Nội dung tải tại đây:
/uploads/news/2022_05/tai-lieu-sinh-hoat-chi-doan-thang-52022.doc
THEO DÒNG LỊCH SỬ
-------
- 01/5/1886: Ngày Quốc tế Lao động.
- 05/5/1902: Ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu
- 07/5/1954: Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ.
- 09/5/1945: Ngày Chiến thắng chủ nghĩa Phát xít.
- 15/5/1941: Ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.
- 19/5/1890: Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- 19/5/1941: Ngày thành lập Mặt trận Việt Minh.
KỶ NIỆM 132 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/05/1890 - 19/05/2022)
Khái quát về tiểu sử và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969)
Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng Người lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và nhiều bí danh, bút danh khác) sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho, nguồn gốc nông dân, ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nơi có truyền thống đấu tranh kiên cường chống ách thống trị của thực dân phong kiến. Hoàn cảnh xã hội và sự giáo dục của gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc đến Người ngay từ thời niên thiếu. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, thương dân sâu sắc, sự nhạy bén về chính trị, Người đã bắt đầu suy nghĩ về những nguyên nhân thành bại của các phong trào yêu nước lúc bấy giờ và quyết tâm ra đi tìm con đường để cứu dân, cứu nước.
Quá trình hoạt động cách mạng ngoài nước - Tìm con đường giải phóng dân tộc. Tháng 6/1911, Người đi ra nước ngoài, suốt 30 năm hoạt động, Người đã đi đến nước Pháp và nhiều nước châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ. Người hòa mình với những phong trào của công nhân và nhân dân các dân tộc thuộc địa, vừa lao động kiếm sống, vừa học tập, hoạt động cách mạng và nghiên cứu các học thuyết cách mạng.
Năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp và hoạt động trong phong trào công nhân Pháp. Tháng 6/1919, thay mặt Hội Những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người gửi tới Hội nghị Versailles (Pháp) Bản yêu sách của nhân dân An Nam, yêu cầu Chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam.
Tháng 12/1920, tại Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp tại thành phố Tours, Người bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến chủ nghĩa cộng sản.
Năm 1921, tại Pháp, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, nhằm tuyên truyền cách mạng trong nhân dân các nước thuộc địa. Đặc biệt, Người viết tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” lên án mạnh mẽ chế độ thực dân, thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân các nước thuộc địa.
Ngày 30/6/1923, Người đến Liên Xô và bắt đầu một thời kỳ hoạt động, học tập và nghiên cứu về chủ nghĩa Mác – Lênin, về chế độ xã hội chủ nghĩa ngay trên đất nước Lênin vĩ đại. Tại Đại hội lần thứ I Quốc tế Nông dân (10/1923), Người được bầu vào Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân. Năm 1924, Người dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản và được cử làm cán bộ Ban phương Đông của Quốc tế Cộng sản, đồng thời là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân. Nguyễn Ái Quốc được giao nhiệm vụ theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng ở một số nước Châu Á .
Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông, sáng lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ra báo Thanh niên để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về trong nước, đồng thời mở lớp đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam.
Ngày 03/02/1930, tại Cửu Long (Hồng Kông), Người triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước, thống nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1930 đến năm 1940, Người tham gia công tác của Quốc tế Cộng sản ở nước ngoài, đồng thời theo dõi sát phong trào cách mạng trong nước và có những chỉ đạo đúng đắn cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta.
Sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, năm 1941 Người trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người đã triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám, quyết định đường lối đánh Pháp, đuổi Nhật, thành lập Mặt trận Việt Minh, gấp rút xây dựng lực lượng vũ trang, đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng quần chúng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Thực hiện chỉ thị của Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, tại khu rừng Sam Cao, thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy.
Tháng 8/1945, Người cùng Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng và chủ trì Đại hội Quốc dân ở Tân Trào. Đại hội tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng và Tổng bộ Việt Minh, cử Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thay mặt Chính phủ lâm thời, Người đã phát lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng lên Tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân lao động. Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người tuyên bố trước nhân dân cả nước và nhân dân thế giới quyền độc lập của dân tộc Việt Nam.
Tháng 9/1945, thực dân Pháp câu kết với đế quốc Mỹ, Anh và lực lượng phản động Quốc dân Đảng (Trung Quốc) trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Quân đội Pháp mở rộng đánh chiếm miền Nam và lấn dần từng bước kéo quân đánh chiếm miền Bắc, âm mưu tiến tới xóa bỏ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 09/01/1946, đã diễn ra cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lần đầu tiên trong cả nước. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Tháng 12/1946, Bác ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, tiếp tục cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tháng 7/1954, với thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, Hiệp định Géneva được ký kết. Miền Bắc được giải phóng. Miền Nam bị đế quốc Mỹ xâm lược biến thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Người cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Tháng 9/1960, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Đảng Lao động Việt Nam, Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Người, nhân dân ta vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ngày 02/9/1969, mặc dù đã được các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng do tuổi cao sức yếu, Người đã từ trần, hưởng thọ 79 tuổi.
Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc đời trong sáng cao đẹp của một người cộng sản vĩ đại, một anh hùng dân tộc kiệt xuất, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, đã đấu tranh không mệt mỏi và hiến dâng cả đời mình cho Tổ quốc, cho nhân dân, vì lý tưởng cộng sản, vì độc lập, tự do của các dân tộc bị áp bức, vì hòa bình và công lý trên thế giới. Năm 1987, tại kỳ họp lần thứ 24, Tổ chức Giáo dục - Văn hóa - Khoa học của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết tôn vinh Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và nhà văn hóa kiệt xuất” .
Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng
KỶ NIỆM 68 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 -7/5/2022)
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã trở thành một trong những chiến công chói lọi, như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX trong lịch sử dân tộc; là kết quả sự hội tụ của nhiều nhân tố, trong đó có bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.
Điện Biên Phủ - vị trí chiến lược quan trọng
Điện Biên Phủ là một thung lung lòng chảo rộng lớn ở phía Tây vùng núi Tây Bắc, có chiều dài khoảng 20 km, rộng từ 6-8km; cách Hà Nội khoảng 200km, cách Luang Prabang (Lào) khoảng 190km theo đường chim bay. Theo đánh giá của tướng H.Navarre và các nhà quân sự Pháp - Mỹ thì “Điện Biên Phủ là một vị trí chiến lược quan trọng đối với chiến trường Đông Dương và cả miền Đông Nam Á, nằm trên trục giao thông nối liền các miền biên giới của Lào, Thái Lan, Miến Điện (Myanmar) và Trung Quốc”. "Điện Biên Phủ là một cánh đồng rộng lớn nhất, đông dân và giàu có nhất vùng Tây Bắc". Từ Điện Biên Phủ, quân Pháp có thể bảo vệ được Lào, rồi từ đó đánh chiếm lại các vùng đã mất ở Tây Bắc trong những năm 1952-1953 và tạo điều kiện thuận lợi để tiêu diệt các sư đoàn chủ lực của ta.
Đánh giá Điện Biên Phủ là một vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất ở Đông Dương, nên sau khi đánh chiếm Điện Biên Phủ vào ngày 20-11-1953, quân Pháp không ngừng tăng thêm binh lực, vũ khí, trang thiết bị quân sự, xây thêm nhiều công sự, đồn lũy và các loại vật tư khác. Được sự giúp đỡ của Mỹ về cố vấn, trang bị kỹ thuật, kinh tế, Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương.
Tính đến tháng 3-1954, tại Điện Biên Phủ đã có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội máy bay thường trực (14 chiếc). Sau này trong quá trình chiến dịch, quân Pháp tăng viện thêm 4 tiểu đoàn, 2 đại đội lính dù, tổng cộng có 17 tiểu đoàn, phần lớn đều là lính tinh nhuệ. Ngoài ra còn có các quân chủng pháo binh, công binh, thiết giáp, phân đội hỏa pháo. Tổng số quân tăng lên hơn 16.000 người và 300 máy bay vận tải tiếp tế, có sự chi viện của không quân Mỹ.
Về phía ta, việc quân Pháp nhảy dù tái chiếm Điện Biên Phủ không làm đảo lộn kế hoạch tác chiến chiến lược Đông Xuân 1953-1954 của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, ngay cả trên hướng Tây Bắc. Trên các hướng đã được xác định, khối chủ lực vẫn mở các cuộc tiến công đúng như kế hoạch gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại và bị động đối phó.
Tại Hội nghị phổ biến nhiệm vụ quân sự và kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 diễn ra cùng thời điểm quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng, “địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ là để che chở cho Lai Châu và Thượng Lào bị uy hiếp. Như vậy là bị động phân tán lực lượng để đối phó với ta. Vô luận rồi đây, địch tình thay đổi thế nào, địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản là có lợi cho ta”.
Các đòn tiến công chiến lược quan trọng của ta trong Đông Xuân 1953-1954 đã buộc khối cơ động của địch phải phân tán đối phó trên nhiều hướng, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Việt Nam thực hiện trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.
Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng
Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh Trần Đình, nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng, Lê Liêm - Chủ nhiệm Chính trị, Đặng Kim Giang - Chủ nhiệm Cung cấp.
Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng!”, cả nước dồn sức cho chiến trường Điện Biên Phủ. Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã quyết định tập trung 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo với tổng quân số trên 40.000 quân. Các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch. Trên 260.000 dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn, hướng về Điện Biên bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch... Đến đầu tháng 3-1954, công tác chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch đã hoàn thành.
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có tất cả 49 cứ điểm, được chia làm 3 phân khu. Trên chiến trường, ta mở ba đợt tiến công vào Điện Biên Phủ. Đợt 1 của chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn ngày 13-3-1954, với trận tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam thuộc vòng ngoài Phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm. Đợt 2 diễn ra ngày 30-3-1954, đánh vào phân khu trung tâm. Đợt 3 chiến dịch diễn ra ngày 1-5 và kết thúc ngày 7-5-1954, đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu, vượt qua muôn vàn gian khổ, “gan không núng, chí không mòn”, đến chiều ngày 7-5-1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng!
Khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ tự lực cánh sinh, đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, ý chí chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ đi vào lịch sử của dân tộc ta như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa kiểu cũ của chủ nghĩa đế quốc.
Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ đã khẳng định sức mạnh to lớn của nhân dân Việt Nam. Có thể nói, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã hoàn toàn bất ngờ trước sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, trước việc “Việt Minh” có đủ lương thực và vũ khí để chiến đấu liên tục trong suốt gần hai tháng trên địa bàn hiểm trở, xa hậu cứ trước việc xuất hiện của trọng pháo trên trận địa đỉnh núi…
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn Hội nghị cùng ký Hiệp định Geneve chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược (1945-1954) ở Đông Dương, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng. Hiệp định Geneve đã tạo được cục diện mới, tạo tiền đề và cơ sở pháp lý rất quan trọng để dân tộc ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).
Cho đến nay, thế giới vẫn đặt câu hỏi vì sao một đất nước nhỏ bé và lạc hậu, vừa thoát ra khỏi ách thực dân gần 100 năm lại có thể đánh thắng hai cường quốc là Pháp và Mỹ, tại sao Pháp lại thua. Ph.Leclerc, một Đại tướng giỏi của quân đội Pháp, cũng đã nói một cách cô đọng và rõ ràng bài học thất bại của Pháp rằng: “Người ta không thể nào dùng sức mạnh để phá tan chủ nghĩa dân tộc Việt Nam”.
Mc.Namara - nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thừa nhận: “sức mạnh sâu thẳm nhất của một dân tộc không nằm ở mũi nhọn quân sự mà ở sự đoàn kết của dân tộc”, “chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó…”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự cộng hưởng của sức mạnh dân tộc và thời đại, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng là nhân tố cơ bản tạo nên sức mạnh Việt Nam, bản sắc văn hóa giữ nước Việt Nam mà nền tảng là lòng yêu nước; các nhân tố đó tiếp tục là sức mạnh bảo đảm cho sự thành công của công cuộc xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Theo TTXVN
KỶ NIỆM 81 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG HỒ CHÍ MINH (15/5/1941 - 15/5/2022)
1. LỊCH SỬ RA ĐỜI ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG HỒ CHÍ MINH
Từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn chú ý đến lực lượng thanh thiếu nhi, phong trào thanh thiếu nhi nước ta ngày càng phát triển mạnh mẽ. Từ đó, tổ chức Đội từng bước được hình thành. Tháng 10/1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất đã đề cập đến việc tập hợp thiếu nhi vào các tổ chức thiếu niên cách mạng, Hồng nhi đoàn… và giao cho Đoàn thanh niên phụ trách.
Và chỉ một năm sau ngày thành lập, Đảng đã thấy rõ tầm quan trọng của việc thành lập tổ chức Đoàn, ngày 26/3/1931, Hội nghị lần thứ 2 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết thành lập tổ chức Đoàn Thanh niên. Tiếp theo sau đó, tại Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng vào tháng 5/1941, Trung ương Đảng đã ra quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh để đoàn kết các lực lượng đánh Tây, đuổi Nhật, giành độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam. Ngay sau đó, ngày 15/5/1941 tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Hội Nhi đồng Cứu quốc (nay là Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh) được thành lập và được gia nhập Mặt trận Việt Minh, hoạt động theo điều lệ của Mặt trận Việt Minh với nội dung “Dự bị đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập".
Ngày đầu tiên thành lập, Đội có 5 đội viên là Nông Văn Dền (bí danh là Kim Đồng) được bầu làm đội trưởng, Nông Văn Thàn (bí danh là Cao Sơn), Lý Văn Tịnh (bí danh là Thanh Minh), Lý Thị Nì (bí danh là Thủy Tiên) và Lý Thị Xậu (bí danh là Thanh Thủy).
Đội TNTP Hồ Chí Minh thành lập là nhu cầu tất yếu của lịch sử đất nước, bởi lịch sử Đội TNTP Hồ Chí Minh và phong trào thiếu nhi Việt Nam là bộ phận trong lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đội là tổ chức của thiếu nhi Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập, được Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phụ trách, ra đời nhằm tập hợp thiếu nhi vào một tổ chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương dưới sự hướng dẫn, phụ trách của Đoàn thanh niên, giáo dục các em theo tinh thần cách mạng và coi các em là một lực lượng cách mạng. Đội luôn là tổ chức nòng cốt trong các phong trào thiếu nhi, là lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, là lực lượng dự bị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
2. TÊN GỌI CỦA TỔ CHỨC ĐỘI QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ
Từ ngày thành lập đến nay, Đội đã đổi tên cho phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng và nguyện vọng của thiếu niên, nhi đồng, cụ thể như:
- Năm 1941: Hội Nhi đồng Cứu quốc (sau đó đổi là Đội Thiếu nhi Cứu quốc).
- Tháng 3/1951: Đội Thiếu nhi tháng Tám.
- Ngày 4/11/1956: Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam.
- Năm 1970 - nay: Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.
Nguồn “Website Hội đồng Đội Trung ương - www.thieunhivietnam.vn”
KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ PHAN ĐĂNG LƯU (5/5/1902 – 5/5/2022)
Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 5-5-1902 trong một gia đình nhà nho, có truyền thống yêu nước ở thôn Đông, xã Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Sinh ra trong cảnh nước mất nhà tan, ảnh hưởng sự giáo dục của gia đình và truyền thống yêu nước quê hương cách mạng, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đồng chí đã ấp ủ hoài bão giúp dân, giúp nước. Tháng 7-1925, đồng chí gia nhập Hội Phục Việt – tổ chức tiền thân của Tân Việt Cách mạng Đảng. Năm 1927, đồng chí được bầu làm Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương và có nhiều cống hiến trong việc định hướng phát triển Tân Việt Cách mạng Đảng theo đường lối của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập ở Quảng Châu, Trung Quốc vào tháng 5-1925.
Tháng 9-1929, đồng chí Phan Đăng Lưu được cử sang Quảng Châu lần thứ hai, nhưng bị mật thám bắt giam tại Nhà lao Vinh và bị đày lên Nhà tù Buôn Ma Thuột. Trong tù, đồng chí đã trở thành đảng viên cộng sản. Giữa năm 1936, sau gần 7 năm bị giam cầm, đồng chí được ân xá trở về quê, rồi trở vào Thừa Thiên Huế hoạt động. Đồng chí được Trung ương chỉ định tham gia Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ. Trong quá trình hoạt động ở Huế, đồng chí đã góp phần quan trọng cùng Xứ ủy Trung Kỳ lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng Trung Kỳ giành được nhiều thắng lợi.
Tháng 9-1937, đồng chí Phan Đăng Lưu được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cuối năm 1939, đồng chí được Trung ương phân công phụ trách phong trào các tỉnh Nam Kỳ. Cùng với Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng, đưa phong trào cách mạng Nam Kỳ phát triển lên một bước mới.
Trong nửa đầu năm 1940, trước sự tăng cường đàn áp, khủng bố của kẻ thù, các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần lượt bị bắt. Ban Chấp hành Trung ương chỉ còn lại một mình đồng chí Phan Đăng Lưu chèo lái con thuyền cách mạng nước ta. Tháng 11-1940, Hội nghị Trung ương lần thứ bảy được tổ chức tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Hội nghị đã tái lập Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng thời đề ra phương hướng tích cực chuẩn bị mọi mặt tiến tới Tổng khởi nghĩa giành lại non sông đất nước khi thời cơ xuất hiện. Thành công của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy tạo tiền đề đưa cách mạng nước ta đi tới thắng lợi có vai trò cực kỳ to lớn của đồng chí Phan Đăng Lưu. Có thể nói, đây là đóng góp quan trọng nhất của đồng chí đối với Đảng ta và cách mạng Việt Nam.
Ngày 22-11-1940, khi vừa về tới Sài Gòn, chưa kịp truyền đạt ý kiến của Trung ương thì đồng chí bị mật thám Pháp bắt, sau đó bị xử bắn tại trường bắn Ngã Ba Giồng, Bà Điểm, Hóc Môn, tỉnh Gia Định.
Cuộc đời của đồng chí Phan Đăng Lưu đã để lại tấm gương đạo đức sáng ngời của một con người tận trung với nước, tận hiếu với dân, không màng danh lợi. Ở đồng chí luôn có niềm tin tuyệt đối với Đảng, niềm tin mãnh liệt vào sự thắng lợi tất yếu của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Ở đồng chí, lòng yêu nước và tình thương yêu Nhân dân thống nhất với nhau. Lòng yêu nước xuất phát từ lòng thương yêu những con người nghèo khổ, cơ hàn và tâm niệm cứu Nhân dân thoát khỏi cảnh lầm than, nô lệ. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, đồng chí luôn đặt công tác đào tạo, xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ cho Đảng lên hàng đầu. Với học vấn sâu rộng, đức tính khiêm tốn, đạo đức cách mạng trong sáng, lối sống giản dị, đồng chí Phan Đăng Lưu có uy tín lớn và nhận được sự quý trọng của các bậc trí thức, nhân sĩ dân chủ. Ở đồng chí, tấm gương đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư luôn thống nhất và là sự biểu hiện toàn diện, cụ thể của tấm gương đạo đức tận trung với nước, tận hiếu với dân.
Nhắc đến đồng chí Phan Đăng Lưu là nhắc đến người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, có lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, một nhà lãnh đạo cách mạng có tầm nhìn xa trông rộng, đầy mưu lược, khôn khéo, dũng cảm, kiên cường; một nhà báo, nhà văn, nhà lý luận tiên phong xuất sắc, tiêu biểu của Đảng và cách mạng nước ta. Những cống hiến to lớn và tấm gương cộng sản sáng ngời của đồng chí Phan Đăng Lưu được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và các thế hệ mai sau đời đời trân trọng, ghi nhớ, biết ơn sâu sắc.
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu (5-5-1902 – 5-5-2022) là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, tấm gương chiến đấu, hy sinh và những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; đồng thời, qua đó tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa yêu nước, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của các cán bộ tiền bối tiêu biểu để các thế hệ hôm nay học tập, noi theo. Tưởng nhớ và biết ơn sâu sắc những cống hiến to lớn của đồng chí Phan Đăng Lưu, chúng ta nguyện noi gương đồng chí và các nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, phát huy tinh thần yêu nước, ra sức học tập, lao động, công tác và chiến đấu, đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh
Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân văn khoa học, hiện thực cách mạng. Người ta thường cho rằng Hồ Chí Minh là một nhà triết học hành động thì cũng có thể nói nhà nhân văn Hồ Chí Minh là một nhà nhân văn hành động - hành động nhằm giải phóng con người.
Yêu thương và quý trọng con người là một trong những đức tính đặc sắc nhất của đạo đức Hồ Chí Minh.
Trong cuốn sách “Học tập đạo đức Hồ Chí Minh” (*), đồng chí Võ Nguyên Giáp có bài viết nêu rõ: “Nghiên cứu cuộc đời và tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rất rõ ở Người chủ nghĩa yêu nước, tinh thần nhân ái, truyền thống văn hóa phương Đông, phương Tây và sự phát triển chủ nghĩa nhân đạo hiện thực của chủ nghĩa Mác. Sự tổng hợp đó hình thành nên chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh - hiện thân cao nhất của chủ nghĩa nhân văn hiện thực của người Việt Nam trong thời đại cách mạng giải phóng dân tộc và xã hội chủ nghĩa”.
Đồng chí còn viết cụ thể: “Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh còn biểu hiện ở tấm lòng thương yêu con người, thương yêu nhân dân hết sức rộng lớn, sâu sắc. Người đã từng khái quát về triết lý cuộc sống: “Nghĩ cho cùng, mọi vấn đề… là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ và bị áp bức”.
Cùng với ý ấy, Giáo sư Trần Văn Giàu viết: Như phần nhiều các nhà hiền triết cổ kim Đông Tây, thương người là một đức tính lớn của Cụ Hồ, nó quán triệt mọi lời nói, việc làm của Cụ từ ngày Cụ hoạt động cách mạng... Suốt sáu mươi năm, một lòng thương người, vì người, một lòng nhân ái.
Giáo sư đặt câu hỏi: “Vậy nếu thương người là nhân ái thì nhân ái của Cụ Hồ có gì khác với nhân ái Khổng, Mặc chăng hay chỉ là một?”. Và tự trả lời: “Có phần khác không nhỏ”. Thương người (của Cụ Hồ) là biết xót xa đến thân phận những người cùng khổ nhất trong số những người cùng khổ,... cũng là thương các dân tộc mang xiềng xích thực dân. Thương không phải là tỏ mối thông cảm từ trên và từ ngoài mà tìm cách làm cho người lao khổ và dân tộc bị áp bức tự mình cởi ách ngựa trâu, chứ không phải bằng cách mòn bánh xe, móng ngựa để du thuyết các vương hầu. Mỗi thời đại một khác. Đi vào cách mạng, Người đặt vấn đề tự do và vấn đề hạnh phúc đi đôi. Có người Mỹ nói Cụ Hồ vừa là Washington vừa là Lincoln. Đúng là như vậy. Mà Cụ Hồ còn đi xa hơn nữa trên hướng nhân ái thiết thực.
Vẫn theo lời đồng chí Võ Nguyên Giáp: Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân văn khoa học, hiện thực cách mạng. Người ta thường cho rằng Hồ Chí Minh là một nhà triết học hành động thì cũng có thể nói nhà nhân văn Hồ Chí Minh là một nhà nhân văn hành động - hành động nhằm giải phóng con người.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng - người học trò xuất sắc cũng là người cộng sự gần gũi của Bác Hồ - đã viết rất ân tình: Những tư tưởng lớn của Hồ Chủ tịch là những tình cảm lớn. Bác Hồ là “muôn vàn tình thương yêu” đối với đồng chí, đồng bào. Trong tình thương yêu đó, có chỗ cho mọi người, không quên, không sót một ai. Thương yêu và quan tâm chăm sóc mọi tầng lớp đồng bào, trai gái, già trẻ, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, kiều bào ở nước ngoài. Bác Hồ đặc biệt ân cần chăm lo các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân, là những người chiến đấu quên mình trên tiền tuyến; các cháu thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, là lớp người thừa kế sự nghiệp cách mạng; chị em phụ nữ anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang trong sản xuất và chiến đấu; đồng bào các dân tộc ít người, đã và sẽ tiếp tục có cống hiến cao quý vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Trong lòng Bác, đồng bào miền Nam, thành đồng Tổ quốc, chiếm một vị trí đặc biệt,...
Đã có biết bao câu chuyện sống động về tư tưởng nhân văn, lòng thương yêu con người và đức hy sinh cao cả của Bác, kể sao cho xiết.
Cả cuộc đời làm cách mạng, Bác “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được độc lập, dân tộc ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Bác “ăn không ngon ngủ không yên khi đồng bào còn chịu khổ”.
Bác nêu tấm gương kính già, yêu trẻ. Kính già đến mức gửi thư chúc một phụ lão cứu quốc ở tuổi thượng thọ đã không tổ chức lễ mừng mà đem số tiền 500 đồng tiết kiệm được quyên vào Quỹ Kháng chiến, Hồ Chủ tịch tự xưng mình là cháu: “Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn cụ và trân trọng chúc cụ sống lâu và hoàn toàn mạnh khỏe”. Yêu trẻ đến mức Tết Trung thu nào cũng có lời thơ chúc. “Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”. Và các cháu thì hát vang: “Không ai yêu Bác Hồ Chí Minh bằng chúng em nhi đồng”.
Với đồng bào các dân tộc, Bác từng nói: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê-đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”.
Với đồng bào các tôn giáo, bao giờ Bác cũng nêu lên cái tinh hoa của giáo lý. Với đồng bào theo đạo Thiên chúa, Bác viết: “Kinh thánh có câu: Ý dân là ý Chúa. Con đường yêu nước mà đồng bào đang đi là hoàn toàn đúng.” Với đồng bào theo đạo Phật, Bác viết: “Đồng bào Phật giáo cả nước, từ Bắc đến Nam đều cố gắng thực hiện lời Phật dạy là: Lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha” (Đem lại lợi ích và vui sướng cho mọi người. Quên mình vì người khác).
Với những người lầm đường, lạc lối, Người cũng mở lượng khoan dung: “Trừ bọn Việt gian bán nước, trừ bọn phát xít thực dân, là những ác quỷ mà ta phải kiên quyết đánh đổ, đối với tất cả những người khác thì ta phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ. Phải thực hành chữ BÁC ÁI”.
Nhà thơ Tố Hữu nói tự đáy lòng mình:
Người là Cha, là Bác, là Anh
Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ
Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa mỗi nhành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già. Và:
Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông mọi kiếp người!
Tư tưởng nhân văn hiện thực, tình yêu thương bao la và cuộc sống bình dị của Bác có sức cảm hóa lớn. Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng cao đẹp của một nhân cách Con Người tầm cỡ thế giới.
Nhà báo Jean Roux trong báo Chiến đấu (Pháp) viết: “Từ ba mươi năm nay, trong số các nhân vật mà tôi gặp được, chắc chắn Cụ Hồ là đáng khâm phục nhất. Cụ là người hoàn toàn đáng được mọi người ca ngợi, bởi vì Cụ đã kết hợp đến mức nhuần nhuyễn phi thường chủ nghĩa anh hùng với đầu óc sáng suốt, lòng yêu nước tuyệt vời, tinh thần cách mạng trong sáng, thái độ cứng rắn trước cuộc sống với lòng nhân đạo đối với con người”.
Nhà báo Montaron trên báo Bằng chứng Thiên chúa giáo, cũng viết: “Cụ Hồ Chí Minh là một trong những chiến sĩ lần đầu tiên của thế giới thứ ba, của các dân tộc nghèo đói nhằm thèm khát một cuộc sống cho ra người… Cụ đã đem hết sức mình để mang lại cơm ăn nước uống cho những ai đói khát. Cụ đã bênh vực cho những người yếu hèn và mang lại nhân phẩm cho những người nghèo khổ”.
Burchett, nhà báo Australia nổi tiếng, nhận xét: Nói tới một người mà cả cuộc đời mình để lại ân tình sâu nặng cho nhân dân thì không có một ai khác ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh… Người ta không thể trở thành một Hồ Chí Minh nhưng ở Cụ Hồ, mỗi người có thể học một điều gì làm cho mình tốt hơn.
Và thật cảm động, Thủ tướng Jawaharlal Nehru trong cuộc tiếp đón Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ấn Độ (năm 1958) đã nói một cách chân tình: “Chúng ta đã được tiếp xúc với một người. Người đó là một phần của lịch sử châu Á. Ngoài phần gặp gỡ một con người vĩ đại, chúng ta đã gặp một mảng lịch sử của lịch sử. Do đó, có lẽ chúng ta không chỉ được tăng thêm về suy nghĩ mà còn được tăng thêm cả về tầm vóc”.
Sẽ không thừa nếu nhắc lại: Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức UNESCO đã vinh danh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới./.
Hà Đăng/TG
____________________
(*) Sách do nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành năm 2007. Những đoạn trích dẫn trong bài viết đều lấy từ cuốn sách này.
Theo: https://tuyengiao.phuyen.gov.vn/
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH MỚI CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 5/2022
Thu hồi Giấy phép nhập khẩu phim khi nội dung phim vi phạm quy định cấm
Có hiệu lực từ ngày 10/5/2022, Nghị định số 22/2022/NĐ-CP ngày 25/3/2022 bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh.
Trong đó, Nghị định bổ sung quy định: Cơ quan cấp phép nhập khẩu phim thu hồi Giấy phép nhập khẩu phim khi phát hiện nội dung phim vi phạm quy định cấm tại Luật Điện ảnh.
Tăng mức cho vay học sinh, sinh viên
Tại Quyết định số 5/2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, có hiệu lực từ ngày 19/5/2022, tăng mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên (HSSV) từ 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV lên 4 triệu đồng/tháng/HSSV.
Từ ngày 21/5 có thể đăng ký xe máy tại công an xã, xe ô tô tại công an huyện
Có hiệu lực từ ngày 21/5/2022, Thông tư 15/2022/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 58/2020/TT-BCA ngày 16/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Trong đó, Thông tư 15 (sửa đổi khoản 6 Điều 3 Thông tư 58/2020/TT-BCA) trao quyền cho công an xã, phường, thị trấn (công an cấp xã) đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) cho cá nhân, tổ chức.
Theo đó, công an cấp xã đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, doanh nghiệp quân đội, cá nhân trong nước có trụ sở hoặc nơi thường trú tại địa phương mình và cơ quan, tổ chức, cá nhân người nước ngoài, của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài tại địa phương mình; tổ chức thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe hết niên hạn sử dụng, xe hỏng không sử dụng được của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc nơi thường trú tại địa phương.
Lưu ý, chỉ những xã trong ba năm liền kề gần nhất có số lượng đăng ký mới từ 250 xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) trở lên trong một năm, thì công an xã sẽ được thực hiện đăng ký và cấp biển số xe.
Cũng theo Thông tư 15/2022/TT-BCA, công an cấp huyện sẽ đăng ký, cấp biển số xe ô tô cho tổ chức, cá nhân trong nước có trụ sở hoặc nơi thường trú trên địa phương mình; trừ:
– Xe ô tô của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài tại địa phương và cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, doanh nghiệp quân đội, cá nhân có trụ sở hoặc nơi thường trú tại quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc thành phố thuộc tỉnh nơi Phòng CSGT đặt trụ sở.
– Xe ô tô của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam và xe ô tô của người nước ngoài làm việc trong cơ quan đó; xe ô tô của các cơ quan, tổ chức quy định tại Phụ lục số 01 Thông tư 58/2020/TT-BCA.
Phụ nữ dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ đến 3 triệu đồng
Theo Thông tư 15/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, có hiệu lực từ ngày 01/5/2022, hỗ trợ cho phụ nữ dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù sinh con đúng chính sách dân số tối đa 3 triệu đồng/bà mẹ.
Tăng mức trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân xuất ngũ
Thông tư 22/2022/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định về điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc có hiệu lực từ ngày 16/5/2022.
Thông tư nêu rõ, điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức trợ cấp hàng tháng của tháng 12 năm 2021 đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg; quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg.
Mức trợ cấp hằng tháng của các đối tượng sau khi đã được điều chỉnh tăng thêm, cụ thể như sau: Từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, mức trợ cấp bằng 2.031.000 đồng/tháng; từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm, mức trợ cấp bằng 2.123.000 đồng/tháng; từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, mức trợ cấp bằng 2.217.000 đồng/tháng; từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, mức trợ cấp bằng 2.309.000 đồng/tháng; từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm, mức trợ cấp bằng 2.400.000 đồng/tháng.
Hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Thông tư 15/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2022.
Trong đó, về hỗ trợ chuyển đổi nghề, trường hợp chính quyền địa phương không bố trí được đất sản xuất, thì hộ không có đất hoặc thiếu đất sản xuất được hỗ trợ 1 lần chuyển đổi nghề. Mức hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/hộ để mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, làm các ngành nghề khác. Trường hợp không có nhu cầu mua sắm nông cụ, máy móc thì được hỗ trợ học nghề để chuyển đổi nghề theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/09/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Quy trình, phương thức hỗ trợ thực hiện theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc.
Nguồn: chinhphu.vn