Tại Hội thảo đối thoại về trao quyền và phát triển tiềm năng cho thanh niên ở ASEAN diễn ra chiều 3.11, tại Hà Nội, anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, đã chia sẻ, làm rõ nhiều nội dung xung quanh vấn đề đào tạo cho thanh niên để thích nghi với bối cảnh chuyển đổi số, cũng như việc tham gia của thanh niên vào xây dựng chính sách cho thanh niên…
Kỹ năng quan trọng nhất là kỹ năng thích ứng
Theo anh Lâm, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cũng như tất cả các nước ASEAN có điểm chung là đang ở trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là chuyển đổi số; thay đổi rất nhiều phương thức, lĩnh vực, cả về lao động, giáo dục…
Chắc chắn trong đó, lực lượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là thanh niên. Chuyển đổi số, các sự thay đổi, tiến bộ của KH-CN sẽ ngày càng nhanh, yêu cầu thanh niên phải đáp ứng được sự thay đổi đó, thích ứng được môi trường, điều kiện mới.
"Sự tiến bộ của KH-CN sẽ tác động đến các đối tượng là thanh niên ưu tú, trung bình và thấp hơn. Đối tượng ưu tú có lẽ không đáng lo lắm, vì các bạn có thể tự trang bị kiến thức, cập nhật, thay đổi để đáp ứng yêu cầu mới. Nhưng các bạn thanh niên ở mức trung bình và thấp hơn cần sự đồng hành của Chính phủ, điều hành chính sách; đặc biệt, giáo dục phải thay đổi kịp thời để hỗ trợ các bạn", anh Lâm nhấn mạnh.
Theo Bí thư T.Ư Đoàn, trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, kỹ năng quan trọng nhất với thanh niên là kỹ năng thích ứng. Còn cụ thể với chuyển đổi số, năng lực số của mỗi thanh niên để có thể hiểu được các ứng dụng số, sử dụng phù hợp cho công việc của mình là hết sức quan trọng.
"Chính phủ Việt Nam đã ban hành chương trình nâng cao năng lực số cho thanh niên. Chương trình giao cho chúng tôi là đơn vị phụ trách để tập huấn, thường xuyên có hướng dẫn các bạn trong vấn đề chuyển đổi số; xác định thanh niên là nòng cốt để từ thanh niên có thể nâng cao năng lực số cho toàn dân, thực hiện được chương trình chuyển đổi số quốc gia", anh Lâm nói.
Sự tham gia của thanh niên trong xây dựng chính sách rất hiệu quả
Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi với Bí thư T.Ư Đoàn tại hội thảo là sự tham gia của thanh niên trong xây dựng chính sách cho thanh niên.
Trả lời các câu hỏi, anh Lâm hơn một lần nhấn mạnh, cơ quan lập pháp cao nhất của Việt Nam là Quốc hội có số lượng đại biểu là thanh niên rất lớn, chiếm 1/4. Chính phủ có Ủy ban Quốc gia về thanh niên để chuyên trách nghiên cứu các vấn đề đặt ra cho thanh niên, qua đó tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng chính sách cho thanh niên.
Theo luật, 1 năm ít nhất 1 lần, Thủ tướng Chính phủ đối thoại với thanh niên về các vấn đề liên quan đến chính sách dành cho thanh niên. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, bắt buộc 1 năm phải gặp gỡ thanh niên ít nhất 1 lần để lắng nghe ý kiến, yêu cầu của thanh niên; nắm được những tâm tư, nguyện vọng, suy nghĩ của thanh niên, qua đó sẽ chuyển tải thành những chính sách phù hợp.
"Tôi nghĩ với quy định như vậy, sự tham gia của thanh niên trong xây dựng chính sách dành cho đối tượng thanh niên rất hiệu quả", anh Lâm nhìn nhận.
Tuy nhiên, Bí thư T.Ư Đoàn cũng khẳng định, giữa chính sách với yêu cầu thực tế của thanh niên chắc chắn có khoảng cách, vì cùng với sự phát triển của đất nước, yêu cầu của thanh niên sẽ ngày càng cao.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn