“Ông Bụt” ở làng biển Tiên Châu

Thứ ba - 19/06/2018 04:10
30 tuổi, chàng trai Huỳnh Xuân Hoàng được nhiều người dân ở làng biển Tiên Châu, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An thương mến gọi với cái tên “Thầy giáo trẻ của làng” hay “Ông Bụt của trẻ em nghèo”…
Xuân Hoàng cắt tóc cho một người dân địa phương.
Xuân Hoàng cắt tóc cho một người dân địa phương.

Gần 4 năm mở lớp học tình thương cho trẻ em ở các xã ven biển, hiện mỗi ngày Hoàng dạy 5 lớp với gần 300 em theo học. Không những̉ thế, Hoàng còn thành lập thư viện sách phục vụ bà con, cắt tóc miễn phí cho người nghèo. Những việc làm nhân ái của chàng trai này khiến mọi người cảm phục.

Từ tiệm cắt tóc “kỹ và đẹp”

Ở làng biển Tiên Châu có một tiệm cắt tóc rất đặc biệt. Giữa vùng quê trong những ngày nắng nóng đầu hè, tiệm cắt tóc máy lạnh trở thành điểm đến của nhiều người đàn ông và cả trẻ em trong làng. “Hoàng cắt tóc: Kỹ và đẹp”, biển hiệu của tiệm treo ngay đầu đường đưa chúng tôi vào sâu trong con hẻm nhỏ để tìm gặp người chủ đặc biệt. Đó là Huỳnh Xuân Hoàng, người mà nhiều năm nay, bà con trong làng hết sức quý mến và luôn nhiệt tình nói về những việc làm đầy nhân ái của anh, mỗi khi có ai hỏi đến. Dù là trong hẻm sâu, nhưng tiệm cắt tóc luôn đông khách. Hoàng vừa cắt tóc cho một người đàn ông mới đi biển về, vừa kể: “Nghề cắt tóc đến với tôi như một cái duyên, là cái nghề khởi đầu cho hành trình của mơ ước dạy học miễn phí cho trẻ em nơi đây. Học cắt tóc và mở tiệm Đồng Nai hơn 1 năm, tôi giao lại cho người bạn rồi về quê. Làm gì cũng phải tận tâm và chu đáo. Ở đây hớt tóc rất kỹ và đẹp nên dần dần nhiều người biết đến”.

3 năm với nhiều thành tích học tập tốt ở Trường cấp 2-3 Võ Thị Sáu (xã An Ninh Tây, huyện Tuy An), Hoàng mơ ước được vào đại học. Nhưng nhà quá nghèo, lại lo cho các em còn nhỏ, ba mẹ thì không đủ khả năng, nên Hoàng phải gác lại ước mơ để vào Đồng Nai làm công nhân. Những tháng ngày đó, thấy cuộc sống cơ cực của dân lao động, Xuân Hoàng thấm thía được giá trị của việc học tập để có một tương lai tốt. Nghĩ đến những trẻ em quê phải nghỉ học sớm để đi làm thuê làm mướn, nhiều em muốn học cũng không biết học ở đâu, Hoàng bắt đầu hành trình dạy học miễn phí bằng cách chọn học nghề cắt tóc để nuôi sống bản thân và có kinh phí mở lớp học tình thương của mình.

Xuân Hoàng cắt tóc cho một người dân địa phương

Tấm lòng nhân ái của Xuân Hoàng thể hiện ngay tiệm cắt tóc này, bởi những người nghèo và trẻ em khó khăn làng biển đều được cắt tóc miễn phí rất “kỹ và đẹp”. Bà Nguyễn Thị Hường làng biển Tiên Châu nói: “Đây là tiệm cắt tóc đặc biệt nhất ở Tuy An. Mấy đứa nhỏ nhà nghèo, mồ côi hay người già khó khăn đến cắt, cháu Hoàng đều cắt rất chu đáo và không lấy tiền, bà con quý cháu lắm”. Tiệm cắt tóc của Hoàng hơn 2 năm nay có thêm em trai phụ, bởi khách rất đông, trong khi Hoàng còn phải dành thời gian để làm nhiều việc ý nghĩa khác…

Sát tiệm cắt tóc, Xuân Hoàng dành một phòng nhỏ để làm thư viện sách cho bà con đến xem, mượn đọc. Đa phần là sách về Phật giáo, dạy con người về cách sống nhân nghĩa ở đời, sách về tâm lý, về kỹ năng sống. Số sách do Hoàng tự mua và một phần được bạn bè, người quen gửi tặng. Mỗi ngày, nhiều bà con đến đây để mượn về đọc, ai thấy sách hay, cần đọc nhiều lần, Hoàng đều tặng miễn phí. “Đọc sách như gương soi cho nhiều người nhìn lại mình, thay đổi tâm tính để sống vui vẻ, hạnh phúc hơn. Thế nên, tôi muốn bà con và cả các em thiếu nhi ở đây tiếp cận với những cuốn sách hay, những thông điệp cuộc sống ý nghĩa, nên mở ra thư viện mini này”, Hoàng chỉ vào giá sách mới trưng bày cho chúng tôi xem. Ngoài sách, thư viện còn có nhiều băng đĩa tư vấn kỹ năng sống, một số ít là những bài giảng của các sư thầy nổi tiếng về giáo lý của Đức Phật. Hoàng tuy không là phật tử thường xuyên đến chùa, nhưng anh rất tin vào luật nhân quả. Hơn 7 năm nay, chàng trai này cùng hai người em của mình đãăn chay trường.

Đến lớp học đặc biệt giữa làng biển

Một ngày của Xuân Hoàng hết sức bận rộn, đến mức nhiều khi không kịp ăn. Bởi bên cạnh việc cắt tóc, Hoàng còn là người “thầy giáo” tận tâm của các lớp học tình thương đặc biệt. Gọi là thầy giáo, bởi cái tên ấy bà con đều mến thương gọi, còn Hoàng thì lại khác: “Tôi không muốn học sinh gọi mình là thầy. Gọi anh là được rồi, gần gũi, thân thương, dễ nói chuyện hòa đồng hơn”.

Hàng đêm, trong tiệm cắt tóc và gian phòng của thư viện, Hoàng mở lớp dạy Toán, Lý, Hóa cho các em. Cách dạy của Hoàng rất hay và dễ hiểu. Nhiều học sinh yếu được Hoàng chỉ dạy hàng đêm, giờ đều tiến bộ, học khá giỏi. “Hữu xạ tự nhiên hương”, rất nhiều học sinh ở làng khác, thậm chí ở xã khác đến xin Hoàng vào học. “Mình không phân biệt giàu nghèo hay ở đâu xa gần, em nào muốn học là cho vào học, miễn là học tiến bộ. Mấy tháng đầu, lớp đã có gần trăm em theo học, vừa vui vừa lo”, Hoàng lo lắng bởi không gian chật chội, nhiều em phải ngồi cả ngoài hiên nhà để học; xe đạp thì không có chỗ để, phải gửi nhà hàng xóm và nhờ mấy cô bác giữ hộ.

Có hôm, anh trưởng thôn Tiên Châu đến cắt tóc, Hoàng nói nguyện vọng của mình. Anh ấy tổ chức họp thôn và bà con đồng ý cho Hoàng mượn trụ sở nhà văn hóa mới xây dựng khang trang để dạy tốt hơn. Hè năm 2017, Hoàng bắt đầu chuyển lớp học của mình đến đây và cũng từ đó, lớp học phát triển hơn, mỗi ngày có đến gần 300 em, chia ra làm 5 lớp với lịch học từ 7 giờ 45 cho đến 21 giờ đêm. Hiện nay, Hoàng không chỉ dạy các môn tự nhiên mà dạy thêm các môn xahội, tiếng Anh và đặc biệt có thêm môn kỹ năng sống, học làm người có ích, thu hút các em nhỏ mỗi khi vào tiết học.

Dù chỉ mới tốt nghiệp THPT, chưa qua bất kỳ trường lớp sư phạm nào, nhưng Hoàng lại rất có năng khiếu từ cách giảng bài cho đến những phương pháp học tập. Buổi học tình thương lúc nào cũng bắt đầu từ những trò chơi thú vị “chơi mà học, học mà chơi”. Môn Tiếng Anh, mỗi em sẽ tự làm kính che mắt bằng giấy bìa. Khi kiểm tra bài cũ, các em sẽ đeo lên mắt để không copy. Em nào làm sai sẽ bị chấm một nét bút lông lên kính giấy, cuối buổi sẽ có hình phạt là hát hoặc làm vệ sinh lớp học. Cứ thế, những học trò làng biển rất hứng thú với cách kiểm tra bài độc đáo do Hoàng nghĩ ra. Cứ 1, 2 tháng, Hoàng lại vào các nhà sách Tuy Hòa, chọn những sách mới do Bộ GD-ĐT phát hành; tra cứu thêm thông tin trên mạng để trau dồi kiến thức cho mình, từ đó truyền đạt để các em dễ hiểu hơn. “Dạy các em cũng chính làdạy mình, rèn luyện cho các em cũng là rèn luyện cho chính mình, càng ngày, kiến thức càng mở rộng”. Môn kỹ năng sống hay học làm người có ích luôn được Hoàng tâm huyết truyền đạt đến các em; những câu châm ngôn hay, những câu chuyện trong cuốn “Quà tặng cuộc sống” luôn được Hoàng chia sẻ qua từng buổi học. Lâu dần, từng câu châm ngôn ý nghĩa được các em thuộc nằm lòng và cùng nhau thực hành trong cuộc sống. Em Nguyễn Thị Phương chia sẻ: “Học ở lớp anh Hoàng, tụi em còn được trang bị thêm một cuốn vở. Mỗi ngày làm được việc gì tốt, em sẽ đánh dấu +, làm việc gì mà để người khác phải buồn, em đánh dấu -. Càng nhiều dấu + thì sẽ được anh Hoàng tuyên dương, nên em và các bạn luôn cố gắng”.

Để khuyến khích các em, dù rất khó khăn, nhưng Hoàng vẫn dành dụm tiền mua vở, mua bút để thưởng cho những em học tốt, cứthế, tinh thần học tập của các em ngày càng được nâng lên. Trụ sở thôn chỉ có vài chiếc bàn ghế, mà học sinh học ngày càng đông, nên Hoàng cũng tự đi đóng bàn, mua ghế để các em học. Mùa hè này, số học sinh đến lớp tăng cao, những học sinh học suất sáng thường không đủ chỗ ngồi, các em đến sau phải ngồi dưới sàn để học. Khó khăn quá, cả Hoàng và các em nhỏ trong lớp đã phát động mỗi buổi đi học, mỗi bạn sẽ mang theo một chiếc ghế nhựa, đánh dấu tên vào ghế, cứ như thế sẽ không ai phải ngồi dưới đất.

Năm học 2017 - 2018 vừa qua, học sinh của Hoàng đều có học lực khá, giỏi, có em còn là học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Đó chính là niềm vui, là động lực để mỗi ngày Hoàng nỗ lực nhiều hơn trên hành trình mang tri thức đến với những học sinh ở làng biển. Hoàng luôn mơ ước tìm được những người có tâm như mình để cùng duy trì lớp học tình thương đặc biệt này và mong có những sự hỗ trợ để các em có điều kiện học hành tốt hơn.

Bà Đinh Thị Thiên Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã An Ninh Tây tự hào về lớp học này: “Đi nhiều nơi trong tỉnh, nhưng chưa thấy lớp học nào đặc biệt như lớp học của Xuân Hoàng. Sự tận tâm của Hoàng làm chúng tôi và cả bà con xã rất cảm động. Tấm gương của Hoàng luôn được xã ghi nhận và thường xuyên đề nghị lên các cấp khen thưởng trong các cuộc vận động”.

Thoại Kỳ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây