Xây dựng một nền giáo dục độc lập và tiến bộ
Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, có truyền thống yêu nước, trước khi ra nước ngoài tìm đường cứu nước (năm 1911), thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã truyền bá tư tưởng yêu nước, thương nòi cho học trò Trường Dục Thanh (Phan Thiết). Những năm hoạt động cách mạng tại Pháp, Bác Hồ cực lực lên án "chính sách ngu dân" của thực dân Pháp đối với nhân dân ta. Trong tác phẩm nổi tiếng "Bản án chế độ thực dân Pháp" (1921 -1925), Bác viết: "Nhân dân Ðông Dương khẩn khoản đòi mở trường học vì trường học thiếu một cách nghiêm trọng... "Làm cho dân ngu để dễ trị", đó là chính sách mà các nhà cầm quyền ở các thuộc địa của chúng ta ưa dùng nhất"(1).
Trong cuốn "Ðường kách mệnh" (năm 1925) và "Chánh cương vắn tắt của Ðảng" (2-1930), Bác cũng xác định rõ: Phải lập trường học cho công nhân, nông dân, cho con em họ và "Phổ thông giáo dục theo công nông hóa"(2). Ðặc biệt, ở "Chương trình Việt Minh" (1941), Bác chủ trương: "Hủy bỏ nền giáo dục nô lệ. Gây dựng nền quốc dân giáo dục. Cưỡng bức giáo dục từ bực sơ học. Mỗi dân tộc có quyền dùng tiếng mẹ đẻ trong nền giáo dục dân tộc mình. Lập các trường chuyên môn huấn luyện chính trị, quân sự, kỹ thuật để đào tạo các lớp nhân tài... Khuyến khích và giúp đỡ nền giáo dục quốc dân làm cho nòi giống ngày thêm mạnh"(3). Khi Cách mạng Tháng Tám 1945 mới thành công, Bác đã công bố "Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", trong đó, vấn đề thứ hai - là phải chống nạn dốt; vì "nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn chín mươi phần trăm đồng bào chúng ta mù chữ"(4). Và, Bác nhấn mạnh: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ"(5). Chỉ sau một tuần lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn độc lập", ngày 8-9-1945, Người đã ký sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ, để thanh toán nạn mù chữ cho nhân dân.
Dân tộc, tiên tiến và hiện đại
Trong "Thư gửi cho học sinh", ngày 5-9-1945, Bác viết: "Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em"(6). Bác khích lệ học sinh chăm chỉ học tập để làm rạng rỡ cho nước nhà: "Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em"(7).
Cho đến bức thư cuối cùng Bác gửi cho ngành giáo dục, ngày 15-10-1968, Bác lại nhấn mạnh yêu cầu của nền GD và ÐT nước ta là phải gắng sức phấn đấu theo kịp với trình độ và chất lượng của các nước văn minh, tiên tiến: "Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật"(8).
Hết sức coi trọng vai trò của người thầy
Bác Hồ đề cao sứ mệnh của người thầy giáo: "Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản?. Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất..., những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh... Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng CNXH được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang"(9).
Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, người thầy giáo phải có phẩm chất tốt. Bác nhắc nhở: "Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức... Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con"(10).
Ðảng lãnh đạo và trực tiếp chăm lo
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nói về điều hệ trọng này. Ðặc biệt, trong bức thư cuối cùng của Bác gửi ngành GD và ÐT, ngày 15-10-1968, một lần nữa, Bác nêu rõ: "Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Ðảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới"(11). Trong Di chúc, Bác nhấn mạnh trách nhiệm của Ðảng đối với việc chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ: "Ðảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết"(12).
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về GD và ÐT nói lên lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, trí tuệ trác tuyệt và tầm nhìn xa trông rộng. Ðó cũng là một trong những biểu hiện cốt lõi của tầm vóc "Anh hùng giải phóng dân tộc", "Danh nhân văn hóa thế giới" của Người! Tư tưởng ấy của Bác Hồ đã được thể hiện trong các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước ta đối với công tác GD và ÐT trong những năm qua. Từ Ðại hội lần thứ VI (1986) đến Ðại hội lần thứ XI (1-2011) của Ðảng, cũng như trong các văn kiện quan trọng của Ðảng và Nhà nước, GD và ÐT luôn luôn được khẳng định là "quốc sách hàng đầu", là "động lực của sự phát triển đất nước"! Sự quan tâm, chăm lo của Bác cho việc xây dựng và phát triển GD và ÐT đã động viên các thế hệ nhà giáo công tác tốt, đào tạo được những thế hệ công dân hữu ích cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc gần bảy mươi năm qua (1945 - 2013); trong đó nhiều người đã trở thành những anh hùng, các nhà khoa học nổi tiếng và những người có tài năng.
Hiện nay, GD và ÐT đang phát triển mạnh mẽ về số lượng, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về chất lượng, chưa theo kịp yêu cầu mới của cách mạng. Công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế đòi hỏi phải có cuộc cách mạng thật sự khoa học và triệt để về GD và ÐT, thực hiện "tái cấu trúc" một cách khoa học, nhằm đổi mới "căn bản và toàn diện" nền giáo dục nước nhà, nâng cao chất lượng và tầm vóc đích thực của GD và ÐT trong thời kỳ CNH, HÐH đất nước, nhất là coi trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - như văn kiện Ðại hội Ðảng XI đã nêu, đưa nước nhà "bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu". Ðó là ước nguyện của Bác Hồ vĩ đại, đồng thời là khát vọng cao đẹp của nhân dân ta, đất nước ta.
* Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển sự nghiệp giáo dục được hình thành rất sớm và quán xuyến suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Nghiên cứu các bài viết, bài nói về vấn đề GD và ÐT trong ngót sáu thập niên hoạt động cách mạng của Bác, ta càng thấy tư tưởng ấy thể hiện tập trung khát vọng hướng tới của một xã hội văn minh, tiến bộ mà lớp lớp thế hệ tiếp nối có trách nhiệm kế thừa và phát triển sao cho ngày một xứng đáng hơn.
--------------
1- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H,1995, tr.98-99.
2,3- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, H,1995, tr.1; tr.584.
4,5,6,7- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H,1995, tr.8; tr.8; tr.32; tr.32.
8,11,12- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H,1996, tr.403; tr.404; tr.498.
9- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H,1996, tr.331.
10- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, H,2000, tr.492.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn