Bác Hồ với những lời dạy với giáo viên, học sinh Việt Nam
Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng ta lại cùng nhau nhớ về những lời dạy, tình cảm, tư tưởng của Bác, những mong mỏi của Bác đối với đội ngũ giáo viên, học sinh của cả nước. Mỗi lời Bác để lại đều trở thành động lực to lớn để lớp lớp giáo viên, học sinh quyết tâm giành thắng lợi sự nghiệp giáo dục có những bước phát triển mới theo tư tưởng và triết lý về giáo dục đậm chất nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Những người anh hùng vô danh”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm việc mở mang dân trí, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ cực kỳ trọng đại là nâng cao dân đức, mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, là động lực của sự phát triển, đưa nước nhà tiến tới giàu mạnh, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Để phát triển nền giáo dục nước nhà, Bác Hồ luôn đề cao sứ mệnh của người thầy giáo. Người viết: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất…, những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh… Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em Nhân dân, thì làm sao mà xây dựng CNXH được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”.
Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, người thầy giáo phải có phẩm chất tốt. Bác nhắc nhở: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”.
Trong bức thư cuối cùng Bác gửi cho ngành Giáo dục, ngày 15/10/1968, Bác Hồ nhắc lại các thầy, cô giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên 3 điểm sau: Thứ nhất, thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tǎng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và Nhân dân giao cho, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng.
Thứ hai, dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tuởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng vǎn hoá và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật.
Thứ ba, các cô các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tǎng cường bảo đảm sức khoẻ và an toàn. Đề cao sứ mệnh của thầy cô giáo, trong thư Bác viết: “Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”.
Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Bác, Đảng và Nhà nước ta đã và đang hết sức coi trọng sự nghiệp giáo dục. Năm 1982 đã lấy ngày 20/11 hàng năm làm “Ngày Nhà giáo Việt Nam”, thông qua nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, quan tâm và tạo điều kiện cho đông đảo đội ngũ thầy giáo, cô giáo được đào tạo chính quy, nâng cao chất lượng đời sống để các thầy giáo, cô giáo yên tâm công tác.
Niềm hi vọng to lớn ở thế hệ trẻ của đất nước
Bác Hồ kính yêu luôn dành tình cảm đặc biệt cho các em thiếu niên, nhi đồng - thế hệ trẻ của đất nước. Với Người, thế hệ trẻ chính là những mầm non, là niềm hi vọng cho đất nước phát triển tiến bộ, văn minh, hiện đại. Trong bức thư Bác gửi học sinh trong ngày khai trường vào tháng 9/1945 ngay sau ngày Bác đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, Bác viết: Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Trong thời đại hiện nay, thời đại sức mạnh của trí tuệ, khoa học - công nghệ và kinh tế - văn hóa đóng vai trò quyết định. Việt Nam với những chính sách mở cửa tích cực, đã và đang có những cơ hội hội nhập tốt nhất. Vì vậy, để nước Việt Nam phát triển được như Bác Hồ mong muốn đòi hỏi mỗi người phải có trí tuệ, hiểu biết khoa học công nghệ phát triển vượt bậc, có khả năng đi tắt đón đầu. Điều đó chỉ thành hiện thực khi chủ nhân của đất nước là những người có tri thức, đủ năng lực hòa nhập với trình độ văn hóa của thế giới. Do đó, hơn lúc nào hết, thế hệ học sinh hôm nay cần phải ra sức học tập, tu dưỡng trở thành người có tài và có tâm, đủ năng lực để hội nhập đưa đất nước tiến lên, phù hợp với bước tiến của thời đại.
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước trong thời kỳ mới. Đây vừa là yêu cầu tất yếu có tính thời đại, trong xu thế toàn cầu hóa, vừa là đòi hỏi cấp bách của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước ta; đồng thời đó cũng là nhu cầu của chính nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Xây dựng nền giáo dục mở, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc... Qua đó, góp phần “tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của Nhân dân”. Con người Việt Nam sẽ phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, sống đẹp và làm việc hiệu quả.
Từ bức thư đầu tiên (9/1945) cho tới bức thư cuối cùng (10/1968), những lời của Bác đã trở thành di sản vô giá, là báu vật thiêng liêng của dân tộc ta, đất nước ta nói chung và của ngành Giáo dục nói riêng. Mỗi lời nói đó đã khơi dậy lòng yêu nghề, niềm tự hào đối với nghề, tinh thần trách nhiệm của các thầy giáo, cô giáo, công nhân viên mà còn khơi dậy ý thức học tập của thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay và mãi mãi về sau.
Trích: http://www.bqllang.gov.vn/
II. THEO DÒNG LỊCH SỬ
Những ngày đáng nhớ trong tháng 10:
- 07/11/1917: Kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga.
- 09/11/1946: Quốc hội khóa I kỳ họp thứ hai thông qua Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
- 15/11/1923: Kỷ niệm Ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao (tác giả Quốc Ca).
- 18/11/1930: Kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam.
- 20/11/1982: Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
- 23/11/1940: Kỷ niệm Ngày Khởi nghĩa Nam kỳ.
- 21/11/1996: Kỷ niệm Ngày Truyền hình Thế giới (World Television Day)
- 23/11/1946: Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam.
- 23/11/1945: Kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam
- 25/11/1999: Kỷ niệm Ngày quốc tế loại bỏ bạo lực đối với Phụ nữ
- 28/11/1820: Kỷ niệm 1999 năm Ngày sinh Ph. Ăng-ghen
- 28/11/1964: Kkỷ niệm 55 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số
LỊCH SỬ, Ý NGHĨA NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11
Nguồn gốc của ngày lễ hiến chương Nhà giáo Việt Nam:
Tháng 01/1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris (thủ đô nước Pháp) lấy tên là FISE (Féderation International Syndicale des Enseignants - Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục).Năm 1949, tại Hội nghị quốc tế Vacsava (Varsovie - Thủ đô của Ba Lan) tổ chức FISE xây dựng một bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương. Nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến; xây dựng nền giáo dục tiến bộ; bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nghề dạy học và nhà giáo.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với FISE với mục đích tranh thủ các diễn đàn quốc tế, tố cáo âm mưu tội ác của bọn đế quốc xâm lược đối với nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh. Đồng thời, giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của toàn thể giáo viên trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.
Mùa xuân năm 1953, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn dự Hội nghị quan trọng kết nạp Công đoàn giáo dục của một số nước vào tổ chức FISE tại Viên (Thủ đô nước Áo), trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam.Chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập (22/7/1951), Công đoàn giáo dục Việt Nam đã được kết nạp là một thành viên của FISE.Từ ngày 26 đến 30/8/1957, tại Thủ đô Vacsava, Hội nghị FISE có 57 nước tham dự, trong đó có Công đoàn giáo dục Việt Nam, quyết định lấy ngày 20 tháng 11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.
Lần đầu tiên ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo" được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta vào ngày 20/11/1958.Những năm sau đó, ngày lễ 20/11 còn được tổ chức tại các vùng giải phóng ở miền Nam. Hàng năm, kỷ niệm lịch sử ngày 20/11, cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo viên trong vùng tạm chiếm nói riêng, động viên tinh thần chịu đựng gian khổ hy sinh của anh chị em giáo viên kháng chiến nói chung.
Theo đề nghị của ngành Giáo dục, ngày 28/9/1982 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167 - HĐBT về ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong đó có điều khoản quy định, lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam. Ngày 20/11/1982, là lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trong cả nước ta. Từ đó đến nay, đây là ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người.
Ý nghĩa Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11:
Ngày 20/11 là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy, để mọi ngành, mọi nghề và toàn xã hội chia sẻ niềm vui, tri ân tới những người đã góp công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Nguồn: giaoduc.net.vn
23/11/1946: THÀNH LẬP HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM
Ngày 23/11/1946, Hội Hồng Thập Tự Việt Nam đã chính thức tổ chức đại hội đại biểu lần thứ nhất tại Vân Đình (Hà Tây). Đại hội đã suy tôn chủ tịch Hồ Chí Minh làm chủ tịch danh dự của hội. Ban Chấp hành Trung ương Hội đã bầu bác sĩ Vũ Đình Tụng làm chủ tịch. Đây là mốc son đánh dấu sự ra đời của Hội Hồng Thập Tự Việt Nam, đáp ứng yêu cầu góp phần chăm sóc sức khỏe và đời sống của nhân dân, kịp thời phục vụ cho toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ngày 5/6/1957, chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt nhà nước ta gửi công hàm phê chuẩn với chính phủ liên ban Thụy Sĩ tuyên bố gia nhập 4 công ước Giơ-ne-vơ về việc bảo hộ nạn nhân chiến tranh để hội Chữ Thập Đỏ (CTĐ) Việt Nam có điều kiện gia nhập phong trào Chữ Thập Đỏ-Trăng Lưỡi Liềm Đỏ quốc tế. Ngày 4/11/1957, tại cuộc họp Đại hội đồng Hiệp hội CTĐ-Trăng Lưỡi Liềm Đỏ ở Niu-đê-li (Ấn Độ), Hội Hồng Thập Tự Việt Nam đã chính thức được công nhận là thành viên của phong trào CTĐ quốc tế. Trong cao trào nổi dậy của miền Nam, sau khi Mặt trận dân tộc Giải phóng Miền Nam được thành lập, ngày 27/2/1961, tổ chức Hồng Thập Tự giải phóng của Mặt trận ra đời, do bác sĩ Phùng Văn Cung làm chủ tịch.
Ngày 19/11/1960, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Hồng Thập Tự Việt Nam lần thứ II, bác sĩ Vũ Đình Tụng tiếp tục được bầu làm Chủ tịch.
Ngày 15/12/1965, đại hội đại biểu toàn quốc Hội Hồng Thập Tự Việt Nam lần thứ III, đổi tên hội Hồng Thập Tự Việt Nam thành Hội CTĐ Việt Nam, bác sĩ Vũ Đình Tụng tiếp tục được bầu làm Chủ tịch.
Ngày 10-11/12/1971, đại hội đại biểu hội CTĐ Việt Nam lần thứ IV, Hội CTĐ Việt Nam được tặng thưởng huân chương Lao động hạng II.
Ngày 31/7/1976, hội nghị thống nhất Hội CTĐ 02 miễn thành hội CTĐ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, giáo sư Nguyễn Văn Thủ được bầu làm Chủ tịch.
Ngày 11-12/3/1988, đại hội đại biểu toàn quốc hội CTĐ Việt Nam lần thứ V. Đây là đại hội diễn ra khi đất nước ta bước vào công cuộc đổi mới. Hội CTĐ Việt Nam được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất. Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân được bầu làm Chủ tịch.
Ngày 15-17/3/1995, đại hội đại biểu toàn quốc hội CTĐ Việt Nam lần thứ VI. Tổng bí thư Đỗ Mười nhận lời làm Chủ tịch danh dự của hội. Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân tiếp tục được bầu làm Chủ tịch của hội.
Ngày 7-8/4/1998, hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị 14 của Bna bí thư Trung ương Đảng khóa VI “Về việc củng cố tổ chức, phát huy tác dụng tích cực của Hội CTĐ Việt Nam”. Ngày 8/4/1998, Hội CTĐ Việt Nam đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của hội, cũng là sự ghi nhận những cống hiến xuất sắc của hội CTĐ Việt Nam cho sự nghiệp Cách mạng của Đảng và cuả Dân tộc.
Ngày 16-19/11/1998, hội CTĐ Việt Nam tổ chức hội nghị CTĐ-Trăng Lưỡi Liềm Đỏ khu vực châu Á-Thái Bình Dương thắng lợi với tuyên ngôn Hà Nội, đánh dấu một sự kiện hợp tác quốc tế quan trọng đối với hội.
Ngày 7-9/8/2001, đại hội đại biểu toàn quốc hội CTĐ Việt Nam lần thứ VII. Đại hội mở đầu thiên niên kỷ mới với những thời cơ mới, thách thức mới đòi hỏi mỗi cán bộ hội viên, thanh thiếu niên CTĐ phải không ngừng phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu, vai trò của hội. Chủ tịch nước Trần Đức Lương nhận lời làm chủ tịch danh dự và giáo sư Nguyễn Trọng Nhân tiếp tục được tín nhiệm làm Chủ tịch hội.
Ngày 20/9/2005, đại hội thi đua yêu nước hội CTĐ Việt Nam lần thứ II tại Hà Nội, hội CTĐ Việt Nam đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động Hạng nhất.
Ngày 28-29/6/2007, đại hội đại biểu toàn quốc hội CTĐ Việt Nam lần thứ VIII với sự góp mặt của hơn 400 đại biểu cả nước. Ông Trần Ngọc Tăng- Phó Ban Tuyên gíao Trung ương được đại hội tín nhiệm bầu làm chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam.
Trong hai ngày 4 và 5-7/2012, tại Cung Văn hóa lao động Hữu nghị Việt Xô Hà Nội đã diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhiệm kỳ 2012-2017. Với sự tham dự của hơn 500 đại biểu và đại diện Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, các hội chữ thập đỏ quốc gia. Đại hội đã bầu Ban chấp hành nhiệm kỳ mới với 134 ủy viên; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được suy tôn là Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; ông Nguyễn Hải Đường, Phó Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương được bầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhiệm kỳ 2012-2017.
Nguồn: https://tinhdoan.quangbinh.gov.vn
III. SỔ TAY NGHIỆP VỤ
Trong tài liệu sinh hoạt chi Đoàn số tháng 11 năm 2019, chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên Quy trình, thủ tục chuyển sinh hoạt Đoàn cho đoàn viên:
1. Đoàn viên khi chuyển sinh hoạt đoàn thì đề nghị Ban Chấp hành chi đoàn (hoặc chi đoàn cơ sở) nơi đang sinh hoạt để được chuyển sinh hoạt.
- Trách nhiệm của Ban Chấp hành chi đoàn:
+ Nhận xét đoàn viên vào Sổ đoàn viên và thu đoàn phí đến thời điểm chuyển sinh hoạt đoàn (trường hợp đoàn viên sinh hoạt tại chi đoàn cơ sở thì Ban Chấp hành chi đoàn cơ sở nhận xét, thu đoàn phí và trực tiếp tiến hành thủ tục chuyển sinh hoạt đoàn cho đoàn viên).
+ Giới thiệu đoàn viên đến đoàn cơ sở để làm tiếp thủ tục chuyển sinh hoạt Đoàn.
+ Tiếp nhận đoàn viên do đoàn cấp trên trực tiếp giới thiệu đến sinh hoạt.
- Trách nhiệm của đoàn cơ sở, chi đoàn cơ sở:
+ Trường hợp đoàn viên chuyển sinh hoạt trong cùng một đoàn cơ sở thì Ban Chấp hành đoàn cơ sở giới thiệu đoàn viên về sinh hoạt tại chi đoàn mới.
+ Trường hợp đoàn viên chuyển sinh hoạt sang cơ sở đoàn khác thì Ban Chấp hành đoàn cơ sở, chi đoàn cơ sở giới thiệu đến Ban Chấp hành đoàn cơ sở mới.
+ Khi tiếp nhận đoàn viên từ nơi khác giới thiệu đến, Ban Chấp hành đoàn cơ sở giới thiệu đoàn viên về sinh hoạt tại chi đoàn trực thuộc.
2. Một số trường hợp khác
- Đoàn viên là học sinh, sinh viên, trước thời điểm kết thúc khóa học (năm học cuối cấp) 01 tháng, Ban Thường vụ đoàn trường có trách nhiệm xem xét, chuẩn bị và thực hiện các thủ tục chuyển sinh hoạt đoàn cho đoàn viên, cụ thể: hướng dẫn Ban Chấp hành chi đoàn thu đoàn phí và tiến hành nhận xét vào sổ đoàn viên, xác nhận ý kiến nhận xét của Ban Chấp hành chi đoàn, ký và đóng dấu giới thiệu chuyển sinh hoạt đoàn cho đoàn viên sau đó chuyển hồ sơ cho đoàn viên để nộp về cơ sở mới (nếu chưa xác định được cơ sở đoàn mới thì để trống tên cơ sở mới).
- Đoàn viên là bộ đội xuất ngũ, chuyển ngành, là học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp các trường đang trong thời gian chờ để chuyển lĩnh vực công tác, học tập, lao động mới nếu thời gian chờ từ 03 tháng trở lên thì phải chuyển sinh hoạt về cơ sở đoàn nơi đoàn viên cư trú.
- Chuyển sinh hoạt đoàn tạm thời:
+ Đoàn viên đi học tập, lao động, công tác, đoàn viên là học sinh, sinh viên trong thời gian nghỉ hè, đi thực tập, thực tế với thời gian không quá 03 tháng thì chuyển sinh hoạt đoàn tạm thời đến cơ sở đoàn nơi học tập, lao động, công tác hoặc nơi cư trú mới. Đoàn cơ sở (chi đoàn cơ sở) có trách nhiệm làm thủ tục giới thiệu và tiếp nhận đoàn viên chuyển sinh hoạt đoàn tạm thời.
+ Việc chuyển sinh hoạt đoàn tạm thời có thể thực hiện bằng thẻ đoàn viên hoặc giấy chuyển sinh hoạt đoàn và do Đoàn cấp cơ sở triển khai thực hiện.
+ Trong thời gian sinh hoạt tạm thời, đoàn viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 2, Điều 3 của Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trừ quyền ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo của Đoàn nơi đang sinh hoạt tạm thời.
- Đoàn viên chuyển đến những nơi chưa có tổ chức Đoàn vẫn phải làm thủ tục chuyển sinh hoạt đoàn như đã quy định. Khi đến nơi mới, xuất trình hồ sơ và báo cáo với tổ chức Đảng, khi chuyển công tác đi nơi khác đề nghị tổ chức Đảng nhận xét ưu, khuyết điểm và giới thiệu về Ban Chấp hành đoàn cơ sở nơi tiếp nhận đoàn viên. Trường hợp nơi đoàn viên lao động, học tập, công tác không có tổ chức Đảng, Đoàn thì đoàn viên đó phải sinh hoạt ở nơi cư trú.
- Trường hợp do thất lạc hồ sơ đoàn viên thì thủ tục chuyển sinh hoạt đoàn phải có bản tường trình và xác nhận của cơ sở đoàn nơi chuyển đi (thời gian xác nhận không quá 03 tháng tính đến thời điểm chuyển sinh hoạt đoàn), được làm lại hồ sơ tại nơi chuyển đến.
- Chuyển sinh hoạt đoàn ra nước ngoài, từ nước ngoài về nước thực hiện theo hướng dẫn liên tịch giữa Ban Bí thư Trung ương Đoàn với Đảng ủy ngoài nước.
IV. CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI
Trong tài liệu sinh hoạt chi Đoàn, chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên, thanh niên, các tổ chức Đoàn về một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2019:
Quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm
Có hiệu lực từ ngày 1/11, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ có nhiều nội dung mới, trong đó đã bổ sung khái niệm về Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Đây là bộ phận cấu thành của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, do doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức, cá nhân khác thực hiện nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm: Tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.
Luật này cũng quy định cá nhân chỉ được quyền cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm; Còn doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức khác có tư cách pháp nhân được quyền cung cấp tất cả dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm của cá nhân, tổ chức phải giữ bí mật thông tin khách hàng, sử dụng thông tin khách hàng đúng mục đích và không được cung cấp cho bên thứ ba mà không có sự chấp thuận của khách hàng, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật...
Hôn người dưới 16 tuổi sẽ bị kết tội Dâm ô trẻ em
Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng trong xét xử án xâm hại tình dục trẻ em có hiệu lực từ ngày 5/11. Nghị quyết này quy định rõ các trường hợp bị xác định là dâm ô với người dưới 16 tuổi theo điều 146 Bộ luật Hình sự 2015, như: Dùng các bộ phận của cơ thể hay dụng cụ tình dục tiếp xúc với bộ phận nhạy cảm của nạn nhân; dụ dỗ, ép buộc tiếp xúc với bộ phận nhạy cảm của mình hoặc người khác.
Ngoài ra, một số hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ, hôn vào miệng, cổ, vai, gáy... của người dưới 16 tuổi) cũng là căn cứ để xác định hành vi dâm ô.
Nâng hạn mức vay cho người lao động lên 100 triệu đồng
Có hiệu lực từ 8/11, Nghị định 74/2019 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2015 quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm đã quy định tăng hạn mức vay, hỗ trợ đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh lên tối đa là 2 tỷ đồng/dự án (hiện hành là 1 tỷ đồng) và không quá 100 triệu đồng cho một người lao động (mức hiện nay là 50 triệu đồng).
Ngoài ra Nghị định này cũng quy định tăng thời hạn vay vốn lên tối đa 120 tháng thay vì 60 tháng như hiện nay; Người lao động vay từ 100 triệu đồng trở lên mới cần có tài sản bảo đảm tiền vay thay vì mức 50 triệu đồng như hiện hành.
Cấm cán bộ quản lý thị trường gợi ý, đòi hỏi vật chất với người đang bị thanh, kiểm tra
Thông tư 18/2019 của Bộ Công Thương quy định về hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường có hiệu lực từ ngày 15/11 đã bổ sung lên 25 hành vi cấm với cán bộ, công chức quản lý thị trường thay vì 15 hành vi như hiện hành.
Cụ thể Thông tư bổ sung hành vi: Gợi ý, đòi hỏi phải thỏa mãn các lợi ích vật chất, phi vật chất hoặc cố ý vay mượn tiền bạc, mua hàng của tổ chức, cá nhân đang trong quá trình thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính; hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.
Các hành vi bị cấm khác gồm: Tiết lộ trái phép thông tin liên quan đến bí mật nhà nước; sử dụng thông tin, tài liệu có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác để cung cấp, tư vấn trái phép cho tổ chức, cá nhân khác hoặc để khiếu nại, tố cáo trái pháp luật gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan chức năng...
Nguồn: vnexpress.net
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ĐOÀN PHÚ YÊN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn