Ông Đinh Ngọc Dạn |
Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên xung quanh công tác CĐS của địa phương, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đinh Ngọc Dạn cho biết:
- Huyện ủy, UBND huyện Sông Hinh xem CĐS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng và phát triển của địa phương. Vì vậy, huyện đã chỉ đạo, tổ chức quán triệt và ban hành kịp thời các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo hướng CĐS một cách toàn diện với sự tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước.
Đến nay, công tác CĐS của huyện đã đạt được một số kết quả. Cụ thể, tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức sử dụng Hệ thống quản lý văn bản điều hành, thư điện tử công vụ, chữ ký số và xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử chiếm trên 80%. Huyện đã đưa vào vận hành Hệ thống truyền hình trực tuyến kết nối từ trung ương đến cấp xã; Hệ thống quản lý văn bản điều hành iOffice phiên bản V5 đạt 100%. Toàn huyện có 114 thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, trong đó cấp huyện 77 thủ tục hành chính, cấp xã 37 thủ tục hành chính và 188 dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Giai đoạn I, địa phương số hóa dữ liệu hộ tịch được 10.453 hồ sơ, đạt 100%; giai đoạn II được 22.213 hồ sơ, đạt 100%; giai đoạn III được 3.519/5.773 hồ sơ, đạt 57,73%...
* Là huyện miền núi, việc thực hiện công tác CĐS tại địa phương gặp phải khó khăn gì, thưa ông?
- Toàn huyện có 7 xã và 52/75 thôn, buôn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nhận thức về CĐS của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế nên đây là khó khăn, thách thức rất lớn đối với địa phương trong quá trình CĐS. Tiếp đến đó là tình trạng những người trẻ đi làm ăn xa, ở nhà chủ yếu là người già và trẻ nhỏ nên tỉ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh rất thấp, là rào cản lớn trong thực hiện xã hội số tại địa phương. Cơ sở hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, hiện đại, vẫn còn nhiều khu vực sóng wifi chập chờn cũng ảnh hưởng đến công tác CĐS.
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động cơ quan nhà nước tuy có chuyển biến nhưng chưa đồng đều; chưa thực hiện việc số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, chưa lập và lưu trữ hồ sơ công việc điện tử. Đội ngũ cán bộ có trình độ công nghệ thông tin vừa thiếu, vừa yếu, toàn huyện chỉ có 1 công chức phụ trách công nghệ thông tin… càng làm cho quá trình CĐS gặp nhiều khó khăn.
* Vậy địa phương đặt mục tiêu gì trong công tác CĐS thời gian tới?
- Huyện Sông Hinh tiếp tục quán triệt và triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về CĐS, qua đó nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Địa phương cũng xác định rõ nhiệm vụ cụ thể của cơ quan, đơn vị và trách nhiệm của người đứng đầu, của từng cán bộ, công chức, viên chức trong tổ chức thực hiện để góp phần đẩy mạnh công tác CĐS trên địa bàn.
Huyện ủy chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch khắc phục hạn chế, tồn tại trong công tác tuyên truyền và xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính phủ số. Trong đó tập trung xây dựng bộ nhận diện bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa cấp xã đối với cácxã Ea Bia, Đức Bình Đông, Ea Bá, Sơn Giang và khởi tạo trang thông tin điện tử cấp xã ở các xã Ea Bar, Ea Lâm, Ea Trol, Ea Bá. Mở chuyên mục CĐS trên Đài truyền thanh huyện; đẩy mạnh thực hiện chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước; phấn đấu 100% cơ quan, ban ngành trực thuộc huyện và UBND các xã, thị trấn áp dụng việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số trên trục liên thông văn bản của tỉnh; 100% lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo các phòng, ban ngành, đoàn thể huyện, lãnh đạo HĐND, UBND xã, thị trấn sử dụng chữ ký số cá nhân để phê duyệt hồ sơ văn bản điện tử trên môi trường mạng (trừ văn bản mật) và cán bộ, công chức, viên chức xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; tích cực thu nhận hồ sơ làm căn cước công dân và kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tỉnh giao trong năm 2023.
* Để mỗi người dân trở thành một công dân số, địa phương đã và sẽ làm gì, thưa ông?
- Mới đây, huyện tổ chức ngày hội CĐS huyện Sông Hinh năm 2023 nhằm tạo cú hích trong nhận thức từ cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là người dân địa phương. Tại ngày hội này, hơn 3.000 lượt người dân đến tham gia, tìm hiểu các tiện ích số, ứng dụng số, cài đặt các ứng dụng số để phục vụ hoạt động hằng ngày. Qua đó, hàng ngàn người dân đã hiểu hơn về CĐS, tính hữu dụng, cần thiết và tất yếu của công tác CĐS hiện nay, tiến gần hơn đến mục tiêu mỗi người dân là một công dân số.
Địa phương cũng sẽ tiếp tục phát huy vai trò của các tổ công nghệ số cộng đồng; chỉ đạo thành viên các tổ tích cực bám sát dân, nhất là các vùng đồng bào để hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các nền tảng số. Hiện 75/75 thôn, buôn, khu phố có tổ công nghệ số cộng đồng với gần 600 thành viên. Nhờ vậy, việc tuyên truyền, vận động người dân đăng ký thủ tục cấp căn cước công dân, cài đặt ứng dụng VNeID và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, sử dụng zalo để trao đổi thông tin, công việc ở địa phương thuận lợi hơn, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và tăng mức độ hài lòng của người dân với chính quyền.
* Xin cảm ơn ông!
Hiện 75/75 thôn, buôn, khu phố ở Sông Hinh có tổ công nghệ số cộng đồng với gần 600 thành viên. Nhờ vậy, việc tuyên truyền, vận động người dân đăng ký thủ tục cấp căn cước công dân, cài đặt ứng dụng VNeID và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, sử dụng zalo để trao đổi thông tin, công việc ở địa phương thuận lợi hơn, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và tăng mức độ hài lòng của người dân với chính quyền. |
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn