Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 10/2020

Thứ năm - 08/10/2020 23:48
Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn ban hành Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 10/2020. Đề nghị các Huyện, Thị, Thành Đoàn và Đoàn trực thuộc triển khai đến các cấp bộ Đoàn của đơn vị mình.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nội dung tài liệu tải tại đây:/uploads/news/2020_10/tai-lieu-sinh-hoat-chi-doan-thang-10.2020.doc

CHỦ ĐIỂM: CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 6
4 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI LHTN VIỆT NAM (15/10/1956 -15/10/2020) 
NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN
01/10/1991: NGÀY QUỐC TẾ NGƯỜI CAO TUỔI
Ý thức được tầm quan trọng của người cao tuổi, năm 1982 lần đầu tiên Liên Hiệp quốc đã tiến hành Đại hội thế giới về tuổi già tại Áo, hơn 3.000 đại biểu của hầu hết các nước trên thế giới tham dự. Đại biểu của Việt Nam là giáo sư Phạm Khuê, viện trưởng viện lão khoa Việt Nam. Hội nghị đã thông qua chương trình hoạt động quốc tế về tuổi già và khuyến nghị chính phủ và nhân dân các nước quan tâm giải quyết từng bước những vấn đề về người cao tuổi căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của nước mình, tập trung vào 6 lĩnh vực: 
* Sức khoẻ và ăn uống
* Nhà ở và môi trường.
* Gia đình.
* Dịch vụ và bảo trợ xã hội.
* Việc làm.
* Nâng cao sự hiểu biết của người cao tuổi.
Đến năm 1990, tức 8 năm sau Đại hội thế giới ở Áo, để tập trung sự chú ý của thế giới về vấn đề người cao tuổi, đại hội đồng Liên Hiệp Quốc quyết định lấy ngày 1/10 hàng năm làm ngày quốc tế người cao tuổi, bắt đầu từ 01/10/1991.
04/10/1920: KỶ NIỆM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ TỐ HỮU
Tải đề cương tuyên truyền theo địa chỉ sau:
http://www.doanthanhnienninhthuan.org.vn/Trangch%E1%BB%A7/tabid/40/post/3090/De-cuong-tuyen-truyen-ky-niem-100-nam-Ngay-sinh-dong-chi-To-Huu-4101920-4102020.aspx
Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương
10/10/1954: LỊCH SỬ NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ về đình chiến ở Đông Dương được ký kết. Qua nhiều ngày đấu tranh sôi nổi, các hiệp định về việc chuyển giao Hà Nội được ký kết ngày 30/9/1954 và ngày 2/10/1954 tại Ủy ban Liên hợp đình chiến Trung ương. Sau đó, Chính phủ đã phái các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội để chuẩn bị việc tiếp quản thành phố.
Link: https://sonoivu.hanoi.gov.vn/thong-tin-tuyen-truyen/-/view_content/2923284-lich-su-ngay-giai-phong-thu-do-10-10-1954-.html
Nguồn: Sở Nội vụ Hà Nội
13/10/1945: Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ NGÀY DOANH NHÂN VIỆT NAM
Ngày 13/10 hàng năm được chọn là ngày Doanh nhân Việt Nam, mở ra một trang mới trong lịch sử kinh tế Việt Nam, khi doanh nhân được thừa nhận có một vai trò quan trọng trong sự phát triển của quốc gia.
Link: http://giadinhvaphapluat.vn/y-nghia-va-lich-su-ngay-doanh-nhan-viet-nam-1310-p55037.html
Nguồn: Báo Gia đình và Pháp luật
14/10/1930: NGÀY THÀNH LẬP HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và thanh niên cách mạng đồng chí hội, cuối năm 1926 đầu năm 1927, một số địa phương hình thành “Nông Hội Đỏ” chỉ đạo cuộc nổi dậy của nông dân đấu tranh chống thực dân, địa chủ phong kiến và tư sản, đòi quyền dân sinh dân chủ; tiêu biểu là cuộc đấu tranh của nông dân Cao Lãnh, Sa Đéc, Gia Định, Đức Phổ, Duyên Hà, Tiền Hải…. đi tới đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Link:http://www.lichsuvietnam.vn/home.php?option=com_content&task=view&id=1024&Itemid=33
15/10/1956: KỶ NIỆM NGÀY THÀNH LẬP HỘI THANH NIÊN VIỆT NAM
Trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng, phấn đấu trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng, với vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam ngày càng xứng đáng là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên và các tổ chức thanh niên Việt Nam yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh và lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, đoàn kết mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước cùng phấn đấu cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vì hạnh phúc và sự tiến bộ của thanh niên.
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương phải hình thành một mặt trận thanh niên rộng rãi và thống nhất do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt. Ban Thường vụ Trung ương Đảng chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh chuẩn bị hình thành mặt trận đoàn kết rộng rãi các tầng lớp thanh niên lấy tên là Đoàn thanh niên Việt Nam. Tháng 6/1946, Tổng đoàn Thanh niên Việt Nam ra đời (gọi tắt là Đoàn Thanh niên Việt Nam), sau đổi thành Liên đoàn Thanh niên Việt Nam - một tổ chức rộng rãi của mọi thanh niên yêu nước tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Liên đoàn do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt. Cuối năm 1946, Liên đoàn Thanh niên Việt Nam là thành viên chính thức của Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới.
Tháng 02/1950, Liên đoàn Thanh niên Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ I tại xã Cao Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đại hội là sự thể hiện khối đoàn kết của toàn thể thanh niên Việt Nam trong mặt trận thanh niên vì mục tiêu kháng chiến thắng lợi. Đại hội đã thông qua Nghị quyết và Điều lệ của Liên đoàn Thanh niên Việt Nam và bầu đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng làm Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam (đồng chí Nguyễn Chí Thanh sau này là Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam).
 
Trong khí thế tiến công mạnh mẽ của tuổi trẻ miền Bắc đang ngày đêm hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế văn hóa xã hội và tuổi trẻ miền Nam đấu tranh ngày càng quyết liệt với quân Mỹ - Diệm; từ ngày 08/10 đến ngày 15/10 năm 1956, Trung ương Liên đoàn Thanh niên Việt Nam và Ban vận động Mặt trận Thanh niên toàn quốc triệu tập Đại hội tại Nhà hát lớn Hà Nội để thống nhất các tổ chức thanh niên Việt Nam và lấy tên là Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
Ngày 15/10/1956, Đại hội vinh dự được đón Bác Hồ kính yêu đến dự. Huấn thị tại Đại hội, Bác căn dặn: “...Là người chủ tương lai, cho nên toàn thể thanh niên ta phải đoàn kết chặt chẽ, phấn đấu anh dũng, vượt mọi khó khăn, thi đua giúp sức vào sự nghiệp xây dựng nước nhà tốt đẹp - một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh...”. Đại hội đã hiệp thương chọn cử Ban Chấp hành Trung ương Hội gồm 52 thành viên do Bác sỹ - Anh hùng Lao động Phạm Ngọc Thạch làm Chủ tịch. Đại hội xác định tinh thần cơ bản của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam là: “Đoàn kết rộng rãi, lâu dài, dựa trên sự thật thà, thân ái giúp đỡ nhau, tôn trọng tính chất độc lập của các tổ chức và làm việc theo phương pháp dân chủ bàn bạc để cùng nhau thỏa thuận, thống nhất ý kiến và thực hiện”. Đại hội nhiệt liệt hoan nghênh lời tuyên bố của Liên đoàn Thanh niên Việt Nam hòa mình vào Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Đồng thời khẳng định Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên đoàn thanh niên dân chủ thế giới.
Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Tiếp sau đó, Hội LHTN giải phóng miền Nam được thành lập bao gồm Hội Liên hiệp Sinh viên giải phóng, Hội Học sinh giải phóng và các tổ chức thanh niên yêu nước khác do nhà văn, nhà báo Trần Bạch Đằng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam làm Chủ tịch Hội.
Tháng 12/1961, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ II được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có hơn 400 đại biểu của các tổ chức và tầng lớp thanh niên. Đại hội vinh dự được đón Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các đồng chí đại diện Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại diện Chính phủ, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tới dự. Trong bài nói chuyện với Đại hội, Bác Hồ đã bày tỏ niềm tin yêu sâu sắc đối với thanh niên. Người nói: “Bác rất yêu quý thanh niên,
- Vì thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng.
- Vì thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hoá, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
- Vì thanh niên là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ, đang hăng hái giữ gìn trật tự, trị an, bảo vệ Tổ quốc.
- Vì trong mọi công việc, thanh niên thi đua thực hiện khẩu hiệu: “Đâu cần, thanh niên có; việc gì khó, thanh niên làm”.
Đại hội đã hiệp thương chọn cử Ủy ban Trung ương Hội gồm 78 thành viên do Giáo sư Phạm Huy Thông – Giám đốc trường Đại học Sư phạm Hà Nội làm Chủ tịch Hội. Đại hội đã phát động thanh niên tích cực tham gia thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và ra sức ủng hộ cho cuộc đấu tranh của đồng bào và thanh niên miền Nam.
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội, hơn một vạn tập thể thanh niên đã phấn đấu đạt nhiều thành tích to lớn trong quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất; 80 vạn đoàn viên, hội viên, thanh niên miền Bắc tự nguyện đăng ký phấn đấu theo tinh thần "Mỗi người làm việc bằng hai"; 15 vạn thanh niên tình nguyện gia nhập các Đội Thanh niên Xung phong chống Mỹ, cứu nước. Hơn 3 triệu lượt thanh niên đăng ký tham gia phong trào "Ba sẵn sàng" và hơn 2 triệu lượt thanh niên đăng ký tham gia phong trào "Năm xung phong" cùng hàng triệu lượt đoàn viên, thanh niên, hội viên tình nguyện tham gia lực lượng vũ trang, nêu cao quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, xứng đáng với lời khen của Bác Hồ “Các cháu là thế hệ anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng”.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, Bắc - Nam sum họp một nhà; thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ 22 - Khóa III, tại thành phố Hồ Chí Minh, trong hai ngày 20 và 21/9/1976, đoàn đại biểu Hội LHTN Việt Nam và đoàn đại biểu Hội LHTN giải phóng miền Nam đã tổ chức Hội nghị thống nhất Mặt trận Thanh niên trong cả nước lấy tên chung là Hội LHTN Việt Nam. Đây là sự kiện chính trị trọng đại trong phong trào thanh niên nước ta.
Hội nghị thông qua Điều lệ mới của Hội LHTN Việt Nam và hiệp thương chọn cử Uỷ ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam gồm 96 thành viên do Giáo sư Lê Quang Vịnh làm Chủ tịch. Trong hai ngày tiếp theo 24 và 25/9/1976, Hội nghị toàn quốc của Hội LHTN Việt Nam tiếp tục họp tại thành phố Hồ Chí Minh thảo luận và đề ra nội dung công tác Hội trong thời kỳ mới. Đây là hình ảnh sinh động trong khối đại đoàn kết, tập hợp, thống nhất của thanh niên Việt Nam, là lực lượng hùng hậu của tuổi trẻ Việt Nam để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hội nghị đã biểu dương những chiến công của thế hệ trẻ trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, Hội nghị đã dành thời gian thảo luận công tác củng cố tổ chức Hội LHTN Việt Nam trong thời kỳ cách mạng mới.
Tháng 9/1988, Hội nghị Uỷ ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam họp tại Hà Nội đã tiến hành kiện toàn Uỷ ban Trung ương Hội. Anh Hà Quang Dự, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khoá V được hiệp thương chọn cử làm Chủ tịch Hội thay Giáo sư Lê Quang Vịnh nhận nhiệm vụ mới.
Ngày 08/12/1994, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ III chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội với 400 đại biểu tham dự. Đại hội đã thông qua Điều lệ (sửa đổi) của Hội LHTN Việt Nam, hiệp thương chọn cử Uỷ ban Trung ương Hội gồm 110 thành viên, Đoàn Chủ tịch gồm 19 thành viên do anh Hồ Đức Việt, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn làm Chủ tịch Hội. Đại hội đã quyết định lấy ngày 15/10/1956 là ngày truyền thống hàng năm của Hội LHTN Việt Nam và quyết định các nhiệm vụ chủ yếu của Hội từ năm 1994 đến năm 1999 với 5 chương trình là: "Lập thân, lập nghiệp, xây dựng đất nước phồn vinh”; "Nâng cao dân trí, bồi dưỡng tài năng trẻ, phát triển văn hoá, thể dục thể thao”; "Bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự an ninh”; "Công tác xã hội, bảo vệ môi trường” và "Hợp tác hữu nghị với tuổi trẻ trong khu vực và trên thế giới”; 3 cuộc vận động là: "Tiết kiệm, tích luỹ”, "Chống mù chữ, chống thất học” và “Hiến máu nhân đạo”.
Đến cuối năm 1996, đồng chí Hồ Đức Việt được Bộ Chính trị điều động nhận nhiệm vụ mới. Hội nghị Uỷ ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam được tổ chức vào tháng 3 năm 1998, đã hiệp thương chọn cử chị Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đoàn làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam.
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội, trong nhiệm kỳ 5 năm, các cấp bộ Hội đã huy động được số vốn hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ cho 700.000 hội viên, thanh niên tổ chức sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập phát triển kinh tế, xây dựng 3.500 câu lạc bộ khuyến nông, đảm nhận 93.500 công trình thanh niên trị giá 276 tỷ đồng thu hút gần 12 triệu lượt hội viên, thanh niên tham gia; phát động chiến dịch "Ánh sáng văn hoá hè”, phong trào thanh niên tình nguyện thu hút gần 80.000 hội viên, thanh niên tham gia, mở gần 35.000 lớp học xoá mù chữ cho 500.000 lượt người; công tác xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức Hội có nhiều bước phát triển tích cực.
Nhằm đánh giá kết quả công tác Hội và phong trào thanh niên nhiệm kỳ 1994 - 1999, đồng thời đề ra phương hướng nhiệm kỳ mới; từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 01 năm 2000, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IV đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội với sự tham gia của 599 đại biểu. Đại hội diễn ra vào thời điểm dân tộc ta cùng cả nhân loại bước vào thời khắc lịch sử chuyển giao giữa hai thế kỷ. Đại hội đã thông qua Điều lệ Hội sửa đổi và quyết định đề ra 5 cuộc vận động là: "Học tập, sáng tạo vượt bậc vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”; "Giúp nhau lập nghiệp vì dân giàu, nước mạnh”; "Thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”; "Vì chủ quyền Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên” và "Xây dựng nếp sống văn minh đậm đà bản sắc dân tộc”.
Đại hội hiệp thương chọn cử chị Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa III giữ chức Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa IV. Tại kỳ họp Uỷ ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam lần thứ 5 (khoá IV) ngày 15/2/2003, đã hiệp thương kiện toàn Uỷ ban Trung ương Hội khoá IV và hiệp thương chọn cử anh Hoàng Bình Quân, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thay chị Trương Thị Mai nhận nhiệm vụ mới.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội, nhiệm kỳ 2000 - 2005, kết quả công tác Hội và phong trào thanh niên Việt Nam có nhiều bước phát triển, 5 cuộc vận động của Hội đã góp phần không nhỏ vào sự tạo dựng, bồi đắp những phẩm chất, đức tính cho lớp thanh niên Việt Nam trưởng thành trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Gần 290.000 hội viên, thanh niên được nhận học bổng với số tiền trên 60 tỷ đồng; 361.000 hội viên, thanh niên hỗ trợ, giúp nhau lập nghiệp với số tiền lên tới 206 tỷ đồng; gần 500.000 hội viên, thanh niên được chuyển giao, tiếp nhận các kiến thức khoa học, kỹ thuật; chỉ tính riêng hơn 3.000 hội viên Hội các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam đã đạt doanh thu trên 5 tỷ USD/năm và tạo việc làm với thu nhập ổn định cho trên 600.000 lao động; 226.583 hội viên, thanh niên tham gia hiến máu nhân đạo; gần 20 triệu lượt cán bộ, hội viên, thanh niên tham gia các chiến dịch thanh niên tình nguyện; đầu nhiệm kỳ chỉ có 2,5 triệu hội viên, thanh niên tham gia, đến hết năm 2004, tổng số hội viên, thanh niên trong cả nước đạt 5,6 triệu (vượt kế hoạch đề ra 600.000 hội viên, thanh niên)… Những thành tích trên đã góp phần không nhỏ vào thành tựu của công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong thời gian qua.
Được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ ngày 25 đến ngày 27/02/2005, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ V đã diễn ra trọng thể tại Thủ đô Hà Nội với sự tham gia của 798 đại biểu. Đại hội diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và kế hoạch 5 năm (2001 - 2005). Đồng chí Nông Đức Mạnh - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo Đại hội, đồng thời, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã trao tặng thanh niên Việt Nam và Hội LHTN Việt Nam bức trướng mang dòng chữ “Thanh niên Việt Nam đoàn kết, sáng tạo, hăng hái tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đại hội đã tổng kết công tác Hội và phong trào thanh niên nhiệm kỳ IV và đề ra phương hướng công tác Hội nhiệm kỳ V, thông qua Điều lệ Hội sửa đổi, hiệp thương chọn cử Uỷ ban Trung ương Hội khoá V gồm 135 thành viên; anh Nông Quốc Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn được hiệp thương chọn cử giữ chức Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam. Đại hội Hội LHTN Việt Nam lần thứ V đã phát động thanh niên Việt Nam hưởng ứng và tham gia 5 cuộc vận động lớn trong nhiệm kỳ 2005 - 2010 là: "Thanh niên đi đầu trong xã hội học tập”; "Thanh niên làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia xoá đói giảm nghèo”; “Thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”; “Thanh niên vì cuộc sống bình yên, vì chủ quyền Tổ quốc” và "Thanh niên sống đẹp”.
Hội nghị Uỷ ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam lần thứ 5 - khóa V năm 2008 đã hiệp thương chọn cử anh Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thay anh Nông Quốc Tuấn nhận nhiệm vụ mới.
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VI, sự kiện chính trị quan trọng, ngày hội lớn của thanh niên Việt Nam được tổ chức trong 2 ngày 26 và 27/4/2010 tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 995 đại biểu đại diện cho khối đại đoàn kết các tầng lớp thanh niên của 54 dân tộc anh em. Tại Đại hội, đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng, khẳng định những đóng góp của tuổi trẻ Việt Nam vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong 5 năm qua. Đồng thời, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã tặng thanh niên Việt Nam và Hội LHTN Việt Nam bức trướng mang dòng chữ: “Thanh niên Việt Nam xây hoài bão lớn, đoàn kết, sáng tạo, xung kích vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Với tinh thần “Thanh niên Việt Nam xây hoài bão lớn, chung sức trẻ vì Tổ quốc giàu mạnh và văn minh”, Đại hội đã phát động trong thanh niên cả nước 3 cuộc vận động:  “Thanh niên sống đẹp - sống có ích”; “Thanh niên tình nguyện vì an sinh xã hội và bảo vệ môi trường” và “Thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng”;  2 chương trình: “Khi Tổ quốc cần” và “Xây dựng, phát triển tổ chức Hội, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên”.  Đại hội đã hiệp thương chọn cử Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam khóa VI gồm 155 thành viên; anh Nguyễn Phước Lộc, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam khóa V được hiệp thương chọn cử giữ chức Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ 7, khóa VI, anh Phan Văn Mãi, Bí thư thường trực Ban chấp hành Trung ương Đoàn được hiệp thương chọn cử làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa VI thay anh Nguyễn Phước Lộc được điều động, phân công nhận nhiệm vụ mới.
Tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ 10, khóa VI, anh Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn được hiệp thương chọn cử làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa VI thay anh Phan Văn Mãi được điều động, phân công nhận nhiệm vụ mới.
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2014 - 2019 là sự kiện lớn của tuổi trẻ, ngày hội đoàn kết các tầng lớp thanh niên Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới của tổ chức Hội và phong trào thanh niên, diễn ra từ ngày 27 đến ngày 29 tháng 12 năm 2014 tại Thủ đô Hà Nội đã thành công tốt đẹp. Tham dự Đại hội có 800 đại biểu chính thức là những cán bộ Hội, hội viên xuất sắc và cá nhân tiêu biểu trong và ngoài nước, đại diện cho khối đại đoàn kết các tầng lớp thanh niên của 54 dân tộc Việt Nam. Tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng, khẳng định những đóng góp của thanh niên Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Với tinh thần “Trung thực, Trách nhiệm, Nghị lực, Cống hiến”, Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2010 - 2014; xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào thanh niên nhiệm kỳ 2014 – 2019, xây dựng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vững mạnh, tập hợp rộng rãi các tầng lớp thanh niên yêu nước, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đại hội đã hiệp thương chọn cử Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam khóa VII gồm 157 ủy viên; anh Nguyễn Phi Long, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam khóa VI được hiệp thương chọn cử giữ chức Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2014 - 2019.
Tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ 9, khóa VII, anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn được hiệp thương chọn cử làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa VII thay anh Nguyễn Phi Long được điều động, phân công nhận nhiệm vụ mới.
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019 - 2024 là ngày hội đoàn kết rộng rãi các tầng lớp thanh niên Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới của tổ chức Hội và phong trào thanh niên, diễn ra từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 12 năm 2019 tại Thủ đô Hà Nội đã thành công tốt đẹp. Tham dự Đại hội có tham dự của 996 đại biểu là những cán bộ, hội viên, thanh niên ưu tú đại diện cho hơn 9,9 triệu hội viên và trên 23 triệu thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước, đại diện cho khối đại đoàn kết các tầng lớp thanh niên của 54 dân tộc Việt Nam. Tại Đại hội, Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng, khẳng định những đóng góp của thanh niên Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Với khẩu hiệu hành động “Thanh niên Việt Nam yêu nước, sáng tạo, tình nguyện, hội nhập, phát triển”, Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2014 - 2019; xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào thanh niên nhiệm kỳ 2019 - 2024, xây dựng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vững mạnh, tập hợp rộng rãi các tầng lớp thanh niên yêu nước, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đại hội đã hiệp thương chọn cử Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam khóa VIII gồm 137 ủy viên; cử anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được hiệp thương chọn cử giữ chức Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Kỷ niệm 64 năm ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam, năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VIII,  mỗi thanh niên Việt Nam có quyền tự hào: Trong mỗi chặng đường của lịch sử dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã có những đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nêu cao các truyền thống vẻ vang của Hội và các tầng lớp thanh niên Việt Nam, đó là:
1. Truyền thống yêu nước nồng nàn, một lòng trung thành với chế độ, với lý tưởng của Đảng và Bác Hồ kính yêu; gắn bó, đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau cùng tiến bộ trong tổ chức Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, tin tưởng và tự hào về tổ chức Hội, ra sức xây dựng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam nhằm đoàn kết, tập hợp thanh niên và tạo nguồn lực bổ sung cho Đoàn. Truyền thống quý báu đó đã tạo nên động lực vô cùng quý giá xuyên suốt các chặng đường lịch sử; thế hệ trẻ sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, vì Chủ nghĩa xã hội, gắn bó giúp đỡ nhau trong học tập, lao động, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, dịch họa “Thương người như thể thương thân”. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, điều kiện nào thanh niên nước ta quyết không quản ngại khó khăn, gian khổ hi sinh, chiến đấu quên mình, sáng tạo trong lao động sản xuất, xung phong tình nguyện, đoàn kết thương yêu nhau vươn lên góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
2. Truyền thống của đội quân xung kích cách mạng, xung phong tình nguyện, dám đón lấy những nhiệm vụ nặng nề mà lịch sử giao phó, dám đi đến những nơi gian khổ nhất, khi Đảng và nhân dân kêu gọi, thanh niên luôn sẵn sàng với tinh thần tự giác cao. Các thế hệ đi trước đã tình nguyện “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”; “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”; “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” cho đến “Thanh niên lập nghiệp”; “Tuổi trẻ giữ nước”; “Thanh niên tình nguyện”, “Khi Tổ quốc cần – Thanh niên hành động”, “Tôi yêu Tổ quốc tôi”… đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả quá trình lịch sử với truyền thống của đội quân xung phong tình nguyện bắt nguồn từ lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, không cam chịu mất nước, làm nô lệ; không cam chịu đói nghèo lạc hậu. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.
3. Truyền thống hiếu học, cần cù, say mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học, ham hiểu biết, có ý chí vượt khó, có hoài bão lớn để vươn tới những đỉnh cao của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, văn học, nghệ thuật, thể dục thể thao. Say mê sáng tạo trong hoạt động thực tiễn, dù trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn vẫn quyết tâm học tập, rèn luyện, cống hiến cho sự nghiệp của dân tộc và của Đảng.
Với những cống hiến xuất sắc của các thế hệ cán bộ, hội viên và các tầng lớp thanh niên Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 1999 và Huân chương Hồ Chí Minh năm 2005 vì “Đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, vận động thanh niên tham gia các phong trào phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ gìn an ninh quốc phòng, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.
Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, thanh niên luôn là người đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo lý tưởng của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Phát huy những giá trị truyền thống vẻ vang của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, các thế hệ hội viên, thanh niên Việt Nam nguyện một lòng đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; cống hiến tất cả tài năng, sức lực và trí tuệ của mình trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
https://tinhdoan.quangngai.gov.vn
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận
        Trên nền tảng lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Bác Hồ đã chọn lọc tinh hoa văn hóa chính trị của nhân loại về vị trí của nhân dân trong tiến trình phát triển. Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân; không có sức mạnh nào vô địch như sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Quá trình lãnh đạo dựng Ðảng, dựng nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Muốn cách mạng thành công thì Ðảng phải vững mạnh, phải dựa vào dân, tổ chức vận động nhân dân tham gia và lãnh đạo nhân dân thực hiện những nguyện vọng, lợi ích thiết thực cho nhân dân. Nước phải lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân.
      Năm 1941, về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng, Bác Hồ đã chủ trì Hội nghị Trung ương 8, đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, thành lập Mặt trận Việt Minh để tập hợp mọi tầng lớp nhân dân thành một khối thống nhất. Người còn viết thư kính cáo đồng bào kêu gọi toàn dân đoàn kết dưới lá cờ Việt Minh đấu tranh đánh Pháp, đuổi Nhật, giành lại độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân.
      61 năm trước, ngày 15-10-1949, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn gay go, quyết liệt nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo Dân vận, nêu lên nhiệm vụ cực kỳ trọng yếu của cả hệ thống chính trị là công tác dân vận và chỉ rõ, mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều do dân vận khéo mà có. Cũng từ đây, ngày 15-10 trở thành ngày truyền thống của công tác dân vận, của mối quan hệ Ðảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị với nhân dân.
      Truyền thống quý báu này là kết tinh những giá trị của mối quan hệ Ðảng - Dân, được xây đắp suốt quá trình Ðảng lãnh đạo toàn dân làm cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà và đi lên xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Nhất là từ khi Ðảng ta trở thành đảng cầm quyền sau Cách mạng tháng 8-1945.
      Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy chúng ta, muốn làm công tác dân vận khéo thì phải thật sự yêu dân, kính dân, thương dân và hiểu dân, phải biết vận động nhân dân làm tốt những việc có lợi cho cách mạng, cho đất nước, để đem tài dân, sức dân, của dân mà làm lợi cho dân. Bác Hồ cho rằng, Ðảng phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị thấm nhuần lý tưởng chính trị vì dân thì  làm công tác dân vận mới thật sự có hiệu quả. Trước hết là chăm lo vun đắp đạo đức của người cán bộ, đảng viên rèn luyện suốt đời phấn đấu vì lợi ích của dân, của nước, vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ thật trung thành của dân. Muốn vậy thì Ðảng phải có đường lối cách mạng đúng, các chính sách và cách thức lãnh đạo các tầng lớp xã  hội trong nhân dân phù hợp, đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu, được lòng dân, đi vào lòng dân, cùng sướng khổ với dân mới khơi dậy và phát huy tính tích cực, sáng tạo của mỗi con người để họ có thể đóng góp nhiều nhất sức người, sức của thực hiện đường lối, chính sách của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách tự nguyện, có hiệu quả to lớn.
      Một vấn đề quan trọng của công tác dân vận được Bác Hồ chỉ ra khi Ðảng trở thành đảng cầm quyền là:
“Tất cả cán bộ chính quyền
Tất cả cán bộ đoàn thể
Tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách dân vận”
      Ðiều này có ý nghĩa là toàn thể hệ thống, tổ chức, bộ máy, cán bộ, đảng viên, viên chức của hệ thống chính trị đều phải phụ trách dân vận. Trong tác phẩm Dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu của công tác dân vận là cán bộ chính quyền. Suy ngẫm sâu sắc về vấn đề này, chúng ta lại thấy tính chất nhân dân đậm nét trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân.
     Tư tưởng lớn bao trùm và xuyên suốt của Hồ Chí Minh về dân vận là “bao nhiêu lợi ích đều vì dân... quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Ðây thật sự là cẩm nang cho Ðảng và Nhà nước ta trong tiến trình lãnh đạo, tổ chức toàn dân tiến hành sự nghiệp đổi mới và CNH, HÐH đất nước. Nhất là từ Ðại hội Ðảng lần thứ VIII, Ðảng ta đã khẳng định, CNH, HÐH đất nước là sự nghiệp của toàn dân, trong đó phát huy nguồn lực con người, phát huy nội lực là nhân tố quyết định. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nêu bật vai trò nhân dân trong đổi mới và xây dựng đất nước mà trong Di chúc Người đã căn dặn Ðảng ta, trong cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những hư hỏng, nghèo nàn, lạc hậu để xây dựng những cái mới mẻ, tốt tươi thì phải dựa vào nhân dân, giáo dục và tổ chức toàn dân. Làm những việc đó chính là để nhân dân tự giác thực hiện trách nhiệm của mình, có những đóng góp nhiều nhất vào quá trình tiến hành đổi mới và đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước.
      Ðể công tác dân vận góp phần động viên và tổ chức lực lượng toàn dân tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới hiện nay, nên tập trung làm thật tốt một số việc.
Mọi chủ trương chính sách của Ðảng và Nhà nước trước khi ban hành cần làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đưa ra bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân.
      Khi tiến hành xây dựng các dự án kinh tế xã hội, hạ tầng kinh tế kỹ thuật cho công nghiệp hóa và dân sinh có quan hệ đến đời sống của dân trên địa bàn thì các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị cần phải phối kết hợp chặt chẽ với hệ thống chính trị tại địa phương, đại biểu của dân, chủ hộ dân trực tiếp có liên quan để bàn bạc, trao đổi có sự đồng thuận cao nhất của dân và địa phương rồi mới đem ra thi hành.
Các tổ chức trong hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, cơ sở cần thấm nhuần và thực hiện tư tưởng và tấm gương dân vận của Bác. Nhiệm vụ, nội dung, phương thức công tác dân vận cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) đến cán bộ, đảng viên, viên chức trong toàn bộ hệ thống chính trị. Ðối với các tổ chức đảng, trong quá trình tiến tới Ðại hội XI của Ðảng cần coi việc kiểm điểm về công tác dân vận là nội dung quan trọng để đánh giá về nhận thức, quan điểm, tác phong, đạo đức của người đảng viên về tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân.
        Trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, thực hiện đường lối mở cửa, hội nhập của Ðảng, mỗi cán bộ, đảng viên của đảng cầm quyền, để thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, thiết nghĩ tự mỗi người cần thường xuyên học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công.
Trích nguồn: Báo Nhân dân
NHIỀU CHÍNH SÁCH MỚI CÓ HIỆU LỰC TỪ NGÀY 01/10/202
 
Chỉ được gọi điện quảng cáo trong giờ hành chính; làm hỏng bia chủ quyền bị phạt 100 triệu... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10.
Chỉ được gọi điện thoại quảng cáo từ 8h đến 17h
Nghị định 91/2020 có hiệu lực từ 1/10 lần đầu quy định không được phép gọi quá một cuộc gọi điện thoại quảng cáo tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ và chỉ được gọi từ 8h đến 17h mỗi ngày, trừ trường hợp có thỏa thuận với người sử dụng. Trường hợp vi phạm các quy định này sẽ bị phạt tiền 20-30 triệu đồng.
Nghị định này cho phép mỗi người quảng cáo không được phép gửi quá 3 tin nhắn quảng cáo tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ. Quy định hiện hành là không được phép gửi quá một tin nhắn quảng cáo có nội dung tương tự nhau tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ và chỉ được phép gửi trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 22 giờ mỗi ngày.
Khi người sử dụng đã từ chối nhận, người quảng cáo nếu tiếp tục gửi tin sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng với hành vi gọi điện quảng cáo đến người sử dụng đã từ chối nhận cuộc gọi.
Làm hư hại bia chủ quyền, cột mốc biên giới bị phạt đến 100 triệu đồng
Tại Nghị định 96/2020 có hiệu lực từ 10/10 quy định phạt tiền 40-50 triệu đồng với một trong những hành vi làm hư hại mốc giới, cọc dấu, dấu hiệu đường biên giới, vật đánh dấu đường biên giới, cột cờ, điểm cơ sở, bia chủ quyền trên các đảo; làm thay đổi dòng chảy sông, suối biên giới hoặc làm ảnh hưởng đến đường biên giới quốc gia...
Nếu tổ chức vi phạm các lỗi trên, mức phạt tăng gấp đôi, tương ứng 80-100 triệu đồng. Người nổ súng săn bắn trong phạm vi 1.000 mét từ đường biên giới trên đất liền sẽ bị phạt 30-40 triệu đồng.
Bán hàng xách tay không hoá đơn có thể bị phạt đến 200 triệu đồng
Có hiệu lực từ 15/10, Nghị định 98/2020 quy định người kinh doanh hàng xách tay không chứng từ, không khai báo hải quan sẽ bị phạt 100-200 triệu đồng. Mức hiện nay tối đa là 100 triệu đồng.
Cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000-50 triệu đồng, tuỳ thuộc giá trị hàng hoá nhập lậu (hiện nay mức phạt 200.000-50 triệu đồng). Tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt 1-100 triệu đồng.
Mức xử phạt sẽ tăng lên gấp đôi, tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức nếu người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh và thuốc... có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Giáo viên tiểu học không được phê bình học sinh trước lớp
Thông tư 28 về điều lệ trường tiểu học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, có hiệu lực ngày 20/10 nêu rõ điểm mới so với quy định hiện hành là nếu trong trường hợp, học sinh có khuyết điểm, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp như nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để tiến bộ hơn; thông báo với phụ huynh. Đặc biệt, giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.
Thông tư này cũng quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục nhưng không bắt học sinh phải sử dụng.
"Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh mua tài liệu tham khảo", thông tư nhấn mạnh và nói rõ thêm việc quản lý, sử dụng và lựa chọn tài liệu tham khảo sử dụng trong nhà trường thuộc trách nhiệm của hiệu trưởng.
https://vnexpress.net
 
Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn

 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây