Giúp thanh niên nông thôn lập thân, lập nghiệp

Thứ ba - 10/07/2018 23:20
Tỉnh Đoàn Phú Yên vừa tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT), phương thức mới trong sản xuất nông nghiệp cho hơn 100 thanh niên ở huyện Tây Hòa. Đây là một trong những hoạt động nhằm giúp thanh niên nông thôn có điều kiện phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng.
Tuổi trẻ Đoàn khối Các cơ quan tỉnh tặng chuối cấy mô và hướng dẫn kỹ thuật trồng cho thanh niên huyện Sơn Hòa.
Tuổi trẻ Đoàn khối Các cơ quan tỉnh tặng chuối cấy mô và hướng dẫn kỹ thuật trồng cho thanh niên huyện Sơn Hòa.

Trang bị kiến thức và kỹ thuật chăn nuôi

Lớp tập huấn với hơn 100 thanh niên nông thôn được Trưởng Phòng Kỹ thuật Trung tâm Giống và Kỹ thuật vật nuôi (Sở NN-PTNT Phú Yên) Vũ Thị Minh Thư trực tiếp hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi gà thịt và kỹ thuật nuôi rắn mối. Ngoài ra, các học viên cũng được báo cáo viên này giới thiệu một số mô hình nuôi gà, rắn mối ứng dụng khoa học công nghệ mới trên địa bàn tỉnh; kỹ thuật xử lý chuồng trại nuôi, cách chăm sóc và chọn giống nuôi để gà, rắn mối phát triển tốt.

Anh Ngô Trung Việt ở xã Hòa Thịnh, một trong những thanh niên tham gia lớp tập huấn này chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi gần 50 con gà thịt theo kiểu truyền thống. Mỗi sáng, tôi cho gà ăn rồi thả trong vườn đến tối thì nhốt lại nên chúng thường bị bệnh và chậm lớn. Hôm nay được chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật, cách nuôi gà thịt, tôi thấy rất bổ ích. Sau đợt tập huấn này, tôi sẽ đầu tư mua thêm gà và mở rộng trang trại để phát triển kinh tế gia đình”.

Chăm chú lắng nghe và rất tâm đắc với kỹ thuật nuôi rắn mối mà chuyên gia của Sở NN-PTNT truyền đạt, như: kỹ thuật quy cách thiết kế chuồng trại; nguồn thức ăn cho rắn mối; cách chọn giống rắn mối và cách phân biệt rắn mối đực và cái để nuôi có hiệu quả cao…., anh Nguyễn Đăng Nguyên ở xã Hòa Đồng cho hay: “Tôi có gần 2 sào đất lâu nay chỉ để trồng cỏ nuôi bò. Mấy năm nay bò rớt giá nên ít có lãi. Qua tập huấn lần này cho thấy, đầu tư nuôi rắn mối không tốn kém nhiều. Với lại, rắn mối ít dịch bệnh, giá thành tương đối mềm và trị rất nhiều bệnh nên được nhiều người ưa chuộng. Sắp tới, tôi sẽ vay vốn thông qua kênh Đoàn Thanh niên để đầu tư nuôi rắn mối”.

Không chỉ được truyền đạt, tiếp thu kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi gà thịt, rắn mối, những kiến thức về nuôi gà đá (gà nòi) để có thu nhập cao cũng được báo cáo viên của Sở NN-PTNT hướng dẫn tận tình.

Nhiều tấm gương điển hình

Theo Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh Phú Yên Trần Minh Trí, những năm qua, phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” được các cấp bộ Đoàn, Hội đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận các tiến bộ KHKT, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thông qua các buổi tập huấn, chuyển giao KHKT. Các cấp bộ Đoàn, Hội cũng đã làm cầu nối để thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay mở rộng các mô hình trang trại, chăn nuôi, giúp thanh niên có việc làm, tăng thu nhập, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Với nỗ lực của bản thân, sự giúp sức, động viên từ tổ chức Đoàn, Hội, nhiều thanh niên nông thôn đã gây dựng được cơ ngơi cho gia đình, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương. Anh Nguyễn Tấn Sanh (SN 1985, ở thôn Phú Tân 1, xã An Cư, huyện Tuy An) là một trong hàng trăm thanh niên ở Phú Yên trưởng thành từ phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp. Xuất thân trong gia đình nghèo khó, nhưng với sự nỗ lực của bản thân, thông qua Đoàn Thanh niên xã, anh Sanh vay 40 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Tuy An đầu tư nuôi tôm sú xen cua xanh. Từ đó, anh Sanh đã vực dậy kinh tế gia đình, có điều kiện thành lập doanh nghiệp sản xuất nước tinh khiết. “Mỗi ngày, công ty chúng tôi cung ứng ra thị trường hàng trăm bình nước tinh khiết đạt chuẩn; tạo việc làm ổn định cho 7 lao động là người địa phương, với mức lương từ 3 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng. Công ty đang mở rộng cơ sở sản xuất và đầu tư thêm xe tải chở nước cung cấp cho khách hàng”, anh Sanh cho biết.

Trường hợp anh Lê Kim Thanh (SN 1994, ở thôn Ngọc Sơn Tây, xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa) cũng vươn lên thoát nghèo từ hai bàn tay trắng. Sau khi học hết THPT, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Thanh quyết định dừng việc học ở nhà giúp gia đình. Năm 2016, sau khi lập gia đình, anh tập trung vào việc trồng cây gây rừng. Hiện tại, Thanh là ông chủ của 3ha cây keo lá tràm 3 năm tuổi ở Lỗ Chài, xã Hòa Quang Bắc; nuôi gần 100 con gà nòi và thuê 3ha ruộng trồng lúa hai vụ. Anh Thanh cho hay: “Để trồng keo, làm ruộng cho năng suất, hiệu quả cao, tôi lên mạng tìm hiểu và tham gia các buổi hội thảo đầu bờ. Tôi cũng đã tham gia 2 lớp tập huấn ở xã và huyện về nuôi gà nòi, từ đó mới biết cách chăm sóc gà tốt. Hàng năm, riêng tiền bán gà cho thu nhập trên 50 triệu đồng. Cuộc sống gia đình tôi đã tốt hơn trước rất nhiều”.

“Sau khi khảo sát nhu cầu thực tế và nguyện vọng tiếp cận tiến bộ KHKT, phương thức sản xuất mới trong nông nghiệp của thanh niên nông thôn trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức các lớp tập huấn, trong đó chú trọng chuyển giao các chuyên đề mới, sáng tạo và có tính ứng dụng cao với điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của đoàn viên thanh niên. Bên cạnh chuyển giao KHKT trong sản xuất, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn còn tập trung hỗ trợ thanh niên mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm, kết nối với các doanh nghiệp để hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của thanh niên. Từ đó hỗ trợ thanh niên nông thôn có điều kiện phát triển kinh tế, khởi nghiệp, lập nghiệp, làm giàu chính đáng”, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh Trần Minh Trí cho biết thêm.

Hiếu Trung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây