anh em. Tôi chắc rằng cái tình thân ái ấy không bao giờ phai lạt"[6].
Đoàn kết luôn là điểm gốc, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong suốt hành trình dựng nước và giữ nước. Vì thế, trong "Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plâycu" (19/4/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nhấn mạnh rằng, "hôm nay, đồng bào khai hội, sum họp một nhà thật là vui vẻ" mà còn khẳng định vai trò và sự đoàn kết giữa các dân tộc anh em đối với sự tồn vong của quốc gia. Trong đó, Người chỉ rõ: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”[7]. Cũng theo Người, "giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta", dù "sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta".
Trong "Thư gửi đồng bào thiểu số Thanh Hóa" ngày 21/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ sự tiếc nuối khi không kịp lên thăm đồng bào và nhắn nhủ: "Tôi lấy làm tiếc. Lần sau tôi sẽ lên thăm đồng bào. Lúc này toàn thể quốc dân đang ra sức chống giặc cứu nước. Tôi chắc đồng bào Thượng du đều ra sức đoàn kết chuẩn bị tham gia giết giặc cứu nước để giữ vững quyền thống nhất độc lập của Tổ quốc"[8]. Tiếp đó, cũng trong thư "Gửi đồng bào Thượng du" viết tháng 2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ ghi nhận sự góp sức của đồng bào Thổ, Mường, Nùng, Mèo, Mán… trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà còn "thay mặt Chính phủ, cảm ơn đồng bào, và trân trọng hứa rằng: Đến ngày kháng chiến thắng lợi, độc lập thành công, Tổ quốc và Chính phủ sẽ luôn luôn ghi nhớ những công lao của các đồng bào"[9]…
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã kết thúc thắng lợi. Rời Việt Bắc "Thủ đô gió ngàn", rời đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ, Trung ương Đảng trở về Thủ đô để tiếp tục lãnh đạo nhân dân cả nước vừa tiến hành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; vừa xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa trở thành hậu phương lớn để chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.
2. Tiếp tục quan tâm và chăm lo cho đồng bào, củng cố và tăng cường sự đoàn kết giữa các dân tộc anh em
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, thì “nước ta là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc. Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Các dân tộc anh em trong nước ta gắn bó ruột thịt với nhau trên một lãnh thổ chung và trải qua một lịch sử lâu đời cùng nhau lao động và đấu tranh để xây dựng Tổ quốc tươi đẹp. Các dân tộc thiểu số đã sát cánh với anh em đa số chiến đấu chống kẻ thù chung, đưa Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến đến thắng lợi… Chính sách dân tộc của chúng ta là nhằm thực hiện sự bình đẳng giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội”[10]. Vì thế, miền Bắc tuy được giải phóng và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng một nửa đất nước vẫn đang còn "đầu rơi, máu chảy" bởi sự đàn áp dã man của chính quyền Sài Gòn và sự can thiệp, đàn áp của đế quốc Mỹ khi trực tiếp nhảy vào tham chiến ở miền Nam. Điều đó cũng có nghĩa là, đồng bào các dân tộc thiểu số ở phía Nam, ở miền Trung và Tây Nguyên vẫn phải tiếp tục cùng đồng bào Kinh kiên cường kháng chiến để giành lại một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Còn ở miền Bắc, ngày 7/5/1955, trong "Thư gửi đồng bào Khu tự trị Thái - Mèo", Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Vùng Tây Bắc ta được hoàn toàn giải phóng, đó là do các dân tộc đoàn kết chặt chẽ, hăng hái kháng chiến; do bộ đội ta anh dũng đánh giặc; do Đảng và Chính phủ ta lãnh đạo sáng suốt”. Vì thế, Chính phủ quyết định thành lập Khu tự trị Thái - Mèo "là một bộ phận khăng khít trong đại gia đình Việt Nam, cùng với các dân tộc anh em khác đoàn kết thành một khối như ruột thịt"; với mục đích "làm cho các dân tộc anh em ở nơi đây dần dần tự quản lý lấy công việc của mình, mau chóng phát triển kinh tế và văn hoá của mình, thực hiện các dân tộc bình đẳng về mọi mặt"[11], làm cho miền núi ngày càng tiến kịp miền xuôi. Muốn đạt được như vậy, đồng bào phải đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc, phải thương yêu, phải thi đua tăng gia sản xuất và nhất là phải luôn tỉnh táo trước sự chia rẽ, phá hoại của địch… Sự đồng tâm, hợp lực của tất cả đồng bào sẽ góp phần làm cho Khu tự trị ngày càng phát triển và tiến bộ, xứng đáng với cuộc đấu tranh của nhân dân cả nước.
Không chỉ quan tâm, gửi thư thăm hỏi đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tiếp nhiều đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số tại Phủ Chủ tịch như: Đoàn Liên khu 4 ra Thủ đô dự Lễ Quốc khánh (8/1958); Đoàn đại biểu các dân tộc tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng gồm tỉnh Quảng Yên và Khu Hồng Gai cũ (10/1958); Đoàn đại biểu các dân tộc khu Lao - Hà - Yên (11/1958); Đoàn đại biểu các dân tộc ít người về dự Lễ kỷ niệm ngày 1 tháng 5 ở Thủ đô (5/1959)… Đặc biệt, trong buổi tiếp đoàn đại biểu các dân tộc ít người, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đồng bào phải đoàn kết, thương yêu nhau, hòa thuận và cùng nhau tổ chức lại, phát triển tổ đổi công, hợp tác xã để làm cho đời sống ngày càng ấm no; đồng thời khẳng định rằng: "Đảng và Chính phủ lúc nào cũng chú ý đến đồng bào vùng cao và ngày càng hết sức chú ý giúp đỡ đồng bào nhiều hơn nữa"[12].
Ngày 8/5/1959, nhân kỷ niệm 5 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tố Hữu, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đến thăm cán bộ, bộ đội, đồng bào Thuận Châu (Sơn La). Nói chuyện với đồng bào và cán bộ, Người không chỉ khen ngợi tinh thần đoàn kết trong kháng chiến và trong sản xuất của tất cả đồng bào, bộ đội, cán bộ toàn Khu Tây Bắc, mà còn ân cần nhắc nhở đồng bào các dân tộc Thái, Mèo, Mường, mán, Thổ, U Ni, Xá, Phù Lá, Chi La, Puộc, Lào, Lự, Dao, Len Ten, Cò Sung, Xạ Phang, Nhắng… cần phải đoàn kết hơn nữa, thi đua hơn nữa để phát triển kinh tế, tăng gia sản xuất, cải tiến kỹ thuật, vệ sinh phòng bệnh, làm cho bản mường sạch sẽ…; và nhất là "tiêu diệt cho hết giặc đói, giặc dốt, làm cho mọi người đều được no ấm, đều biết chữ, làm cho mọi người đều được hưởng hạnh phúc, yên vui"[13].
Năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất phát triển nền kinh tế quốc dân, nói chuyện tại Hội nghị tổng kết cuộc vận động hợp tác xã nông nghiệp ở miền núi (8/10/1961), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh 4 vấn đề đồng bào các dân tộc thiểu số cần phải thực hiện:
Một là, phải tăng cường đoàn kết dân tộc. Ðây là một công tác rất quan trọng, có nội dung mới và rộng hơn. Các dân tộc miền núi đoàn kết chặt chẽ, các dân tộc thiểu số đoàn kết với dân tộc đa số; trong đó, cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên phải gương mẫu.
Hai là, phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi; cán bộ người Kinh phải giúp đỡ anh em cán bộ địa phương, nhưng phải làm sao cho cán bộ địa phương tiến bộ, để anh em tự quản lý lấy công việc ở địa phương chứ không phải là bao biện làm thay.
Ba là, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, làm cho đời sống đồng bào địa phương ngày càng khá hơn cả về vật chất và tinh thần; trong đó, phairchus trọng cả cây trồng và vật nuôi cùng với phát triển nghề rừng.
Bốn là, phải nâng cao cảnh giác cách mạng, giữ vững trật tự trị an, để làm cho tất cả cán bộ và đồng bào tỉnh táo đề phòng, kịp thời ngăn chặn âm mưu phá hoại của địch[14]…
Những nội dung quan trọng mà Người ân cần nhắc nhở này không chỉ thể hiện rõ sự quan tâm và trăn trở mà còn cho thấy cả định hướng triển khai những giải pháp, nhiệm vụ trọng yếu để củng cố khối đoàn kết giữa các dân tộc anh em nói riêng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc nói chung trong tiến trình cả nước đồng thời thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược.
Một trong những vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, đó chính là việc thực hiện công tác tư tưởng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam. Giá trị không thể phủ nhận được của công tác tư tưởng chính là sự chuyển biến từ nhận thức sang hành động, nhận thức đúng để hành động đúng. Vì vậy, tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi (31/8/1963), Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, huấn luyện ở miền núi, đối với miền núi mà còn yêu cầu những người làm công tác tuyên giáo phải chú ý trong cách tuyên truyền "để người ta hiểu được, hiểu để làm"; trong đó, mọi nội dung tuyên truyền đều không ngoài 3 nội dung chính (đoàn kết; xây dựng chủ nghĩa xã hội; kháng chiến để đòi độc lập).
Đồng thời, Người căn dặn: Cán bộ làm công tác tuyên truyền phải xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, tình thương yêu chân thành và có tinh thần hết lòng phục vụ đồng bào để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các ngành, các cấp ở Trung ương "phải nhận trách nhiệm ở Hội nghị này, phải có kế hoạch giúp đỡ thiết thực đồng bào miền núi"[15], để "ra sức giúp đỡ đồng bào phát triển những việc có lợi ích cho đời sống vật chất và văn hóa của các dân tộc", để từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các dân tộc anh em với nhau, giữa miền núi và miền xuôi...
Năm 1964, khi nói chuyện với đồng bào tỉnh Thái Nguyên và công nhân khu gang thép (1/1/1964) cũng như khi nói tại Hội nghị cán bộ phụ nữ miền núi (19/3/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh đều tập trung nhấn mạnh việc đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, chị em phụ nữ ở các tỉnh miền núi nói riêng phải giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết, vì đoàn kết chính là sức mạnh; phải cùng tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; phải thanh toán nạn mù chữ, xây dựng nếp sống mới; phải nâng cao cảnh giác và giữ gìn tốt trật tự trị an; nhất là cán bộ phải gần dân và làm đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước…
Lịch sử cách mạng Việt Nam hiện đại đã chứng minh rằng, trong đêm trường nô lệ hay khi đã là chủ nhân của một nước Việt Nam độc lập, tự do, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thì đồng bào các dân tộc thiểu số cũng luôn sát cánh cùng đồng bào Kinh; cũng luôn góp sức người, sức của cho sự nghiệp chung. Đồng thời, cũng có thể thấy rằng, quan điểm nhất quán, rõ ràng, trước sau như một của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào các dân tộc thiểu số anh em thông qua những bức thư, những lời phát biểu, những buổi gặp gỡ, những chuyến đi thăm đồng bào…đó chính là "đoàn kết các dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào".
Quan điểm này cũng được thể hiện rõ trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hơn 76 năm qua, nhất là trong hơn 35 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế. Trong từng quyết sách về chính sách dân tộc, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc nói chung, phát triển khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa nói riêng, việc triển khai các Chương trình 135 về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; Chương trình 134 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo ở vùng sâu, vùng xa…đã đem lại hiệu quả thiết thực. Đó chính là thực hiện xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, phát triển giáo dục, nâng cao dân trí; tôn trọng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa; xây dựng cơ sở chính trị, đội ngũ cán bộ và đảng viên của các dân tộc ở các vùng, các cấp trong sạch vững mạnh… để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn an ninh, quốc phòng vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.
Đồng thời, quán triệt nguyên tắc đảm bảo bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc, các cơ quan ban, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương cùng cấp ủy, chính quyền sở tại đã triển khai các nhóm giải pháp nhằm từng bước tháo gỡ những vướng mắc, những khó khăn đặc thù của vùng đồng bào dân tộc (dân cư thưa thớt, tập quán sống và canh tác lạc hậu, thậm chí không ít dân tộc còn du canh, du cư) trong điều kiện giao thông bị chia cắt, cách trở do sông núi hiểm trở, lại thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai khắc nghiệt…nhằm thu hẹp khoảng cách vùng, miền. Cùng với đó, cổ vũ, động viên tinh thần tự nỗ lực, tự phấn đấu vươn lên của đồng bào, để không chỉ từng bước nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào mà còn góp phần củng cố và tăng cường khối đoàn kết giữa các dân tộc thiểu số nói riêng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc nói chung!.
TS. Văn Thị Thanh Mai/(HCM.VN)
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.249
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.67
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.119
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.130
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.130
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.239
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.249
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.78
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.86
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.371-372
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.9, tr.453
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.199
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.204
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.13, tr.225-226
[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr.168
Theo https://tuyengiao.phuyen.gov.vn
VĂN BẢN MỚI: nội dung:
/uploads/news/2022_03/10-nq-twdtn-btc-08-02-2022.pdf
NHỮNG QUY ĐỊNH, CHÍNH SÁCH NỔI BẬT CÓ HIỆU LỰC TRONG THÁNG 3/2022
Từ ngày 1/3, nhiều chính sách về bảo hiểm, lao động - tiền lương cũng như điều kiện mới về kinh doanh bất động sản, lệ phí trước bạ sẽ chính thức có hiệu lực.
Tiền lương làm căn cứ bồi thường tai nạn lao động
Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật An toàn, vệ sinh lao động về chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/3/2022.
Theo đó, tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp tai nạn lao động và tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc điều trị, phục hồi chức năng theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi xảy ra tai nạn lao động hoặc trước khi bị bệnh nghề nghiệp.
Nếu thời gian làm việc, học nghề, tập nghề, thử việc, tập sự không đủ 6 tháng thì tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường, trợ cấp là tiền lương được tính bình quân của các tháng trước liền kề thời điểm xảy ra tai nạn lao động hoặc thời điểm xác định bị bệnh nghề nghiệp.
Mức tiền lương tháng nêu trên được xác định theo từng đối tượng như sau:
- Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân thì mức tiền lương tháng bao gồm tiền lương cấp bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp (nếu có) liên quan đến tiền lương (phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp thâm niên vượt khung).
- Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thì mức tiền lương tháng bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác mà hai bên đã xác định trong hợp đồng lao động.
- Đối với người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động có mức lương học nghề, tập nghề thì mức lương tháng là tiền lương học nghề, tập nghề do hai bên thỏa thuận; trong trường hợp không có mức lương học nghề, tập nghề thì tiền lương làm căn cứ bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động là mức lương tối thiểu do Chính phủ công bố tại địa điểm người học nghề, tập nghề làm việc.
- Đối với công chức, viên chức trong thời gian tập sự thì mức lương tháng là tiền lương tập sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
- Đối với người lao động đang trong thời gian thử việc thì mức lương tháng là tiền lương thử việc do hai bên thỏa thuận theo quy định của Bộ luật Lao động áp dụng.
Thay đổi nhiều quy định về kinh doanh bất động sản
Có hiệu lực từ ngày 1/3, Nghị định số 02/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản quy định: Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải đáp ứng 3 nhóm điều kiện. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã, có ngành nghề kinh doanh bất động sản (doanh nghiệp).
Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, tại trụ sở Ban Quản lý dự án (đối với các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản), tại sàn giao dịch bất động sản (đối với trường hợp kinh doanh qua sàn giao dịch bất động sản) các thông tin về: doanh nghiệp (bao gồm tên, địa chỉ trụ sở chính, số điện thoại liên lạc, tên người đại diện theo pháp luật); bất động sản đưa vào kinh doanh theo quy định tại khoản 2, Điều 6 của Luật Kinh doanh bất động sản; việc thế chấp nhà, công trình xây dựng, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh (nếu có); số lượng, loại sản phẩm bất động sản được kinh doanh, số lượng, loại sản phẩm bất động sản đã bán, chuyển nhượng, cho thuê mua và số lượng, loại sản phẩm còn lại đang tiếp tục kinh doanh.
Các tổ chức, cá nhân chỉ kinh doanh các bất động sản có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 9, Điều 55 của Luật Kinh doanh bất động sản.
Đối với trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án bất động sản theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư đó phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha, không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên. Khi thực hiện kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư dự án phải đáp ứng điều kiện quy định nêu trên.
Nghị định cũng quy định điều kiện chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai và chuyển nhượng hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng có sẵn.
Việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng phải đảm bảo 4 điều kiện. Cụ thể, có hợp đồng mua bán, thuê mua được lập theo quy định; trường hợp các bên đã ký hợp đồng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành phải có hợp đồng đã ký kết; thuộc diện chưa nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận); hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng phải thuộc diện không có tranh chấp, khiếu kiện; nhà, công trình xây dựng thuộc hợp đồng mua bán, thuê mua không thuộc diện bị kê biên, thế chấp để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được bên nhận thế chấp đồng ý.
Quy định mới về lệ phí trước bạ
Theo Nghị định số 10/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ, quy định ô tô điện chạy pin, trong vòng 3 năm kể từ ngày 1/3/2022, nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 0%;trong vòng 2 năm tiếp theo, nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi
Theo đó, mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ (%). Cụ thể, mức thu với nhà, đất, là 0,5%; mức thu với súng săn, súng dùng để tập luyện, thi đấu thể thao là 2%; mức thu với tàu thủy, kể cả sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy, tàu ngầm, tàu lặn, thuyền, kể cả du thuyền, tàu bay là 1%.
Mức thu với xe máy là 2%. Riêng xe máy của tổ chức, cá nhân ở các thành phố trực thuộc trung ương; thành phố thuộc tỉnh; thị xã nơi Ủy ban nhân dân tỉnh đóng trụ sở nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 5%; đối với xe máy nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi được áp dụng mức thu là 1%. Trường hợp chủ tài sản đã kê khai, nộp lệ phí trước bạ đối với xe máy là 2%, sau đó chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn quy định nêu trên thì nộp lệ phí trước bạ với mức thu là 5%.
Ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô, mức thu là 2%.
Riêng ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (bao gồm cả xe con pick-up), nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 10%. Ô tô pick-up chở hàng có khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông nhỏ hơn 950 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống, ô tô tải VAN có khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông nhỏ hơn 950 kg nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 60% mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống.
Với ô tô điện chạy pin, trong vòng 3 năm kể từ ngày 1/3/2022, nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 0%; trong vòng 2 năm tiếp theo, nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.
Các loại ô tô quy định nêu trên, nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi với mức thu là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Tăng 7,4% lương hưu, trợ cấp BHXH
Đây là nội dung tại Thông tư 37/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
Theo đó, từ ngày 1/1/2022, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng tăng 7,4% so với mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng của tháng 12/2021 với:
- Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng;
- Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng;
- Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/3./.
Theo https://dangcongsan.vn/
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ĐOÀN