Doanh nghiệp tăng tốc chuyển đổi số

Thứ hai - 20/11/2023 23:18
Chuyển đổi số (CĐS) được coi là thay đổi chiến lược, giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản trị, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang từng bước tiếp cận, chuyển mình để phù hợp với thời đại 4.0.
Đại diện các đơn vị, doanh nghiệp tìm hiểu các công nghệ mới tại một hội thảo về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Đại diện các đơn vị, doanh nghiệp tìm hiểu các công nghệ mới tại một hội thảo về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Từng bước tiếp cận

Bắt nhịp cùng xu hướng CĐS của thế giới cũng như những đòi hỏi bắt buộc trong thời đại 4.0, nhiều năm nay, Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên đã từng bước đầu tư, ứng dụng công nghệ số vào quá trình quản lý, vận hành, sản xuất, kinh doanh. Mục tiêu cuối cùng là đem lại năng suất, hiệu quả cao nhất trong hoạt động cũng như tạo ra những tiện ích, sự hài lòng cho khách hàng.

Chị Hồ Thị Thanh Thúy ở huyện Sơn Hòa cho biết: Tôi đã đăng ký sử dụng dịch vụ thanh toán tiền nước trực tiếp qua tài khoản ngân hàng. Điều này khá tiện lợi cho cá nhân tôi cũng như đơn vị cung cấp dịch vụ, tránh tình trạng quên đóng tiền sử dụng nước như trước đây.

Theo ông Nguyễn Tấn Thuần, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên, doanh nghiệp đang vận hành văn phòng không giấy, hóa đơn điện tử. Tất cả thông tin về dịch vụ của đơn vị được cập nhật thường xuyên trên trang web của công ty. Việc đăng ký, lắp đặt đồng hồ nước, thanh toán tiền nước đều thực hiện trực tuyến. Công ty cũng từng bước ứng dụng điều chỉnh lượng nước mong muốn; sử dụng các phần mềm phân tích, thông số tiêu chuẩn nước từ nhà máy và truyền trực tiếp đến bộ phận quản lý…

Là một đơn vị kinh doanh, vận hành hệ thống Siêu thị mini V’mart, việc áp dụng các ứng dụng số được Công ty TNHH Thương mại Vi Long triển khai khá sớm. Bà Phạm Thị Hằng Vy, Giám đốc công ty này cho biết: Ứng dụng công nghệ số là giải pháp trọng tâm mà công ty triển khai để tạo sự khác biệt, đột phá trong điều hành ở cả ba lĩnh vực quan trọng là nhân sự, chiến lược và quản trị doanh nghiệp. Từ quy trình quản lý chất lượng sản phẩm cho đến điều hành kinh doanh, công ty đều số hóa để phân tích, làm cơ sở đưa ra những quyết định chính xác, kịp thời. Đặc biệt, dữ liệu được kiểm soát từ nguồn, các bước nghiệp vụ được thực hiện gần như tự động nên công ty tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí. Từ đó, chúng tôi tạo nhiều giá trị cho khách hàng khi giúp họ tiết kiệm thời gian cho việc đặt hàng, vận chuyển, phản hồi thông tin, truyền thông chính sách, chương trình bán hàng.

Bước đi vững chắc

Trong 2 năm trở lại đây, số doanh nghiệp thực hiện CĐS trên địa bàn tỉnh bắt đầu tăng, triển khai với các mức độ khác nhau. Một số doanh nghiệp đã dành chi phí cụ thể để số hóa dữ liệu của doanh nghiệp, tiếp cận tốt các dịch vụ do cơ quan nhà nước cung cấp như dịch vụ công trực tuyến, thuế điện tử… Ông Nguyễn Tấn Thuần cho biết: CĐS trong hoạt động sản xuất, kinh doanh chính là nền tảng quan trọng, không những mang lại giá trị kinh tế mà còn đem lại sự thuận tiện, hài lòng cho khách hàng. Công nghệ số giúp doanh nghiệp chủ động trong công tác vận hành, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Hiện công ty có khoảng 70.000 khách hàng, trong đó có 95% khách hàng sử dụng dịch vụ trả tiền nước thông qua các nền tảng số và đang tiếp tục tăng thêm. Đây sẽ là bước đi vững chắc giúp doanh nghiệp phát triển, phù hợp với thời đại mới.

Theo các chuyên gia CĐS, việc ứng dụng các giải pháp công nghệ số sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng được mô hình kinh doanh theo hướng dài hạn. Tuy nhiên, có một thực tế là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường không đủ năng lực, tài chính để triển khai CĐS một cách toàn diện. Ngoài việc tự đối ứng nguồn vốn, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có thể tận dụng các chương trình hỗ trợ từ các bộ, ngành, các doanh nghiệp lớn có ưu đãi để phục vụ cho CĐS.

Ông Đặng Duy Khánh, chuyên gia CĐS thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: Các doanh nghiệp nên lựa chọn một lĩnh vực có khả năng mang lại lợi ích nhất, giải quyết được những vướng mắc của doanh nghiệp để thực hiện CĐS trước và triển khai từ quy mô nhỏ đến lớn. Các doanh nghiệp phải sớm đưa ra lộ trình CĐS, bố trí nguồn vốn, nhân lực phù hợp. Đây sẽ là nguồn đầu tư tạo những đột phá lớn cho doanh nghiệp trong tương lai.

Theo https://baophuyen.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây