Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 10/2019

Thứ năm - 10/10/2019 22:58
Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn ban hành tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 10/2019. Đề nghị các Huyện, Thị, Thành Đoàn và Đoàn trực thuộc triển khai đến các cấp bộ Đoàn của đơn vị mình.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Tải tại đây: /uploads/news/2019_10/tl-sinh-hoat-chi-doan-thang-10.2919.doc

THEO DÒNG LỊCH SỬ

Những ngày đáng nhớ trong tháng
10:

- 01/10/1991: Kỷ niệm Ngày Quốc tế Người cao tuổi.

- 05/10/1930: Kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Phú Yên.

- 10/10/1954: Kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ Đô.

- 13/10: Kỷ niệm Ngày thành lập Doanh nhân Việt Nam (lần đầu tiên tổ chức năm 2005).

- 14/10/1930: Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.

- 15/10/1956: Kỷ niệm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

- 15/10/1930: Kỷ niệm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng.

- 20/10/1930: Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

LỊCH SỬ NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954)

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ về đình chiến ở Đông Dương được ký kết. Qua nhiều ngày đấu tranh sôi nổi, các hiệp định về việc chuyển giao Hà Nội được ký kết ngày 30/9/1954 và ngày 2/10/1954 tại Ủy ban Liên hợp đình chiến Trung ương. Sau đó, Chính phủ đã phái các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội để chuẩn bị việc tiếp quản thành phố.

Ngày 10.10.1954, thủ đô Hà Nội chính thức hoàn toàn được giải phóng. Xin cùng GD&TĐ trở lại những khoảnh khắc đã đi vào lịch sử của thủ đô Hà Nội.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ về đình chiến ở Đông Dương được ký kết. Qua nhiều ngày đấu tranh sôi nổi, các hiệp định về việc chuyển giao Hà Nội được ký kết ngày 30/9/1954 và ngày 2/10/1954 tại Ủy ban Liên hợp đình chiến Trung ương. Sau đó, Chính phủ đã phái các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội để chuẩn bị việc tiếp quản thành phố.

Theo nghị quyết ngày 17/9/1954 của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban quân chính thành phố Hà Nội được thành lập do thiếu tướng Vương Thừa Vũ, tư lệnh sư đoàn Quân Tiên phong làm Chủ tịch và bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch.Ủy ban quân chính có nhiệm vụ tiếp thu và quản lý thành phố.

Bộ Tư lệnh đã ra lệnh cho các đơn vị vào tiếp quản Hà Nội phải triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật của Chính phủ đề ra, phải luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại.

Sư đoàn Quân Tiên phong đã được Trung ương Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội.Theo kế hoạch đã định, sáng 8/10/1954 các đơn vị quân đội chia nhiều đường tiến vào ngoại thành Hà Nội. Đến 16 giờ 30 thì tiến đến đường đê La Thành, Vĩnh Tuy, Bạch Mai, Ngã Tư Sở, Ô Cầu Giấy và Nhật Tân.

6 giờ sáng ngày 9/10/1954, bộ đội ta theo nhiều đường từ ngoại thành tiến vào nội thành chia làm nhiều cánh quân tiến vào 5 cửa ô chính rồi từ đó tỏa đi các nơi.

Lần lượt bộ đội tiếp thu nhà Ga, phủ Toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, phủ Thống sứ. 16 giờ, quân đội Liên hiệp Pháp rời khỏi thành phố, lặng lẽ rút sang phía Bắc cầu Long Biên. 16giờ30, quân đội ta hoàn toàn kiểm soát thành phố Hà Nội, tiếp thu thành phố gọn gàng và trật tự.Bộ đội tiến đến đâu, nhân dân ta đổ ra hai bên đường, phất cờ tung hoa, reo mừng không ngớt. Cổng chào, khẩu hiệu dựng lên khắp các đường phố, cờ đỏ sao vàng rực rỡ trên khắp các tầng nhà.

5 giờ

Nhân dân thủ đô quần áo chỉnh tề mang cờ, ảnh Bác Hồ, những bó hoa tươi thắm, thành đội ngũ trật tự theo từng công sở, xí nghiệp, trường học, khu phố..., kéo tới những con đường đã được thông báo trước là bộ đội hành quân qua.
Đoàn xe đầu tiên do thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính và bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính dẫn đầu đi qua phố Hàng Đường, Hàng Đào và trung tâm thành phố.

8 giờ

Cánh quân phía Tây xuất phát từ Quần Ngựa. Đó là những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô. Các chiến sĩ diễu binh qua Kim Mã, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang…, đến 9 giờ 45 tiến vào Cửa Đông thành Hà Nội.

8 giờ 45

Cánh quân phía Nam xuất phát từ Việt Nam học xá tiến qua Bạch Mai, phố Huế, vòng quanh hồ Gươm rồi vòng lại chiếm lĩnh toàn bộ khu vực Đồn Thủy và Đấu Xảo.

9 giờ 30

Đoàn cơ giới và pháo binh xuất phát từ Bạch Mai, qua phố Bạch Mai, phố Huế, 10 giờ 5 đến Bờ Hồ, qua Hàng Đào, Hàng Ngang, chợ Đồng Xuân, rẽ sang đường Cửa Bắc tiến vào thành lúc 10 giờ 45.

15 giờ

Còi Nhà hát Lớn thành phố nổi lên một hồi dài. Mấy chục vạn nhân dân Hà Nội đã trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ với sự tham gia của các đơn vị quân đội.
Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.

Ngày 10/10/1954, Hà Nội sạch bóng quân thù, hân hoan đón mừng những người con chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô. Sự kiện đó đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa cực kì to lớn, mở ra một thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ở thời đại Hồ Chí Minh quang vinh.
8h sáng ngày 10/10/1954, Trung đoàn Thủ đô thuộc Đại đoàn 308 tiến vào giải phóng Hà Nội trong rừng cờ hoa rực rỡ, trong tiếng reo hò của 20 vạn nhân dân Thủ đô.

Thủ đô ta hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân; nhân dân lao động vĩnh viễn xóa bỏ mọi chế độ áp bức, bóc lột, đứng lên làm chủ vận mệnh của mình và phấn khởi đi vào xây dựng xã hội mới, mở đầu sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta. Đảng và Nhà nước ta đã ba lần tặng thưởng cho Thủ đô Hà Nội Huân chương Sao Vàng vào các năm 1994, 2004, 2010 và danh hiệu thành phố Anh hùng vào năm 2000.

Cùng đi với đoàn quân giải phóng ngày về Hà Nội là cả các cán bộ cao cấp Đảng và Nhà nước. Trong ảnh, Bác sĩ Trần Duy Hưng, Thị trưởng đầu tiên của Hà Nội trong ngày trở về.
 
Nguồn: Sở Nội vụ Hà Nội

Ý NGHĨA NGÀY DOANH NHÂN VIỆT NAM 13/10
Ngày 20/9/2004 Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg về Ngày Doanh nhân Việt Nam, hằng năm lấy ngày 13 tháng 10 là “Ngày doanh nhân Việt Nam”.
 
Đúng ngày này 71 năm về trước - ngày 13/10/1945 - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư gửi cho giới Công thương Việt Nam, bức thư có đoạn “… Hiện nay Công thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích lợi quốc dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng.
 
Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng…” (Trích Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới Công thương được đăng trên Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam).
 
Để phát huy vai trò, truyền thống của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội trong việc góp phần xây dựng và phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, theo đề nghị của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp, ngày 20/9/2004 Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg về Ngày Doanh nhân Việt Nam, hằng năm lấy ngày 13 tháng 10 là “Ngày doanh nhân Việt Nam”. Việc Thủ tướng Chính phủ quyết đinh lấy ngày 13/10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc - đó chính là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương Việt Nam ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
 
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định việc tổ chức ngày Doanh nhân Việt Nam hàng năm phải thiết thực, tiết kiệm, có hiệu quả, tránh hình thức, bảo đảm các yêu cầu:
 
Giáo dục truyền thống yêu nước, tự cường, chủ động sáng tạo của đội ngũ doanh nhân, động viên phong trài thi đua sản xuất, kinh doanh, nâng cao kỷ luật, đạo đức, văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp, doanh nhân.
 
Biểu dương khen thưởng bằng các hình thức thích hợp đối với các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh giỏi, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp.
 
Ngày 09 tháng 12 năm 2011, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09-NQ-TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết nêu rõ quan điểm chỉ đạo và mục tiêu phương hướng, nhiệm vụ trong xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam như sau:
 
Về quan điểm chỉ đạo: Bộ Chính trị khẳng định: Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao, sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế; Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, nâng cao trình độ, kiến thức toàn diện của doanh nhân, chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân. Xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân phải gắn liền với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền sở hữu và tự do kinh doanh của doanh nhân theo pháp luật, khuyến khích doanh nhân làm giàu cho mình và cho đất nước. Tăng cường mối liên kết, hợp tác, đoàn kết cùng có lợi giữa doanh nhân với công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.
 
Về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam: Bộ Chính trị xác định như sau:
 
Mục tiêu: Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu; không ngừng phát triển, phấn đấu đến năm 2020 có một số doanh nhân, doanh nghiệp có thương hiệu đạt tầm cỡ khu vực Đông - Nam Á.
 
Phương hướng, nhiệm vụ: Nâng cao nhận thức về vai trò của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân; Hỗ trợ đội ngũ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nhân khu vực nông thôn; Quan tâm, tạo chuyển biến trong đào tạo và bồi dưỡng doanh nhân; Đề cao đạo đức, văn hoá kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa; Phát huy vai trò của các tổ chức đại diện của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.
 
Đến nay, sau 15 năm Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định lấy ngày 13/10 là “Ngày Doanh nhân Việt Nam” và 05 năm Nghị quyết 09-NQ-TW của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, thực tế đã khẳng định ý nghĩa lịch sử của bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới công thương vào ngày 13/10/1945. Trong giai đoạn này - giai đoạn hộp nhập kinh tế quốc tế - bức thư của Hồ Chủ tịch vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện đường lối đúng đắn và chỉ dẫn mang tính chiến lược của Người đối với việc khẳng định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong xây dựng và kiến thiết đất nước.
 
Quyết định số 990/QĐ-TTg ngày 20/9/2004 và Nghị quyết 09-NQ-TW ngày 09/12/2011 đã cụ thể hóa đường lối, chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân; hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ, tự tin góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế.
 
Theo https://hatinh.gov.vn

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN CỦA HỘI LIÊN HIỆP THANH NIÊN VIỆT NAM 15/10

Tháng 2/1950, Đại hội (ĐH) đại biểu Liên đoàn Thanh niên Việt Nam toàn quốc được tổ chức tại căn cứ địa Việt Bắc. ĐH đã vinh dự được đón Bác Hồ kínhyêu cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự. ĐH đã đánh dấu bước phát triển quan trọng trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên với vai trò nòng cốt của Đoàn thanh niên cứu quốc.

Tại ĐH, các đại biểu đã bầu anh Nguyễn Chí Thanh làm Chủ tịch Liên đoàn. ĐH đã phát động phong trào thi đua tòng quân giết giặc lập công và đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch, đấu tranh chống khủng bố, đàn áp, nhất là chống địch bắt thanh niên đi làm bia đỡ đạn cho chúng trong vùng bị tạm chiếm.

Sau quá trình vận động và chuẩn bị, trong các ngày từ 8-15/10/1956, ĐH thành lập Hội LHTN Việt Nam được tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Một lần nữa ĐH được vinh dự đón Bác Hồ kính yêu đến dự và phát biểu. ĐH đã bầu ra Ban Chấp hành T.Ư Hội gồm 52 anh, chị do bác sĩ - Anh hùng Lao động Phạm Ngọc Thạch làm Chủ tịch.

Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Tiếp sau đó, Hội LHTN giải phóng miền Nam được thành lập bao gồm Hội Liên hiệp Sinh viên giải phóng, Hội Học sinh giải phóng và các tổ chức thanh niên yêu nước khác do Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng làm nòng cốt. Anh Trần Bạch Đằng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Phụ trách tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ được bầu làm Chủ tịch. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, Hội LHTN Việt Nam được tổ chức vào tháng 12/1961. Giáo sư Phạm Huy Thông được bầu giữ chức Chủ tịch Hội. 

Đại hội đã phát động thanh niên tích cực tham gia thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và ra sức ủng hộ, chi viện cho cuộc đấu tranh của đồng bào và thanh niên miền Nam. Thực hiện nghị quyết ĐH, 15 vạn thanh niên tình nguyện gia nhập đội TNXP chống Mỹ cứu nước. Hơn 5 triệu lượt thanh niên đăng ký tham gia phong trào "Ba sẵn sàng", "Năm xung phong" và gia nhập Quân đội nhân dân chiến đấu vì độc lập tự do cho đất nước.

Sau giải phóng miền Nam, tại TP Hồ Chí Minh, trong 2 ngày 20-21/9/1976, Hội LHTN Việt Nam đã tổ chức hội nghị thống nhất mặt trận thanh niên trong cả nước. Đây là sự kiện chính trị trọng đại trong phong trào thanh niên nước ta. Lần đầu tiên, đoàn đại biểu Hội LHTN Việt Nam gặp gỡ đoàn đại biểu Hội LHTN Giải phóng miền Nam Việt Nam, cùng nhau thống nhất mặt trận đoàn kết thanh niên lấy tên chung là Hội LHTN Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của toàn thể thanh niên Việt Nam.

Hội nghị đã thông qua Điều lệ mới của Hội. Giáo sư Lê Quang Vịnh được tín nhiệm làm Chủ tịch Hội. Tháng 9/1988, Hội nghị Ủy ban T.Ư Hội LHTN Việt Nam họp tại Hà Nội đã tiến hành kiện toàn Ủy ban T.Ư Hội. Anh Hà Quang Dự - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn (khóa V) được cử làm Chủ tịch Hội thay cho Giáo sư Lê Quang Vịnh.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, Hội LHTN Việt Nam đã diễn ra tại thủ đô Hà Nội ngày 8/12/1994. Đại hội đã nhất trí thông qua Điều lệ mới và hiệp thương bầu anh Hồ Đức Việt - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn làm Chủ tịch Hội. Đại  hội đã quyết định lấy ngày 15/10 hằng năm làm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
 
Nguồn: lichsuvietnam.vn

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
  1. KHÔNG CÓ VIỆC GÌ KHÓ
Năm 1927, với tên gọi là Thầu Chín, Bác Hồ sống và hoạt động trong kiều bào Việt Nam ở Xiêm (Thái Lan) cho đến cuối năm 1929. Đây là một trong những thời gian Người sống lâu nhất với đồng bào, trước năm 1945.
 
Sau khi đặt chân đến Phi Chịt, Người nêu ý kiến đi ra U Đon để tìm gặp Việt kiều. Từ Phi Chịt đến U Đon phải đi bộ, băng rừng hàng tháng. Mỗi người đi đường đều gánh theo hai thùng sắt tây đựng quần áo, đồ dùng lặt vặt có nắp đậy để tránh mưa núi, vắt rừng. Thức ăn mang theo cũng là 10 kg gạo và một ống "cheo" (thịt gà hoặc sườn lợn băm nhỏ rang muối. Năm 1945 khi đi Côn Minh, Bác cũng mang theo một ống "cheo" nhưng đặt tên là muối Việt Minh).
 
Thầu Chín cùng một số anh em ra đi vào dịp mùa thu. Cây rừng đang rụng lá. Trời nắng to, đường đi đá sỏi gập ghềnh, mọi người đều mệt mỏi. Thấy Thầu Chín không quen gánh, có người muốn giúp đỡ, nhưng Thầu chín không chịu. Ít ngày sau, đôi chân của Thầu Chín đã sưng lên, rớm máu, tấy đỏ. Anh em lại yêu cầu Thầu Chín nhường gánh. Thầu Chín nói: "Thánh hiền đã dạy: Thiên hạ vô nan sự, nhân tâm tự bất kiên", ý nói là dưới trời này không có việc gì khó, chỉ sợ lòng người không kiên trì... cứ cố gắng, để thế vài hôm nữa sẽ quen đi ... Quả nhiên mấy ngày sau nữa, bước chân Thầu Chín đã nhanh, đi gọn, đôi thùng đung đưa có vẻ đã nhẹ nhàng. Mấy tháng sau, có lần từ U Đon về đến Xa Vang đường dài hơn 70 km, Thầu Chín chỉ đi hết một ngày.
 
Hơn 20 năm sau, vào cuối mùa Đông năm 1950, trong một lần gặp gỡ anh em thanh niên xung phong làm đường ở Đèo Khế, Thái Nguyên, Bác Hồ đã đọc tặng bốn câu:
 
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp bể
Quyết chí ắt làm nên.
 
Bốn câu thơ ấy, tuy là mượn ý của "Thánh hiền" nhưng đã được kiểm nghiệm trong thực tế cuộc sống của Bác Hồ mấy chục năm trước đó...
 
 Nguồn: Một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của
 Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia

 
2. Lời Bác dạy
 
          Lời Bác dạy thanh niên:
 
          “… thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người”.
Nguồn: Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 11, trang 399.
 
“Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà,
Phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên”
Nguồn: Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 10, trang 216.
         
Lời Bác dạy phụ nữ:
 
        “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là gúp 38 phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội…”
Nguồn: Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 13, trang 60.
 
  Lời bác dạy người làm công tác dân vận:
 
“Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho… Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”
  “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.
 
Nguồn: Bài viết “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật số 120, ngày 15-10-1949.
 
CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI
 
Trong tài liệu sinh hoạt chi Đoàn, chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên, thanh niên, các tổ chức Đoàn về một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2019:

GIAO THÔNG

Tốc độ tối đa của ô tô, xe máy khi tham gia giao thông

Một trong những văn bản đáng chú ý nhất có hiệu lực trong tháng 10/2019 là Thông tư 31/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về tốc độ của xe khi tham gia giao thông.
Cụ thể như sau:
- Ở trong khu vực đông dân cư:
+ 60km/giờ nếu chạy trên đường đôi hoặc đường một chiều có từ 2 làn trở lên;
+ 50km/giờ nếu là đường hai chiều không có dải phân cách giữa hoặc đường một chiều có 01 làn xe.
- Nếu ở ngoài khu vực dân cư:
+ 90km/giờ đối với ô tô con, ô tô đến 30 chỗ ngồi; 70km/giờ đối với xe máy nếu chạy trên đường đôi hoặc đường một chiều có 2 làn trở lên;
+ 80km/giờ đối với ô tô con, ô tô đến 30 chỗ ngồi; 60km/giờ đối với xe máy nếu chạy trên đường hai chiều không có dải phân cách giữa hoặc đường một chiều có 1 làn xe.
Riêng với xe gắn máy (xe dưới 50 phân khối), tốc độ tối đa là 40km/giờ, bất kể trên đoạn đường nào và trong khu vực nào.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/10/2019.

CHÍNH SÁCH

Điều kiện chuyển từ nghĩa vụ công an sang chuyên nghiệp       

Từ ngày 10/10/2019, Nghị định 70/2019/NĐ-CP về nghĩa vụ công an của Chính phủ chính thức có hiệu lực.
Nghị định này quy định có 2 trường hợp công an nghĩa vụ được chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp, gồm:
- Phục vụ tại ngũ từ 15 tháng đến dưới 24 tháng, hàng năm đều hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm các tiêu chuẩn theo chế độ chuyên nghiệp thì được xét, dự tuyển vào các trường Công an nhân dân. Khi tốt nghiệp ra trường được phong cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp.
- Người không thuộc trường hợp nêu trên, hết thời hạn phục vụ tại ngũ có đủ các tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của công an nhân dân, nếu tự nguyện và công an nhân dân có nhu cầu thì được xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp.

Người huyện nghèo đi xuất khẩu lao động được vay 100% vốn ưu đãi

Đây là tinh thần của Quyết định số 27/2019/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành; áp dụng từ ngày 25/10/2019.
Theo đó, những người lao động tại các huyện nghèo được vay đến 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài mà không cần phải đặt cọc, thế chấp, cầm cố tài sản...
Tuy nhiên, để được vay số tiền này, người lao động phải có hộ khẩu thường trú tại huyện nghèo từ đủ 12 tháng trở lên; đã ký hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài và được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc.
Mức lãi suất vay ưu đãi như sau:
- Nếu thuộc hộ nghèo được vay vốn với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định;
- Nếu không thuộc hộ nghèo vẫn được vay vốn bằng mức lãi suất đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định.

THUẾ-PHÍ-LỆ PHÍ

Lệ phí cấp thẻ Căn cước công dân từ 30.000 đồng

Từ ngày 16/10/2019, áp dụng lệ phí cấp thẻ Căn cước công dân mới theo tinh thần của Thông tư 59/2019/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành.
Cụ thể như sau:
- Chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số, 12 số sang thẻ Căn cước công dân: 30.000 đồng;
-  Đổi thẻ Căn cước công dân khi bị hư hỏng không dùng được; khi có thay đổi thông tin cá nhân hoặc khi có sai sót về thông tin trên thẻ: 50.000 đồng
- Cấp lại thẻ Căn cước công dân do bị mất là 70.000 đồng.
Nếu người từ đủ 14 tuổi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân lần đầu; Đổi thẻ khi có sai sót về thông tin trên thẻ do lỗi của cơ quan quản lý… không phải nộp lệ phí.

GIÁO DỤC-ĐÀO TẠO-DẠY NGHỀ

Giáo viên mầm non được học cách quản lý cảm xúc bản thân

Chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên mầm non đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Thông tư 12/2019/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 12/10/2019.
Chương trình bồi dưỡng này được tổ chức hàng năm với các nội dung liên quan đến đạo đức nghề nghiệp; Rèn luyện phong cách làm việc khoa học; Đảm bảo an toàn cho trẻ trong các cơ sở mầm non; Kỹ năng sơ cứu trẻ em… và đặc biệt là cách quản lý cảm xúc của bản thân.
Mỗi giáo viên phải tham gia Chương trình bồi dưỡng với thời lượng 120 tiết/năm học.

Y TẾ-SỨC KHỎE

Điều kiện để trở thành bác sĩ gia đình từ ngày 15/10/2019

Thông tư 21/2019/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn thí điểm về hoạt động y học gia đình sẽ có hiệu lực từ ngày 15/10/2019.
Thông tư này nêu rõ, bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa hệ lâm sàng đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sẽ được khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình sau khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
- Có một trong các văn bằng bác sĩ nội trú, chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ về chuyên ngành y học gia đình.
- Có giấy chứng nhận đã được đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình tối thiểu 03 tháng.
- Có giấy chứng nhận theo học từng đợt học có các nội dung ghi trong giấy xác nhận hoặc tín chỉ hoặc chương trình đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình với tổng thời gian tối thiểu 03 tháng.

Có 56 loại phụ gia phẩm màu được dùng trong thực phẩm

Nội dung này nằm trong Thông tư số 24/2019/TT-BYT của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm, áp dụng từ ngày 16/10/2019.
Cụ thể, tại Thông tư này, Bộ Y tế công nhận 56 loại phụ gia phẩm màu được phép dùng trong thực phẩm, như: Curcumin; các bon thực vật; màu ngô tím; màu bắp cải đỏ và hàng trăm phụ gia khác là chất bảo quản, chất điều vị, chất tạo ngọt…
Khi sử dụng phụ gia, phải đảm bảo một số nguyên tắc nhất định:
- Phụ gia thực phẩm phải là loại được phép sử dụng và đúng đối tượng thực phẩm;
- Không vượt quá mức sử dụng tối đa;
- Hạn chế đến mức thấp nhất lượng phụ gia cần thiết để đạt được hiệu quả như mong muốn…

THƯƠNG MẠI

Dịch vụ Bảo hiểm nhân thọ không phải đăng ký hợp đồng theo mẫu

Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 25/2019/QĐ-TTg về việc sửa đổi Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Theo đó, bãi bỏ dịch vụ “Bảo hiểm nhân thọ” khỏi Danh mục nêu trên.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/10/2019.

Bán thuốc diệt côn trùng chung với thực phẩm bị phạt đến 3 triệu

Từ ngày 15/10/2019, Nghị định 71/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp sẽ có hiệu lực.
Theo đó, sẽ phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng nếu có các hành vi vi phạm trong hoạt động mua bán chế phẩm côn trùng, diệt khuẩn như sau:
- Bày bán chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn không tách biệt với nơi bày bán các loại thực phẩm;
- Điều kiện bảo quản chế phẩm không đáp ứng yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn;
- Không cung cấp đầy đủ thông tin hoặc cung cấp sai về các đặc tính nguy hiểm của hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn, gây hại cho sức khỏe…
Ngoài bị phạt tiền, người nào vi phạm còn có thể bị đình chỉ hoạt động mua bán chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế từ 01 - 03 tháng.
Ngoài ra, còn nhiều văn bản đáng chú ý khác cũng sẽ có hiệu lực trong tháng 10/2019, bạn đọc có thể xem toàn bộ Danh sách văn bản có hiệu lực trong tháng 10.
 
Link: https://luatvietnam.vn/chinh-sach-moi-hang-thang/nhieu-chinh-sach-moi-noi-bat-co-hieu-luc-trong-thang-10-2019-559-22370-article.html
 Nguồn: Luật Việt Nam

Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn
 
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây