Chủ đề: CHÀO MỪNG 75 NĂM NGÀY TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN; 77 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
Nội dung tải tại đây:
/uploads/news/2021_12/tai-lieu-sinh-hoat-chi-doan-thang-12.2021.doc
Những ngày đáng nhớ trong tháng 12:
- 01/12/1988: Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS.
- 03/12/1992: Ngày Quốc tế người khuyết tật.
- 06/12/1989: Ngày truyền thống Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
- 19/12/1946: Ngày toàn quốc kháng chiến.
- 20/12/1960: Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
- 22/12/1960: Đồng khởi Hòa Thịnh.
- 22/12/1944: Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.
- 22/12/1989: Ngày Hội quốc phòng toàn dân.
01/12/1958: Kỷ niệm Ngày Quốc tế phòng, chống AIDS
Bệnh AIDS là gì?
AIDS là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh Acquired Immuno Deficiency Syndrom (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải) do virus làm suy giảm miễn dịch ở người (Human Immuno-deficiency Virus – HIV) gây nên.
Virus HIV có thể phá hủy tế bào bảo vệ trong cơ thể con người gọi là CD4 – một tế bào lympho thuộc bạch huyết cầu có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh lây nhiễm. Khi HIV phá hủy các tế bào lympho, hệ miễn dịch sẽ yếu đi và người bệnh không còn sức đề kháng chống lại các virus, vi khuẩn và nấm gây bệnh. Do đó bệnh nhân dễ bị một số loại ung thư và nhiễm trùng cơ hội mà người khỏe mạnh có thể đề kháng được. Khi người bị nhiễm HIV mắc những bệnh nhiễm trùng cơ hội và ung thư này thì sẽ được chẩn đoán là bị AIDS.
HIV: HIV là gì? Đây là tên gọi của virus gây tổn hại hệ thống miễn dịch của cơ thể chứ không phải là bệnh, thường không biểu hiện triệu chứng và chỉ được phát hiện khi làm xét nghiệm. Người nhiễm HIV nếu không được phát hiện kịp thời và kiểm soát tốt sẽ dễ tiến triển thành bệnh AIDS.
AIDS: Đây là giai đoạn nặng nhất của người bị nhiễm HIV, thường biểu hiện triệu chứng lâm sàng nặng của hội chứng suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên, một người bị nhiễm HIV không có nghĩa là sẽ bị AIDS bởi nếu họ kiểm soát tốt sự phát triển của virus thì sẽ không tiến triển thành bệnh AIDS. Một người được chẩn đoán bị AIDS sau khi nhiễm HIV và bị nhiễm trùng cơ hội hoặc mắc ung thư mà những người khỏe mạnh có thể chống lại được.
SIDA: Nhiều người thường nhầm lẫn giữa SIDA, AIDS và HIV. Vậy SIDA là gì? SIDA (Syndrome d’Immuno Deficience Acquise) chính là bệnh AIDS. Tuy nhiên, SIDA là tên gọi trùng với tên của Tổ chức phát triển quốc tế Thụy Điển SIDA và tên của Tổ chức CIDA (Canada). Vì thế, bệnh SIDA được thống nhất đổi tên là AIDS để tránh nhầm lẫn.
Như vậy, HIV là một loài virus khi xâm nhập vào cơ thể con người thì gọi là người bị nhiễm HIV, và khi virus bắt đầu gây bệnh cho người nhiễm HIV thì được gọi là bệnh AIDS hay là bệnh SIDA (tên gọi trước đây).
Nếu một người bị nhiễm HIV và không được điều trị tốt, virus sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể và tiến triển thành AIDS.
Các triệu chứng của AIDS có thể bao gồm:
Sụt cân nhanh chóng.
Sốt tái đi tái hoặc đổ mồ hôi về đêm.
Mệt mỏi không rõ nguyên nhân.
Các tuyến bạch huyết ở nách, háng hoặc cổ xuất hiện những nốt sưng kéo dài.
Tiêu chảy kéo dài liên tục trong hơn 1 tuần.
Loét miệng, hậu môn hoặc bộ phận sinh dục.
Viêm phổi.
Xuất hiện các đốm đỏ, nâu, hồng hoặc đỏ tía trên hoặc dưới da, bên trong miệng, mũi hoặc mí mắt.
Suy giảm trí nhớ, trầm cảm và các rối loạn thần kinh khác.
Phòng, chống AIDS
Tại Việt Nam, kể từ khi người nhiễm HIV được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1990, đến nay, nước ta đã từng bước kiểm soát được đại dịch. Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2020 là năm thứ 12 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được kiểm soát và liên tục đà giảm trên cả 3 tiêu chí, đó là: giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS. Hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV ngày càng đa dạng và hiệu quả. Đồng thời với việc tiếp tục triển khai cung cấp bơm kim tiêm miễn phí tại 52 tỉnh, phát bao cao su miễn phí tại 55 tỉnh, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone ở 63 tỉnh/thành phố cho hơn 52.000 bệnh nhân. 03 năm gần đây, đã triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) cho hơn 13.000 người. Hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV được triển khai đa dạng, bảo đảm tính sẵn có và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao. Điều trị ARV ngày càng được mở rộng, đạt chất lượng hàng đầu thế giới. Hệ thống các cơ sở điều trị HIV/AIDS đã được thiết lập và mở rộng nhanh chóng để mở rộng độ bao phủ điều trị, tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận dịch vụ điều trị và duy trì điều trị lâu dài. Một kết quả quan trọng nữa là Việt Nam đã giảm số nhiễm HIV mới, tử vong. Tình hình HIV/AIDS giảm nhanh, ngày càng được kiểm soát tốt, đạt được các chỉ tiêu được giao; được cộng đồng quốc tế đánh gia là điểm sáng về phòng, chống HIV/AIDS.
Nguồn: Báo Người Lao Động
19/12/1946: Kỷ niệm Ngày toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đó là một thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta.Tuy nhiên vào thời điểm từ sau Cách mạng tháng Tám đến cuối năm 1946, cách mạng nước ta đứng trước những khó khăn chồng chất, những thử thách nghiêm trọng. Vận mệnh nước Việt Nam như ngàn cân treo sợi tóc.
Trong tình thế hiểm nghèo của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã sáng suốt phân tích tình hình, đánh giá đúng âm mưu, hành động và khả năng của các thế lực đế quốc, xác định đường lối Kháng chiến kiến quốc, vừa kháng chiến chống xâm lược, vừa xây dựng chế độ mới. Trước âm mưu, thủ đoạn xâm lược, can thiệp trắng trợn của đế quốc và tương quan lực lượng bất lợi cho ta, chúng ta cần hòa bình để xây dựng nước nhà, Đảng ta đã thực hiện chính sách hòa hoãn. Với thực dân Pháp là kẻ thù chính, ta ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946. Thực hiện thành công sách lược đúng đắn đó, ta đã giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng, đuổi quân Tưởng cùng bọn tay sai về nước, tranh thủ thời gian hòa hoãn để chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Bội ước Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946, thực dân Pháp đã tấn công các phòng tuyến của quân ta ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ.
Quân Pháp nắm quyền kiểm soát thuế quan ở Hải Phòng, nhanh chóng làm chủ Hải Phòng, đẩy quân đội Việt Nam ra khỏi thành phố. Cùng với việc đánh chiếm Hải Phòng, quân Pháp cũng tiến công đánh chiếm Lạng Sơn và chuẩn bị kế hoạch đánh chiếm vào cơ quan đầu não của ta ở Thủ đô Hà Nội.
Quân đội Pháp đã liên tiếp nổ súng, ném lựu đạn vào nhiều nơi ở Hà Nội trong các ngày 15, 16 tháng 12/1946. Ngày 17/12, quân Pháp cho xe phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc, đặc biệt chúng đã gây ra vụ tàn sát đẫm máu ở phố Hàng Bún và phố Yên Ninh.
Ngày 18/12/1964, tướng Morlière gửi cho ta tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính, đòi ta phải phá bỏ mọi công sự và chướng ngại trên các đường phố, đòi để cho chúng làm nhiệm vụ giữ gìn trị an ở Hà Nội.
Ngọn lửa chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp bùng cháy trên toàn quốc là điều không thể tránh được nữa vì Pháp quyết định sẽ châm ngòi vào ngày 20/12/1946.
Tình thế khẩn cấp đòi hỏi Đảng, Nhà nước - đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh phải có một sự chọn lựa lịch sử, phải kịp thời có một quyết định chiến lược để chuyển xoay vận nước đang lâm nguy.
Ngày 17/12/1946, Hội đồng Chính phủ đã họp với sự có mặt của Trưởng ban thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đã báo cáo tình hình quân sự diễn ra ở Hải Phòng, Lạng Sơn, Đà Nẵng cùng âm mưu mở rộng chiến tranh ở Hà Nội và các nơi khác của thực dân Pháp.
Ngày 18 và 19/12/1946 tại Vạn Phúc, Hà Đông, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Hồ Chí Minh chủ trì, đã quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi cả nước và đề ra đường lối, chủ trương kháng chiến của Đảng.
Chiều 19/12, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đã quyết định chuyển đến các đơn vị lực lượng vũ trang mật lệnh về ngày giờ của cuộc giao chiến trong toàn quốc. Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã công bố mệnh lệnh chiến đấu, hạ lệnh cho toàn thể các lực lượng vũ trang phải nhất tề đứng dậy, phải xông tới mặt trận giết giặc cứu nước; chính thức phát lệnh cho các chiến trường nổ súng đồng loạt.
Chấp hành mệnh lệnh chiến đấu, đúng 20 giờ ngày 19/12/1946, công nhân nhà máy đèn Bờ Hồ phá máy, đèn điện toàn thành phố phụt tắt. Quân dân thủ đô Hà Nội đã nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc. Giờ cứu nước đã đến! Pháo của ta từ Láng, từ Xuân Tảo trút căm hờn vào đầu giặc Pháp đóng ở trong thành. Các chiến lũy được củng cổ vững chắc. Cây bị chặt đổ, cột đèn bị ngả xuống, các toa xe điện nằm chắn ngang đường. Trong khói lửa mù mịt, nhân dân Hà Nội người nào việc nấy, dốc sức cho cuộc chiến đấu với quân thù.
Giặc Pháp cho xe bọc sắt và bộ binh đến đánh úp đơn vị quân ta đóng ở trụ sở liên lạc Việt-Pháp. Với tinh thần “Quyết tử để cho Tổ Quốc quyết sinh”, quân dân Thủ đô đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, ngăn chặn bước tiến của chúng. Những đoàn xe của Pháp từ trong thành ra vấp phải chướng ngại vật trên đường phố, di chuyển rất chậm chạp. Lợi dụng thời cơ đó, tự vệ cùng nhân dân từ trên gác cao quăng giường tủ xuống đường, ném lựu đạn, lao bom, nã súng như đổ lửa vào đầu giặc. Ở nhà máy đèn Bờ Hồ, trong chớp nhoáng, công nhân cùng bộ đội đã diệt toàn bộ quân địch đóng ở đây, không để một tên sống sót. Ở Bắc Bộ phủ, trụ sở của Chính quyền Bắc kỳ khi đó (nay là Nhà khách Chính Phủ, số 12 Ngô Quyền), chiến sĩ ta chiến đấu ngoan cường suốt đêm đến sáng. Các quyết tử quân ôm bom ba càng lao vào phá hủy chiến xa địch. Hàng loạt bom, lựu đạn từ các cửa sổ tung xuống đầu giặc, làm cho chúng khiếp vía. Hơn 20 nam nữ công nhân nhà Bưu điện Bờ Hồ cùng đơn vị Vệ quốc đoàn ở đó đánh lui nhiều đợt tấn công của địch. Trong suốt một ngày, địch không thể nào chiếm nổi nhà bưu điện, quân ta tiêu diệt 122 người, 2 xe tăng, 2 xe vận tải, 1 xe zíp. Trận đánh ở đầu cầu Long Biên đã diệt 70 tên địch, phá hủy 4 xe tăng, 2 xe vận tải. Nhiều trận giao chiến quyết liệt diễn ra ở nhà máy Yên Phụ, đầu phố Hàng Lọng (đường Nam Bộ), ga Hàng Cỏ, Đồn Thủy, Phà Đen, trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An), nhà máy bia...
Ngày đầu tiên của cuộc kháng chiến trường kỳ đã diễn ra ở Hà Nội như vậy. Tại các thành phố khác, cuộc kháng chiến chống Pháp cũng bùng nổ vào đêm 19 tháng 12. Cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân ta đã giam chân địch, ngăn chặn bước tiến của chúng, tạo thời cơ thuận lợi cho việc chuẩn bị kháng chiến lâu dài.
Ngay giữa lúc tiếng súng kháng chiến toàn quốc đang rền vang ở Hà Nội và trên toàn quốc, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi khắp cả nước qua Đài phát thanh. Người kêu gọi:
“Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hoà bình. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.
Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta.
Việt Nam độc lập và thống nhất muôn nǎm! Kháng chiến thắng lợi muôn nǎm!”
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng gọi của non sông đất nước, khơi dậy mạnh mẽ chủ nghĩa dân tộc, truyền thống anh hùng bất khuất, làm cho cả nước đứng lên chiến đấu bằng sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ của người Việt Nam với mọi thứ vũ khí có sẵn, với một ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, một thái độ chính trị dứt khoát và kiên định: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Có thể nói, ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 đã thể hiện sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, bám sát tình hình thực tiễn, nắm vững thời cơ, chọn đúng mặt trận chính, tính toán thời điểm nổ súng chính xác, biến bị động thành chủ động, tạo nên thế trận mới cho mặt trận Hà Nội có điều kiện giam chân quân địch hai tháng, để cả nước chuyển vào kháng chiến trường kỳ. Việc nổ súng phát động toàn quốc kháng chiến ngày 19/12 giữa Thủ đô là một trường hợp hiếm thấy trong lịch sử, thể hiện một nghệ thuật khởi đầu cuộc chiến tranh cách mạng thật đúng đắn, quả cảm và sáng tạo.
74 năm đã trôi qua nhưng khí thế hào hùng của những ngày đầu toàn quốc kháng chiến đã trở thành ngày lịch sử, là dấu son chói lọi trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian, nhưng giá trị lịch sử của “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của toàn thể nhân dân Việt Nam, cổ vũ, hiệu triệu quốc dân đồng bào kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng, đoàn kết nhất trí đánh giặc, giữ nước, giành lại độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc.
Nguồn: baotang.thanhhoa.gov.vn
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
“Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay và những vấn đề đặt ra đối với công tác Công An” - Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an
Nhân dịp Hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an có bài viết: “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay và những vấn đề đặt ra đối với công tác công an”.
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm:
I.Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài, làm cho Đảng ta luôn phát huy bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng, lịch sử vẻ vang, ngày càng thật sự vững vàng về chính trị tư tưởng, thống nhất cao về ý chí, hành động, trong sạch về đạo đức, lối sống, chặt chẽ về tổ chức, gắn bó mật thiết với nhân dân, đủ sức lãnh đạo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, nâng cao vị thế, uy tín và đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo xây dựng Đảng, xác định: (i) “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng”, “Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”[1].(ii)Xây dựng, chỉnh đốn Đảng về cả chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức để Đảng ta là một Đảng trí tuệ, đạo đức và văn minh.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 90 năm qua, Đảng ta luôn quan tâm, coi trọng, khẳng định một cách nhất quán trong nhận thức và hành động, không ngừng phát triển, hoàn thiện quan điểm về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đề ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045; đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện các yêu cầu thực tiễn, yếu tố tác động, nguy cơ; đặc biệt là hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động đối với vai trò lãnh đạo của Đảng; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tha hóa quyền lực, quan liêu, tham nhũng...của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Thực tế, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, đã có tới 127 vụ án, 91 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý; hơn 5.200 cán bộ, đảng viên bị xử lý theo pháp luật, tăng 18,5% so với nhiệm kỳ XI... Qua đó, xác định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải đặc biệt được coi trọng và đưa lên một tầm cao mới, gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã xác định mục tiêu: “Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước…”. Bổ sung, nhấn mạnh những biểu hiện nguy hiểm nhất trong những biểu hiện suy thoái, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đồng thời, chỉ rõ 05 nhóm nhiệm vụ và giải pháp; so với Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, Kết luận 21-KL/TW bổ sung thêm nhóm nhiệm vụ, giải pháp liên quan trực tiếp đến vấn đề “cán bộ”: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” và “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm”; qua đó, khẳng định sự quyết tâm, đổi mới của Đảng ta trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
II. Thời gian qua, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã không ngừng đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, gương mẫu đi đầu trong quán triệt, vận dụng, cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên trì, quyết liệt và quyết tâm chính trị lớn trong tổ chức thực hiện các giải pháp mang tính “đột phá”, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét trong xây dựng Đảng, xây dựng lực lượngCAND.
Các cấp ủy và cán bộ, đảng viên trong CAND đã nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về nguy cơ suy thoái, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; thực hiện nghiêm túc “tự soi”, “tự sửa”; coi đó là trách nhiệm, danh dự của cán bộ, đảng viên CAND. Tổ chức bộ máy của Bộ Công an tiếp tục được đổi mới, sắp xếp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ được bố trí, sắp xếp, kiện toàn theo khung tiêu chí, tiêu chuẩn tăng cường cho đơn vị trực tiếp chiến đấu, cấp cơ sở với phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”; hoàn thành bố trí hơn 48.000 cán bộ Công an chính quy tại 8.576/8.576 xã, thị trấn trên toàn quốc.
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định, cơ chế chính sách trên các lĩnh vực công tác được rà soát, bổ sung từng bước hoàn thiện. Công tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương được tăng cường. Cán bộ vi phạm, sai phạm, kể cả cán bộ lãnh đạo chỉ huy, cán bộ cấp cao đều bị xử lý nghiêm minh. Tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ an ninh chính trị nội bộ; chủ động giữ vững bên trong; tích cực đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu chống phá Đảng, Nhà nước; điều tra, làm rõ nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội và nhân dân quan tâm.
III. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng đặt ra ngày càng lớn hơn, toàn lực lượng CAND quán triệt sâu sắc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn, phương pháp phải đúng, góp phần làm chuyển biến tình hình thực sự, có kết quả rõ ràng, cụ thể”, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt; tiếp tục nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, gương mẫu, đi đầu. Chủ động, trách nhiệm cao trong tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, cấp ủy các cấp về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chú trọng tham mưu, đề xuất cụ thể hóa các mục tiêu, triển khai hiệu quả các chủ trương, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Kết luận số 21-KL/TW, gắn với hoàn thiện, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các quan điểm, quy định của Đảng về bảo vệ chính trị nội bộ, thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng...
Chủ động, khoa học, có sự phối hợp chặt chẽ trong nắm, đánh giá tình hình cán bộ, đảng viên và tổ chức thực hiện các chủ trương chỉ đạo về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nắm, dự báo, đánh giá sát, đúng tình hình xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược; thực hiện các nguyên tắc lãnh đạo, chỉ đạo của đảng; các quy định mới về những điều đảng viên không được làm, giải quyết các vấn đề phức tạp trong nội bộ, đơn thư khiếu nại, tố cáo... để sớm tham mưu, phục vụ hiệu quả các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cấp ủy, chính quyền địa phương.
Chủ động nhận diện, dự báo các yếu tố tác động, âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, số cơ hội chính trị đối với sự lãnh đạo của Đảng; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các mặt công tác bảo vệ Đảng,bảo vệ nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối lãnh đạo của Đảng, bảo vệ nội bộ, hệ thống tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên. Kiên quyết bảo vệ, giữ vững cơ chế, thể chế xác lập vai trò và sự lãnh đạo của Đảng; chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa, xử lý nghiêm những hoạt động chống Đảng, Nhà nước.
Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an và Công an các đơn vị, địa phương trong triển khai các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng với phương châm: “Sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó và không có vùng cấm”; “kỷ luật một vài người để cứu muôn người”. Tích cực phòng ngừa, kịp thời phát hiện, tổ chức điều tra hiệu quả các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo theo đúng tinh thần “thượng tôn pháp luật”, đúng người, đúng tội; không bỏ lọt tội phạm, không để xảy ra oan sai. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan tư pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác điều tra và xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng, triệt để thu hồi tài sản cho Nhà nước. Chủ động rà soát, kiến nghị, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng ngừa tội phạm tham nhũng, kinh tế một cách căn cơ, bài bản, chiến lược. Tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy nhanh ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, dẫn độ tội phạm và thu hồi tài sản giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Tiếp tục tuân thủ, quán triệt, thực hiện nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện về mọi mặt đối với CAND. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của các tổ chức Đảng trong CAND, xây dựng Đảng bộ CATW thực sự trong sạch, vững mạnh cả về tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ; là đảng bộ kiểu mẫu, tiêu biểu, thực sự là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước, Nhân dân và cả hệ thống chính trị; lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của lực lượng CAND trong giai đoạn mới. Sớm hoàn thiện, trình Bộ Chính trị phê duyệt Đề án “Xây dựng lực lượng CAND đến năm 2030 cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”; tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy CAND theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Đảng ủy Công an Trung ương với các tỉnh ủy, thành ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng CAND và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng. Thực hiện hiệu quả, kịp thời công tác thi đua, khen thưởng, siết chặt kỷ cương, kỷ luật; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp cán bộ, chiến sĩcó dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật… để kịp thời ngăn chặn, xử lý, tinh lọc đội ngũ cán bộ ở tất cả các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ bốn cấp Công an trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao./.
Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam https://dangcongsan.vn/thoi-su/xay-dung-chinh-don-dang-trong-tinh-hinh-hien-nay-va-nhung-van-de-dat-ra-doi-voi-cong-tac-cong-an-599194.html
CHÍNH SÁCH MỚI
Những chính sách mới có hiệu lực trong tháng 12/2021
Trong tháng cuối cùng của năm 2021, nhiều chính sách mới chính thức có hiệu lực, như: Công chức, viên chức không phải bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học; Chuyển thẻ ATM dạng từ sang dạng chip; Siết quy định cá nhân vận động từ thiện...
Công chức, viên chức không phải bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học
Đây là nội dung mới tại Nghị định 89/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực từ 10.12.
Theo quy định mới, nội dung bồi dưỡng công chức, viên chức bao gồm: Lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí công việc.
So với quy định hiện hành, tại Nghị định 101/2017/NĐ-CP không còn nội dung bồi dưỡng tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ.
Nghị định 89/2021/NĐ-CP sẽ là cơ sở để các bộ quản lý ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung các thông tư quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức được giao quản lý.
Ô tô sản xuất trong nước giảm 50% lệ phí trước bạ
Nghị định 103/2021/NĐ-CP của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực từ ngày 1.12.2021 đến hết ngày 31.5.2022.
Theo đó, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định 20/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Đơn cử, theo Nghị định 20/2019/NĐ-CP mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ôtô chở người từ 9 chỗ trở xuống là 10%, nếu được giảm 50% thì mức thu lệ phí trước bạ sẽ giảm còn 5%.
Tại khoản 2 Điều 27a Thông tư 19/2016/TT-NHNN, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 22/2020/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu:
Chuyển đổi từ thẻ từ ATM sang thẻ chip
Tại khoản 2 Điều 27a Thông tư 19/2016/TT-NHNN, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 22/2020/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu: Đến ngày 31.12.2021, 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.
Cũng theo Thông tư 22, từ ngày 31.3.2021, các ngân hàng dừng phát hành thẻ từ ATM mà chỉ phát hành dạng thẻ chip.
Như vậy, từ ngày 31.12.2021, 100% thẻ ATM đang hoạt động tại Việt Nam phải là dạng thẻ chip, thay thế cho loại thẻ từ trước đây.
Xe kinh doanh vận tải phải chuyển sang biển số nền vàng
Xe đang hoạt động kinh doanh vận tải phải thực hiện đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen trước ngày 31.12.2021 thay vì nền màu trắng như trước đây.
Nội dung này được Bộ Công an nhấn mạnh tại Thông tư 58/2020/TT-BCA.
Những loại xe phải đổi sang biển số nền màu vàng bao gồm: Xe taxi; xe khách tuyến cố định (nội tỉnh, liên tỉnh); xe buýt tuyến cố định (nội tỉnh, liên tỉnh); xe chở khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định; xe chở khách du lịch.
Nếu không thực hiện đổi sang biển số vàng trước ngày 31.12.2021, chủ xe sẽ bị phạt từ 02 - 04 triệu đồng nếu là cá nhân và từ 04 - 08 triệu đồng nếu là tổ chức do không chấp hành đúng quy định về biển số (theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Quy định mới về cá nhân vận động từ thiện
Theo Nghị định 93 có hiệu lực từ ngày 11.12.2021, người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có thể vận động quyên góp từ thiện.
Tuy nhiên, khi vận động, phải thông báo với ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú và công khai trên phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật) và thời gian phân phối.
Quan trọng nhất, cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện. Đồng thời, phải có biên nhận các khoản quyên góp nếu các nhà hảo tâm có yêu cầu. Sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận, không được phép nhận thêm tiền ủng hộ.
Hạn cuối giảm 50% lệ phí làm Căn cước công dân gắn chip
Người dân đi làm Căn cước công dân sẽ giảm 50% lệ phí đến ngày 31.12.2021, theo Thông tư 47/2021/TT-BTC.
Cụ thể, nếu chuyển từ Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân, mức lệ phí là 15.000 đồng; đổi thẻ Căn cước công dân, lệ phí là 25.000 đồng và cấp lại thẻ Căn cước công dân, lệ phí là 35.000 đồng.
Từ sau ngày 31.12.2021, mức lệ phí trên tăng gấp đôi.
Tại Thông tư này, Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ giảm nhiều loại phí khác nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19. Theo đó, giảm 10% phí hải quan; 20% phí đăng ký giao dịch bảo đảm; 20% phí cấp hộ chiếu, 10% phí sử dụng đường bộ với xe tải chở hàng hóa và 30% đối với xe khác...