Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 11/2020

Thứ ba - 10/11/2020 05:22
Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn ban hành Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 11/2020. Đề nghị các Huyện, Thị, Thành Đoàn và Đoàn trực thuộc triển khai đến các cấp bộ Đoàn của đơn vị mình.
Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 11/2020


Tải tại đây: /uploads/news/2020_11/tai-lieu-sinh-hoat-chi-doan-thang-11.2020.chinh.doc
Theo dòng lịch sử:

 
  1. KỶ NIỆM 103 NĂM NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA THÀNH CÔNG (07/11/1917 – 07/11/2020)
VẬN DỤNG BÀI HỌC CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Bài học từ thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa nói chung và trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói riêng.
Tầm vóc vĩ đại của của Cách mạng Tháng Mười Nga
Ngày 7/11/1917, Cách mạng Tháng Mười Nga do V.I.Lênin và Đảng Bôn-sê-vích lãnh đạo đã giành thắng lợi, lập nên nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Từ chỗ chỉ là ước mơ cao đẹp của loài người, sau Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa xã hội (CNXH) đã trở thành hiện thực và có sức mạnh vô cùng to lớn, mở đường cho các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do.
 
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga cùng với sự ra đời của nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới được xem là sự kiện lịch sử vĩ đại nhất của thế kỷ XX; trở thành biểu tượng của niềm tin và sự cổ vũ mãnh liệt đối với phong trào cách mạng của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.
 
Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra đã đáp ứng đầy đủ nhất những yêu cầu cấp thiết của lịch sử là xóa bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa để xây dựng một chế độ xã hội mới - chế độ xã hội cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là CNXH. Để có được thắng lợi vang dội đó, những người Bôn-sê-vích Nga dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin đã chuẩn bị về mọi mặt như chính trị, tư tưởng, tổ chức, quân sự... Dưới ánh sáng của “Luận cương tháng Tư” và sự chỉ đạo của V.I.Lênin, những người Bôn-sê-vích xác định nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất cho toàn Đảng là phải lôi cuốn đông đảo giai cấp công nhân và nhân dân lao động về phía cách mạng; thành lập đội quân chính trị đông đảo đủ sức mạnh đánh bại lực lượng phản cách mạng; thành lập lực lượng vũ trang cách mạng làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh chính trị và chủ động đối phó với sự thay đổi của tình hình.
Sau Cách mạng Tháng Mười, V.I.Lênin và Đảng Bôn-sê-vích Nga đã tập trung củng cố chính quyền Xô-viết, xây dựng chế độ xã hội mới, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho quần chúng nhân dân. “Sắc lệnh hòa bình” và “Sắc lệnh ruộng đất” được ban hành ngay sau khi cách mạng thành công đáp ứng được ý nguyện của quần chúng nhân dân lao động Nga về một cuộc sống hòa bình, tự do và hạnh phúc. Sự thống nhất về mặt lợi ích của giai cấp vô sản với nhân dân lao động đã hình thành và phát triển một nguyên tắc đạo đức mới, đó là chủ nghĩa tập thể.
Trong hơn 70 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đã đạt được sự phát triển mạnh mẽ về tiềm lực kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất của CNXH trên quy mô lớn với trình độ hiện đại, bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Với sự lớn mạnh toàn diện, CNXH có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống chính trị thế giới, đóng vai trò quan trọng đối với sự sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và thời đại quá độ lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Chính CNXH và cuộc đấu tranh rộng lớn, mạnh mẽ của nhân dân lao động đã là động lực to lớn buộc các thế lực thực dân, đế quốc phải thừa nhận quyền độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa; chính quyền các nước tư bản có những cải cách xã hội để cải thiện đời sống của người lao động… Từ sau Cách mạng Tháng Mười, Liên Xô đã giành được những thành tựu to lớn về nhiều mặt, nhất là đã huy động được lực lượng vật chất và tinh thần đánh thắng liên minh các thế lực đế quốc trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, các thế lực phát xít tàn bạo trong Chiến tranh thế giới thứ hai, hình thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Cách mạng Tháng Mười để lại nhiều bài học quý giá, trong đó quan trọng nhất là bài học về công tác xây dựng Đảng. Thực tế lịch sử cho thấy, V.I.Lênin và Đảng Bôn-sê-vích Nga đã chủ động chuẩn bị mọi mặt cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười. Trước sự biến động của tình hình cách mạng, cùng với việc đề ra chiến lược, sách lược cụ thể, Đảng Bôn-sê-vích Nga đã sáng suốt khi xác định rõ, cách mạng Nga phải chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa mà nhiệm vụ trọng tâm là lật đổ chính quyền lâm thời tư sản, bảo vệ các Xô viết đại diện. Đồng thời, công tác vận động, tập hợp quần chúng cũng được những người Bôn-sê-vích Nga chú trọng gắn với việc đấu tranh vạch trần bộ mặt cải lương, phản động của giai cấp tư sản và chính quyền lâm thời tư sản. Với hàng loạt khẩu hiệu cách mạng, nhất là khẩu hiệu “Chính quyền về tay các Xô viết”, Đảng Bôn-sê-vích Nga đã thành công trong việc tập hợp và phát huy sức mạnh của các lực lượng cách mạng như công nhân, nông dân, các dân tộc bị áp bức cùng kiên quyết đấu tranh lật đổ chính quyền lâm thời tư sản. 
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã chứng minh một chân lý: muốn cách mạng thành công phải có một chính đảng lãnh đạo. Đảng phải có cương lĩnh, đường lối đúng đắn; là ngọn cờ tập hợp sức mạnh toàn dân; là đội tiên phong của giai cấp công nhân và đáp ứng khát vọng, lợi ích của nhân dân và toàn dân tộc.
 
Từ sau Cách mạng Tháng Mười, V.I.Lênin đã nhiều lần nhấn mạnh, để xứng đáng với tư cách là một đảng cách mạng chân chính, các đảng cộng sản phải luôn đề phòng và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn mọi biểu hiện tiêu cực trong nội bộ đảng như: suy thoái về tư tưởng chính trị, đặc quyền, đặc lợi, xa dân, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cơ hội chủ nghĩa; phải nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình; phải thường xuyên tự điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đây là những chỉ dẫn hết sức quý báu của V.I.Lênin được rút ra từ thành công của Cách mạng Tháng Mười.
Về ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười đối với phong trào cách mạng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, ngay từ những năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật không phải tự do, bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang ở bên An Nam..”. Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đặc biệt coi trọng việc vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười, nhất là bài học về công tác xây dựng Đảng. Người cho rằng: “Cách mệnh Nga dạy chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất”; chỉ rõ việc cần kíp trước hết mà cách mạng đòi hỏi là “phải có Đảng cách mệnh”, “Đảng có vững thì cách mạng mới thành công… Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt”, “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là Chủ nghĩa Lênin”.
Dù đã hơn một thế kỷ trôi qua với muôn vàn biến động và những thay đổi liên quan đến “địa- chính trị” thế giới, nhưng không ai có thể phủ nhận được ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với phong trào cách mạng thế giới lúc bấy giờ. Đối với Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười chính là ánh sáng soi đường cho nhân dân ta đi đến một cuộc cách mạng vĩ đại trong lịch sử dân tộc - cách mạng vô sản do giai cấp công nhân và nhân dân lao động khởi xướng để xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Cho đến nay, trải qua chặng đường hơn 90 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn luôn kiên trì, kiên định con đường này và luôn quán triệt, vận dụng bài học thành công từ Cách mạng Tháng Mười đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
(Còn tiếp)
Nguồn: Tạp chí Ban Tuyên giáo Trung ương.
>> Đường link đầy đủ nội dung: https://bitly.com.vn/KLvYA
 
2. TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY THÀNH LẬP MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT VIỆT NAM - NGÀY TRUYỀN THỐNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM (18/11/1930 – 18/11/2020)
I. MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT VIỆT NAM RA ĐỜI - BƯỚC PHÁT TRIỂN CỦA PHONG TRÀO YÊU NƯỚC VÀ PHONG TRÀO CÁCH MẠNG CỦA NHÂN DÂN TA
Từ nửa cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược, thống trị nước ta, từng biến nước ta thành xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Chúng đã dùng nhiều thủ đoạn thống trị, áp bức, bóc lột hết sức tàn bạo và tìm mọi cách để đàn áp, dập tắt phong trào yêu nước và phong trào cách mạng của Nhân dân ta. Lúc này, tồn tại hai mâu thuẫn cơ bản: mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược và mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ phong kiến.
Dưới tác động chính sách thống trị của thực dân Pháp và một số yếu tố khác, làm cho xã hội Việt Nam biến đổi sâu sắc, các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp nổ ra liên tiếp từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX nhưng lần lượt bị thất bại vì thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức vững mạnh, thiếu lực lượng tiên phong. Điều đó được Lãnh tụ Hồ Chí Minh kết luận: “Từ ngày bị đế quốc xâm chiếm, nước ta là một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác. Trong mấy mươi năm khi chưa có Đảng, tình hình đen tối như không có đường ra”
Trong bối cảnh đó, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã không đi theo con đường cứu nước của các vị tiền bối vì nhận thấy ở đó còn những hạn chế. Người tìm hiểu một số cuộc cách mạng tư sản, nhất là Đại cách mạng Pháp năm 1789 với bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền và khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái” nổi tiếng; cách mạng Bắc Mỹ với Tuyên ngôn độc lập năm 1776 tuyên bố về quyền con người thiêng liêng bất khả xâm phạm, nhưng nhận thấy ở đó “vẫn còn áp bức bất công”, không thể đáp ứng yêu cầu của dân tộc Việt Nam. Cuối cùng, Người tìm được và quyết định đưa dân tộc Việt Nam đi theo con đường Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 của V.I Lênin - Lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới, người kế thừa và phát triển di sản vĩ đại của C.Mác - Ph.Ănghen.
Qua thời gian chuẩn bị về tư tưởng, lý luận, tổ chức và cán bộ, Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 2/1930 tại Cửu Long, Hương Cảng, Trung Quốc; thông qua Chánh cương vắn tắtSách lược vắn tắtChương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng do Người soạn thảo, vạch ra những vấn đề cơ bản về đường lối cách mạng Việt Nam, trong đó có những nội dung về yêu cầu tập hợp lực lượng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Đó là cơ sở quan trọng để sau đó Đảng ta xây dựng Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam.
Giữa lúc cao trào cách mạng đầu tiên do Đảng lãnh đạo 1930-1931, mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh đang diễn ra sôi nổi và rầm rộ trong cả nước; ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị về vấn đề thành lập Hội Phản đế Đồng minh - hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam. Chỉ thị xác định Hội Phản đế Đồng minh phải bảo đảm tính công nông; đồng thời phải mở rộng tới các thành phần trong dân tộc để Mặt trận thực sự là của toàn dân và nhấn mạnh: “giai cấp vô sản lãnh đạo cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương mà không tổ chức được toàn dân lại thành một lực lượng thật rộng, thật kín thì cuộc cách mạng cũng khó thành công”.
Hội Phản đế Đồng minh là hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành về nhận thức và chỉ đạo thực tiễn cách mạng của Đảng ta. Đó cũng là cống hiến vĩ đại về lý luận và thực tiễn của Nguyễn Ái Quốc, là thành quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đủ trưởng thành, đủ sức gánh vác sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng.
Từ đó tới nay, tuy có những hình thức và tên gọi khác nhau cho phù hợp với nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng nhưng Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam luôn là nơi tập hợp các giai tầng xã hội vì mục tiêu lớn của dân tộc. 
(Còn tiếp)
Nguồn: Tạp chí Ban Tuyên giáo Trung ương.
>>> Link nội dung đầy đủ: https://bitly.com.vn/e0HWK
 
3. ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY NAM KỲ KHỞI NGHĨA (23/11/1940 - 23/11/2020)
I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ, DIỄN BIẾN, KẾT QUẢ CUỘC KHỞI NGHĨA NAM KỲ
1. Bối cảnh lịch sử
Tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ. Tháng 6/1940, Pháp đầu hàng phát xít Đức. Lợi dụng cơ hội này, cuối tháng 9/1940, phát xít Nhật kéo quân vào Đông Dương, từ đây Nhân dân ta lâm vào tình thế “một cổ hai tròng”. Tháng 11/1940, bọn quân phiệt Thái Lan theo lệnh phát xít Nhật tiến đánh Campuchia. Thực dân Pháp bắt lính Nam Bộ ra trận làm bia đỡ đạn cho chúng. Căm thù thực dân Pháp và được cổ vũ bởi tiếng súng khởi nghĩa Bắc Sơn, Nhân dân Nam Bộ sục sôi tranh đấu.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng lần thứ bảy (khóa I) từ ngày 6 đến ngày 8/11/1939 tại Bà Ðiểm (Hóc Môn, Gia Ðịnh) nhận định: Nhật sẽ xâm chiếm Đông Dương và Pháp sẽ đầu hàng Nhật, cách mạng Đông Dương sẽ bùng nổ; do vậy, phải đoàn kết thực hiện bằng được nhiệm vụ chính cốt là đánh đổ đế quốc, giải phóng dân tộc; chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp, giai cấp, dân tộc và các cá nhân yêu nước.
Tinh thần Nghị quyết đã sớm đi vào đảng viên, quần chúng. Phong trào cách mạng ở Nam Kỳ ngày càng phát triển mạnh mẽ, liên tiếp diễn ra nhiều cuộc mít tinh, biểu tình, đấu tranh. Đặc biệt là các cuộc đấu tranh chống bắt lính diễn ra mạnh mẽ kể từ khi thực dân Pháp bắt thêm lính Việt Nam đem sang chiến trường biên giới Ai Lao (Lào) - Cao Miên (Campuchia) để chống Xiêm (Thái Lan). Khí thế chiến đấu diễn ra hầu khắp Nam Kỳ, đặc biệt là ở Mỹ Tho, Vĩnh Long, Long Xuyên, Chợ Lớn, Gia Định, Tân An, Vũng Tàu, Trà Vinh...
Trên cơ sở đó, tháng 3/1940, Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư thảo ra Đề cương chuẩn bị bạo động. Từ tháng 7 đến tháng 10/1940, Ðảng bộ Nam Kỳ liên tiếp tổ chức nhiều cuộc họp để bàn chủ trương và gấp rút lãnh đạo Nhân dân chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, thông qua Đề cương; chủ trương thành lập Ban Chỉ huy và Ban Quân sự các cấp; xác định hình thức chính quyền, quốc kỳ, khẩu hiệu; vạch các chính sách đối với Nhân dân…
Ðến giữa tháng 11/1940, trước tinh thần đấu tranh của quần chúng, đặc biệt là tinh thần phản chiến của binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định phát động toàn Nam Kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền thuộc địa, giành chính quyền về tay Nhân dân. Ngày 21/11/1940, Thường vụ Xứ ủy ra thông báo cho các cấp bộ Đảng nhất loạt phát động Nhân dân nổi dậy vào lúc 24 giờ ngày 22/11/1940. Thời điểm hành động nhất loạt ở các tỉnh Nam Kỳ là lúc 0 giờ ngày 22, rạng 23/11/1940, hiệu lệnh là đèn Sài Gòn tắt hoặc có tiếng súng nổ.
Hội nghị Trung ương Ðảng họp tại Ðình Bảng (Bắc Ninh) từ ngày 6 đến 9/11/1940 nhận định điều kiện khởi nghĩa ở Nam Kỳ và trong cả nước chưa chín muồi, đề nghị Xứ ủy Nam Kỳ chưa nên phát động khởi nghĩa. Trung ương phái đồng chí Phan Đăng Lưu trở về truyền đạt quyết định của Trung ương cho Xứ ủy Nam Kỳ. Nhưng khi đồng chí Phan Ðăng Lưu về tới Sài Gòn thì lệnh khởi nghĩa đã ban hành tới các địa phương không thể thu hồi; một số cán bộ chủ chốt của Xứ ủy đã bị địch bắt, Cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra theo kế hoạch.
2. Diễn biến, kết quả Cuộc khởi nghĩa
Chỉ trong một thời gian ngắn kể từ khi Thường vụ Xứ uỷ ra Đề cương chuẩn bị bạo động (tháng 3/1940), công tác chuẩn bị khởi nghĩa được triển khai rất khẩn trương; các tổ chức phản đế xuất hiện nhiều nơi, nhất là ở vùng nông thôn. Mít tinh, biểu tình liên tiếp nổ ra. Nhiều nơi địch đến đánh phá, Nhân dân nổi trống mõ, uy hiếp địch, bảo vệ cán bộ. Các đội tự vệ, du kích phát triển ngay trong những xí nghiệp lớn ở Sài Gòn như Ba Son, nhà máy đèn Chợ Quán, trường Bách Nghệ... Ở nông thôn, phần lớn các xã đều có từ một tiểu đội đến một trung đội du kích. Các cơ sở sản xuất vũ khí làm việc suốt ngày đêm. Nhân dân quyên góp kim khí để đúc đạn; xuất hiện những cơ sở làm bom, lựu đạn xi măng, súng thô sơ ở Móp Xanh (Tân An), Bà U (Mỹ Tho), chùa Hòa Thượng Đồng (Rạch Giá)… Phong trào chống chiến tranh, chống bắt lính với khẩu hiệu “không một đồng xu, không một người lính cho đế quốc chiến tranh” ngày càng lan rộng. Công tác binh vận được tổ chức ráo riết, phần lớn trong số 15.000 binh lính người Việt trong quân đội Pháp đóng ở Sài Gòn sẵn sàng phối hợp nổi dậy.
Tuy nhiên, vì kế hoạch khởi nghĩa bị địch biết trước nên chúng lùng sục bắt bớ, giữ binh lính người Việt ở trong trại, tước vũ khí của binh lính phản chiến. Dù vậy, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch vào đêm 22 rạng sáng 23/11/1940.
Khởi nghĩa bùng nổ đồng loạt tại hầu hết các tỉnh Nam Kỳ với tinh thần quyết liệt, mạnh nhất là ở Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long... Lực lượng vũ trang và quần chúng đã nổi dậy tiến công địch ở các xã, tập kích nhiều đồn bốt, tiến đánh một số quận lỵ, phá hỏng nhiều cầu, đường... Tại một số xã, quận, chính quyền địch hoang mang, tan rã, chính quyền cách mạng được thành lập. Lần đầu tiên cờ đỏ sao vàng xuất hiện ở những nơi đã thành lập chính quyền cách mạng và trong nhiều cuộc biểu tình. Bọn phản cách mạng bị xét xử. Ruộng, thóc của địa chủ phản động được chia cho dân cày nghèo.
(CÒN TIẾP)
Nguồn: Tạp chí Ban Tuyên giáo Trung ương.
>> Đường link đầy đủ nội dung: https://bitly.com.vn/fj8Ui
IV. HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC,
PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
'Rounded Rectangle: IV. HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC,
PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
'  
 
 
 

Những mẩu chuyện về Bác:
TẤM LÒNG CỦA BÁC HỒ VỚI CHIẾN SĨ
Đối với chiến sĩ là những người hy sinh nhiều nhất cho dân tộc, Bác Hồ thường dành cho anh em sự chăm lo săn sóc ân tình, chu đáo nhất.
Mùa đông, thương anh em chiến sĩ rét mướt ở rừng núi hay bưng biền, Bác đem tấm áo lụa của mình được đồng bào tặng, bán đấu giá để lấy tiền mua áo ấm gửi cho các chiến sĩ.
Bác thường nói: "Chiến sĩ còn đói khổ, tôi ăn ngon sao được!". "Chiến sĩ còn rách rưới, mình mặc thế này cũng là đầy đủ lắm rồi"'.
Mùa hè năm ấy (1967), trời Hà Nội rất nóng. Sức khỏe Bác Hồ đã kém, thần kinh tuổi già cũng suy nhược, dễ bị toát mồ hôi, ướt đầm, có ngày phải thay mấy lần quần áo, có khi hong tại chỗ, rồi lại thay ngay. Bác không cho dùng máy điều hòa nhiệt độ. Bác bảo: mùi nó hôi lắm, Bác không chịu được! (Bác không dùng nên nói vậy thôi, chứ máy đã có nút xả thơm).
Thấy trời oi bức quá, Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ:
- Nắng nóng thế này, các chú bộ đội trực phòng không trên nóc hội trường Ba Đình thì chịu sao được? Các chú ấy có đủ nước uống không? Chú thử lên tìm hiểu xem thế nào, về cho Bác biết.
Đồng chí Vũ Kỳ lên, được biết trên đó có một tổ súng máy 14 ly 5. Ụ cát sơ sài, nếu địch bắn vào thì chỉ có hy sinh, rất nguy hiểm.
Trời nắng chói, đứng một lúc mà hoa cả mắt. Đồng chí Vũ Kỳ hỏi:
- Các đồng chí có nước ngọt uống không?
- Nước chè thường còn chưa có, lấy đâu ra nước ngọt!
Đồng chí Vũ Kỳ về nói lại với Bác, Bác gọi điện ngay cho đồng chí Văn Tiến Dũng:
- Sao các chú không lo đủ nước uống cho các chiến sĩ trực phòng không? Nghe nói ụ súng trên nóc hội trường Ba Đình rất sơ sài, chú phải lo sửa ngay để đảm bảo an toàn cho chiến sĩ trong chiến đấu!
Sau đó Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ đi lấy sổ tiết kiệm của Bác, xem tiền tiết kiệm của Bác còn bao nhiêu.
Tại sao Bác có tiền tiết kiệm? Lương Bác cao nhất nước, nhưng hàng tháng cũng chỉ đủ tiêu. Mọi chi phí cho sinh hoạt của Bác, từ cái chổi lông gà, đều ghi vào lương cả.
Tiền tiết kiệm của Bác là do các báo trả nhuận bút cho Bác. Bác viết báo nhiều, có năm hàng trăm bài. Các báo gửi đến bao nhiêu, văn phòng đều gửi vào sổ tiết kiệm của Bác. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác cũng đã có tiền tiết kiệm. Đến dịp tết Nguyên đán, Bác lại đem chia cho cán bộ các cơ quan chung quanh Bác, mua lợn để đón xuân.
Đồng chí Vũ Kỳ xem sổ và báo cáo:
- Thưa Bác, còn lại tất cả hơn 25.000 đồng (lúc đó là một món tiền rất lớn, tương đương với khoảng 60 lạng vàng).
Bác bảo:
- Chú chuyển ngay số tiền đó cho Bộ Tổng tham mưu và nói: đó là quà của Bác tặng để mua nước ngọt cho anh em chiến sĩ trực phòng không uống, không phải chỉ cho những chiến sĩ ở Ba Đình, mà cho tất cả các chiến sĩ đang trực chiến trên mâm pháo ở khắp miền Bắc. Nếu số tiền đó không đủ thì yêu cầu địa phương nào có bộ đội phòng không trực chiến góp sức vào cùng lo!
Về sau, Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân báo cáo lại cho Văn phòng Phủ Chủ tịch biết: số tiền của Bác đủ mua nước uống cho bộ đội phòng không, không quân được một tuần!
Trần Đức Hiện (ghi lời kể của đồng chí Vũ Kỳ)
Nguồn: Sách Một số lời dạy và mẩu chuyện về
tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh

2. Lời Bác dạy
“a) Nhân là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân. Vì thế mà sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà... không e cực khổ, không sợ oai quyền.
Những người đã... không e, không sợ gì thì việc gì phải họ đều làm được.
b) Nghĩa là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng. Ngoài lợi ích của Đảng, không có lợi ích riêng phải lo toan. Lúc Đảng giao cho việc, thì bất kỳ to nhỏ, đều ra sức làm cẩn thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói. Không sợ người ta phê bình mình, mà phê bình người khác cũng luôn luôn đúng đắn.
c) Trí vì không có việc tư túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dễ hiểu lý luận. Dễ tìm phương hướng. Biết xem người. Biết xét việc. Vì vậy, mà biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng người gian.
d) Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát.
e) Liêm là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa.
Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ.
Đó là đạo đức cách mạngĐạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người.
Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc. không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự tình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hoá, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”
Nguồn: Sửa đổi lối làm việc, tháng 10-1947, Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 1995, t.5, tr. 251-253
7. NHIỀU CHÍNH SÁCH MỚI CÓ HIỆU LỰC TỪ NGÀY 01/11/2020
Rounded Rectangle: 7. NHIỀU CHÍNH SÁCH MỚI CÓ HIỆU LỰC TỪ NGÀY 01/11/2020 
 
 
 
 

Chính sách phát triển giáo dục mầm non; sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt; quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 1 Phó phòng của cơ quan chuyên môn cấp huyện từ 25/11;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2020.
Có hiệu lực từ ngày 01/11/2020, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ban hành ngày 8/9/2020 của Chính phủ quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non bao gồm: Chính sách đối với cơ sở giáo dục mầm non; chính sách đối với trẻ em; chính sách đối với giáo viên mầm non.
SV sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt
Theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ban hành ngày 25/09/2020 của Chính phủ, từ ngày 15/11/2020, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí và được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập.
Chế độ khen thưởng đối với HSSV đoạt giải quốc gia, quốc tế
Nghị định số 110/2020/NĐ-CP  ban hành ngày 15/09/2020 quy định chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế có hiệu lực từ ngày 01/11/2020.
Nghị định quy định học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong kỳ thi Olympic quốc tế các môn học, thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế, thi kỹ năng nghề thế giới được thưởng theo mức sau: Huy chương Vàng hoặc giải nhất 55 triệu đồng; huy chương Bạc hoặc giải nhì 35 triệu đồng; huy chương Đồng hoặc giải ba 25 triệu đồng; khuyến khích 10 triệu đồng.
Học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong kỳ thi Olympic châu Á các môn học, kỳ thi kỹ năng nghề châu Á được thưởng theo mức sau: Huy chương Vàng 35 triệu đồng; huy chương Bạc 25 triệu đồng; huy chương Đồng 10 triệu đồng; khuyến khích 8 triệu đồng.
Học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong kỳ thi kỹ năng nghề Đông Nam Á được thưởng theo mức sau: Huy chương Vàng 25 triệu đồng; huy chương Bạc: 10 triệu đồng; huy chương Đồng 8 triệu đồng; khuyến khích 5 triệu đồng.
Học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này được thưởng theo mức sau: Giải Nhất 4 triệu đồng; giải Nhì 2 triệu đồng; giải Ba 1 triệu đồng.
Quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập
Nghị định 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực từ ngày 15/11/2020.
Nghị định quy định cụ thể 2 căn cứ xác định vị trí việc làm và 3 căn cứ xác định số lượng người làm việc.
Chính phủ yêu cầu chậm nhất đến hết ngày 30/6/2021, Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, lĩnh vực phải ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý; Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung và hỗ trợ, phục vụ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Chậm nhất sau 03 tháng kể từ ngày Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn, các bộ, ngành, địa phương phải phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.
Sửa quy định số lượng Phó Giám đốc sở, Phó Trưởng phòng
Có hiệu lực từ ngày 25/11/2020, Nghị định 107/2020/NĐ-CP ban hành ngày 14/09/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo Nghị định, bình quân mỗi sở có 3 Phó Giám đốc. Căn cứ số lượng sở được thành lập và tổng số lượng Phó Giám đốc, UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể số lượng Phó Giám đốc của từng sở cho phù hợp. Riêng thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài tổng số lượng Phó Giám đốc theo quy định tính bình quân chung thì mỗi thành phố được tăng thêm không quá 10 Phó Giám đốc.
Nghị định cũng bổ sung quy định số lượng Phó Trưởng phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở. Cụ thể, phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có dưới 10 biên chế công chức, phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I có dưới 9 biên chế công chức và phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III có dưới 8 biên chế công chức được bố trí 1 Phó Trưởng phòng.
Giảm 1 Phó phòng của cơ quan chuyên môn cấp huyện từ 25/11
Có hiệu lực từ ngày 25/11/2020, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ban hành ngày 14/09/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện).
Nghị định số 108/2020/NĐ-CP quy định bình quân mỗi phòng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện có 02 Phó Trưởng phòng. Căn cứ số lượng phòng chuyên môn được thành lập và tổng số lượng Phó Trưởng phòng, UBND cấp huyện quyết định cụ thể số lượng Phó Trưởng phòng của từng phòng chuyên môn cho phù hợp. Trước đó, Nghị định số 37/2014/NĐ-CP quy định số lượng Phó Trưởng phòng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện không quá 03 người.
Phạt đến 200 triệu đồng VPHC trong lĩnh vực y tế
Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ban hành ngày 28/09/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 15/11/2020.
Nghị định quy định, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi VPHC về dân số là 30 triệu đồng đối với cá nhân và 60 triệu đồng đối với tổ chức.
Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi VPHC về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.
Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi VPHC về bảo hiểm y tế là 75 triệu đồng đối với cá nhân và 150 triệu đồng đối với tổ chức.
Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi VPHC về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Từ 1/11, không phê bình học sinh trước trường, lớp
Theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Điều lệ Trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, từ 1/11/2020, không được xử lý kỷ luật học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường.
11 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo đại học từ xa
Theo Thông tư 39/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học có hiệu lực từ ngày 25/11/2020, có 11 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học gồm: 1- Mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; 2- Tiêu Bản mô tả, cấu trúc, nội dung chương trình đào tạo; 3- Hoạt động dạy và học; 4- Hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học; 5- Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên; 6- Đội ngũ nhân viên; 7- Người học và hoạt động hỗ trợ người học; 8- Cơ sở hạ tầng công nghệ, trang thiết bị và học liệu; 9- Quản lý triển khai chương trình đào tạo; 10 - Bảo đảm và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo; 11- Kết quả đầu ra.
Chế độ làm việc của giảng viên trường cao đẳng sư phạm
Thông tư 36/2020/TT-BGDĐT về chế độ làm việc của giảng viên trường cao đẳng sư phạm có hiệu lực từ ngày 20/11/2020.
Theo đó, chế độ làm việc của giảng viên trường cao đẳng sư phạm, giảng viên các trường cao đẳng dạy nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo được quy định như sau:
- Thời gian làm việc của giảng viên trong năm học là 44 tuần (tương đương 1.760 giờ hành chính).
- Thời gian giảng dạy trong kế hoạch đào tạo được tính bằng giờ chuẩn giảng dạy, trong đó một tiết giảng lý thuyết trực tiếp trên lớp (hoặc trực tuyến) 50 phút được tính bằng một giờ chuẩn giảng dạy.
Đối với các nội dung giảng dạy có tính chất đặc thù, các tiết giảng trực tiếp trên lớp (hoặc trực tuyến) trên 50 phút giao hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm quy đổi cho phù hợp.
- Định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên trong một năm học được quy định từ 270 đến 420 giờ chuẩn giảng dạy (tương đương từ 810 đến 1.260 giờ hành chính).
Trong đó, giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp trên lớp (hoặc trực tuyến) phải đảm bảo tối thiểu 50% định mức quy định.
http://baochinhphu.vn/
 
Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây