Trong quá trình tìm đường cứu nước, cứu dân, Bác Hồ sớm nhận ra vai trò và tác động to lớn của báo chí trong đấu tranh xã hội. Người vô cùng tâm đắc câu nói của Lênin: “Cái mà chúng ta nhất thiết phải có lúc này là một tờ báo chính trị. Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị...”. Do vậy, chỉ 4 năm sau ngày đặt chân lên đất Pháp, được sự ủng hộ của các chí sĩ yêu nước và bạn bè quốc tế tại Pháp, Người xuất bản Báo Le Paria (Người cùng khổ). Người là cây bút chính, sắc sảo nhất của tờ báo ấy. Song song với việc phát hành tờ báo Le Paria, Người chuẩn bị xuất bản tờ báo bằng tiếng Việt “Việt Nam hồn” dành cho kiều bào.
Bên cạnh đó, Người cộng tác với nhiều tờ báo có thanh thế nhất tại Pháp thời bấy giờ như: Báo Nhân đạo, Đời sống thợ thuyền, Người bình dân... Sang Nga, Người viết báo tiếng Nga. Về Trung Quốc, Người cộng tác với tờ Cứu vong nhật báo cùng một vài tờ báo tiếng Anh. Tại đấy, Người sáng lập tờ báo tiếng Việt Thanh niên, mà sự cống hiến vô giá của nó là chuẩn bị về lý luận, chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1943, trở về Tổ quốc sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Báo Việt Nam độc lập. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Người quyết định thành lập Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam.
Để trở thành một nhà báo lớn, uyên thâm, lỗi lạc, Người luôn kiên trì học tập, khổ luyện suốt đời. Khi mới đặt chân đến Pháp, do nhu cầu đấu tranh vì độc lập, tự do của đất nước, nhận thấy sự cần thiết trở thành một người viết báo tiếng Pháp giỏi, Người đã bắt đầu sự nghiệp bằng những mẩu tin ngắn, “mỗi tin chỉ có năm ba dòng”. Mỗi lần tin hoặc bài được đăng, Người so sánh bản thảo với bản in trên báo, để học tập xem các nhà báo đàn anh đã biên tập, sữa chữa ở những điểm nào. Nhờ thế chỉ vài, ba năm sau, Người đã là tác giả nhiều bài chính luận, tiểu phẩm, điều tra... có giá trị cao cả về nội dung và văn chương, làm kinh ngạc báo giới Pháp. Mặc dù Bác Hồ coi mình chỉ là “người có duyên nợ với báo chí”, nhưng cả cuộc đời của Người, từ những ngày phải trốn tránh kẻ thù cho đến khi đảm đương nhiều trọng trách quốc gia, dù bận trăm công ngàn việc, Người vẫn không rời cây bút. Hơn ai hết, Người hiểu rõ vai trò và tầm quan trọng của báo chí đối với cuộc đấu tranh cách mạng và đời sống xã hội. Hồ Chí Minh là nhà báo uyên thâm, đa dạng, sắc bén và tài hoa với hàng loạt tác phẩm đúng đắn về nội dung, hùng hồn về lý luận, mẫu mực về ngôn ngữ, có sức đi sâu vào quần chúng, thức tỉnh lòng người, khiến quân thù khiếp sợ.
Trước mỗi bài báo, Người đều xác định rõ, bài báo đó viết cho ai, viết để làm gì; từ đó lựa chọn viết cái gì, viết như thế nào để có thể tác động lên người nghe, người đọc, làm họ thay đổi nhận thức, ý nghĩ, tình cảm và hành vi, hướng họ vào hành động theo nhận thức mới. Bác Hồ nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Nhiều lần, Người nhấn mạnh ý tưởng này: “Cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng động viên quần chúng đoàn kết, đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới”.
Nói về phong cách báo chí, Bác Hồ mong muốn báo chí ta phải luôn luôn “gần gũi quần chúng”. Nhà báo suốt đời tâm niệm: “Vì ai mình viết? Viết cho ai, viết để làm gì?”. Văn phong báo chí phải “giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, hoạt bát...”. Trong một lần nói chuyện về công tác báo chí cách mạng, Bác nói: Báo chí muốn có sức thuyết phục người xem, thì nó phải mang tính chân thực cao. Bác dạy cán bộ viết báo là “Viết phải thiết thực, nói có sách mách có chứng, tức là nói việc ấy ở đâu, thế nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả ra sao”. Bác ví dụ: Chống tham ô thì phải nói rõ ai tham ô, ai lãng phí, cơ quan nào tham ô, lãng phí cách nào? Ngày tháng nào?
Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về đạo đức báo chí. Khi cầm bút, Người không hề quan tâm đến tên tuổi và lợi ích riêng. Suốt đời, Người chỉ hướng về cái đích thiêng liêng là mang trí tuệ và ngòi bút của mình phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, phục vụ cho đấu tranh thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã viết khoảng 2.000 bài báo, tác phẩm với nhiều thể loại, và được ký bằng 174 tên gọi, bí danh và bút danh khác nhau. Đó là những tác phẩm lý luận quan trọng, là cẩm nang chỉ đường cho Đảng và nhân dân ta trong các giai đoạn cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, kế thừa và phát huy xứng đáng di sản báo chí vô giá mà chủ tịch Hồ chí Minh đã để lại cho dân tộc, có thể khẳng định, 92 năm qua báo chí cách mạng Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, cả về nội dung và hình thức, cả về đội ngũ những người làm báo. Báo chí luôn đi đầu trong việc định hướng tư tưởng, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tích cực đấu tranh chống tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Phạm Thị Duyên
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn