Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng
Chủ tịch Hồ Chí Minh - là vị Lãnh tụ thiên tài của Đảng, của dân tộc, là người thầy kính yêu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Là người trực tiếp tổ chức thành lập, giáo dục và rèn luyện quân đội ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo xây dựng quân đội trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân. Ngày 22/12/1964, nhân dịp kỷ niệm quân đội ta tròn 20 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và khen ngợi “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định đầy đủ, sinh động bản chất cách mạng, chức năng nhiệm vụ, truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trung thành tuyệt đối với Đảng, hiếu nghĩa với Nhân dân là bổn phận của một quân đội cách mạng, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, do Đảng tổ chức xây dựng và lãnh đạo. Người khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, được sự giúp đỡ hết lòng của Nhân dân, quân đội ta hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ trao cho, đã có truyền thống vẻ vang là tuyệt đối trung thành với Đảng, với Nhân dân, chiến đấu anh dũng, công tác và lao động tích cực, tiết kiệm, cần cù, khiêm tốn giản dị, đoàn kết nội bộ, đồng cam cộng khổ với Nhân dân, luôn luôn sẵn sàng khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ có lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Nhân dân, mà dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân đội ta còn làm tròn chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất, Người nói: “Quân đội ta là quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng. Mới ra đời với gậy tầm vông, súng kíp đã cùng toàn dân đánh Pháp, đánh Nhật, đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công”. Hay trong những ngày ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Bác lại khen ngợi: “Quân đội ta anh dũng trong kháng chiến, mà cũng anh dũng trong hòa bình; đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc, đập tan mọi hành động khiêu khích, phá hoại của đế quốc Mỹ và tay sai; đã giáng trả lại đế quốc Mỹ những đòn đích đáng như ngày 5 tháng 8 năm 1964”.
Bác còn chỉ rõ là quân đội cách mạng phải biết vượt qua khó khăn thử thách, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Người nói: “Bộ đội ta là bộ đội Nhân dân, bộ đội cách mạng có truyền thống anh dũng, khắc khổ, kiên nhẫn, cần cù, chất phác, việc khó khăn nguy hiểm mấy cũng không sợ, nhất định làm cho kỳ được. Đó là truyền thống, đạo đức, tác phong tốt, phải luôn được giữ vững và phát triển”...
Sự quan tâm của Bác đối với lực lượng vũ trang nhân dân thể hiện bằng những việc làm cụ thể, bình dị nhưng chứa chan tình cảm của Bác kính yêu. Và cũng vinh dự và tự hào thay, lực lượng chính quy, tinh nhuệ này đã được gọi với cái tên hết sức thân mật - Bộ đội Cụ Hồ.
Dưới đây là những bài nói và viết của Bác thể hiện sự dẫn dắt, quan tâm, đồng hành của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân
1. Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. Vì muốn hành động có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng, cho nên, theo chỉ thị mới của Đoàn thể, sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực.
Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên.
2. Đối với các đội vũ trang địa phương: Đưa các cán bộ địa phương về huấn luyện, tung các cán bộ đã huấn luyện đi các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến.
3. Về chiến thuật: Vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung.
Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác.
Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam.
Tháng 12 nǎm 1944
Hồ Chí Minh
(Hồ Chí Minh, Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, st, H.1970, tr.46-47)
Gửi các chiến sĩ quyết tử quân Thủ đô
Cùng các chiến sỹ yêu quý Trung đoàn Thủ đô,
“Các em ăn Tết thế nào? Vui vẻ lắm chứ? Tôi và nhân viên chính phủ vì nhớ đến các em nên cũng không ai nỡ ăn tết. Còn 90 phần trăm đồng bào ở hậu phương cũng giảm bớt 90 phần trăm mâm cỗ tiệc tùng, ai cũng dự bị cho công cuộc trường kỳ kháng chiến.
Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho giống nòi Việt Nam muôn đời về sau.
Chí kiên quyết dũng cảm, các em đã sẵn có, đây Tôi chỉ nhắc lại một vài điều mà các em phải nhớ luôn luôn:
1. Phải hết sức khôn khéo, nhanh chóng, bí mật, phải biết cách hóa chính vi linh (phân tán và sử dụng lực lượng một cách khôn khéo)
2. Phải rút kinh nghiệm hàng ngày hàng giờ. Phải đề phòng Việt gian trinh thám.
3. Phải hết sức cẩn thận. Phải luôn có sáng kiến để lợi dụng thời cơ.
4. Tuyệt đối đoàn kết.
Các em hăng hái tiến lên, lòng Già Hồ, lòng Chính phủ và lòng toàn thể đồng bào luôn ở bên cạnh các em.
Tôi thay mặt Chính phủ và đồng bào gửi cho các em lời chào thân ái và quyết thắng”.
Hà Nội, ngày 27 tháng 1 năm 1947
Hồ Chí Minh
(In trong sách Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nha Thông tin Việt Nam, 1948,t.1, tr 39)
Gửi Báo vệ Quốc quân
Vệ quốc quân là quân đội của nhân dân, để bảo vệ đồng bào, giữ gìn Tổ quốc. Báo Vệ quốc quân là cốt để nâng cao tinh thần và kỷ luật của bộ đội. Báo Vệ quốc quân sẽ luôn luôn nêu 12 điều sau này, và khuyến khích mỗi một chiến sĩ phải theo mệnh lệnh cấp trên:
1. Mỗi việc đều phải theo mệnh lệnh cấp trên.
2. Tuyệt đối không đem của công dùng vào việc tư.
3. Không động đến một cái kim, một sợi chỉ của dân.
4. Khi đến đóng, lúc kéo đi, phải giữ gìn nhà, vườn của dân cho sạch sẽ.
5. Nói nǎng cử động phải giữ lễ phép, phải kính người già, yêu trẻ con.
6. Mua bán phải công bình.
7. Mượn cái gì phải trả tử tế.
8. Hỏng cái gì phải bồi thường.
9. Phải giúp đỡ dân bất kỳ việc to, việc nhỏ.
10. Trong bộ đội từ trên đến dưới phải đồng cam cộng khổ.
11. Chớ ve gái, say sưa, cờ bạc, hút xách.
12. Phải giúp đỡ gia đình chiến sĩ tại nơi mình đóng, phải giúp đỡ việc tǎng gia sản xuất.
Đó là nền tảng thắng lợi trong cuộc kháng chiến kiến quốc. Đó là nhiệm vụ chính của báo Vệ quốc quân.
Ngày 27 tháng 3 nǎm 1947
Hồ Chí Minh
(In trong sách Lời Hồ Chủ tịch, Nha Thông tin Việt Nam, 1948, t.1, tr.63)
Gửi nam nữ chiến sĩ dân quân tự vệ và du kích toàn quốc
Tôi thay mặt chính phủ và toàn thể đồng bào gửi lời khen ngợi các chiến sĩ.
Dân quân, tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận địch nhân hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã.
Các chiến sĩ dân quân, tự vệ và du kích ở Nam Bộ, ở Thủ đô, ở miền duyên hải và ở các nơi, đã chứng rõ sự thực đó một cách rất anh hùng. Từ đây về sau, lực lượng ta càng ngày càng vững, kinh nghiệm ta càng ngày càng nhiều thì ta càng tỏ cho địch quân biết, tỏ cho thế giới biết rằng dân quân, tự vệ và du kích Việt Nam là những người ái quốc sắt đá, là những chiến sĩ anh hùng.
Nhưng chúng ta không tự mãn tự túc, không kiêu ngạo, chúng ta phải luôn luôn thực hành mấy điều này:
1. Trong bộ đội phải đồng cam cộng khổ. Phải giữ kỷ luật, phải siêng tập tành, phải giữ bí mật, luôn luôn cẩn thận, lúc có địch cũng trấn tĩnh như không địch, lúc xa địch cũng nghiêm ngặt như gần địch;
2. Đối với dân- phải bảo vệ dân, phải giúp đỡ dân, phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu;
3. Đối với công việc- phải lập làng kháng chiến khắp nơi, phải luôn tích cực hành động;
4. Đối với địch - phải kiên quyết, dũng cảm. Phải có kế hoạch, mưu trí, phải hữu tiến vô thoái, phải thi đua nhau trong việc sát giặc, cướp súng,... Song đối với tù binh thì phải ưu đãi họ.
Hỡi chiến sĩ yêu quý, tôi nhắc các chiến sĩ kiên quyết làm đúng những điều đó, tôi chắc trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, thống nhất độc lập chắc chắn sẽ thành công.
Chào thân ái và quyết thắng
Ngày 27 tháng 5 nǎm 1947
Hồ Chí Minh
(In trong sách Lời Hồ Chủ tịch, Nha Thông tin Việt Nam, 1948, t.1, tr.81-82)
Trích: http://www.bqllang.gov.vn/
THEO DÒNG LỊCH SỬ
Những ngày đáng nhớ trong tháng 12:
-------
- 01/12/1988: Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS.
- 03/12/1992: Ngày Quốc tế người khuyết tật.
- 06/12/1989: Ngày truyền thống Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
- 19/12/1946: Ngày toàn quốc kháng chiến.
- 20/12/1960: Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
- 22/12/1960: Đồng khởi Hòa Thịnh.
- 22/12/1944: Ngày Thành lập quân đội nhân dân Việt Nam.
- 22/12/1989: Ngày Hội quốc phòng toàn dân.
19/12/1946: NGÀY TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN
Sau cách mạng Tháng Tám 1945, thực dân Pháp tìm mọi cách thục hiện dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa.
Bội ước Hiệp định sơ bộ 6/3/1945 và thoả ước 19/4/1945, thực dân Pháp ráo riết tăng cường lực lượng và đến tháng 11/1946, số quân của chúng đã lên tới 10 vạn. Chúng lần lượt cho quân đổ bộ trái phép vào Đà Nẵng, Đồ Sơn, Cát Bà đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn và chuẩn bị kế hoạch đánh vào cơ quan đầu não của ta ở thủ đô Hà Nội.
Ngày 18 và 19/12/1946, Hội nghị mở rộng Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp khẩn cấp ở Vạn Phúc, Hà Đông quyết định phát động cả nước kháng chiến và chỉ ra đường lối kháng chiến lâu dài.
Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Người nói:
“Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.
Dù phải gian khổ kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!
Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm
Kháng chiến thắng lợi muôn năm”
Đáp lời kêu gọi cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo đường lối kháng chiến đúng đắn do Đảng vạch ra, thanh niên cả nước cùng toàn dân nhất tề đứng lên giết giặc cứu nước. Đêm 19/12/1946, tiếng súng giết giặc của thủ đô Hà Nội đã nổ, mở đầu cuộc kháng chiến. Quân và dân cả nước cũng đã vùng lên kháng chiến và giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, giữ vững độc lập, chủ quyền dân tộc ta.
Nguồn: lichsuvietnam.vn
22/12/1944: NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
Ngày 22/12 không chỉ là Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà đã trở thành Ngày hội Quốc phòng toàn dân, một ngày kỷ niệm đầy ý nghĩa đối với toàn thể nhân dân Việt Nam.
Tên gọi “Quân đội nhân dân” là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ”.
Tháng 12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Chỉ thị nhấn mạnh: "Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền..., đồng thời nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc...".
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chính thức làm lễ thành lập, gồm 3 tiểu đội với 34 chiến sĩ được lựa chọn từ những chiến sĩ Cao-Bắc-Lạng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách Kế hoạch-Tình báo, đồng chí Vân Tiên (Lộc Văn Lùng) quản lý. Đội có chi bộ Đảng lãnh đạo.
Chỉ có 34 người, với 34 khẩu súng các loại nhưng đó là những chiến sĩ kiên quyết, dũng cảm trong các đội du kích Cao-Bắc-Lạng, Cứu quốc quân,... là con em các tầng lớp nhân dân bị áp bức, họ có lòng yêu nước, chí căm thù địch rất cao, đã siết chặt họ thành một khối vững chắc, không kẻ thù nào phá vỡ nổi.
Sau lễ thành lập, đội tổ chức một bữa cơm nhạt không rau, không muối để nêu cao tinh thần gian khổ của các chiến sĩ cách mạng, đội tổ chức “đêm du kích” liên hoan với đồng bào địa phương để thắt chặt tình đoàn kết quân dân.
Chấp hành chỉ thị “phải đánh thắng trận đầu”, ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt (17h ngày 25/12/1944) và sáng hôm sau (7h ngày 26/12/1944) đột nhập đồn Nà Ngần, tiêu diệt gọn 2 đồn địch, giết chết 2 tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng.
Hai trận đánh đồn Phai Khắt, Nà Ngần thắng lợi đã mở đầu truyền thống đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu của quân đội ta suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn.
Từ ngày thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân luôn phát triển và trưởng thành. Ngày 22/12/1944 được xác định là
Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của một tổ chức quân sự mới của dân tộc ta. Một quân đội "của dân, do dân, vì dân"; luôn gắn bó máu thịt với dân, luôn luôn được dân tin yêu, đùm bọc.
Năm 1989, theo chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và quyết định của Chính phủ, ngày 22/12 hàng năm không chỉ là ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn là ngày Hội quốc phòng toàn dân.
Từ đó, mỗi năm, cứ đến ngày này, toàn dân Việt Nam lại tổ chức các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội, nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, giáo dục lòng yêu nước, yêu CNXH, động viên mọi công dân chăm lo củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc.
Nhân dịp ngày 22/12, quân và dân cùng hướng về để chào đón 75 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và là Ngày Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời. Các hoạt động như mít tinh, hội thảo, hội nghị đoàn kết quân dân, giáo dục truyền thống, biểu diễn văn nghệ, đại hội thanh niên, thi đấu thể thao, hội thao quân sự... được diễn ra ở khắp làng, xã, cơ quan đoàn thể, cơ sở đơn vị.
Nguồn: lichsuvietnam.vn
CHÍNH SÁCH MỚI, CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 12/2019
Siết chặt quy định về đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe
Thông tư
38/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi quy trình đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe có hiệu lực từ ngày 01/12/2019.
Theo quy định của Thông tư này:
- Từ 01/01/2020, chương trình học giấy phép lái xe hạng B1, B2, C có thêm: Phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông.
Cũng từ thời điểm này, trung tâm sát hạch lái xe phải lắp camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải;
- Từ 01/5/2020, các cơ sở đào tạo lái xe ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô tô (trừ hạng B1).
- Từ 01/6/2020, cấp Giấy phép lái xe mới có mã QR. Giấy phép lái xe đã được cấp trước ngày 01/12/2019 vẫn sẽ có giá trị sử dụng theo thời gian ghi trên giấy phép.
Tăng mức cho vay với học sinh, sinh viên lên 2,5 triệu đồng/tháng
Tại Quyết định
1656/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã chốt mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn lên 2,5 triệu đồng/tháng thay vì 1,5 triệu đồng/tháng như trước.
Lãi suất cho vay ưu đãi là 0,55%/tháng và lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay.
Để được vay tiền, học sinh, sinh viên năm nhất phải có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận được vào học của nhà trường; học sinh, sinh viên từ năm hai trở đi phải có xác nhận của nhà trường về việc đang theo học…
Quyết định này được áp dụng từ ngày 01/12/2019.
Tăng 10 lần mức phạt với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Ngày đầu tiên của tháng 12 năm 2019 cũng là thời điểm Nghị định
75/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh có hiệu lực.
Một trong những điểm mới quan trọng của Nghị định này là tăng mức phạt đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh gấp 10 lần.
Cụ thể, nếu như trước đây, mức tiền phạt tối đa đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh là 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức, thì kể từ ngày 01/12/2019, mức phạt được tăng lên 01 tỷ đồng với cá nhân và 02 tỷ đồng với tổ chức.
Trong đó, mức phạt đối với một số vi phạm điển hình như sau:
- Tiết lộ bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bị phạt từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng
- Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bị phạt từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng…
Ngoài bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng một số biện pháp xử phạt bổ sung khác như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; Tịch thu khoản lợi nhuận có được do vi phạm...
Từ 31/12/2019, đổi USD tại tiệm vàng chỉ còn bị phạt từ cảnh cáo
Nghị định
88/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng sẽ có hiệu lực từ ngày 31/12/2019.
Nghị định này giảm mạnh mức phạt đối với hành vi mua, bán ngoại tệ tại các tổ chức không được phép, nhằm tránh bất cập như sự việc “đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng” xôn xao dư luận trước đây.
Cụ thể, thay vì một mức phạt chung là từ 80 - 100 triệu đồng, Nghị định quy định mức phạt đối với hành vi này phụ thuộc vào lượng ngoại tệ mua, bán. Trong đó:
- Phạt cảnh cáo nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 USD
- Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 1.000 - 10.000 USD hoặc ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 mà tái phạm, vi phạm nhiều lần;
- Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 10.000 - 100.000 USD;
- Phạt tiền từ 80 - 100.000 triệu đồng nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 USD trở lên.
Nguồn: Luật Việt Nam
* Văn bản mới, đáng chú ý của Đoàn:
KẾ HOẠCH Tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về Đảng Cộng sản Việt Nam Link:
http://doanthanhnien.vn/tai-lieu/chi-tiet/1579
HƯỚNG DẪN Tổ chức các hoạt động tuyên truyền và đợt sinh hoạt chính trị kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2020) với chủ đề “Tuổi trẻ Việt Nam sắt son niềm tin với Đảng”
Link:
http://doanthanhnien.vn/tai-lieu/chi-tiet/1581
Nguồn: Trung ương Đoàn